Có yêu chuộng hoà bình đến đâu đi nữa thì quốc gia nào cũng có nhu cầu chứng tỏ sức mạnh với bên ngoài cũng như khích lệ tinh tinh thần của dân chúng sĩ bên trong và những nghi thức biểu diễn sức mạnh này sẽ là một hoạt động bình thường.
|
Viết xong bài “Khi sư tử đá xâm lăng…” trong có nhắc đến chuyện múa lân, tôi chợt nhớ đến tình thế éo le của một người bạn vong niên khi bị dồn vào thế phải ngồi xem múa rồi miên man suy nghĩ xa hơn đến “việc múa”, “việc nước”, đến những chuyện “éo le” đầy ý nghĩa khác khi hai “việc” bị chồng chéo vào nhau. Anh là người dạn dày binh lửa, tù đày. Nặng lòng với quê hương, nghe đâu có bàn việc nước cũng lặn lội tìm đến bởi, theo anh, hay dở gì cũng nên có mặt để, trước là góp phần khí thế, sau là học hỏi thêm, được gì hay đó, “không nở bề ngang cũng nở bề dọc”. Nhưng lần ấy, sau “lễ ra mắt” do một số nhân vật cứu quốc thuộc loại “rượu cũ – chai lọ cũng không thể mới hơn” tổ chức, anh bực dọc xả hết ẩn ức dồn nén bởi ngoài mấy điều chán phèo không làm tầm hiểu biết nở thêm chút ngang chút dọc, anh còn cho là mình đã bị xem là con nít khi phải chịu đựng cái cảnh “múa chào mừng quan khách”: đến để nghe việc nước mà làm như thể đến để chờ lãnh kẹo Trung Thu. Cái éo le của riêng anh, không chừng, cũng là cái éo le chung cho nguyên cái thế giới này. Nếu cuộc đời của mỗi chúng ta bắt đầu từ cái thuở cởi truồng tắm mưa thì “đời” của nhân loại bắt đầu từ cái thuở chưa biết mặc quần, cái thời đóng khố cởi trần trong tổ chức xã hội mang tên “bộ lạc”. Nếu trong cái thời tắm mưa chúng ta khoái trá xem múa chờ ăn kẹo Trung Thu thì thời ấy nhân loại cũng từng say mê với trò “múa chào quan khách” chờ đại tiệc mà dấu vết vẫn để lại tận hôm nay. Mà không chỉ là “dấu vết”, đó còn là những bằng chứng rành rành, sống động theo hành trình của những nhân vật quan trọng như nữ hoàng hay thái tử nước Anh, thủ tướng của Úc hay của Tân Tây Lan. Họ đi khắp đó đây, được rình rang nghi lễ chào đón khắp đó đây nhưng chỉ có những cộng đồng nặng dấu ấn bộ lạc như các bộ tộc Phi châu, cộng đồng thổ dân Úc, Tân Tây Lan hay các đảo quốc Thái Bình Dương mới có cảnh “múa chào mừng quan khách”. Trong thâm tâm ắt hẳn những nhân vật trịnh trọng ấy ai cũng chán chết được với cái màn “múa chào mừng” rất mất thì giờ nhưng đành phải bấm bụng bởi nghi thức là nghi thức, bởi đó còn là phép tắc, là đạo đức nữa. Đó là di sản văn hoá của họ, như là hệ quả từ là sự “lệch pha” trong lịch sử phát triển văn minh giữa các châu lục, nếu không “bằng lòng” thì chúng ta cũng phải cố thể hiện sự “bằng mặt” bên ngoài. Mà đó cũng là sự “éo le” chung của nhân loại trong cái ý nghĩa mà người Anh gọi là political correct: có “chính trị phải đạo” như thế thì chúng ta mới xây dựng nổi một thế giới hoà hợp và hoà bình. Nhưng vấn đề là “giá trị tinh thần” của “việc múa”. Đâu là lý do sâu xa đằng sau cảnh tượng đóng khố cởi trần “múa chào mừng quan