Home Tin Tức Bình Luận September 11

September 11 PDF Print E-mail
Tác Giả: Trần Doãn Nho   
Thứ Ba, 13 Tháng 9 Năm 2011 04:15

1. Không hiểu sao, mỗi lần nhớ lại biến cố 11/9, hình ảnh chiếc máy bay từ từ đâm vào tòa nhà World Trade Center xuất hiện trong tôi bằng hình ảnh một game điện tử.

 Hình ảnh của cả tòa nhà sụp xuống cũng thế. Như game. Như một xảo thuật điện ảnh. Như một trò chơi trẻ con. Hơn thế nữa, như một chuyện cổ tích. Hai tòa nhà chọc trời hiên ngang, sừng sững vươn mình như niềm kiêu hãnh thiên cổ của Hoa Kỳ, đùng một cái, biến mất. Cuối tháng 10 rồi, đi ngang qua đó, không muốn vào. Chỉ nhìn thôi, từ xa. Từ ngoài highway. New York vẫn thế với những nhà cao tầng chen chúc. Những hộp người. Những hộp dịch vụ. Empire State Building đó, cũ kỹ và ngạo nghễ. Tượng Nữ Thần Tự Do đó, lặng lẽ nhìn biển cả mênh mông, ngẩn ngơ, lẻ bạn. New York chật ních người, chật ních việc, nhưng vừa thừa một khoảng trống. Một khoảng trống buồn...

Mười năm qua, những tiến bộ thần kỳ của ngành điện tử càng ngày càng biến cái ảo thành cái thực. Ngày 11/9, ngược lại, biến cái thực thành cái ảo. Cho đến giờ này, sau khi đã nghe biết bao nhiêu điều liên hệ đến biến cố rồi, mà cảm giác đó trong tôi vẫn nguyên như thế. Không đổi. Vẫn là một cảnh ảo. Vẫn là một xảo thuật. Vẫn là một chuyện cổ tích. Cảm giác kinh hoàng, đau đớn được thay thế bằng cảm giác ngẩn ngơ và một đầu óc...vô niệm.

Chúng ta, những người đã từng sống trong cảnh bom rơi đạn lạc - giữa chiến trường đổ máu hay những ngày Mậu Thân kinh hoàng đã quá quen với chết chóc và tàn phá. Lần này, nỗi kinh hoàng không phải chỉ là từ sự đổ nát hay từ con số hàng ngàn người bị chôn vùi dưới đống gạch vụn, mà kinh hoàng vì sự cực kỳ đơn giản của hành động khủng bố. Cực kỳ đơn giản trong cái cực kỳ tinh vi của nó, đưa đến một hậu quả bội phần khủng khiếp.

Chỉ trừ tác giả của vụ tấn công, có thể trí tưởng tượng của con người chưa vươn tới được một sự kiện như thế. Ngay cả một nhà văn nổi tiếng Hoa Kỳ về những chuyện giả tưởng như Tom Clancy, tác giả của hai bộ truyện rất ăn khách Debt of Honor và Executive Orders - một cuốn kể chuyện một máy bay cảm tử đâm vào tòa nhà quốc hội Capitol giết chết tổng thống, toàn thể quốc hội, nội các và các quan tòa Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ (Debt of Honor), và cuốn kia kể chuyện một lãnh tụ Hồi giáo tổ chức tấn công khủng bố chống “The Great Satan” bằng vũ khí vi trùng (Executive Orders) - cũng thú nhận là, với ngày 11/9, sự thật đã vượt qua trí tưởng tượng con người, ngay cả những tưởng tượng kỳ quái nhất. Truyện giả tưởng Clancy, dù sao, cũng mới dừng ngang ở chỗ hư cấu. Ngày 11/9 là siêu hư cấu!

Francois Heisbourg gọi loại khủng bố mới này là “siêu khủng bố” (superterrorism), đối đầu với “cường quốc siêu đẳng” Hoa Kỳ (hyper-puissance). Nhiều năm trước đây, Walter Laqueur đã đặt tên cho chủ nghĩa khủng bố trong thế giới hiện đại là “postmodern terrorism”, khủng bố hậu hiện đại. Còn William Saletan gọi loại khủng bố này là “human terror”. Theo Saletan, liên tiếp nhiều năm, các chính khách, các nhà chiến lược cùng nhiều chuyên gia và tướng lãnh quân đội Hoa Kỳ, đã bao phen cãi nhau về cái gọi là “National Missile System”. Cánh ủng hộ chương trình cho rằng Hoa Kỳ không có hệ thống bảo vệ những thành phố khỏi bị tấn công bởi hỏa tiễn. Cánh chống đối thì cho rằng một hệ thống như thế, nếu có, cũng không ngăn được những kẻ khủng bố mang bom “suitcase” (bom đựng trong “va-li”) vào Hoa Kỳ.
Cả hai đều sai. Kẻ khủng bố kiểu mới không cần hỏa tiễn, chẳng cần bom, cũng không cần “suitcase”. Họ chỉ cần một cái bằng lái xe. Phương tiện di chuyển đã có Hoa Kỳ cung cấp: những chuyến bay thương mại. Chất nổ cũng do Hoa Kỳ cung cấp: một bình máy bay chứa đầy nhiên liệu. Tất cả cái họ cần thì rất đơn giản: một ít người biết lái máy bay thương mại và sẵn sàng chịu chết.

Khủng bố mới là loại khủng bố ở ngay trong nhà mình và biết biến những vật dụng bình thường của mình thành vũ khí. Điều khôi hài là những dụng cụ này không có ai, dù thông minh đến đâu, dù có óc tưởng tượng thần kỳ đến mức nào, nghĩ rằng chúng có thể trở thành vũ khí. Ngay cảø khi đã trải qua biến cố 11/9 rồi, không ai trong chúng ta dám tự hào có thể đoán được những vật dụng nào sẽ có thể được biến thành vũ khí giết người hàng loạt trong tương lai. Điều kinh hoàng còn ở chỗ: có những người mà ý chí tự sát đạt đến trình độ cao nhất. Họ chuẩn bị cái chết của chính mình một cách tỉnh táo, bền bỉ, và vô cùng ngoạn mục. Một trong những tay không tặc, Mohamed Atta, một ngày trước 11/9, đã viết thư cho người yêu ở Đức, bảo rằng anh ta rất vinh dự được chết và cho biết thế giới sẽ chứng kiến những thay đổi vĩ đại như thế nào.

Ngày 12/11, New York lại hứng chịu thêm một thảm kịch mới: một chiếc máy bay của hãng hàng không Hoa Kỳ “American Airlines” rớt tại Queens, khi vừa cất cánh khỏi phi trường JFK chừng ít phút. Khi bản tin được loan báo, cả Hoa Kỳ nghẹt thở theo dõi. Cả thế giới cũng nghẹt thở theo dõi. Thị trường chứng khoán vừa mở cửa, khựng lại. Các chỉ số Dow Jones, Nasdad...tuột dốc. Mọi người, không ai bảo ai, đều sững sờ tự hỏi: một vụ không tặc tự sát mới khi Hoa Kỳ đã được đặt trong tình trạng phòng ngự vô cùng nghiêm ngặt với bao nhiêu thứ báo động thường xuyên lớn, nhỏ hay sao?

Sau một ngày căng thẳng, cả thế giới thở phào nhẹ nhõm khi được biết: vụ rớt máy bay chỉ là một tai nạn đồng thời Hoa Kỳ vừa đạt được thắng lợi tại Afghanistan: lực lượng đối lập vừa chiếm được thủ đô Kabul. Các chỉ số Dow Jones, Nasdad...lên vùn vụt. Nỗi đau vì tai nạn hoàn toàn bị lấn át bởi niềm hân hoan vì vụ việc không phải là khủng bố. Một điều khôi hài: chỉ trừ thân nhân những người xấu số, dường như người ta nhanh chóng quên mất hai trăm mấy chục người chết trong vụ rớt máy bay.

