Hôm nay đánh dấu ngày Phạm Văn Ðồng ký một bức thư năm 1958 gửi ông Chu Ân Lai, thủ tướng Trung Cộng.
|
Phạm Văn Ðồng |
Trong lá thư đó Phạm Văn Ðồng đã nhân danh chính phủ của một nước Việt Nam chính thức đồng ý với bản tuyên bố mươi ngày trước đó của chính phủ Trung Quốc về hải phận. Mà trong bản tuyên bố này Trung Quốc xác nhận các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc lãnh thổ của họ, giống như Ðài Loan, Bành Hồ. Bức công hàm ngày 14 tháng 9 để lại một di sản nặng nề mà ngày nay người Việt Nam còn chịu hậu quả. Những hậu quả chính trị, ngoại giao nhiều người đã biết; trong bài này sẽ nêu lên một trong những hậu quả về kinh tế.
Chữ ký của Phạm Văn Ðồng đã ngăn cản việc khai thác tài nguyên và phát triển đất nước Việt Nam. Từ năm 1958 tới nay, Bắc Kinh luôn luôn vin vào lá thư của Phạm Văn Ðồng để nói rằng chính quyền Cộng Sản Việt Nam đã công nhận họ là chủ nhân của quần đảo Hoàng Sa. Họ đã dùng vũ lực đánh chiếm Hoàng Sa năm 1974, hải quân Việt Nam Cộng Hòa đã anh dũng kháng cự với bao chiến sĩ đã hy sinh. Hành động cướp đất thô bạo này, diễn ra trong thời gian mới cách đây 37 năm, là một bằng chứng cụ thể chứng tỏ là Hoàng Sa vốn là của Việt Nam, đã bị Trung Cộng cưỡng chiếm. Với bằng cớ hiển nhiên đó bất cứ chính quyền Việt Nam nào cũng có thể đưa ra tòa án quốc tế để đòi xét xử và lấy lại. Nhưng vì lá thư Phạm Văn Ðồng chính quyền Hà Nội há miệng mắc quai. Ngược lại, khi nói ra còn bị Bắc Kinh tố cáo là “vô ơn” và “lật lọng”.
Vin vào lá thư của Phạm Văn Ðồng, với quyền làm chủ Hoàng Sa, Trung Quốc tự cho quyền tấn công các ngư dân Việt Nam từ Quảng Nam, Quảng Ngãi, Quy Nhơn không cho đi đánh cá ngoài khơi. Bao đồng bào mất phương tiện sinh sống. Họ còn đe dọa và ngăn cấm cả các công ty quốc tế không cho tìm và khai thác dầu khí trong vùng biển thuộc nước ta. Người Việt Nam không được hưởng những tài nguyên thiên nhiên tổ tiên chúng ta để lại!
Việc ngăn cấm các công ty quốc tế tìm dầu trong thềm lục địa Việt Nam buộc chính quyền Bắc Kinh phải giải thích với nước có những hang dầu bị cấm. Và họ đã viện dẫn lá thư Phạm Văn Ðồng làm bằng cứ. Một điện văn của đại sứ Mỹ ở Hà Nội (mới tiết lộ cuối tháng 8 năm 2011) kể lại mấy cuộc tiếp xúc với quan chức Trung Cộng để nghe họ biện minh việc cấm đoán các hãng dầu Mỹ. Trong cuộc gặp gỡ ngày 7 tháng 3 năm 2008 với nhân viên ngoại giao Mỹ, ông Trịnh Chấn Hoa (Zheng Zhenhua Ð/N), phó chủ nhiệm phòng Kế Hoạch thuộc Vụ Á Châu, Bộ Ngoại Giao Bắc Kinh, đã nêu lên lá thư do ông Phạm Văn Ðồng ký gửi Thủ Tướng Chu Ân Lai để chứng minh Việt Nam đã chính thức công nhận chủ quyền của Trung Quốc trên các đảo Hoàng Sa và Trường Sa từ năm 1958.
Trước hết, Trịnh Chấn Hoa giải thích về đường Lưỡi Bò (còn gọi là Cửu Ðoạn Tuyến) trong vùng biển Ðông của nước ta, nói rằng nó đã được chính phủ Tưởng Giới Thạch vẽ ra từ năm 1947, rồi lại được nêu lên chính thức trong đạo luật về vùng kinh tế độc quyền ven biển năm 1998 của Bắc Kinh. Trịnh Chấn Hoa cũng nói từ năm đó cho đến thập niên 1960 “không một quốc gia nào kể cả nước Mỹ từng nêu câu hỏi nghi ngờ về chủ quyền của Trung Quốc” trên các quần đảo đó. Ý nói cả chính quyền Việt Nam ở Hà Nội cũng không hề lên tiếng phản đối. (Sự thật thì chính quyền Việt Nam ở Sài Gòn, từ năm 1956 đã nhiều lần xác nhận chủ quyền trên các quần đảo này, bác bỏ lập trường của Bắc Kinh.)
