Trong những cơ may đó, hạt nhân cấp tiến lớn nhất là ông Trần Xuân Bách, mà Tiến Sĩ Nguyễn Thanh Giang gọi là cơ may Gorbachev cho Việt Nam.
|
Trần Khải |
Trong khi hầu hết các nước trên thế giới vui mừng vì có lãnh tụ Xô viết Mikhail Gorbachev góp sức giải thể chế độ Liên Bang Xô viết năm 1991, các nước cộng sản Châu Á dưới trướng của Trung Quốc lại căm thù Gorbachev không sao kể xiết. Và cứ mỗi lần củng cố lý luận, các quan chức Trung Quốc, và cả Cộng Sản Việt Nam lại cảnh giác rằng phaỉ coi chừng có những Gorbachev len lỏi trong hàng ngũ cán bộ.
Và đó là suy nghĩ căn bản để Đảng Cộng Sản VN nương tựa trong khi đaò tạo và xây dựng cán bộ lãnh đaọ tương lai: họ chỉ còn tin vào con và cháu của họ. Họ không còn tin vào người ngoài dòng tộc nữa. Ngắn gọn, các lãnh tụ CSVN không còn tin vào nhân dân nữa.
Một bài viết ký tên “Trung Tướng PGS, TS Nguyễn Tiến Bình” trên báo Quân Đội Nhân Dân ngày 27-6-2011 đã nêu lên nỗi lo đó ngay ở nhan đề, “Lựa chọn, bố trí đúng cán bộ trong chuyển tiếp thế hệ lãnh đạo, quản lý.”
Thế nào là lựa chọn đúng và bố trí đúng cán bộ trong chuyển tiếp thế hệ lãnh đạo?
Có phải là dựa theo ý dân qua bầu cử hay không? Không. Nhà nước CSVN không cần ý dân như thế. Có phải là dựa theo khả năng chuyên ngành hay không? Không. Đảng CSVN không cần khả năng chuyên môn, vì các chuyên gia trong nhóm “nhân dân bị trị” sẽ làm công tác vững tay nghề đó.
Đơn giản, là chỉ có vài dòng họ sẽ thay nhau làm một vương quyền kiểu mới ở Việt Nam, một vương quyền đỏ. Và cốt tủy là, phảỉ coi chừng các Gorbachev kiểu VN, phảỉ coi chừng bất kỳ một chuyển biến nào có thể làm lung lay quyền lãnh đaọ của đảng, bất kể ý nguyện của dân.
Bài báo trên QĐND đã nói rõ, trích: “…Sẽ mắc sai lầm nghiêm trọng về chiến lược và phải trả ngay những giá rất đắt nếu mắc sai lầm trong lựa chọn, bố trí cán bộ. Sự sụp đổ và tan rã của Liên bang Cộng hòa XHCN Xô-viết cách đây 20 năm cho chúng ta bài học rất sâu sắc về vấn đề này. Nhân danh “đổi mới”, “cải tổ”, những phần tử cơ hội, thực dụng về kinh tế và chính trị trong ban lãnh đạo Đảng và Nhà nước Liên Xô đã phản bội lý tưởng XHCN và lợi ích quốc gia dân tộc, dùng mọi thủ đoạn loại bỏ những người cộng sản kiên trung ra khỏi bộ máy lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và quân đội. (Khi M.Goóc-ba-chốp làm Tổng bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô, có 8 ủy viên trong Bộ Chính trị và Ban Bí thư Trung ương Đảng, hơn 20 bộ trưởng và hàng chục lãnh đạo cấp bộ, 92,5% trong 150 bí thư khu ủy, thành ủy, tỉnh ủy bị cách chức hoặc thay thế; trong ba năm từ 1987 đến 1989 có khoảng 50% cán bộ cơ quan chiến lược của quân đội, hơn 100 cán bộ chính trị cấp chiến dịch – chiến lược và 30% tướng lĩnh bị cách chức hoặc cho ra quân với lý do “tư tưởng bảo thủ, không ủng hộ cải tổ”, được thay thế bởi những phần tử “cấp tiến”). Từ đó, làm cho Đảng Cộng sản Liên Xô bị mất vai trò lãnh đạo và tan rã, Quân đội Liên Xô tuy còn 3,9 triệu quân, được trang bị rất hiện đại, vượt xa quân đội các nước cả về lực lượng chiến đấu thông thường và lực lượng hạt nhân chiến lược, nhưng do bị “phi chính trị hóa” nên mất sức chiến đấu, không bảo vệ được Tổ quốc XHCN…”(hết trích) Tên của Gorbachev được ông “PGS, TS” kia phiên âm thành “Goóc-ba-chốp” trong khi đấu tố rằng người mà hầu hết nhân loại mang ơn là kẻ “đã phản bội lý tưởng XHCN.”