khách” ấy? Theo các nhà nhân chủng học thì múa là một trong những hình thức thông đạt, một nghi thức mà con người thời mông muội sử dụng để giao tiếp với thần linh; là hình thức ngôn ngữ thân xác có tác dụng xoá bỏ khoảng cách giữa cá nhân để từ đó đề cao tinh thần cộng đồng. Với giới lãnh tụ bộ lạc thì múa còn là một phương thức sai khiến bởi khi hoà mình vào một điệu múa, khi nhất cử nhất động tuân theo những quy tắc nhịp điệu bó buộc mang tính tập thể thì một cá nhân không còn là cá nhân nữa mà là cái đinh vít của bộ máy cộng đồng. Nó cũng giống như người lính tân binh đã trở thành một phần của cỗ máy đơn vị sau khi trải qua các nghi thức huấn nhục và diễu hành. Nó cũng giống như người say rượu khi bị ma men biến mình trở thành “không là mình”, một người “say múa”, khi đã hoà vào nhịp điệu chung, cũng sẽ “không còn là mình” và sẽ dễ bị sai khiến hơn. [1] Một đám đông sẽ mãi mãi là một mớ lộn xộn rời rạc và ô hợp nếu không có những quan hệ gắn kết và chính những động tác múa mang tính biểu tượng cùng những giá trị tinh thần chuyển tải đã làm nên chất keo tinh thần để tạo thành bộ lạc. Như thế thì các màn “múa chào quan khách” chính là một sự tự khẳng định, một sự tự giới thiệu về mình như một cộng đồng thuần nhất, đầy sức mạnh, không phải một đám đông bát nháo. Nhưng như thế thì tại sao những xã hội phát triển lại không “khẳng định mình” mà chỉ có các cộng đồng chậm tiến? Tại sao chỉ có cảnh đóng khố cởi trần “múa chào mừng quan khách” chứ không có những màn tương tự với veston và cà vạt? Sự lệch pha này thuộc về khoảng cách giữa hình thái “bộ lạc” và hình thái của “nước” hay “quốc gia”, “dân tộc”. Thời bộ lạc là thời mà con người chủ yếu sinh sống bằng cách săn bắt hay hái lượm. Thời con người còn rất mù mờ trước thiên nhiên trong khi tầm nhìn chỉ quanh quẩn trong không gian sinh tồn của mình. Sống bằng việc săn và lượm thì sùng bái sức mạnh bắp thịt. Mù mờ trước thiên nhiên thì mê tín và khiếp nhược trước những hình thức mạo nhận thần quyền. Không nhìn xa được thì hẹp hòi, xem bộ lạc của mình là trên hết. Tuy nhiên xã hội không mãi mãi đứng yên một chỗ và đến một lúc nào đó thì “nước” ra đời. “Nước” Việt của chúng ta chỉ có thể ra đời khi từng bộ lạc thuộc nòi Bách Việt thời ấy vượt qua tầm nhìn hạn hẹp của mình để tụ tập dưới ngọn cờ của Vua Hùng để thành lập hệ thống chính trị tập quyền mà trung tâm là kinh đô đóng ở Phong Châu. Muốn có một “nước” vững mạnh thì phải vượt qua sự thiển cận của tinh thần bộ lạc và không ai có thể đảm đương việc nước bằng tư duy của cái thời chưa biết mặc quần. Đó chính là một trong những yếu tố chính làm nên “thảm kịch Phi châu” hiện tại. Nhìn trên bản đồ thì biên giới giữa các quốc gia Phi châu hiện ra rất rõ ràng, có khi thẳng tắp như một hoạ đồ kiến trúc nhưng thực chất đó chỉ là những biên giới áp đặt. Chúng được vạch ra như những thoả thuận bề trên giữa những nhà thực dân trong khi