... ba vấn đề lớn của đất nước : Chống Nội xâm để xây dựng dân chủ pháp trị, chống Ngoại xâm để giữ vẹn Độc lập cho Tổ quốc, và vượt qua suy thoái, phát triển Kinh tế-Văn hoá.
|
Từ trái sang phải: Đặng Thanh Biên - Phó đại sứ V. E. Palmer - Hà Sĩ Phu- TLS Lê Thành Ân (Ảnh chụp lúc 14 giờ ngày 10-3-2011) |
- Tự thuật của Hà Sĩ Phu về một cuộc tọa đàm cùng Sứ quán Hoa Kỳ
Đã ba năm nay, mỗi năm Sứ quán hoặc Lãnh sự quán Hoa Kỳ đều có nhã ý đến thăm tôi một lần. Trừ năm 2010 cuộc thăm không thực hiện được vì phía Việt Nam không đồng ý, hai năm 2009 và 2011 tuy có đến thăm nhưng sau đó cũng có tín hiệu dị nghị không vui đến với tôi. Đại loại như: không biết tại sao Phó đại sứ Mỹ lại đến thăm, hay là để cho tiền? (!) (cuối năm 2009 tổ dân phố mời tôi ra kiểm điểm cuối năm vì tôi đã làm cho gia đình không đạt tiêu chuẩn Văn hoá, ảnh hưởng đến thành tích khu phố). Lại có tin nói đến tai tôi rằng cuộc gặp tháng 3 năm 2011 đã được ghi âm lén và băng ghi âm được niêm phong chuyển ra Trung ương! Chà, to chuyện quá, toàn chuyện nực cười.
Sở dĩ tôi không đưa tin gì về những lần gặp gỡ ấy vì đây chỉ là sự thăm hỏi cá nhân tôi, một công dân bình thường, thông báo làm chi to chuyện cho vô duyên. Vả lại có những nhận định cá nhân liên quan đến những vấn đề “tế nhị, nhạy cảm” nên tôi cũng “giữ ý”, không muốn nói rộng ra, chỉ ghi lại chi tiết rồi gửi cho một số bạn bè gần gũi biết (như Phụ lục ở cuối bài).
Nhưng chỉ trong mấy tháng nay, tình hình Biển Đông diễn biến quá nhanh, các phía liên quan đều bộc lộ quan điểm một cách thẳng thừng, không úp mở, sự “giữ ý” trở thành lạc hậu. Nên tôi thấy tốt nhất cứ công khai những ý kiến trao đổi, cũng là cách tốt nhất để tránh mọi sự suy diễn.
Trong quan hệ với Hoa Kỳ hiện còn 2 dòng tâm lý rất trái ngược do lịch sử để lại Nhiều người vẫn nhìn Hoa Kỳ với con mắt nghi kỵ như kẻ đầu sỏ của những “âm mưu diễn biến hoà bình”. Ngược lại không ít người được xếp vào xu hướng thân Mỹ thì luôn lấy Mỹ làm thần tượng, chờ đợi Mỹ như vị cứu tinh.
Tôi dứt khoát không thuộc về 2 xu hướng cực đoan ấy. Trong các bài viết cũng như trả lời phỏng vấn tôi luôn nhìn Hoa Kỳ trong hai mặt đối lập. Hoa Kỳ là một (trong những) đỉnh cao của Dân chủ và văn minh, có ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt nhân loại. Đối nội họ đã có một nền dân chủ pháp trị mẫu mực, nhưng đối ngoại thì diễn biến khôn lường, rất thực dụng vì quyền lợi của quốc gia họ.
Quan hệ của Hoa Kỳ với Việt Nam thế nào là do phẩm chất của Việt Nam quyết định, Việt Nam ở tầm nào Hoa Kỳ sẽ “chơi” ở tầm đó: nếu Việt Nam là một dân tộc văn minh, trung hậu Hoa Kỳ sẽ là người bạn lớn tuyệt vời, còn nếu Việt Nam không có phẩm chất ấy thì Hoa Kỳ sẽ đối xử tương xứng. Nếu dân chúng Việt Nam tự khẳng định mình chỉ là đàn vịt để Đảng chăn dắt thì bất cứ nước lớn nào cũng chỉ giao dịch với “ông chủ trại vịt” để cùng hưởng lợi trên lưng đàn vịt với giá rẻ nhất mà thôi. Vì thế trong một bài phỏng vấn tôi mong Hoa Kỳ có quan hệ với Việt Nam không chỉ bằng quan hệ nhà nước mà cần phát triển những quan hệ dân sự. Không biết có phải vì thế mà Sứ quán Hoa Kỳ muốn có những cuộc thăm hỏi dân tình, thăm hỏi dân sự như trường hợp của tôi hay không?