Nếu thực sự như thế, vậy rồi những cuộc bầu cử dân chủ sau năm 1991 tại nước Nga (cựu Xô viết) lại vẫn gạt bỏ quyền lãnh đạo của các lãnh tụ kiên tâm của Cộng Sản Nga?
Ý nguyện dân Nga đã muốn đổi mới, đã muốn thay đổi, tại sao có ông Việt Nam từ Hà Nội kết tội người đã mang tự do và nhân quyền (dù là chưa hoàn toàn kiểu tự do và nhân quyền Phương Tây) cho cả nước Nga?
Chưa hết, bài báo nêu trên lại cảnh báo về những hoạt động “diễn biến hòa bình,” ám chỉ cụ thể là Hoa Kỳ đang ra sức bứng ghế lãnh đạo của Đảng CSVN. Bài báo trích: “…Trong chiến lược “diễn biến hòa bình” chống phá độc lập dân tộc và CNXH ở nước ta, các thế lực thù địch ra sức lợi dụng các dự án đầu tư, viện trợ kinh tế, hoạt động “ngoại giao thân thiện”, chương trình “hợp tác đào tạo”… để tăng cường “can dự” sâu hơn vào công tác nhân sự, “đón lõng” quá trình chuyển tiếp các thế hệ cán bộ lãnh đạo, quản lý của Đảng và Nhà nước ta nhằm tạo ra một đội ngũ cán bộ “cấp tiến” thân phương Tây tư bản chủ nghĩa, nhất là trong các cơ quan tham mưu chiến lược và ban lãnh đạo, điều hành đất nước, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ ta. Kịch bản này đã được các thế lực thù địch thực hiện thành công ở Liên Xô và các nước Đông Âu trong những thập kỷ cuối thế kỷ 20.
Để xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN, vấn đề then chốt có ý nghĩa quyết định là xây dựng và thực hiện tốt chiến lược cán bộ. Trong công tác tổ chức, sắp xếp cán bộ từ Trung ương đến cơ sở, nhất là những vị trí chủ chốt, cần chú ý lựa chọn, bố trí đúng những người thực sự tiêu biểu về bản lĩnh chính trị…”(hết trích)
Như thế, lựa chọn đúng, bố trí đúng chỉ có nghĩa là ngôi vua sẽ cha truyền con nối. Một hình thức truyền ngôi mới, và tinh vi hơn cả trường hợp Bắc Hàn, đang diễn ra tại Việt Nam. Tại Trung Quốc, các cán bộ con cháu được tuyển gọi là “Thái Tử Đảng,” nghĩa là phe cánh các con cán bộ lãnh đạo, được sửa soạn để lên kế vị lãnh đạo. Tại Việt Nam, chữ gọi là CCCCC, viết tắt của nhóm chữ “Con Cháu Các Cụ Cả.” Tuy nhiên, Việt Nam phức tạp hơn các trướng hợp khác. Bởi vì, nếu cứ làm chư hầu cho đàn anh Phương Bắc trong vị trí kiên trì xã hội chủ nghĩa, trước sau gì cũng sẽ mất nước. Như chúng ta đã và đang thấy: mất nửa thác Bản Giốc, mất Ải Nam Quan, mất núi Lão Sơn, mất nhiều vùng hiểm hóc tỉnh Hà Giang, phố Tàu mọc lên nhiều nơi tại VN, tới 90% gói thầu công trình tại VN là giao cho công ty Trung Quốc và rồi họ đưa công nhân nước họ di dân sang VN làm việc, rừng phòng hộ cũng đưa cho họ khai thác với hợp đồng cả nhiều thập niên, và bây giờ là Biển Đông, kho tàì nguyên lớn.
Tình hình lệ thuộc được nói minh bạch qua lời của hai ông Phạm Văn Đồng và Nguyễn Cơ Thạch sau các hội nghị ở Thành Đô, Trung Quốc, những năm 1990 và 1991.