Tuy thế, cảm giác phập phồng, lo lắng về những ngày sắp tới vẫn còn tồn tại trong mỗi người. Hình thức khủng bố mới này thiên hình vạn trạng, không một biện pháp đề phòng nào, dù chặt chẽ và tốn kém đến đâu, có thể bảo đảm an toàn trăm phần trăm.

Khủng bố vẫn như lưỡi gươm Démoclès treo trên đầu Hoa Kỳ!

2.
Hậu quả trước tiên có tính chất sâu xa và dài lâu nhất sau 11/9 là sự tổn thương về mặt tinh thần của người dân Hoa Kỳ. Niềm tự hào của họ bị đánh một đòn chí tử. Cả một xứ sở hùng mạnh tưởng chừng như bất khả xâm phạm ấy bỗng nhiên bị trúng đạn ngay tại những điểm mạnh nhất và cũng nhạy cảm nhất của nó: Ngũ Giác Đài và Trung Tâm Thương Mại Thế Giới (và may không thôi thì luôn cả Tòa Bạch Ốc). Người ta bỗng nhận ra ngay là anh khổng lồ này hóa ra rất dễ bị tổn thương. Một cụm từ mới phát sinh: American vulnerability (tính dễ tổn thương của Hoa Kỳ). Suốt mấy chục năm, cả khối Cộng Sản tổ chức chặt chẽ với bom đạn, hỏa tiễn hùng hậu không hề làm rụng một sợi lông chân, thế mà chỉ cần một nhúm người không vũ trang, chịu hy sinh thân mạng, có thể làm rúng động đến tận nền tảng của Hoa Kỳ, đảo lộn hoàn toàn “giấc mơ Mỹ”.

Ronald Tiersky, giáo sư chính trị học ở đại học Emherst (Hoa Kỳ), cho rằng biến cố đó “gây nên một chuyển đổi căn bản những điều kiện của chiến tranh”. Nó chứng minh rằng, không cần sử dụng đến các vũ khí có tính tàn sát tập thể, một kẻ yếu cũng có thể gây nên những thiệt hại không tưởng tượng nổi cho kẻ mạnh, bằng những phương tiện thông thường, thậm chí tầm thường nhất. Nó cho thấy dự án quốc phòng chống hỏa tiễn của chính quyền Bush, trong phút chốc, trở thành không thực tiễn, nếu không muốn nói là vô dụng.

Lần đầu tiên, Hoa Kỳ bị đặt trong thế thủ. Đùng một cái, người Mỹ cảm thấy tham vọng của họ thu nhỏ lại. Vị thế của một kẻ chuyên môn đi ban phát ân huệ và cứu vớt những dân tộc khác bỗng có cơ lật ngược. Họ chân thành nói đến mấy chữ “bảo vệ quê hương”. Lòng yêu nước được đề cao hàng ngày trên các hệ thống truyền thông. Họ treo cờ. Treo trong nhà, ngoài nhà, treo trong xe, ngoài xe, gắn trước ngực. Các đường phố, cửa tiệm toàn cờ là cờ. Họ cảm thấy bất an, yếu đuối. Họ thắp nến cầu nguyện, đi nhà thờ cầu nguyện. Lần đầu tiên, họ cảm thấy cái bi thiết của một nạn nhân, một kẻ thua cuộc. Nhìn họ nghiêm chỉnh treo cờ, nghiêm chỉnh hát quốc ca, thắp nến cầu nguyện, ta sẽ thấy hết nỗi xúc động của họ sâu xa và thành thật biết chừng nào. Họ bỗng trở nên yêu thơ. Họ trích thơ, làm thơ, email cho nhau thơ, dán thơ lên bến xe, trong công viên, tại trạm xe bus - toàn làø những bài thơ nói về thảm kịch, về sự đau thương, mất mát, đổ vỡ. HọÏ đột nhiên bị kéo về đời thường với những ước mơ bình thường, khiêm tốn. Những mốt miết cầu kỳ hậu hiện đại - sản phẩm của những lúc bình an và đời sống vật chất thừa thải - đột nhiên biến mất. Bi kịch kéo họ từ trên trời hạ xuống trần gian.

Nhà giàu đứt tay bằng ăn mày đổ ruột. Lần này, họ vừa đứt tay vừa đổ ruột. Tổng thống Bush gọi hành vi khủng bố này là “hèn nhát”. Đó là ông nói trong tư thế của một lãnh tụ quốc gia. Thực sự trong thâm tâm, người Mỹ hãi hùng: tại sao có người chọn cái chết một cách bình thản dường ấy? Tại sao những kẻ khủng bố không sợ chết, trong lúc chỉ cần một giọt máu chảy là đã làm cho họ cảm thấy kinh khiếp.

Biến cố 11/9 thành ra một điểm phân chia giữa hai thời kỳ lịch sử. Người ta nói đến tiền-11/9 và hậu-11/9. Nó có nghĩa trên nhiều phương diện khác nhau: chính trị, kinh tế, ngoại giao, văn hóa...Nhà văn William Hazelgrove, thuộc viện “Ernest Hemingway Foundation” - người đứng ra tổ chức dự án “The author Project” thực hiện tuyển tập For our Fallen Countrymen tưởng niệm thảm kịch 11/9 - phát biểu: “Tôi cảm thấy như đang sống ở một giai đoạn khác. Có cuộc sống trước 11/9 và cuộc sống sau 11/9”.

3.
Khủng bố không phải là điều gì mới mẻ trong lịch sử nhân loại. Sử gia Hy lạp Xenophon (431-350 trước Tây lịch) đã viết về hiệu quả của chiến tranh tâm lý chống nhân dân phía thù địch bằng cách làm cho người ta sợ hãi. Những hoàng đế La Mã như Tiberius và Calligula dùng hình thức lưu đày hay hành hình như là phương tiện làm nản lòng đối thủ. Nhưng từ ngữ khủng bố có lẽ đến từ thời cách mạng Pháp (1793-1794) khi những người thuộc phái Jacobins của Robespierre hành hình 12 ngàn người được quy cho là kẻ thù của cách mạng, mới xuất hiện. Giai đoạn đó được các sử gia gọi là “reign of Terror” (sự ngự trị của nỗi Kinh Hoàng). Phương pháp của nhóm Jacobins dùng sự sợ hãi để loại trừ đối thủ đã trở thành mẫu mực cho các hoạt động khủng bố sau này.

Đến cuối thế kỷ thứ 19, các nhà nước quân chủ Âu Châu đã phải đối phó với nhiều hoạt động khủng bố. Chủ yếu là ám sát các nhân vật có thế lực của các nhà cầm quyền đương thời. Các hoạt động khủng bố này xuất phát từ một lý thuyết phát sinh vào thời đó: chủ nghĩa vô chính phủ (anarchism). Chúng thường diễn ra đơn lẻ hoặc trong một vài nhóm “anarchists” rất nhỏ, không liên tục. Rồi lần lượt trong thế kỷ 20, người ta chứng kiến những kẻ khủng bố tả khuynh, hữu khuynh và mới đây là những kẻ khủng bố có xu hướng chủng tộc hay ly khai hoặc cả hai gọi là “ethnic-separatists”. Khác với thế kỷ 19, chủ nghĩa khủng bố càng ngày càng phát triển về chất lượng, tổ chức và tầm mức. Nó trở thành những lực lượng, không chỉ nhằm phá hoại mà là tiến đến lật đổ các nhà cầm quyền. Khủng bố trở thành công cụ của các tổ chức hay phong trào chính trị như Muslim Brotherhood, Palestinian Hamas (ở Palestine), Irish Republican Army (Ái Nhĩ Lan), Kurdish Extremist (Iraq và Thổ Nhĩ Kỳ), Tamil Tigers (Sri Lanka), Basque Homeland and Liberty (Tây Ban Nha). Ngoài ra, các đảng Cộng Sản, trong những cuộc chiến tranh lật đổ, cũng sử dụng tối đa các hình thức khủng bố.