Một khi các vị khách quý nước ngoài đến thăm, vừa là ngoại giao, vừa muốn tìm hiểu tâm tư, thăm dò sự hiểu biết và ý chí của một trí thức Việt Nam, và có nhã ý muốn tham khảo ý kiến phục vụ cho sứ mạng ngoại giao của họ, thì tôi tự nhủ mình phải bộc lộ sao cho xứng đáng. Tôi không ngần ngại nói một cách sơ lược nhưng hệ thống những điều tôi đã viết ra từ hai chục năm nay. Tôi phân biệt những nhận thức thấu đáo tận gốc (mà người trí thức Việt Nam không thể khác những trí thức tiến bộ trên thế giới) nhưng trong hành động thì phải xuất phát từ điều kiện cụ thể của Việt Nam, với cả những nhược điểm xã hội cố hữu khiến cho sự đổi mới ở Việt Nam không thể giống các nơi khác.
Muốn người ta giúp nước mình chân thành, mình phải chân thành trước đã.
Trong quan hệ giữa các nước không có bạn vĩnh viễn hay kẻ thù vĩnh viễn, chỉ có sự phồn vinh của mỗi quốc gia là vĩnh viễn. Trong tình thế của Việt Nam liên tục bị nước khổng lồ xâm lăng một cách hiểm độc, tàn bạo, bài bản, và Việt Nam cũng đã bị sa bẫy quá sâu, thì bên cạnh sự tự cường để thoát ra không thể không thuận theo những tương quan quốc tế, trong đó sự có mặt của các cường quốc khác, nhất là Hoa Kỳ tại Biển Đông là một điều kiện có tính chất quyết định. Tôi thành tâm bộc lộ suy nghĩ ấy và tôi thấy các nhà ngoại giao Hoa Kỳ đã có cảm thụ khích lệ. Tôi hy vọng Nhà nước cũng xúc tiến quốc sự theo hướng ấy, vì không thể khác. Tổ quốc là trên hết
Đà Lạt ngày 28/6/2011 H. S. P. ___________________________________________________ PHỤ LỤC: CUỘC THĂM HỎI CỦA CÁC VỊ KHÁCH HOA KỲ THÁNG 3-2011
Ngày 10-3-2011, bà Phó Đại sứ Hoa kỳ Virginia E. Palmer cùng ông Tổng Lãnh sự Lê Thành Ân có tới thăm tôi tại nhà riêng ở Đà Lạt. Cuộc chuyện trò vui vẻ xoay quanh việc thăm hỏi sức khỏe và gia đình, cũng mạn đàm quanh những suy tư về Văn hóa - Xã hội hiện nay. Nội dung cuộc trò chuyện ấy tôi đã tường thuật và gửi ngay hôm đó đển các bạn bè gần gũi (ở trong và ngoài nước), nhưng không công bố rộng rãi vì cũng “giữ ý”: quan hệ Việt Nam với Trung Quốc và Hoa Kỳ là chuyện quốc sự hệ trọng, tôi chỉ nói ý kiến riêng mà có thể các vị khách Hoa Kỳ muốn tham khảo, công bố ra lỡ ý của mình trái ngược với Nhà nước cũng phiền.
Song đến nay, chi sau 3 tháng tình hình đã có đột biến, mọi sự “tế nhị” trước đây đã được các bên hữu quan vứt bỏ, phía Trung Quốc và Hoa Kỳ đều đã có những phát biểu thẳng thừng, không úp mở.
Tôi thấy nên “bạch hóa” cuộc trò chuyện ấy, trước hết để tránh sự nghi ngờ, sau nữa để Nhà nước thấy việc đẩy mạnh quan hệ với Hoa Kỳ là có lợi cho việc phòng thủ đất nước và rất hợp lòng dân, lòng những người dân bình thường như tôi, từ đó mà đẩy nhanh thêm sự liên kết có ý nghĩa chiến lược với Hoa Kỳ thì có lợi cho đất nước biết chừng nào.
