Chế độ công an trị |
Tác Giả: Vũ Nhật Khuê (danlambao) | ||||
Thứ Năm, 18 Tháng 8 Năm 2011 10:31 | ||||
Chưa bao giờ mà công an lại thao túng quyền hành như hiện nay. Trong Bộ Chính Trị 14 người thì hiện có 2 người là của công an. Đó là chưa kể trước đây thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng xuất thân là người của Bộ Công an. Ngày 15-8, ông Tô Huy Rứa, Trưởng ban Tổ chức Trung ương, đã công bố các quyết định của Bộ Chính trị điều động Phạm Minh Chính (UVTW) thôi giữ chức Thứ trưởng Bộ Công an để giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh và Bùi Văn Nam thôi giữ chức Thứ trưởng Bộ Công an để giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình. Sau khi Thứ trưởng Bộ công an Phạm Minh Chính về làm bí thư tỉnh Quảng Ninh và Thứ trưởng Bộ công an Bùi Văn Nam về làm bí thư tỉnh Ninh Bình chắc chắn sẽ có 2 nhân vật khác vây cánh của Nguyễn Tấn Dũng được đôn lên làm thứ trưởng mới của Bộ Công An. Bộ công an là bộ cồng kềnh nhất hiện nay với nhân lực đồ sộ nhất. Bộ công an có đến 8 thứ trưởng. Không như các bộ khác cải cách hành chánh và cắt giảm nhân sự thì Bộ Công an lại cồng kềnh với nhiều chức năng chồng chéo. Ngân sách cho Bộ Công An tiêu tốn còn hơn cho Bộ quốc Phòng. Hiện chỉ có công xã (phường) nằm trong biên chế của Bộ Công an còn công an khu vực, công an ấp, thôn không thuộc công chức của Bộ Công an. Để vào làm ngành công an thì lý lịch phải 3 đời "trong sạch theo chuẩn của Đảng". Chỉ lấy ví dụ về chuyện kết hôn của công an viên thôi là biết quy định của ngành công an còn cao hơn cả Hiến Pháp và Luật Hôn Nhân - Gia đình hiện nay. Khắp cả nước, trên diện rộng từ Bắc Giang, Hà Nội, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Nạm Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Dương, Đồng Nai, Sài Gòn đến Long An, Tiền Giang, Hậu Giang, Cà Mau... công an giết người như rạ. Thế nhưng chuyện xử lý các công an giết người đó là chuyện " xử lý nội bộ". Có nhiều vụ như vụ anh Nguyễn Minh Nhựt ở Bình Dương hay ông Trịnh Thanh Tùng ở Hà Nội thì coi như chìm xuồng. Dư luận một thời thì cho là Bộ Công an tài giỏi hơn Bộ Giáo dục và Đào tạo. Lý do?: Bộ Giáo dục và Đào tạo dạy cả đời chưa biết ăn năn nhận tội gì chứ vào tay Bộ công an thì chưa đầy 1 tháng đã lên VTV ăn năn nhận tội xin nhà nước khoan hồng. Như anh Nguyễn Minh Nhựt trước khi chết còn viết thư tuyệt mệnh khen ngợi các anh chị trong ngành công an rất tốt và tử tế. Thế nhưng bên ngoài thế giới tự do thì người ta cho là Bộ Công an luôn làm mất mặt Bộ ngoại giao. Vụ Linh mục Nguyễn Văn Lý hay vụ án Cù Huy Hà Vũ là những minh họa cho thấy Bộ ngoại giao rất lúng túng giải thích với thế giới bên ngoài. Thế nhưng những diễn biến trong thời gian qua cho thấy rằng công an không phải là công cụ quá đáng để chế ngự nỗi sợ hãi của người dân. Vụ an ninh Quận Hoàn kiếm đạp vào mặt người biểu tình chưa đầy vài ngày sau người ta đã có tên họ và địa chỉ số điện thoại của tên an ninh chìm chuyên đi khủng bố này. Cũng không khó khăn khi muốn tìm kiếm số phone và địa chỉ của các an ninh chuyên đi khủng bố các nhà dân chủ. Sau mỗi buổi " làm việc" thì an ninh luôn bắt người ta ký biên bản "không tiết lộ các tin tức buổi làm việc hôm nay". Khi Bộ công an chia người về các tỉnh để làm Bí thư tỉnh ủy là dấu hiệu của việc lo sợ từ phía công an. Bộ công an muốn tăng thêm quyền lực trấn áp từ các địa phương. Công an lo sợ nghĩa là phần thắng thế nghiêng về phía người dân. Dù có tăng cường cỡ nào thì lực lượng công an cũng ít hơn dân chúng. Những tội ác mà công an gây ra chính là nguyên nhân làm cho họ sợ hãi trước sức mạnh của dân chúng ngày càng bất mãn chế độ. Khi người dân bị đẩy đến tận cùng thì 100, 1000 lần Bộ Công an hiện nay cũng chả ăn thua gì. Những cuộc biểu tình diễn ra ngay tại thủ đô Hà Nội gần đây cho thấy nỗi sợ của công an tăng lên theo con số của người tham dự. Khi cả dân tộc thức giấc thì chế độ độc đảng, độc tài, độc ác sẽ lùi vào quá khứ. Vũ Nhật Khuê (danlambao)
|