cái tư duy ngự trị con người thích “múa chào mừng quan khách” ở đó, chủ yếu, vẫn là tư duy bộ lạc. Chính vì chăm chăm giải quyết những vấn đề “quốc gia” mang tính áp đặt từ ngoài với tư duy bộ lạc, thứ tư duy của cái thời “múa chào mừng quan khách”, châu lục này vẫn muôn năm xung đột và muôn năm đói rách. Nhưng “thảm kịch” vẫn chưa chịu dừng lại đó. Thảm kịch “việc nước” nảy sinh từ thứ tư duy của cái thời thích múa này còn dây dưa với cả những xứ sở phát triển cao, thậm chí phát triển tột đỉnh, như trường hợp Đức Quốc Xã chẳng hạn. Nước Đức dưới thời Adolf Hilter tự cho mình là thượng đẳng nên chẳng hề đóng khố cởi trần để chào đón ai. Họ ăn mặc đường hoàng, thậm chí rất đẹp nhưng chẳng để “múa chào” mà là múa để biểu diễn sức mạnh. Mà, cho tới nay, trong khía cạnh “múa biểu diễn sức mạnh” có lẽ chưa có quốc gia nào qua mặt được nước Đức thời ấy mà đỉnh cao là màn biểu diễn của 700,000 thành viên Phát Xít trong đại hội đảng tại Nuremberg năm 1934, tức một năm sau khi Hitler cầm quyền, được nữ đạo diễn Leni Riefenstahl ghi lại trong “kiệt tác tuyên truyền” mang tên Thắng lợi của Ý chí (Triumph of the Will). Đó là những đoàn quân rập ràng khí thế, đội hình trùng điệp, phù hiệu phát xít trên vai, trên ngực, trên đầu. Đó là những hàng ngũ thanh niên thiếu nữ tràn trề sức sống, cũng phù hiệu phát xít trên vai, trên ngực và trên đầu. Đó là những biểu ngữ và biểu tượng Phát xít rợp trời, những bó đuốc tạo thành phù hiệu làm sáng cả trời đêm. Nhưng, cùng với những yếu tố khác, cái màn “múa biểu diễn sức mạnh” ấy đã biến nước Đức thời ấy thành một bộ lạc của người Aryan, cái bộ lạc với mối quan tâm duy nhất về “không gian sinh tồn” của mình và sổ toẹt mọi lề luật phép tắc của nhân loại. Và đó là nguyên nhân dẫn đến thảm kịch. Cho dù múa đẹp đến đâu, phô trương sức mạnh hiệu quả đến đâu, nước Đức Quốc Xã đã kết thúc một cách bi thảm sau 12 năm tồn tại để rồi trở thành nỗi nhục riêng của dân tộc Đức.
|
Một cảnh trong film Triumph of the Will |
Kể ra, sau Đức Quốc Xã vẫn còn có Bắc Triều Tiên. Cái thể chế cũng hảo múa, cũng giống như một bộ lạc khép kín trong cái “không gian sinh tồn” của riêng nó khi sổ toẹt những quy phạm ứng xử văn minh qua trò ăn vạ viện trợ bằng mấy đầu đạn hạt nhân. Quy mô có nhỏ hơn, tần suất cũng thấp hơn thế nhưng có lẽ hiện tại chưa có quốc gia nào qua mặt xứ này trong lĩnh vực “múa biểu diễn sức mạnh”. Đó là những đội ngũ công nông binh mấy vạn ngàn người thẳng tắp, đội ngũ điệp trùng với túm vải đủ màu trông như bó hoa trên tay. Họ đưa tay này lên, cái khối đông biến thành lá cờ. Họ đưa tay kia lên, khối đông hoá thành chân dung của “lãnh tụ kính yêu”. Rồi họ bắt chéo tay sao đó, đám đông tự dưng hoá thành một khẩu hiệu chính trị. Nhưng đẹp thì đẹp, bắt mắt thì bắt mắt, cái thảm kịch mà người dân Bắc Triều Tiên đang gánh chịu lại là điều không cần phải nhắc. Có yêu chuộng hoà bình đến đâu đi nữa thì