Phía Khách đã đặt một số câu hỏi và tôi đã nói ý kiến cá nhân của mình
Phần I: Tóm tắt những ý kiến trao đổi của tôi (HSP)
1/ Về ba mối lo hiện nay của Việt Nam: Ba mối lo lớn của xã hội VN hiện nay là: - Chống ngoại xâm tức chống chính sách bành trướng của nhà cầm quyền TQ (không phải là chống văn hóa TQ hay chống nhân dân TQ) - Chống nội xâm tức chống độc tài và tham nhũng, lực lượng tiêu cực này phối hợp với ngoại xâm, làm cho nhân dân mất quyền làm chủ đất nước. Đây là cuộc vận động Dân chủ hóa xã hội. - Đối phó với suy thoái kinh tế tài chính, đồng tiền mất giá, giá sinh hoạt ngày một tăng cao. Ba vấn nạn này tác động lẫn nhau. Nhà nước VN thường dùng sự phát triển kinh tế để làm dịu hai mâu thuẫn về Dân chủ và Chủ quyền quốc gia. Nhưng khi kinh tế cũng suy thoái thì ý muốn đó muốn thực hiện cũng rất khó khăn.
2/ So sánh Việt Nam với mấy nước Tunisia, Egypt, Libya… đang làm cách mạng ôn hòa * Giống nhau - Giống nhau ở chỗ các chính quyền này cũng như ở VN đều được tạo dựng từ ngọn cờ Độc lập dân tộc, nên lúc đầu được dân ủng hộ và vì thế có thể củng cố địa vị một cách hợp pháp, đồng thuận với dân. - Cũng giống nhau ở chỗ vốn là những nước lạc hậu nên ít nhiều đều sa vào những chủ nghỉa Ảo tưởng với những nhãn hiệu “nhân dân”, “xô viết”, “xã hội chủ nghĩa” nhưng vai trò làm chủ của nhân dân không có thực chất, chỉ sự chuyên chính bất công là có thật. - Chính do độc quyền nên những bộ máy ấy dần dần tham nhũng, thoái hóa và mâu thuẫn với dân. Giải quyết được nhu cầu Độc lập nhưng không thiết kế được nền Dân chủ thì trước sau cũng mâu thuẫn với dân chúng (đó là mâu thuẫn tự sinh tất yếu, chứ không phải do Hoa Kỳ xúi giục như giải thích ở một bài báo của ĐCSVN: (http://www.cpv.org.vn/cpv/Modules/News/NewsDetail..aspx?co_id=30127&cn_id=448708). * Khác nhau - Khác nhau ở chỗ 3 nước kia sự độc tài có thể quy về cho một cá nhân. Còn sự độc tài của một nước CS chính thống như Việt Nam thì luôn là độc tài tập thể, rất khó quy kết cho cá nhân chừng nào “tập thể vua” ấy chưa bị phân hóa. - Ngoài ra VN có điểm tựa rất hiệu quả là dựa vào một lý thuyết nổi tiếng, từng được ngộ nhận là khoa học, lại có một nhân vật từng có uy tín trong dân làm thần tượng, từng trải qua một thời kỳ “đánh giặc” kéo dài, trong đó ĐCS đồng cam cộng khổ với dân. Đó là những nhân tố để làm dịu bớt những mâu thuẫn nội bộ hiện nay, để mỵ Đảng và mỵ Dân. - Nhưng điều khác biệt quan trọng hơn cả là “tâm lý dân tộc” hay “tính cách dân tộc”: người Việt (cả giới cai trị và giới bị trị) đều quá khôn ngoan trong những xử lý vặt, gọi tắt là khôn vặt, thích nghi rất giỏi với mọi tình huống để tồn tại, biến hóa giỏi quá nên thường không có ranh giới rành mạch, giữa đen và trắng, giữa ủng hộ hay chống đối, giữa khen hay chê, giữa thật hay giả…, nhiều khi nói vậy mà không phải vậy. Khi mọi mâu thuẫn đều biến hóa nhập nhằng thì khó lòng nổ ra những sự cố thật tốt hay thật xấu, tức là không hòng có cách mạng. - Người Việt hôm nay còn một nhược điểm là tính cá nhân riêng lẻ, tự do tản mạn, thiếu tinh thần tự chế ngự mình để cùng nhau hợp tác, cộng đồng trách nhiệm. Không ai chịu thua ai, không ai chịu nghe