Loạt bài nghiên cứu của nhà báo Bùi Tín nhan đề “Cung Vua và Phủ Chúa (Cung đình Cộng sản Hà Nội từ 1991 đến 2008)” đã ghi như sau: “Cuộc gặp cấp cao Việt Trung ở Thành Đô (tháng 9-1990) Trước khi khai mạc Đại hội VII, cố vấn Phạm Văn Đồng lúc này đã 85 tuổi, mắt gần như mù, tai nghễnh ngãng, dự cuộc họp của bộ chính trị kiểm điểm về công tác đối ngoại, than thở rằng: ‘” Ở Thành Đô chúng ta đã sai lầm, để lại hậu quả xấu; ta đã hớ, ta đã dại. Tôi rất ân hận; lẽ ra tôi không nên đi; tôi rất đau lòng”…
Ông Nguyễn Cơ Thạch từng phân tích sâu sắc hai mặt của nhóm lãnh đạo Trung Quốc: mặt cách mạng, cộng sản, XHCN, tinh thần quốc tế… và mặt bá quyền, bành trướng, xâm lược, dân tộc nước lớn, và cho rằng đối với Việt Nam, Đông Dương và Đông Nam Á, Trung Quốc đang ”biểu diễn mặt thứ hai là mặt chính, mặt thật”. Trên tinh thần ấy, ông Thạch hạ một nhận định chua cay: ”việc bình thường hoá Việt – Trung tháng 11-1991 như đã diễn ra, sự thật là bắt đầu một thời kỳ phụ thuộc hoá !”. Chúng ta nghĩ đến thời kỳ Bắc thuộc nghìn năm thời xa xưa. Nay nó khởi đầu lại từ Đại hội VII (1991), qua 3 đại hội, đến sau Đại hội X (2006) rồi, gần 20 năm nay vẫn chưa chấm dứt.”(hết trích)
Thực ra, cơ may của Việt Nam đã bị bỏ lỡ từ những năm cuối thập niên 1980s.
Trong những cơ may đó, hạt nhân cấp tiến lớn nhất là ông Trần Xuân Bách, mà Tiến Sĩ Nguyễn Thanh Giang gọi là cơ may Gorbachev cho Việt Nam. Bài viết của Tiến Sĩ Nguyễn Thanh Giang đăng trên Thông Luận, nêu minh bạch ngay ở nhan đề “Trần Xuân Bách, một mầm “Gorbachev Việt Nam” bị diệt”… Bài báo trích: “…Ông hướng theo con đường cải tổ của Gorbachev… Tội lớn của Trần Xuân Bách đối với Đảng chỉ là do ông đã hô hào phải đổi mới chính trị… Tội càng nặng hơn khi ông cổ súy dân chủ rất mạnh mẽ: “Dân chủ không phải là ban ơn, không phải là mở rộng dân chủ (mở rộng). Đó là quyền của dân, với tư cách là người làm nên lịch sử, không phải là ban phát, do tấm lòng của người lãnh đạo này hay người lãnh đạo kia. Thực chất của dân chủ hóa là khơi động trí tuệ của toàn dân tộc để tháo gỡ khó khăn và đưa đất nước đi lên kịp thời đại.” Ông đòi phải để nhân dân tham gia quyết đinh vận mệnh dân tộc, chứ không chỉ mình ĐCSVN…”(hết trích) Trong bài, Tiến Sĩ Nguyễn Thanh Giang cũng cho biết, khi ông Trần Xuân Bách chết vì bệnh vào ngày 1 tháng 1 năm 2006, thọ 82 tuổi, và: “Trong tang lễ, Hà Sỹ Phu đã viếng đôi câu đối: Đường XUÂN đã hướng đa nguyên, sao để ước mơ về Chín suối? Chiếc BÁCH giữa dòng đơn độc, âu đành duyên nợ với Ba sinh!”(hết trích) Như thế, cơ may Gorbachev tại Việt Nam có phải đã biến mất theo cùng ông Trần Xuân Bách? Hay là trong một cơ may mới, sẽ có một nhóm trong Đảng CSVN tỉnh ngộ vì thấy đã nhượng bộ lãnh thổ, lãnh hải cho TQ quá nhiều, rồi sẽ đổỉ hướng để đưa đất nước về hướng tự do, dân chủ, nhân quyền? Chúng ta không rõ chuyện tương lai. Nhưng các thỏa thuận không nêu rõ trong hội nghị giữa Thứ Trưởng Hồ Xuân Sơn với các lãnh đạo CSTQ quả nhiên là khả nghi, có thể sẽ bóp chết mọi mầm sống tương lai của dân Việt. Đáng ngại, thực đáng ngại
|