Nhưng nói chung, tất cả các hình thức khủng bố trên đều có tính địa phương, giới hạn trong một vùng hay một quốc gia, giới hạn vềø mục tiêu cũng như về thời gian. Biến cố 11/9 gây ra bởi một loại khủng bố hoàn toàn mới với tầm mức lớn hơn nhiều. Hành vi khủng bố này không quốc gia, không chính phủ, không tên tuổi (hay dấu tên tuổi). Việc tiến công đồng loạt vào những nơi có tính biểu tượng của Hoa Kỳ cho thấy cho thấy mục tiêu của nó rộng lớn và lâu dài. Những kẻ chủ trươngï không chỉ nhằm trừng trị, trả thù hay đánh đổ một chính phủ, một chính sách nào đó, mà là nhằm thay đổi hoàn toàn bộ mặt của nền chính trị (và qua đó, quân sự, kinh tế, văn hóa...) toàn cầu.

Trước hết, nó nhằm đánh sụp Hoa Kỳ không chỉ với tư cách là một quốc gia, mà còn với tư cách là một biểu tượng, biểu tượng cho nền văn minh Tây Phương. Nó đánh vào một hệ thống mà Hoa Kỳ là đầu não. Trong những lần khủng bố trước đây nhắm vào các cơ sở kinh tế, ngoại giao quân sự của Hoa Kỳ ở nước ngoài, hầu hết các nước Âu châu biểu lộ một thái độ gần như bàng quan, thậm chí tỏ ra - dù không hoàn toàn công khai - hí hửng, vì một Hoa Kỳ kiêu ngạo bị sửa lưng cho bỏ ghét. Nhưng lần này, họ - không những các chính phủ, mà còn dư luận, các cơ quan truyền thông và các phe nhóm đối lập - bày tỏ một sự hoảng hốt, khủng khiếp thấy rõ y như chính nước họ bị tấn công. Ta hãy đọc một trích đoạn tiêu biểu dưới đây trên tờ “Le Monde” hai ngày sau ngày khủng bố:
“Trong tình hình bi thảm hiện nay khi mà chữ nghĩa có vẻ chẳng đủ sức nói lên được hết nỗi xúc động của mỗi người, cái đầu tiên đến ngay trong đầu óc là điều này: tất cả chúng ta đều là người Mỹ. Tất cả chúng ta đều là người New York, cũng như tổng thống John F. Kennedy đã từng tuyên bố vào năm 1962 ở dưới chân bức tường Bá Linh “tất cả chúng ta đều là người Bá Linh” vậy. Giống như vào những lúc nguy nan nhất của lịch sử chúng ta, làm sao mà chúng ta không cảm thấy liên đới một cách sâu xa với dân tộc này và xứ sở này, xứ sở Hoa Kỳ, xứ sở mà chúng ta quá gần gũi và xứ sở mà chúng ta nợ hai chữ tự do, và do đó, nợ tình liên đới”.

Cũng nên biết rằng “Le Monde” (giống như nhiều tờ báo lớn ở Pháp) thường không mấy ưa người Mỹ và không bỏ lỡ cơ hội nào để chỉ trích các chính sách của chính phủ Hoa Kỳ, nhất là trong những vụ như vụ “impeachment” năm 1999 hay vụ bầu cử tổng thống Hoa Kỳ năm 2000.

Theo “Le Monde”, ngày 11/9 đánh dấu sự khởi đầu một kỷ nguyên mới. Siêu cường đơn độc Hoa Kỳ đã tìm ra đối thủ, đó là chủ nghĩa khủng bố kiểu mới. Sau khi Liên Xô sụp đổ, thế giới dường như mất cân bằng, thiếu đối trọng, trông có vẻ ổn định, nhưng nguy hiểm. Hoa Kỳ, trong sự cô đơn với cái “siêu mạnh” của mình, không còn hấp dẫn được người ta theo mình nữa (như hồi còn chiến tranh lạnh), ngược lại càng ngày càng hứng chịu sự thù ghét từ nhiều phía. Rất dễ hiểu: cái gì trông Hoa Kỳ cũng có vẻ độc quyền, từ quân sự đến kinh tế, văn hóa và các thứ linh tinh khác. Vốn đã nghênh ngang, anh chàng Đông Phương Bất Bại này càng nghênh ngang hơn và do đó càng...cô đơn. Bởi thế, loại khủng bố mới này như một sức mạnh man dã mới (nouvelle barbarie), tuân theo một thứ luận lý man dã (logique barbare). Nó xuất hiện như một hình thức hư vô chủ nghĩa kiểu mới không kiểm soát và trở thành một đối lực. Nó tạo ra hậu quả đôi, một mặt, giúp làm quân bình cái thế độc quyền của Hoa Kỳ, nhưng mặt khác, do tính tùy tiện, nó đâm ra còn nguy hại hơn cả sự độc quyền. Các phương tiện kỹ thuật mới lại càng đưa nó đi xa hơn mục tiêu đầu tiên, chẳng hạn như dự tính của nhóm “bin Laden” muốn chế tạo loại bom nguyên tử bẩn (dirty bombs).

“Le Monde” kết luận: “Voilà pourquoi, aujourd'hui, nous sommes tous américains!” - đó là lý do tại sao hôm nay, tất cả chúng ta đều là người Mỹ!

4.
Tôi tự hỏi: giả sử như, vì vậy, Hoa Kỳ (như ta vẫn biết hiện nay) bỗng nhiên biến mất, thì sao? Tất nhiên, điều đầu tiên là thế giới sẽ không còn được dịp trông thấy những điều “chướng tai gai mắt” mà Hoa Kỳ thường làm nữa như hôm nay dọa đánh nước này, mai kia dọa cấm vận nước khác; sẽ chẳng còn ai đem bom ném vào Iraq, vào Afghanistan; sẽ chẳng có ai đòi các nước khác phải tôn trọng nhân quyền, tôn trọng tự do dân chủ; sẽ chẳng có ai đặt điều kiện này nọ để được hưởng quy chế tối huệ quốc; sẽ chẳng có ai đòi nước này không được thử vũ khí hạt nhân, đòi nước nọ không có quyền sản xuất vũ khí vi trùng; sẽ chẳng còn những tờ đô la làm mưa làm gió từ những nước nghèo mạt rệp ở Phi châu cho đến một làng mạc xa xôi nào đó ở Trung Quốc. Và gì nữa: Bắc Hàn sẽ đánh Nam Hàn? Trung Quốc sẽ đánh chiếm Đài Loan và xua quân qua cho Việt Nam thêm một bài học? Nga sẽ chiếm hết các nước Châu Âu? Đức Quốc xã sẽ tái sinh? Iraq sẽ mang bom vi trùng thả xuống Anh? Ấn Độ sẽ tấn công Pakistan? Và rồi: Ai sẽ thả đồ cứu đói xuống các nước Phi Châu? Ai chi tiền cho Liên Hiệp Quốc? Vân vân và vân vân.

Câu trả lời có thể sẽ là: Không đến nỗi như vậy đâu. Không có mợ chợ cũng đông. Không có Hoa Kỳ, thế giới có lẽ sẽ ổn định hơn vì không còn nước nào bóc lột. Không có ai dọa cấm vận, nên mọi người ăn ở hòa thuận nhau. Không có một Hoa Kỳ quá giàu nên do đó cũng chẳng còn có nước nào nghèo. Không có Hoa Kỳ viện trợ, nên không còn những tay độc tài. Không có Hoa Kỳ ăn xài vung vít, nên thế giới đỡ tốn kém, nguồn tài tài nguyên không còn bị phung phí (theo một tài liệu, một mình Hoa Kỳ đã xài đến 1/5 số nhiên liệu của thế giới hàng ngày).