ai, lòng người ly tán, tạo thành một hỗn hợp thiếu chất kết dính, mà chất kết dính trước đây do Đảng CS tạo ra được thì nay hầu như đã hết tác dụng. Chính những đặc điểm ấy khiến cho việc giải quyết những mâu thuẫn trong lòng xã hội VN sẽ mang những sắc thái rất riêng, mặc dù những nhu cầu về Độc lập, Tự do, Hạnh phúc là chung cho toàn thể nhân loại. Trước đây, khi các nước CS Đông Âu sụp đổ, đã rộ lên những lời kêu gọi hãy làm như Đông Âu, tôi đã một lần vạch rõ ảo tưởng ấy. Nay trước cao trào cách mạng dân quyền ở Trung Á và Bắc Phi cũng lại rộ lên những lời kêu gọi xuống đường như họ! Chúng tôi vẫn chia sẻ những khát vọng chính đáng ấy, nhưng nếu cứ suy nghĩ nông nổi, hời hợt, cảm tính như vậy thì không thể đạt đến thành công. Ở VN khó lòng xảy ra những cuộc Cách mạng Hoa Lài, Hoa Sen… kiểu như vậy.
3/ Về bốn nhược điểm của Phong trào Dân chủ Việt Nam Xin không bàn đến những người “dân chủ cuội”, dân chủ để mưu lợi cá nhân. Chính phong trào của những người dân chủ chân thành cũng chứa những nhược điểm, lúc đầu khá nặng, nay đã bớt dần nhưng chưa hết. Có 4 nhân tố vốn là nhân tố rất tích cực, nhưng đi quá mức nên bị lệch lạc, chệch hướng, đó là: - Sống nặng với thế giới ảo (thế giới Internet) mà nhẹ với thế giới thật. - Thấy tôn giáo của mình có sức mạnh, nên tưởng tôn giáo của mình là bao trùm, lấy tôn giáo trùm lên thế tục, quên rằng ở VN (và các nước chịu ảnh hưởng nặng Khổng giáo) thì các tôn giáo không có vị trí chủ đạo như ở nhiều nước khác. - Gắn với hải ngoại nhiều hơn trong nước. - Lớp trẻ quá tự tin, không biết lắng nghe những người già từng trải. Trải qua thực tế bốn điều mất cân bằng này đang dần được khắc phục.
4/ Nhược điểm của giới “CẢI LƯƠNG” (loyal dissidents) trong nước Họ là những đảng viên hoặc trí thức của hệ chính thống, nhưng có tấm lòng, muốn Đảng mở rộng dân chủ từ quỹ đạo của ĐCS. - Họ không thấy rõ nguồn gốc những vấn nạn lớn chính là do đã du nhập chủ nghĩa Mác Lê phi khoa học, đã dùng một “phương tiện” chống lại mục đích nên kết quả lộn ngược so với khát vọng. Số đông những người này vẫn cho chủ nghĩa Mác cơ bản là tốt, chỉ vì đời sau không theo được con đường Bác Hồ đi theo chủ nghĩa Mác nên nay cần phải trở về với Bác là giải quyết được cơ bản. - Vì thế họ tìm cách cải tổ, chỉnh đốn để cho Đảng được dân chủ hơn. Coi những “đảng viên tốt” là nòng cốt, là chủ lực của dân chủ, hy vọng họ sẽ làm Đảng CS tự vỡ tạo nên một Đảng CS mới tốt đẹp. Cuộc cải cách chủ yếu từ trên xuống (tức cải cách cung đình). - Do nhận thức không triệt để, rất dễ bằng lòng với những cải cách nửa vời nên dễ sa bẫy dân chủ hình thức (ví dụ tin vào một vài cá nhân lãnh đạo, muốn có “luật lãnh đạo” cho Đảng, muốn Quốc hội thể hiện là nơi quyền lực tối cao, muốn dân được “phúc quyết” Hiến pháp như kiểu trưng cầu dân ý, v.v. mà không chú ý đến những quyền TỰ DO làm tiền đề cho những ước muốn Dân chủ ấy. Đó là những chế độ Dân chủ phi Tự do như F.Zakaria đã khuyến cáo). - Nên phê phán sự cải lương trong nhận thức, trái lại phải biết trân trọng và ủng hộ những hoạt động tiến bộ tuy còn “cải lương” vì đó là những chặng đường phải qua để có những tiến bộ sau cùng.
