Home Tin Tức Bình Luận Trước Khi Ông Phó Joseph Biden Lên Máy Bay Đi Thăm Trung Quốc

Trước Khi Ông Phó Joseph Biden Lên Máy Bay Đi Thăm Trung Quốc PDF Print E-mail
Tác Giả: Nguyễn Văn Khanh   
Thứ Năm, 18 Tháng 8 Năm 2011 10:14

 

Cũng như tất cả các chuyến đi của những nhà lãnh đạo, chuyến viếng thăm Trung Quốc mà Phó Tổng Thống Hoa Kỳ Joseph Biden thực hiện mang nhiều ý nghĩa khác nhau.

1.

Với những ai quan tâm đến chuyện nợ nẩn, chuyến đi kéo dài gần 1 tuần lễ này được xem là chuyến đi trấn an ông chủ nợ Bắc Kinh, kêu gọi giới lãnh đạo Hoa Lục tiếp tục đầu tư vì dù bị hạ điểm tín nhiệm nhưng “không có thị trường nào ổn định và tốt cho bằng thị trường Mỹ” như Tổng Thống Barack Obama từng nói trong bài diễn văn ông mới đọc ở Chicago hồi tuần trước. Với những ai quan tâm đến chuyện buôn bán ở Hoa Lục, chuyến đi này là dịp để ông số 2 nhắc nhở các nhà lãnh đạo Trung Quốc đừng quên hợp tác cân bằng cán cân mậu dịch để nước Mỹ không bị thiệt thòi, và cách hay nhất vẫn là định lại tỷ giá đồng nhân dân tệ cho đúng mức.

Với những người quan tâm tới dân chủ và những tổ chức tranh đấu cho nhân quyền, tất cả đều hy vọng chuyến đi của Phó Tổng Thống Biden là cơ hội để Hoa Kỳ tiếp tục các nỗ lực thúc đẩy Trung Quốc đổi mới chính trị, tôn trọng các quyền tự do căn bản của người dân, bất kể phát ngôn viên Khương Du của Bộ Ngoại Giao Hoa Lục mới trả lời tờ The Washington Times “định nghĩa nhân quyền của chúng tôi khác định nghĩa nhân quyền của nước Mỹ”.

Ông Biden cũng sẽ nói đến chuyện Tây Tạng, chắc chắn cả Chủ Tịch Hồ Cẩm Đào lẫn Thủ Tướng Ông Gia Bảo sẽ dùng cuộc gặp gỡ để than phiền về việc tháng trước Tổng Thống Hoa Kỳ mới đón Đức Đạt Lai Lạt Ma ở Tòa Bạch Ốc và chuyện Tổng Thống Obama muốn bán võ khí cho Đài Loan. Về các chuyện này, đương nhiên câu trả lời của Phó Tổng Thống Joseph Biden sẽ là Washington tôn trọng những gì đã cam kết với Hoa Lục -trong đó có cam kết chỉ có một nước Trung Hoa do Bắc Kinh đại diện, nhưng mặt khác chính phủ Hoa Kỳ luôn tin tưởng các cuộc gặp gỡ, thảo luận trực tiếp với đại diện của Đức Đạt Lai Lạt Ma “sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn để 2 phía giải quyết những bất đồng đang có” cũng như Tòa Bạch Ốc bị ràng buộc bởi đạo luật Quốc Hội thông qua mấy chục năm trước, buộc hành pháp có trách nhiệm giúp Đài Loan bảo vệ an ninh lãnh thổ.

Còn nhiều điều khác nữa sẽ được ông Biden nói đến trong chuyến đi lần này. Dẫn đầu vẫn là mục tiêu tìm hiểu, kết bạn với thế hệ lãnh đạo mới của Bắc Kinh, đứng đầu là ông Tập Cận Bình, người được dự đoán sẽ chính thức nắm quyền lãnh đạo đảng vào cuối năm 2012 và giữ vai trò chủ tịch nhà nước Trung Quốc vào đầu năm 2013.

2.

“Đơn giản, tôi có thể nói là chúng ta đang đầu tư cho tương lai của quan hệ Mỹ-Trung”, ông Tony Blinken, Cố Vấn An Ninh Văn Phòng Phó Tổng Thống, cho biết trong cuộc tiếp xúc với báo chí hồi chiều thứ Hai. “Một trong những mục tiêu quan trọng của chuyến đi là tìm hiểu về thành phần lãnh đạo tương lai của Trung Quốc, xây dựng quan hệ với Phó Chủ Tịch Nước Tập Cận Bình, và thảo luận với ông ta cũng như với thành phần lãnh đạo tương lai Hoa Lục về đường hướng của mối quan hệ song phương”.

Mục đích này được thể hiện rõ rệt trong lịch trình làm việc của ông Biden trong những ngày có mặt tại Bắc Kinh, bắt đầu bằng buổi thảo luận riêng với Tập Cận Bình trước khi gặp Chủ Tịch Nước Hồ Cẩm Đào và Thủ Tướng Ôn Gia Bảo, và kết thúc với bữa cơm thân mật giữa 2 ông ở một nhà hàng nằm ở Thành Đô. Ông Biden cũng sẽ nói chuyện với giới kinh doanh và những nhà đầu tư Trung Quốc, và dưới hàng ghế khán giả cũng có ông Chủ Tịch Nhà Nước Hoa Lục tương lai.