Hay là, rốt cuộc, cũng sẽ có một nước nào đó nổi lên đóng vai trò của Hoa Kỳ? Và cuối cùng, mọi chuyện sẽ lại diễn ra y như hiện nay? Anh chàng bình luận viên đài truyền hình Toronto nước Canada tên là Gordon Sinclair đã bày tỏ cảm tưởng về Hoa Kỳ sau biến cố 11/9 như sau:
“Đã đến lúc nói thẳng ra rằng dân tộc Hoa Kỳ là một dân tộc độ lượng nhất và là một dân tộc ít được thông cảm nhất trên thế giới. Đức, Nhật và ở một mức độ ít hơn là Anh và Ý đã được Hoa Kỳ cứu vớt ra khỏi cảnh tàn phá vì chiến tranh do Hoa Kỳ đổ hàng tỷ đô la vào và tha nợ cho hàng tỷ đô la khác. Vậy mà rồi không nước nào trong các nước trên trả, dù chỉ là trả tiền lời cho số nợ còn lại của Hoa Kỳ. Khi Pháp có nguy cơ bị sụp đổ vào năm 1956, chính Hoa Kỳ nhảy vào cứu và phần thưởng mà Hoa Kỳ nhận được là bị sỉ nhục ngay trên đường phố Paris. (...). Khi có động đất ở những thành phố xa xôi, chính Hoa Kỳ vội vã ra tay cứu giúp. Ấy thế mà mùa xuân này (2001), 59 khu dân cư Hoa Kỳ bị những cơn lốc san bằng, chẳng có ma nào đến giúp. Kế hoạch Marshall và chương trình Truman đã bơm hàng tỷ đô la vào các xứ kiệt quệ Âu Châu, bây giờ báo chí ở các nước đó đang viết những bài lên án Hoa Kỳ là những kẻ đồi trụy và chuyên làm giàu nhờ chiến tranh. (...). Tôi có thể kể cho bạn nghe hàng 5000 lần người Mỹ vội vàng giúp đỡ các dân tộc khác khi họ gặp khó khăn. Bạn có thể kể cho tôi nghe xem, dù chỉ một nước thôi, vội vã chạy đến giúp Hoa Kỳ khi Hoa Kỳ gặp khó khăn? Theo tôi, chẳng hề có một sự giúp đỡ nào từ ngoài vào, ngay cả khi có động đất ở San Franscisco. Người láng giềng của chúng ta luôn luôn phải tự đối phó lấy một mình”. Kể cả bây giờ, sau vụ khủng bố 11/9!

5.
Sự lên tiếng tức thời của các nước châu Âu, rồi Nga rồi Trung Quốc, Nhật, Canada, Úc...cho thấy có tâm thức tập thể “nous sommes tous américains” đó ở nơi hầu hết các nước phát triển. Dường như chính phủ (và có thể là đại đa số nhân dân ) các nước đó, không chỉ chia sẻ nỗi đau của Hoa Kỳ, mà còn xem đó như là nỗi đau của chính mình. Họ cảm thấy hành vi khủng bố này đụng đến gốc rễ của nền văn minh Tây Phương. Đây không là sự trả thù cho chỉ đơn thuần một sự việc hay một biến cố đơn lẻ, mà là một sự trả thù mang tính cách lịch sử!

Trong bài phân tích có tựa đề “The Roots of Muslim Rage”, Bernard Lewis nêu bật lên những đặc điểm lịch sử dẫn đến sự thù nghịch của những người Hồi giáo đối với Hoa Kỳ nói riêng và đối với Tây Phương nói chung. Hồi Giáo, cũng như các tôn giáo khác, chủ trương tình huynh đệ và hòa bình. Tuy nhiên, về mặt lý thuyết, khi chủ trương chỉ có một đấng tối cao duy nhất để tôn thờ là God, thì đồng thời cũng phát sinh ra một ý niệm đối nghịch: kẻ thù của God. Kẻ thù của God tất nhiên phải là kẻ ác và đồng nghĩa với quỷ. Bởi thế mà luôn luôn phải có một cuộc tranh đấu để chiến thắng ác quỷ. Trong cái nhìn của Hồi giáo cổ xưa - và hiện nay đang được những người bảo thủ làm sống lại -, thế giới và toàn thể nhân loại phân chia thành hai phe rõ rệt: thế giới của đạo Hồi, nơi các luật Hồi Giáo được tôn trọng, và thế giới của những người ngoại đạo mà tín đồ Hồi Giáo có bổn phận phải mang trở lại đạo. Nhưng phần lớn thế giới lại không phải Hồi Giáo. Đã thế, ngay nội bộ thế giới Hồi Giáo, theo cái nhìn chính thống, cũng bị xáo trộn vì những kẻ thiếu niềm tin thường xuyên vi phạm luật Hồi giáo, khiến cho Hồi Giáo bị bào mòn dần.

Chính vì thế mà những người chính thống, trong quá trình lịch sử, luôn luôn nhắc đến Jihad, tức là thánh chiến, chống lại các kẻ thù ngoại đạo. Giữa thế giới ngoại đạo đó, những người ở phía Đông và Nam (ý chỉ các nước phương đông theo Phật Giáo và Ấn Giáo) không có đe dọa nào nghiêm trọng, do đó không tranh chấp trực tiếp với Hồi Giáo. Nhưng ngược lại, ở phía Tây và Bắc, người Hồi Giáo, ngay từ lúc mới thành hình, đã cảm thấy bị đe dọa bởi một tôn giáo khác mà tham vọng không thua gì Hồi Giáo, đó là Thiên Chúa Giáo. Với họ, Thiên Chúa Giáo đồng nghĩa với Âu Châu.

Cuộc tranh chấp giữa hai địch thủ này, bắt đầu khi Hồi Giáo mới ra đời cho đến nay, đã kéo dài gần 14 thế kỷ. Đó là một chuỗi dài những cuộc tấn công và phản công, Jihads và Crusades, chinh phục và tái chinh phục. Trong 300 năm qua, kể từ khi thất bại trong cuộc phong tỏa Vienna năm 1683 và sự trổi dậy của các đế quốc thuộc địa Âu Châu ở Á và Phi Châu, Hồi Giáo phải trở về thế phòng ngự. Nền văn minh Thiên Chúa Giáo và những nhánh phái phát sinh từ đó, đã mang hầu như toàn thế giới vào trong quỹ đạo của nó. Hồi Giáo không những đã không phản công lại được mà còn bị lép vế hoàn toàn trước một Tây Phương Thiên Chúa Giáo và bị ảnh hưởng nặng nề, từ nếp sống, cách cai trị, chế độ chính trị cho đến các hình thức sinh hoạt khác của nó.

Trong nhãn quan của người Hồi Giáo, sự thành lập quốc gia Hoa Kỳ là một European enterprise, đánh dấu cho sự lớn mạnh tột bực của Tây Phương. Vì Hoa Kỳ là một dân tộc, trong đó, ưu thế về mọi mặt thuộc về Châu Âu, từ di dân cho đến ngôn ngữ, tôn giáo, văn hóa và cách sống. Rất ít người đến từ các xứ Hồi Giáo và nếu có, thì đó là những người đã biến chất, nghĩa là đã cải đạo sang Thiên Chúa Giáo rồi. Thành thử, sự hiện diện của họ chẳng những không làm suy yếu ảnh hưởng của Âu Châu chút nào mà còn làm mạnh thêm ảnh hưởng có sẵn đó.

Thực ra, có một giai đoạn , trước thế chiến thứ hai, khi thế giới Hồi Giáo bắt đầu chuyển mình tiến lên thời hiện đại, vô tình hay hữu ý, họ đã chấp nhận những giá trị mới của Tây Phương. Lúc đó, Hoa Kỳ không được (hay bị) nhìn như là những kẻ thù. Nhưng sau thế chiến thứ hai, chịu ảnh hưởng của những tư tưởng bài Mỹ xuất phát từ bộ máy tuyên truyền của khối Cộng Sản cũng như từ chế độ Quốc Xã Đức và đặc biệt là từ một số nhà văn, nhà tư tưởng Đức (các nước Hồi giáo chịu ảnh hưởng mạnh của các luận thuyết Đức) như Martin Heidegger, Rainer Maria Rilke, Ernst Junger...rồi về sau này được tăng cường thêm bởi loại chủ thuyết của thế giới thứ ba (Third Worldism), ấn tượng về Hoa Kỳ thay đổi hoàn toàn. Hoa Kỳ, từ đó, được xem là một nước văn minh nhưng không văn hóa; giàu có tiến bộ về vật chất, nhưng giả tạo, vô hồn; kỹ thuật cao, nhưng thiếu trí tuệ, thiếu chất sống và tinh thần nhân bản. Vân vân và vân vân.