5/ Mấy nhận thức cơ bản cần thiết cho xã hội Việt Nam - Cần hiểu chủ nghĩa CS thực tiễn như một thể nghiệm không thành công của nhân loại trong một giai đoạn lịch sử, chẳng may VN cũng thuộc một trong các nước rơi vào sự thể nghiệm không thành công ấy. Du nhập chủ nghĩa Mác Lê vào là rước cả nạn NỘI XÂM và NGOẠI XÂM (Tàu Cộng) cùng vào khiến đưa đến hậu quả mất sức mạnh căn cốt truyền thống của dân tộc (dân tộc yếu đi trông thấy trước họa xâm lăng), tiêu vong cả lịch sử (đến một phim về người sáng lập triều đại tự chủ là Lý Thái Tổ cũng phải đội lốt Tàu để thể hiện), và nguy cơ nền độc lập đã giành được lại có có thể mất vào tay nước CS khổng lồ “anh em” (họ lấy danh nghĩa Đảng đàn anh để ép buộc hướng đi mang “tính Đảng” của Đảng thống trị của nước mình). - Tình hình đất nước bị cả Nội xâm và Ngoại xâm khống chế đến tận hang cùng ngõ hẻm là một thế cờ vô cùng hiểm nghèo, nếu chưa muốn công nhận là ngõ cụt. Phải có ý chí thật mạnh để thoát ra, nhưng đồng thời phải cực kỳ khôn khéo, biết đi đúng cách và kiên nhẫn (đây là điểm khác với Đông Âu, vì chủ nghĩa Mác Lê mọc trên đất phong kiến lạc hậu châu Á mới đúng là mảnh đất bám sâu của nó). Chủ nghĩa Mác đã nhân danh Nhân dân nhưng dẫn đến kết quả là tước sạch vũ khí vật chất và tinh thần của Nhân dân. Nhân dân bị trắng tay, mất sở hữu, mất tự do tư tưởng, mất sạch xã hội dân sự, không còn đất để đứng lên. Phải nhen nhóm Xã hội dân sự từ đầu, đó là lý do không thể làm ngay một “cách mạng Hoa” như Tunisia, Ai Cập… là những nước ít nhiều vẫn còn xã hội dân sự. - Chúng tôi nghĩ hãy khoan đòi những tiêu chuẩn dân chủ cao. Khi chưa có quyền Tự do gì mà muốn có Dân chủ sẽ được xơi Dân chủ giả hiệu ngay. Trước hết hãy nâng cao Dân trí trong những nỗ lực giành các quyền Tự do hiến định: Quyền Tự do Thông tin-báo chí, và Quyền Tự do lập các Hội dân sự, nghề nghiệp, Ái hữu… mà tuy trên danh nghĩa đã có, nhưng nay phải giành cho có thực chất. Chúng tôi phải dựa trên thế hợp pháp mà gỡ từng bước, tiến tới quyền làm chủ đích thực của dân. Có hai loại Quyền nói trên mới mong tiến lên đòi Quyền thứ ba là Quyền ứng cử và bầu cử để cải biến dần các cơ quan quyền lực, tiến tới một chính thể mới Dân chủ pháp trị văn minh phù hợp với Dân tộc. - Khi chưa có khả năng huy động quần chúng để làm “Cách mạng” trực tiếp, thì đây là cung cách duy nhất để thoát khỏi đêm dài toàn trị. Đây chính là con đường HOÀ BÌNH. Kiến tạo Dân trí và xã hội dân sự làm nền tảng, chính là tích cực tạo điều kiện để thời cơ xuất hiện. Con đường diễn biến như vậy tuy có chậm (không phải ta muốn chậm) nhưng bù lại cũng có ưu điểm là vững bền và hợp với tình tự dân tộc và không thể có sự can thiệp của “thế lực thù địch” mà người cầm quyền lo sợ.