quốc gia nào cũng có nhu cầu chứng tỏ sức mạnh với bên ngoài cũng như khích lệ tinh tinh thần của dân chúng sĩ bên trong và những nghi thức biểu diễn sức mạnh này sẽ là một hoạt động bình thường. Tuy nhiên khi sự biểu diễn trở nên quá tải với tài nguyên quốc gia thì hành động ấy sẽ trở nên bất bình thường và chỉ hướng đến hàm ý hăm doạ thế giới hay láng giềng. Thực chất, cái dáng đi mà chế độ quân đội Bắc Triều Tiên đã bảo bao công lao luyện tập chỉ là bước đi stechschritt mà quân đội Phổ đã phát minh từ giữa thế kỷ 18, cái phong cách duyệt binh đã tiếp nối nhau sống mãi theo ý đồ hăm doạ của những lãnh tụ độc tài bệnh hoạn, từ Adolf Hitler đến Benito Mussolini hay Joseph Stalin, từ Mao Trạch Đông đến Fidel Castro và nay là Kim Chánh Nhất. Họ phung phí tài nguyên vào “việc múa” để hăm doạ thế giới về một thảm kịch nếu dám động đến mình thế nhưng hậu quả chỉ là thảm kịch cho chính dân tộc họ. Nếu hai thứ “việc múa” mang tính cộng đồng nói trên, để chào mừng hay để biểu diễn, không thể nào tương hợp với “việc nước” thì còn một thứ “việc múa” khác, hoàn toàn mang tính chất cá nhân, thì sao? Đó là thứ “múa” mà chúng ta quen gọi là “khiêu vũ” và chỉ nhìn vào bề ngoài thôi, chỉ nhìn qua cách biệt Bắc – Nam trong sự phát triển của Châu Mỹ thôi, chúng ta đã có thể nhận ra ngay lời đáp mang tính “ăn liền” rồi. Cùng có một lịch sử khai phá như nhau, cũng dồi dào tài nguyên như nhau, tại sao phần đất gọi là Châu Mỹ La Tinh lại tụt hậu khá xa với Mỹ và Canada, là hai quốc gia Bắc Mỹ? Mexico, chẳng hạn, còn được khai phá sớm hơn và tiểu bang với nền kinh tế lớn nhất nước Mỹ là California từng là phần đất của Mexico mà dấu vết ngày nay vẫn còn đó với những thành phố mang tên thánh như là San và Santa. Vậy thì tại sao ngày hôm nay người Mexico lại phải liều chết vượt biên giới chạy về vùng đất cũ của mình chỉ để làm thuê cho người Mỹ? Rồi Brazil, Argentina, những nước cũng rộng lớn, cũng giàu tài nguyên, cũng có một lịch sử khai phá tương tự và cũng những câu hỏi tại sao, tại sao tương tự? Họ thua trong “việc nước” nhưng nếu chuyển sang “việc múa” thì cán cân sẽ quay ngoắt 180 độ bởi không có nơi nào trên thế giới này mà con người lại sáng tạo và bốc lửa trên sàn nhảy như là người Mỹ La Tinh. Đâu là nguyên nhân của sự lệch pha này? Trước hết là nhà xã hội học Đức Max Weber với kiến giải bằng yếu tố gọi là “Văn hoá Tin Lành”, trình bày trong tuyển tập tiểu luận Đạo đức Tin Lành và tinh thần chủ nghĩa tư bản (The Protestant Ethic and the Spirit of Capitalism), khởi viết từ năm 1904, được xuất bản lần đầu bằng tiếng Anh vào năm 1930, khi Weber đã qua đời. Giáo lý Tin Lành dựa trên tư tưởng thần học cải cách của John Calvin, theo đó thì các con chiên ngoan đạo không nhất thiết phải xa rời những lợi ích phù thế bởi những hoạt động mang lại lợi ích kinh tế cũng hàm chứa một ý nghĩa đạo đức và tâm linh tích cực. Theo Weber thì chính tư