Những tư tưởng trên, tự bản chất, không mang hậu ý bài Mỹ, mà chỉ nhằm hạ thấp giá trị của Mỹ, coi Mỹ như một tay trọc phú ít học, giàu có là nhờ cơ hội và sự khôn lanh quỷ quyệt hơn là nhờ tài năng. Nhưng những trí thức Hồi giáo, vốn chịu ảnh hưởng nặng từ Âu châu, kết hợp cùng với các truyền thống Hồi giáo và các vướng mắc lịch sử, đi từ chỗ chống Tây phương (anti-Westernism) một cách chung chung đến chỗ cụ thể hóa thành chống Mỹ (anti-Americanism).

Theo Seumas Milne, dưới mắt của thế giới Hồi Giáo, anh chàng Hoa Kỳ khổng lồ đã tạo nên một hệ thống tài chánh và thương mại toàn cầu nhằm phục vụ cho quyền lợi của họ đồng thời tìm cách phá bỏ bất cứ hiệp ước nào làm thiệt hại đến quyền lợi đó. Hoa Kỳ gửi quân đi đến từng góc địa cầu, thả bom ở Afghanistan, ở Iraq, ở Sudan, ở Yugoslavia, duy trì chính sách cấm vận đối với Cuba và nhất là ủng hộ Israel, kẻ thù bất cộng đái thiên của Hồi Giáo. Tóm lại, Hoa Kỳ tự tung tự tác làm như thể thế giới này là của riêng họ. Ở đâu họ cũng nhúng tay vào bảo ban, dọa nạt, can thiệp. Kết quả là họ bị thù ghét khắp nơi. Những gì xảy ra vào ngày 11/9 chỉ là hậu quả của sự thù ghét dai dẳng đó mà thôi. Seumas Milne viết:
“ Chính Hoa Kỳ đã đổ tài nguyên vào cuộc chiến tranh năm 1980 để chống lại một chế độ được Liên Sô ủng hộ ở Kabul vào lúc mà các thiếu nữ có thể đi học và phụ nữ có thể đi làm. Osama bin Laden và tổ chức “Mujahideen” của ông ta đã được CIA huấn luyện và vũ trang khi đất nước Afghanistan trở thành một vùng đất hoang cằn cỗi và lãnh tụ Cộng Sản Najubullah của nó bị treo cổ trên cột đèn đường thành phố với bộ phận sinh dục nhét trong mồm (để làm nhục). Nhưng rồi bin Laden quay sang chống người bảo trợ Hoa Kỳ của mình. Để trừng phạt đứa con ngang bướng, Hoa Kỳ liền thi hành một chính sách cấm vận đối với chế độ, khiến đẩy cả 4 triệu người đến bên bờ vực của nạn đói” (...) “Giờ đây, chính quyền Bush tập hợp một liên minh quốc tế lấy theo mẫu chiến tranh chống khủng bố của Israel, y như thể những hành động giận dỗi như thế đã có một sự hiện hữu tách khỏi những điều kiện xã hội đã phát sinh ra hành vi khủng bố. Nhưng cứ mỗi một “hệ thống khủng bố” bị nhổ bỏ thì một hệ thống khác sẽ mọc lên, cho đến khi những bất công và bất bình đẳng sản xuất ra chúng được xem xét đến”

6.
Trong những ngày tiếp liền sau biến cố 11/9 thì có lẽ một trong những bài báo được nói đến nhiều nhất là bài “Sự đụng độ của các nền văn minh” (The Clashes of Civilizations) của tiến sĩ Samuel P. Huntington, giáo sư về quan hệ quốc tế tại đại học Harvard. Huntington đã khẳng định ngay trong đoạn mở đầu bài viết nói trên như sau:
“Tôi cho rằng nguồn tranh chấp căn bản trong thế giới mới này sẽ không chủ yếu là ý thức hệ hay kinh tế. Những sự phân chia lớn lao trong nhân loại và nguồn tranh chấp ưu thế sẽ là văn hóa. Các thực thể quốc gia sẽ vẫn là những diễn viên quyền năng nhất trên sân khấu chính trị quốc tế, nhưng những tranh chấp chính trị toàn cầu chính vẫn sẽ xảy ra giữa những quốc gia và những nhóm có những nền văn minh khác nhau. Sự đụng độ giữa các nền văn minh sẽ là chặng mới nhất của diễn tiến tranh chấp trong thế giới hiện đại”

Tại sao lại có sự đụng độ giữa các nền văn minh như vậy? Theo Huntington, trên thế giới có 7 hoặc 8 nền văn minh khác nhau: Tây Phương, Trung Hoa, Nhật, Hồi Giáo, Ấn Độ Giáo, Slavic-Chính Thống Giáo, Châu Mỹ La Tinh và có thể là Phi Châu. Có sáu yếu tố đưa đến sự đụng độ:
- Các nền văn minh khác biệt nhau về lịch sử, văn hóa, ngôn ngữ, truyền thống và quan trọng nhất là khác biệt về tôn giáo. Mỗi một nền văn minh có những quan điểm khác nhau về liên hệ giữa thần/ người, cá nhân/cộng đồng (hay nhóm), công dân/nhà nước, cha mẹ/con cái...

- Thế giới ngày nay đã trở thành nhỏ hơn, qua đó, các chủng tộc, các truyền thống cọ xát nhau, hòa lẫn vào nhau, tác động lẫn nhau do tình hình di dân, truyền thông, trao đổi, giao lưu văn hóa.

- Tiến trình hiện đại hóa kinh tế và thay đổi xã hội khiến quốc gia không còn là nguồn xác định căn cước cá nhân nữa. Chính vì thế, người ta có xu hướng trở lại truyền thống tôn giáo để xác định căn cước của mình, do đó, tạo thành phong trào gọi là “fundamentalism” (chính thống cực đoan). Chúng ta thấy có những fundamentalists Phật Giáo, fundamentalists Thiên Chúa Giáo, fundamentalists Judaism, fundamentalists Ấn Giáo, và đặc biệt phát triển rầm rộ về cả số lượng lẫn chất lượng là các fundamentalists Hồi Giáo. Hầu hết những người tham gia phong trào, lạ thay, lại là tuổi trẻ, những người có học vấn khá cao. Họ là chuyên viên, kỹ thuật gia trung cấp, doanh gia và nhiều thành phần ưu tú khác. Huntington đồng ý với George Weigel cho rằngï chủ trương “làm sống lại niềm tin tôn giáo là sự kiện ưu thế vào cuối thế kỷ thứ 20”. hay nói theo Gilles Kepel, đó là một sự “trả thù của Thượng Đế”.

- Sự tăng trưởng của ý thức văn minh: Chính sự tăng trưởng này khiến cho Tây phương đạt đến đỉnh cao quyền lực của mình. Nhưng mặt khác, chính điều đó lại dẫn đến hiện tượng “trở về nguồn”, tức là trở về với những nền “văn minh phi-Tây Phương” (non-Western civilizations) ở nhiều nước: Asianization ở Nhật, Hinduization ở Ấn Độ, re-Islamization ở các xứ Trung Đông. Tình hình đó đưa đến sự hình thành thế giới theo chiều hướng “giải-Tây Phương hóa” (de-Westernization) hay bản-xứ-hóa (indigenization).