6/ Trên con đường ấy, Hoa Kỳ giúp được gì? Đã nhiều người mong muốn Hoa Kỳ gây áp lực với Chính phủ VN về Dân chủ - Nhân quyền, thả các tù nhân Chính trị. Tôi muốn lưu ý một vài khía cạnh khác. Trở lại ba vấn đề lớn của đất nước, chúng tôi: *Chống Nội xâm để xây dựng dân chủ pháp trị, *chống Ngoại xâm để giữ vẹn Độc lập cho Tổ quốc, và *vượt qua suy thoái, phát triển Kinh tế-Văn hoá. Khó khăn là hai vấn đề trên, trong đó chống Nội xâm tuy là việc cơ bản và lâu dài, nhưng trước mắt nếu bị Ngoại xâm khống chế thì VN cũng khó mà Dân chủ hóa. - Vì vậy chống xu hướng lệ thuộc Trung Quốc là vấn đề lớn trước mắt, phải đặt lên hàng đầu, mong sự hỗ trợ của Hoa Kỳ phù hợp với yêu cầu số 1 ấy. Được biết phe Maoism trong lãnh đạo thỉnh thoảng lại làm những động tác bắt bớ chính trị căng thẳng, buộc Hoa Kỳ phải lên tiếng, lên tiếng mạnh thì làm cho quan hệ Mỹ - Việt xấu đi, để VN phải ngả thêm về Trung Quốc. Xử lý mâu thuẫn này cần sự khôn khéo. Việc hỗ trợ Dân chủ - Nhân quyền thì chủ trương Bảo hộ Internet mà bà Ngoại trưởng H.Clinton tuyên bố là rất trúng, vì tự do Thông tin - Báo chí là điều kiện không thể thiếu của một xã hội dân sự lành mạnh. - Trong việc mở rộng quan hệ giữa hai nước, bên cạnh quan hệ với Chính phủ, Hoa Kỳ nên mở rộng quan hệ công dân, quan hệ dân sự, giúp thúc đẩy hình thành và hoạt động, tăng cường giao lưu giữa các hội đoàn công dân, hội đoàn nghề nghiệp. Phát triển quan hệ trong Văn hóa và Giáo dục, nhất là đào tạo Đại học và Kỹ thuật bậc cao. - Giúp và phối hợp với VN trong các dự án kinh tế lớn, nhất là các dự án liên hệ đến môi trường và an ninh, để chống sự lệ thuộc vào Trung Quốc, đặc biệt là kinh tế và quân sự vùng Biển Đông, mà cảng CAM RANH là một điểm quan trọng. Chưa bàn đến mối liên kết về quân sự, chỉ riêng sự có mặt thường trực của Hoa Kỳ tại nơi đây với các lý do hợp tác nhiều mặt đã góp phần quan trọng cho sự ổn định của Biển Đông.
Phần II: Tóm tắt mấy ý kiến của các vị khách Hoa Kỳ
Các vị khách Hoa Kỳ chủ yếu hỏi để biết ý kiến của tôi. Ngoài các nội dung như trên, Khách có hỏi: Chúng tôi biết trong công cuộc chống Nội xâm và Ngoại xâm các nhà Trí thức có dựa vào uy tín của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nhưng tướng Giáp đã trên trăm tuổi, nếu vị tướng ấy ra đi thì ai có thể thay vai trò ấy. Tôi trả lời: Gần nhất với vai trò ấy là Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh Khách hỏi nhóm Đà Lạt chúng tôi có được gặp nhau thường xuyên để trao đổi ý kiến không? Tôi bảo có thành nhóm gì đâu, bạn bè hợp nhau thì gần gũi, hỗ trợ nhau chặt chẽ. Chúng tôi gặp nhau bình thường, những điều tôi nói hôm nay chính là chúng tôi đã thường trao đổi với nhau. Khách biểu lộ sự quan tâm và tương đắc nhất với những ý kiến cuối cùng: Hoa Kỳ giúp được gì, làm sao cân đối giữa nhu cầu thúc đẩy Dân chủ hóa xã hội mà không đẩy Hoa Kỳ và Việt Nam xa nhau khiến Việt Nam càng gắn bó với Trung Quốc, làm sao Hoa Kỳ hiện diện ở Biển Đông, nhất là quanh vùng Cam Ranh một cách hòa bình. Chủ và khách nhất trí: Đây là cuộc thăm hỏi riêng, trước mắt không cần đưa tin chính thức. 10/3/2011 H. S. P.
|