tưởng “thế tục hoá” này, cùng các yếu tố khác, đã thúc đẩy những cải cách xã hội và kinh tế mang tinh thần tư bản tại Bắc Âu và Bắc Mỹ và cách nói này chỉ là một hình thức tối giản hoá những phân tích của Weber. Nhưng chúng ta còn có thể đơn giản hoá hơn nữa qua hình tượng cụ thể của hai cái nhà thờ. Những nhà thờ Tin Lành của các nước Bắc Âu hay Bắc Mỹ và thường là những nhà thờ giản dị trong khi những nhà thờ nào của Giáo hội Công giáo tại Châu Mỹ La Tinh cũng đồ sộ và nguy nga. Một bên thì có sự cân bằng giữa hoạt động kinh tế và tâm linh nên, bên cạnh việc đóng góp để xây dựng những nơi thờ phượng giản dị, con người đã đầu tư phần lớn vốn liếng vào những hoạt động sinh lợi. Một bên thì bao nhiêu vốn liếng chạy vào những nhà thờ lộng lẫy và hậu quả là việc đầu tư kinh tế trở nên èo uột. Nhưng “việc múa” thì sao? Chẳng lẽ vì “lo múa - không lo làm ăn” mà vùng đất này giỏi giang trong việc múa? Đến đây có lẽ chúng ta phải lắng nghe Peter Lovatt, nhà khoa bảng xuất thân vũ sư, giảng viên môn tâm lý biểu diễn nghệ thuật tại Đại học Hertfordshire ở Anh, nổi tiếng với biệt danh “Doctor Dance” qua công trình nghiên cứu được xem là công phu nhất về “tâm lý khiêu vũ”. [2] Theo Lovatt thì sinh hoạt khiêu vũ lôi cuốn con người qua hai chức năng kết giao xã hội và chọn lựa bạn tình, theo đó thì “cách hay nhất để lôi cuối một bạn tình thích hợp là thả người một cách thoải mái và tự nhiên theo nhịp điệu”. Quan trọng hơn, bằng thực nghiệm, Lovatt đã khám phá rằng khi say mê thả mình trên sàn nhảy thì chúng ta sẽ, vô hình trung, bộc lộ “bộ gien di truyền” của con người mình trong ý nghĩa “hướng đến bạn tình”. Những phụ nữ đẹp, cân đối thường có khuynh hướng chọn lựa những người đàn ông có “bộ gien” tương tự. Và, thật kỳ lạ, chỉ cần quan sát những bước chân khiêu vũ trên phim thôi, không cần nhìn thấy mặt, các bà các cô vẫn có thể lọc lựa những “ứng viên” thích hợp nhất với mình. Lovatt còn đưa ra khái niệm “Dance Confidence" (DC), tức chỉ số tự tin để phân biệt một người run chân ngồi lỳ trên ghế không dám ra sàn và một người có nhạc là nhảy và nhận ra sự thay đổi của chỉ số DC này theo giới tính, tuổi tác và cùng yếu tố di truyền: nam tăng thì nữ giảm, nữ giảm thì nam tăng. Thật là khó để áp dụng những khám phá “tâm lý học khiêu vũ” của Lovatt vào vấn đề kinh tế của Châu Mỹ La Tinh. Đây là vùng đất của những cô gái với thân hình rực lửa và, phải chăng, đó là chất xúc tác để “chỉ số DC” của nam giới xứ này hơn hẳn các vùng đất còn lại của trái đất? Lovatt cho rằng “khiêu vũ là cách hay nhất để chọn lựa bạn tình” nhưng, trên thực tế, những lứa đôi đâu chỉ thành từ sàn nhảy mà còn từ môi trường học tập, làm việc, kinh doanh, nghiên cứu. Phải chăng Châu Mỹ La Tinh là nơi mà sàn nhảy đã trở thành nơi mối mai chủ đạo của xã hội và do đó, các môi trường khác cũng “èo uột” hơn? Muốn trả lời các câu hỏi trên thì phải tiến hành một cuộc khảo