- Những đặc tính và khác biệt về văn hóa khó thỏa hiệp hơn chính trị và kinh tế. Có thể có những người Cộng Sản chuyển thành dân chủ, những người giàu trở thành nghèo hay ngược lại. Nhưng không dễ dàng chuyển một người Nga thành người Estonia, hay một người Việt thành Tàu. Mặt khác, người ta có thể là một người lai nửa Pháp nửa Á Rập hoặc là công dân của hai xứ sở, nhưng khó thể có người nửa Thiên Chúa Giáo nửa Hồi Giáo.

- Sự gia tăng các khối kinh tế vùng, một mặt, khiến gia tăng thêm ý thức văn minh, mặt khác, khiến các nước có cùng một nền văn minh liên kết với nhau và các liên kết vùng đó chỉ thành công nếu họ đặt căn bản trên cùng một nền văn minh. Các nước cùng chung văn hóa dễ có tương quan với nhau về mặt kinh tế, chẳng hạn như Trung Quốc-Hồng Kông-Đài Loan-Singapore. Chiến tranh lạnh chấm dứt lại càng khiến họ nhanh chóng vượt qua biên giới của ý thức hệ để đến với nhau: Trung Quốc và Đài Loan chẳng hạn. Hoặc tổ chức
“Economic Cooperation Organization” mang 10 nước Hồi Giáo không có gốc Á Rập lại với nhau: Iran, Pakistan, Turkey, Azerbaijan, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Turkmenistan, Tadjikistan, Uzbekistan và Afghanistan.

Vậy tuyến phân chia giữa các nền văn minh đã thay thế các biên giới chính trị và ý thức hệ của thời “chiến tranh lạnh” như là những điểm bùng nổ tạo nên khủng hoảng và đổ máu. Từ đó, Huntington cho rằng “cuộc chiến tranh thế giới sắp tới, nếu có, sẽ là một cuộc chiến tranh giữa các nền văn minh”. Hai cuộc chiến tranh thế giới trước đây cũng như chiến tranh lạnh, tuy dính líu đến toàn thế giới, thực sự vẫn là cuộc chiến tranh giữa các xứ có cùng một nền văn minh. Đó là tranh chấp nội bộ trong nền văn minh Tây Phương hay nói theo William Lind, đó là những cuộc “nội chiến Tây phương” (Western civil wars). Cuộc chiến tranh sắp tới sẽ chủ yếu ở chỗ: chiến tranh giữa nền văn minh phương Tây và các nền văn minh Còn Lại, “The West versus the Rest”. Hay nói một cách khác, đó là sự phục thù của những nền văn minh phi -Tây Phương chống lại những giá trị và quyền hành Tây Phương. Trong cái nhìn của những người trong các nền văn minh đó, các ý niệm mà Tây Phương đề ra không có giá trị phổ quát như họ từng rêu rao trên nhiều phương diện, chẳng hạn như chủ nghĩa cá nhân, khái niệm về tự do, dân chủ, vấn đề lập hiến, nhân quyền, bình đẳng, kinh tế thị trường...Tây Phương chỉ sử dụng quyền hành và sức mạnh quân sự cũng như kinh tế để áp đặt các giá trị của họ lên các nền văn minh khác. Xuất phát từ nhận thức đó, xứ sở của các nền văn minh khác sẽ là nỗ lực hiện đại hóa, nhưng không Tây phương hóa, to modernize not to Westernize.

Từ đó, Huntington tiên đoán là sẽ có một sự liên kết quân sự và kinh tế giữa các nền văn minh để chống Tây Phương, trong đó, “hình thức quan trọng nhất của sự hợp tác này là sự liên kết hai nền văn minh Khổng Giáo - Hồi Giáo” (Confucian-Islamic connection).

Riêng về quan hệ giữa hai nền văn minh Tây Phương và Hồi Giáo, Huntington cho rằng sự xung đột vốn tồn tại từ cả 13 thế kỷ nay của hai nền văn minh, sau một thời gian dài có vẻ lắng dịu, bắt đầu gay gắt trở lại và mức độ gay gắt càng ngày càng tăng. Nhất là sau cuộc chiến vùng Vịnh năm 1991. Những quốc gia Hồi giáo cảm thấy giận dỗi và bị sỉ nhục hơn trước sự hiện diện quân sự của Tây Phương tại vùng Vịnh và sự bất lực không thể tự định đoạt được số phận của riêng họ. Mặt khác, xu hướng tiến tới thể chế dân chủ kiểu Tây Phương, thay vì tăng cường ảnh hưởng của Tây Phương thì lại tăng cường lực lượng chính trị chống Tây Phương. Hiện tượng này lại trùng hợp với tình hình căng thẳng về di dân tại các nước Âu Châu nhất là di dân từ các nước Á Rập hiện đang là một trong những vấn đề âm ỉ trong các xã hội Tây Phương.

Trong phần cuối bài tiểu luận đặc biệt này, Huntington viết:
“Bài này không quả quyết rằng những căn cước văn minh sẽ thay thế tất cả các loại căn cước khác, rằng thực thể quốc gia sẽ biến mất, rằng mỗi một nền văn minh sẽ trở nên một thực thể chính trị đơn thuần rõ ràng, rằng những phe nhóm trong mỗi nền văn minh sẽ không tranh chấp và thậm chí đánh nhau. Bài này trình bày những giả thiết cho rằng sự khác biệt giữa các nền văn minh là có thực và quan trọng; ý thức-văn minh mỗi ngày mỗi gia tăng; xung đột giữa các nền văn minh sẽ chiếm chỗ ý thức hệ và các hình thức xung đột khác để trở thành hình thức xung đột chiếm ưu thế toàn cầu; quan hệ quốc tế, một trò chơi mà các nền văn minh Tây Phương đóng trong lịch sử sẽ càng ngày bị “giải-Tây Phương hóa” (de-Westernized) và trở thành một trò chơi trong đó các nền văn minh phi-Tây Phương là những diễn viên chính chứ không còn là những đối tượng đơn giản; các cơ sở chính trị quốc tế, an ninh và kinh tế thành công có lẽ phát triển bên trong những nền văn minh hơn là xuyên qua chúng; tranh chấp giữa các nhóm trong những nền văn minh khác nhau sẽ thường xuyên hơn, chắc chắn hơn và bạo động hơn giữa các nhóm trong cùng một nền văn minh; những xung đột bạo động giữa những nhóm trong các nền văn minh khác nhau dễ xảy ra nhất và là cội nguồn leo thang nguy hiểm nhất có thể dẫn đến những cuộc chiến tranh toàn cầu; trục quan trọng hàng đầu của chính trị thế giới sẽ là các tương quan giữa “Tây Phương và phần Còn Lại”; tầng lớp lãnh đạo trong một số nước phi-Tây-phương bị xáo trộn sẽ cố gắng đưa xứ sở của họ trở thành một phần của Tây Phương nhưng trong hầu hết các trường hợp họ sẽ gặp phải những trở lực to lớn khi thực hiện; điểm trung tâm của xung đột trong tương lai gần sẽ là giữa Tây Phương và nhiều xứ Hồi Giáo và Khổng Giáo”

(…) “Những nền văn minh phi-Tây-Phương sẽ tiếp tục tìm cách sở đắc sự thịnh vượng, kỹ thuật, kỹ xảo, máy móc và vũ khí như là thành phần của hiện đại hóa. Họ cũng sẽ tìm cách hòa giải tính hiện đại với nền văn hóa và các giá trị truyền thống của họ. Sức mạnh kinh tế và quân sự của họ trong tương quan với Tây Phương sẽ gia tăng”.

Quan điểm mới mẻ của Huntington gây ra một sự tranh cãi dữ dội. Kể từ ngày công bố, tuy bài viết đã được dịch ra 26 thứ tiếng và được đem ra bàn cãi trong nhiều cuộc hội thảo quốc gia và quốc tế, luận điểm “đụng độ của các nền văn minh” bị những người không đồng quan điểm đả kích kịch liệt. Huntington bị lên án là ngụy biện, lếu láo. Có người cho rằng cách suy nghĩ của Huntington là “rất nguy hiểm về phương diện đạo đức”. Có người mang tất cả các bài viết của ông cùng với bài nói trên ra chế giễu bằng một tựa đề nhái tựa đề của ông “The Clash of the Two Huntingtons”

Sau biến cố 11/9, luận điểm của Huntington lại có dịp mang ra tranh cãi. Một trong những người gay gắt bài bác quan điểm của Huntington là tiến sĩ Edward W. Said, giáo sư văn học đối chiếu tại đại học Colombia. Trong một bài tựa đề “The Clash of Ignorance”, vị giáo sư này không ngần ngại dùng những từ ngữ khá nặêng nề để lên án ông, như gọi ông là “một cây viết tồi”, “một nhà tư tưởng bất lịch sự”. Luận điểm cho rằng Tây Phương và Hồi Giáo là hai nguồn căn cước lớn của nhân loại đã được đặt ra một cách bất cẩn. Công thức “The West versus the Rest” được nhiều người mang ra chứng minh cho biến cố 11/9, là một công thức vụng về, hoàn toàn thiếu tính thuyết phục.

Theo Said, biến cố 11/9 thực ra xuất phát từ những động lực bệnh hoạn và được hành xử bởi một nhóm nhỏ những kẻ có đầu óc bất thường, cuồng tín tôn giáo và ưa phá hoại. Lịch sử là lịch sử chung và tất cả mọi người, Phật Giáo,Thiên Chúa Giáo, Hồi Giáo hay Ấn Độ Giáo đều dự phần trong đại dương lịch sử. Cho nên, tìm cách phân chia chúng theo tiêu chuẩn tôn giáo và văn minh là điều vô ích. Chúng ta đang sống trong thời đại căng thẳng thật, nhưng đó là căng thẳng giữa sức mạnh và sự bất lực, giữa lý trí và sự ngu dốt, giữa công bằng và bất công” (...) “Luận điểm về sự xung đột giữa các nền văn minh cũng như cụm từ “Chiến Tranh giữa các thế giới” là một thứ phô trương, chỉ có hiệu quả nhằm tăng cường sự kiêu hãnh phòng ngự hơn là thừa nhận một lý giải có tính phê phán của mối tương thuộc lẫn nhau trong thời đại chúng ta”.

Nhiều người khác không đồng ý với Huntington, nhưng không chỉ trích gay gắt như Said, mà chỉ đưa ra một cách giải thích khác về khủng bố. Chẳng hạn như Gérard Chaliand, giáo sư thỉnh giảng tại các đại học Berkeley, UCLA. Trả lời cho một cuộc phỏng vấn, ông nhận xét vụ khủng bố 11/9 chủ yếu “không phải là một sự “xung đột giữa các nền văn minh”. Xung đột này, nếu có, thì đã phải xảy ra rồi vào thế kỷ thứ 19 với sự bùng nổ của chủ nghĩa thực dân Âu Châu trong thế giới Á, Phi. Hiện nay, không hề có xung đột với thế giới Hồi Giáo. Chuyện khủng bố chủ yếu là những nhóm rất nhỏ những người Hồi Giáo cực đoan, có khả năng gây tai họa rất ghê gớm, nhưng chỉ có một tương lai khiêm nhường, ngược lại với nguyện vọng của họ. (...) Hiển nhiên là những kẻ gây ra khủng bố quan trọng vừa rồi với biết bao nhiêu nạn nhân, không đòi hỏi gì cả. Mục đích chỉ là để chứng tỏ sự yếu ớt của Hoa Kỳ và làm cháy bùng lên ngọn lửa nhiệt tình nơi những cảm tình viên. Giấc mơ của những người Hồi Giáo là tái tạo một “Oumma”, một loại cộng đồng Hồi Giáo không có tính quốc gia mà là tính liên-Hồi (pan-musulmane). Mục tiêu rõ là ảo tưởng, cũng như chủ nghĩa liên-Á Rập (pan-arabisme) hay liên-Phi Châu (pan-africanisme), nhưng những người Hồi Giáo cực đoan này lại có khả năng gây nên tổn hại đáng kể”. (...) “Chủ nghĩa khủng bố sẽ có thể bị làm cho suy yếu do sự hủy diệt những nơi ẩn náu của họ. Nhưng người ta không thể tận diệt nó được”

Nhà văn nổi tiếng Nhật Haruki Murakami đưa ra một cách giải thích khác. Theo ông, cuộc chiến giữa khủng bố và chống khủng bố không phải là một cuộc đụng độ giữa các nền văn minh, lại càng không phải là một cuộc thập tự chinh, mà là sự va chạm giữa những hệ thống - có thể gọi là những mạch điện (circuits) - không ăn khớp với nhau, tạo nên một cái gì tương tự như một vụ nổ. Hai mạch điện va chạm nhau đó, một là mạch mở và cái kia là mạch kín. “Mạch mở là xã hội mà chúng ta hiện đang sống và mạch kín là thế giới của những kẻ cuồng tín tôn giáo. Đó là những người Hồi giáo thuộc khuynh hướng cực đoan hoặc là những nhóm nhỏ như giáo phái Aum Shinrikyo ở Nhật Bản. Trong một mức độ nào đó, cả hai nhóm có cùng một tính cách. Thế giới của họ là một thế giới toàn hảo, bởi vì họ tự khép chặt lại”.

Trong vũ trụ của những kẻ cuồng tín, “nếu bạn có bất kỳ vấn đề nào, luôn luôn có người cung cấp cho bạn câu trả lời. Mọi điều trông rất dễ dàng và sáng tỏ và bạn cảm thấy hài lòng miễn là bạn có lòng tin”. Trong vũ trụ mở, trái lại, “mọi điều có vẻ bất toàn. Chúng ta có nhiều thú tiêu khiển, nhưng cũng có nhiều thiếu sót, nhược điểm. Và thay vì sống hạnh phúc, trong hầu hết trường hợp, chúng ta hay giận dỗi và bị khủng hoảng. Nhưng ít ra, mọi điều rộng mở. Bạn có quyền chọn lựa và quyết định cách sống của bạn” (...). “Thật dễ dàng nếu muốn tìm lối vào mạch điện kín này, những chẳng dễ dàng chút nào khi muốn tìm lối ra. Những kẻ điều khiển thường mở lối vào mạch kín một cách tự do. Nhưng họ không dành cho lối ra, bởi vì họ muốn đẩy những tín đồ của họ vào trong thế kẹt. Lúc đó, những người này trở thành những chiến sĩ sẵn sàng làm theo lệnh. Tôi cho rằng họ giống như những kẻ đã lái máy bay đâm vào hai tòa nhà đó”

Những nhận định trên của nhà văn không hẳn chỉ là những phát biểu ngẫu phát tiếp theo sau biến cố đầy xúc động tại New York ngày 11/9, mà xuất phát từ những suy gẫm rút ra được sau một thời gian dài tìm hiểu vụ tấn công khủng bố ngay trên chính đất nước ông vào ngày 20/3/1995 tại hệ thống đường hầm xe lửa Tokyo do giáo phái Aum Shinrikyo thực hiện.