Theo phân tích gia Kenneth Lieberthal của Viện Nghiên Cứu Brookings, “ông Biden có rất nhiều dịp để tìm hiểu về người sẽ lãnh đạo Trung Quốc” và những kinh nghiệm chính trị Phó Tổng Thống Hoa Kỳ có được sau nhiều thập niên làm việc trong chính trường “sẽ góp phần giúp Hoa Kỳ có cái nhìn rõ hơn” về ông Tập Cận Bình. Những gì ông Biden ghi nhận được “chắc chắn sẽ giúp các nhà hoạch định chính sách ở Washington khi soạn thảo chiến lược đối với Bắc Kinh”.

Giới thạo tin ở Washington cho biết ngay trong lúc này, hầu như chẳng ai biết gì về người sẽ điều khiển đảng và chính trường Trung Quốc cả. Một viên chức cao cấp hành pháp cho báo chí biết mặc dù tên ông Tập Cận Bình được nhắc đến khá nhiều trong vòng 18 tháng qua, nhưng ngay bản đánh giá chính sách mới nhất do Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ thực hiện và phổ biến nội bộ chỉ dành vài hàng ngắn ngủi để nói về ông này, đại để ông ta là nhân vật được ca ngợi thuộc thế hệ lãnh đạo trẻ vì năm nay mới 58 tuổi và có lập trường cứng rắn, không mềm mỏng và kém hẳn tế nhị so với ông Hồ Cẩm Đào.

Nhận xét vừa nêu chưa hẳn đã đúng, nhưng không phải là không có cơ sở. Vài ngày trước khi Tổng Thống Obama đón Đức Đạt Lai Lạt Ma ở Tòa Bạch Ốc, ông Tập Cận Bình là viên chức duy nhất trong hàng ngũ lãnh đạo Bắc Kinh lên tiếng cam kết với dân chúng rằng “sẽ đập tan mọi ý đồ muốn chia rẽ đất nước do Lạt Ma giật dây”. Mới tuần rồi khi trả lời phỏng vấn của đài truyền hình CCTV về những xáo trộn ở Tân Cương, ông cũng đưa ra phát biểu tương tự, nhắc nhở mọi người dân cùng hợp tác với chính quyền để “tiêu diệt âm mưu của bọn phản động muốn phá hoại đoàn kết dân tộc”, đồng thời còn chỉ thị cho tỉnh ủy Tân Cương “bằng mọi giá phải ổn định trật tự, xếp tất cả những người Hồi Giáo Uighurs đang tranh đấu cho nhân quyền vào danh sách “khủng bố”.

Những phát biểu vừa nêu khiến một số quan sát viên cho rằng nếu ông Hồ Cẩm Đào cai trị Trung Quốc với “bàn tay sắt bọc nhung” thì lãnh tụ tương lai của Hoa Lục “chưa nhận chức đã lộ nguyên hình một nhà lãnh đạo với đôi bàn tay sắt”. Một trong những người tin tưởng ở điều này là ông Dhasa Gyboa, thành viên hoạt động của Tổ Chức Tranh Đấu Tự Do Cho Người Tây Tạng. Ông Gyboa bảo “tình hình trong những ngày tới sẽ tệ hơn nhiều” khi ông Tập Cận Bình nắm quyền lãnh đạo quốc gia.

3.

Khoảng 9 giờ 30 phút sáng thứ Ba (16 tháng Tám 2011), ký giả Michael Memoli của nhật báo The Los Angeles Times gửi bản tin ngắn đầu tiên từ căn cứ không quân Andrews Air Force Base, báo tin Phó Tổng Thống Joseph Biden đã lên Air Force 2 và chỉ vài phút đồng hồ nữa chiếc phi cơ sẽ cất cánh.

Chừng 12 giờ đồng hồ trước đó, cả Washington đều được tin chính phủ Hoa Kỳ sẽ không bán 66 chiếc F-16 loại C và D cho Đài Loan, bất kể chuyện chính phủ nước bạn dồn mọi cố gắng vận động xin mua loại chiến đấu cơ này để tăng cường khả năng bảo vệ an ninh quốc phòng.

Tin này được tung ra cùng thời điểm với bản tin buổi sáng của Tân Hoa Xã, trong đó nhắc lại 32 năm trước đây ông Biden cùng với một số dân biểu và nghị sĩ sang thăm Bắc Kinh vào thời điểm “quan hệ song phương còn trong thời kỳ phôi thai” và sự hiện diện của ông ở Bắc Kinh lần này “chứng tỏ quan hệ Mỹ-Trung ngày càng vững mạnh”.

Bài báo của Tân Hoa Xã không nói gì đến phát biểu ông Cố Vấn An Ninh Đặc Trách Châu Á Daniel Russel mới nói ngày hôm trước, trong cuộc họp báo trực tuyến từ Tòa Bạch Ốc. Ông Russel bảo “Phó Tổng Thống không có ý định đem chuyện Đài Loan ra thảo luận, nhất là chuyện có bán võ khi cho Đài Loan hay không”. Cũng chính ông Russel còn bảo thêm “Hoa Kỳ có trách nhiệm giúp Đài Loan bảo vệ an ninh lãnh thổ”.