sát rộng lớn và đề tài này hoàn toàn nằm ngoài phạm vi mà chúng ta đang bàn. Cái chúng ta muốn làm sáng tỏ là sự “éo le” của “việc nước” khi bị “việc múa” chen vào. Chúng ta đã đề cập đến “múa biểu diễn sức mạnh”, trong những hình thái bất bình thường nhất, như là là dấu hiệu của não trạng độc tài bệnh hoạn. Chúng ta đã đề cập đến “múa chào mừng quan khách”, như là dấu hiệu của não trạng bộ lạc, là điều đã làm người bạn vong niên của tôi bực mình. Mà đáng bực thật. Quan tâm tới việc nước như một người thực sự trưởng thành thì bị làm phiền bằng cái trò múa may dành cho con nít. Ưu tư với sinh mệnh của quốc gia trong thế kỷ 21 thì bị mất thì giờ với trò giương vây khoe mẽ của cái thời mà nhân loại còn đóng khố cởi trần. Khi lăng xăng khoe mẽ như thế thì, nhìn sâu trong bản chất, và nhìn trên phương diện tư tưởng, những nhà “cứu quốc” kia chỉ là thứ người chưa biết mặc quần. Khi các bộ tộc Zulu ở Phi châu, các bộ tộc thổ dân ở Úc hay các cộng đồng Maori ở Tân Tây Lan say sưa “múa chào mừng quan khách” thì đó là bản sắc văn hoá của họ: một cách hồn nhiên, họ có quyền tự hào về căn cước văn hoá của họ, thích hay không thích thì chúng ta cũng phải thể hiện sự tôn trọng. Nhưng khi những nhà “cứu quốc” của chúng ta lúc lắc cái đầu lân và đầu rồng sao chép của người Trung Hoa thì không hề có sự hồn nhiên hay ngây ngô nữa mà là sự ngu xuẩn. Ngu không thể chấp nhận nổi. Ngu không thể tha thứ nổi. “Không thể tha thứ nổi” bởi “cứu quốc” mà cứ như là… “mãi quốc”. Cha ông ta có giữ vững được giang sơn trải qua mấy ngàn năm chịu đựng sức ép của một đối thủ mạnh hơn gấp mấy chục lần chính là nhờ kế tục nhau khẳng định “căn cước” của mình. Cha ông ta đã hiểu rất rõ rằng muốn chống lại dã tâm nuốt chửng của kẻ thù thì việc đầu tiên là xác định một căn cước văn hoá khác hẳn với kẻ thù: Việt Nam là Việt Nam, Trung Quốc là Trung Quốc. Tổng kết cuộc kháng chiến kéo dài 10 năm chống lại dã tâm đồng hoá của nhà Minh, Nguyễn Trãi đã sang sảng trong bài “Bình Ngô Đại Cáo” rằng “Núi sông bờ cõi đã chia / Phong tục Bắc – Nam cũng khác”. Kéo quân đánh đuổi quân xâm lược Mãn Thanh, vua Quang Trung đã lập lại sự khẳng định ấy trong “Hịch Đánh Thanh” qua lời hiệu triệu “Đánh cho để dài tóc / Đánh cho để răng đen”. Cha ông ta khẳng định “Phong tục Bắc – Nam cũng khác”. Còn những nhà “cứu quốc” này thì, bằng cái đầu lân và đầu rồng nói trên, đã gởi ra cái thông điệp ngu xuẩn rằng “Phong tục Bắc Nam không khác”. Thì, “không thể chấp nhận” và “không thể tha thứ”. Nhưng xã hội dân chủ này luôn bảo đảm cho bất cứ công dân nào cái quyền được ngu theo trí của mình, miễn là không xâm phạm đến xã hội và nhân quần nên cái ý niệm “không thể” ấy này là dành cho chính chúng ta. “Cha nó lú, còn có chú nó khôn”, những kẻ ấy đã ngu, đã lú, nhưng còn chúng ta, những người Việt Nam bình thường thôi, nhưng thực sự là người Việt? Những thế hệ đi trước sẽ không tha thứ nổi và thế hệ con cháu đi sau sẽ không thể nào chấp nận nổi nếu chúng ta vẫn tiếp tục nể nang, tiếp tục im lặng, tiếp tục để mặc những thằng hề “cứu quốc” lăng xăng nhắn gởi cái thông điệp “Phong tục Bắc – Nam không khác” bằng cái khố vô hình dưới rốn và cái đuôi sam vô hình lơ lửng sau ót. Thuận Văn ____________________________________________________________ Tham khảo: [1] Gayle Kassing (2007), History of Dance, Human Kinetics Publishers. [2] Lucy Tobin, “Why do people dance?”, The Guardian, Dec15th, 2009 Theo Lovatt thì nếu một phụ nữ muốn mồi chài một người đàn ông hấp dẫn và “trên cơ” mình, cô ta sẽ trổ hết ngón nghề với những nhịp múa thật dài và thật phức tạp; tuy nhiên khi muốn lôi cuốn một anh đàn ông đẹp trai nhưng chấp nhận làm người “dưới cơ” mình, cô ấy sẽ khác hơn với những nhịp khiêu vũ cũng khá là phức tạp nhưng ngắn hơn, chóng vánh hơn. Về chỉ số “Dance Confidence", Lovatt khám phá rằng số lượng người có chỉ số DC ở mức trung bình cao hơn mức mong đợi và điều này ngụ ý rằng đa số chúng ta ai cũng nghĩ rằng, trên sàn nhảy, bao giờ mình cũng điệu nghệ hơn những ngừời cùng giới và cùng trang lứa loại “thường thường bậc trung”. Thú vị hơn, Lovatt nhận ra sự thay đổi của chỉ số DC theo giới tính, tuổi tác và cùng yếu tố di truyền: nam tăng thì nữ giảm, nữ giảm thì nam tăng. Diễn giải phân tícch của Lovett thì sự khác biệt này hình thành như thể sự “bù trừ” giữa nam và nữ. Khi các cô kén cá chọn canh thì các cậu phải bạo dạn tấn công và chỉ số DC của hai bên diễn biến trái chiều, bên tăng bên giảm. Khi qúy bà cảm thấy không tha thiết gì nữa và chỉ số DC giảm xuống thì có nghĩa là qúy ông phải vùng lên, muốn ăn phải lăn vào bếp, không thể ngồi yên há miệng chờ sung rụng. Với phái nữ thì độ DC của nữ giới đạt mức cực đỉnh vào năm 16 tuổi nhưng sau ngày sinh nhật thì con số giảm dần và mãi đến năm 35 tuổi mới vượt lên cao trở lại để rồi xìu xuống vào năm 55 tuổi, là tuổi mãn kinh. Theo Lovett thì trước “tuổi trăng rằm”, các thiếu nữ khiêu vũ như một trò chơi và họ khiêu vũ ở bất cứ nơi đâu và với bất cứ ai, ở nhà hay ở trường, với bạn hay với anh chị em, thế nhưng qua cái tuổi này thì việc khiêu vũ thực sự là khiêu vũ khi các cô gái đến tuổi dậy thì chỉ thích so chân cùng những chàng trai cảm thấy đường được. “Độ dàn sàn” giảm xuống không phải là do nhút nhát mà do sự kén cá chọn canh. Nhưng với phụ nữ thì cái 35 tuổi là cái mốc không thể “kén” nữa và họ trở nên nhảy bừa, nhảy với bất cứ ai, kiểu “không nở bề ngang cũng nở bề dọc”, và họ thăng hoa như thế đến tuổi 55, cái tuổi không thiết tha gì nữa. Nhưng nam giới thì khác. Các cậu trai không có hứng khiêu vũ như các thiếu nữ cùng trang lứa vào tuổi 16 nhưng tăng đều đặn, mỗi năm mỗi tăng. Cho đến tuổi trung niên thì tình trạng trở nên bão hoà và chỉ số DC trở thành một “hằng số” cho đến tuổi 65, khi nó tăng vọt và đàn ông trở nên mê khiêu vũ hơn bao giờ hết.
|