Kinh nghiệm về vụ tấn công 1995 và vụ 11/9 cho thấy hiện chúng ta đang sống trong một tình hình mà Murakami gọi là một “hỗn loạn thế giới mới”. Ông phát biểu: “Ở Nhật, hầu hết mọi người đều cho rằng vụ tấn công khủng bố ở Hoa Kỳ là vấn đề riêng của Hoa Kỳ. Hoa Kỳ là nước mạnh nhất trên thế giới và dân Hồi Giáo không thích Hoa Kỳ, cho nên có chuyện khủng bố. Hoàn toàn không đúng, theo tôi. Cùng một điều như thế sẽ có thể xảy ra ở bất cứ đâu: Tokyo, Berlin, Paris...Bởi vì hiện có một cuộc chiến tranh giữa những mạch điện mở và những mạch điện kín, nghĩa là giữa những trạng thái tinh thần khác nhau. Đây không phải là vấn đề về những quốc gia hay xứ sở, không phải là về tôn giáo, nhưng mà về những “trạng thái tinh thần”. Thảm kịch New York là điềm báo cho một giai đoạn mới mẻ đối với xã hội Hoa Kỳ. Đây là cuộc tấn công đầu tiên vào nội địa Hoa Kỳ và người ta biết rằng Hoa Kỳ là rất dễ bị tổn thương. Mọi điều đã không còn như trước nữa” (...) “Không ai biết rồi ra mọi điều sẽ tốt hơn hay tệ hại hơn. Nhưng chúng ta phải tập làm quen với sự hỗn loạn mới. Chúng ta phải bình tĩnh trước sự hỗn loạn này. Sẽ không có một giải pháp đơn giản và rõ ràng cho nó. Cuộc chiến tranh giữa hai trạng thái tinh thần sẽ còn diễn ra lâu dài”.

7.
Trong số những người bênh vực Huntington nhiệt tình, có Robert D. Kaplan. Qua một bài khá dài viết về Huntington có tựa đề “Looking the World in the Eye”, ông cố làm sáng tỏ nhiều điểm trong các công trình lý luận của Huntington, trong đó có luận điểm “Sự xung đột giữa các nền văn minh”. Kaplan quả quyết rằng, dù bị bêu riếu và sỉ nhục, quan điểm của Huntington về thế giới sẽ trở thành hiện thực trong những thập niên tới. Cuộc tấn công khủng bố vừa qua, không những không làm lu mờ đi quan điểm đó mà còn góp phần làm sáng tỏ thêm nó đồng thời làm sáng tỏ thêm toàn bộ công trình lý luận của Huntington.

Trong quá khứ, Huntington đã nhiều lần cảnh cáo rằng thật là vô nghĩa khi mong mỏi những dân tộc không phải Hoa Kỳ lại trở thành giống Hoa Kỳ một cách đáng kể. Điều này, theo Huntington, sẽ chỉ làm hại chính nghĩa của Hoa Kỳ mà thôi. Ngay từ những năm đầu thập niên 1950, Huntington đã đề cập đến tính tạm thời, mong manh của nền an ninh Hoa Kỳ mà phần lớn là nhờ có cái may mắn về phương diện địa lý. Trong tương lai, chắc chắn may mắn đó sẽ không còn và Tây Phương cũng như Hoa Kỳ sẽ đối phó với những kẻ quá khích từ những nền văn hóa khác không chấp nhận văn hóa Hoa Kỳ và Tây Phương, tìm cách lôi kéo Hoa Kỳ vào một cuộc chiến tranh văn hóa. Huntington viết “Trong cái thế đang trổi lên của các cuộc xung đột chủng tộc và đụng độ văn minh, niềm tin của người Tây Phương vào tính phổ quát của văn hóa Tây Phương hứng chịu ba điều: nó sai, nó vô luân và nó nguy hiểm”.

Huntington cho rằng Osama bin Laden rõ ràng hy vọng ông ta có thể khêu lên một cuộc đụng độ về văn hóa giữa Tây phương và Hồi Giáo. Hoa Kỳ phải tránh đừng để điều đó xảy ra, chủ yếu là phải tập hợp một liên minh chống khủng bố xuyên qua các đường ranh của những nền văn minh. Ngoài ra, Hoa Kỳ phải nhân cơ hội này để hoàn thành hai điều: trước hết, lôi kéo những quốc gia Tây Phương đoàn kết với nhau chặt chẽ hơn; thứ đến, cố gắng hiểu một cách cụ thể hơn các dân tộc khác đã nhìn thế giới dưới con mắt của họ như thế nào”. Thế giới chúng ta hiện đang sống “là một nơi nguy hiểm, trong đó có nhiều dân tộc rất phẫn nộ về sự giàu có, sức mạnh và nền văn hóa của chúng ta và chống đối một cách mãnh liệt nỗ lực của chúng ta tìm cách thuyết phục họ hoặc ép buộc họ thừa nhận những giá trị của chúng ta về nhân quyền, dân chủ và tư bản chủ nghĩa. Trong thế giới này, Hoa Kỳ phải phân biệt giữa những người bạn thực sự sẽ luôn luôn ở bên cạnh chúng ta và chúng ta luôn luôn ở bên cạnh họ bất chấp mọi khó khăn; những đồng minh cơ hội mà nơi họ, chúng ta chỉ có một số quyền lợi chung; những kẻ cạnh tranh chiến lược mà với họ, chúng ta có một quan hệ hỗn hợp (không rõ ràng); những địch thủ mà với họ chúng ta có thể thương thuyết; và những kẻ thù ghê gớm luôn luôn tìm cách tiêu diệt chúng ta trừ phi chúng ta tiêu diệt họ trước”

Robert Kaplan rất tâm đắc với một nhận xét khác của Huntington trong “American Politics”: “Những nhà phê bình cho rằng Hoa Kỳ là một sự dối trá bởi vì thực tế (mà nó hoàn thành) quá khác xa với lý tưởng (mà nó đặt ra). Họ lầm. Hoa Kỳ không phải là một sự dối trá; nó là một điều tuyệt vọng. Nhưng nó có thể là một điều tuyệt vọng chỉ bởi vì nó đồng thời cũng là một niềm hy vọng”

Trong số những người thích Huntington lúc đó, có tôi. Khoảng một tuần lễ sau biến cố 11/9, tôi tình cờ được đọc bài viết trên của Huntington. Thành thật mà nói, tôi khoái các lập luận của ông. Chúng lạ. Chúng ngộ. Chúng mới. Chúng làm ta chưng hửng. Ông ta có lối lý luận bao biện, đôi khi... ngụy biện, nhưng thành thật. Và đặc biệt, nó không có tính áp đặt độc đoán. Nó mở cho ta đi vào một cảnh trí rộng hơn, cao hơn, xa hơn. Nó khiến cho ta nhìn qua khỏi những gì ngoài tầm mắt. Tôi thích cái mà Robert Kaplan gọi là “tính chất tương phản trong các ý tưởng của Huntington”. Nghe nó có vẻ như mâu thuẫn, nhưng lại là những mâu thuẫn thú vị, chứa một hay nhiều phần sự thực. Chẳng hạn như ông bảo “tham nhũng đôi khi cũng tốt”, hoặc “sự khác biệt giữa độc tài và dân chủ đôi khi ít hơn là chúng ta hằng tưởng nghĩ”, vân vân.

Cuộc đụng độ của các nền văn minh! Nghe như tựa đề của một truyện khoa học giả tưởng. Trong cái tâm trạng bối rối, hoang mang sau biến cố 11/9, bỗng nhiên đọc được bài báo viết trước đó tám năm, đưa ra một lý giải khả tín về nguồn gốc sâu xa của nó, tôi cảm thấy thú vị. Huntington luận về cái tổng thể, bận tâm với cái tổng thể và tìm cách náêm bắt bản chất của nó. Rất có thể ông sẽ sai, vì dù sao, những gì ông viết ra vẫn chỉ là luận thuyết. Hãy chờ xem.

Nói quanh nói quất, tôi bỗng sực nhớ ra, tôi thích Huntington cũng chỉ vì tôi cũng là một người Mỹ với tất cả niềm hãnh diện ngây ngô của một người mới nhập tịch! Chẳng thế, sao tôi sống trên đất nước này, sao tôi sung sướng thụ hưởng những tiện nghi của nó, được luật pháp của nó bảo vệ, được nó nuôi dưỡng và thậm chí được quyền .. chưởi nó bằng thích. Sau ngày 11/9, tôi đau theo nỗi đau của nó, lo lâu theo nỗi lo âu của nó, chia sẻ những thiệt thòi mà nó phải chịu, đóng góp cho nó những gì nó cần, và mong cho nó được mau tai qua nạn khỏi.

Chỉ có một điều khác: tôi vẫn là người Việt.

Trần Doãn Nho, 12/2001