Trịnh Chấn Hoa còn dẫn sự tích lịch sử, nói từ đời Ðông Hán ((23-220) dân Trung Hoa đã sống ở các đảo đó; và trong thời Nam Bắc Triều nhà (Nam) Tống (420-478) đã đặt các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc vào tỉnh Quảng Ðông. Nhưng lý luận kiểu này hoàn toàn vô giá trị. Không thể chiếm đóng một nước khác rồi dùng làm chứng cớ coi đó là lãnh thổ của mình. Từ thời Ðông Hán cho tới thời nhà Ðường, tất cả nước Việt Nam bị “chiếm đóng”; Người Việt chỉ tự giải phóng được từ thế kỷ thứ 10. Trong thời gian chiếm đóng thì các vua quan nước Tàu cứ việc coi bất cứ người Việt nào, ở đâu, cũng là “dân” của họ cả. Cứ việc ghi tên bất cứ vùng đất nào của Việt Nam vào một tỉnh nước Tàu. Hoàng Sa và dân sống ở Hoàng Sa cũng vậy. Nếu dùng lý luận của Trịnh Chấn Hoa thì người Tàu có thể nói Lạng Sơn, Hà Nội cho tới Vinh đều thuộc lãnh thổ Trung Quốc hay sao? Các ông Tô Ðịnh, Cao Biền, Trần Bá Tiên chẳng đã từng đặt các tỉnh của Việt Nam vào trong địa giới nước Tàu hay sao? Nói vậy chẳng khác gì chính phủ Anh Quốc tuyên bố các tiểu bang miền Ðông nước Mỹ ngày nay vẫn thuộc chủ quyền của nước Anh vậy!
Cuộc tiếp xúc của Trịnh Chấn Hoa cốt giải thích cho chính phủ Mỹ hiểu lý do họ đã ngăn cản không cho công ty dầu lửa Mỹ Chevron hợp tác với công ty Dầu khí Việt Nam thăm dò tại Block số 122, giữa Hoàng Sa và bờ biển nước ta. Trịnh Chấn Hoa cho nhà ngoại giao Mỹ biết rằng Bắc Kinh chỉ vạch giới hạn 12 hải lý như là hải phận của mình ở quanh các đảo Hoàng Sa, nơi họ coi là có chủ quyền chắc chắn. Còn chung quanh các đảo Trường Sa thì họ không làm, vì còn nhiều tranh chấp với các nước khác “phức tạp hơn”. Sự phân biệt này rõ ràng là vì chính quyền Bắc Kinh dùng lá thư ông Phạm Văn Ðồng ký ngày 14 tháng 9 năm 1958 biện hộ việc họ làm chủ Hoàng Sa, coi như không cần bàn cãi nữa. Một hậu quả là Trung Cộng ngăn cản các công ty dầu khí quốc tế không được thăm dò và khai thác gần Hoàng Sa. Công ty Chevron, hợp tác với Petronas/Carigali đã dự tính thăm dò ở phía Tây Block 122, nằm bên ngoài vùng tranh chấp Hoa-Việt quanh quần đảo Hoàng Sa. Nơi này Chevron cho biết là vùng có triển vọng tìm được dầu và khí đốt cao nhất, chỉ nằm cách bờ biển Việt Nam 17 hải lý, nhưng vẫn bị Trung Cộng ngăn cấm. Một quản đốc cao cấp của công ty Chevron thú nhận rằng họ sợ bị Bắc Kinh trừng phạt, trong một dự án lớn hợp tác với công ty Dầu Khí Trung Quốc, PetroChina khai thác khí đốt ở tỉnh Tứ Xuyên. Chevron phải bãi bỏ việc thăm dò Block 122.
Ngoài công ty Chevron, trong vòng mấy tháng đầu năm 2008 các công ty dầu khí British Petroleum (BP) của Anh; Idemitsu, Nippon Teikoku Nhật Bản; Santos của Úc; Pearl Energy của Singapore; và Lundin Petroleum của Thụy Ðiển cũng phải bỏ các dự án khai thác dầu trong vùng biển Việt Nam vì bị Trung Cộng đe dọa. Ðó là một hậu quả của lá thư ông Phạm Văn Ðồng ký ngày 14 tháng 9 năm 1958! Quyền lợi kinh tế và việc phát triển công nghiệp của nước Việt Nam bị thiệt hại vì bao nhiêu dầu khí không được khai thác. Bắc Kinh còn nêu lên những “bằng chứng phụ” khác để chứng minh Cộng Sản Việt Nam đã công nhận chủ quyền của họ trên các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, qua những lời tuyên bố của ông Ung Văn Khiêm, một ngoại trưởng, hay những tấm bản đồ chính thức và sách giáo khoa do chính quyền Hà Nội in đều ghi các đảo trên thuộc Trung Quốc. Nhưng các chứng cớ trên không đủ mạnh bằng một văn kiện do một ông thủ tướng Việt Nam ký tên.
Các công điện của đại sứ Mỹ ở Hà Nội cũng cho biết PetroVietNam đã hứa với Chevron rằng Hải quân Việt Nam sẽ bảo vệ các công tác ngoài biển! Chắc Chevron đã biết chính quyền Hà Nội thường “nhún mình” trước Trung Cộng như thế nào. Lời hứa hẹn “bảo vệ” này không thể thực hiện được! Ngay cả việc bảo vệ các ngư dân đi đánh cá bị bắt cóc đòi tiền chuộc mà chính quyền Việt Nam cũng không làm được, thử hỏi làm sao họ dám đương đầu khi đụng vào các quyền lợi lớn như dầu khí?
Trong khi đó thì ngay cả những tàu thủy Petro Việt Nam thuê đi thăm dò đáy biển cũng bị tàu Trung Cộng đến cắt dây cáp thẳng tay, trong lúc các ông Nguyễn Tấn Dũng, Nguyễn Phú Trọng vẫn ca ngợi tình đồng chí anh em với 16 chữ vàng! Cả kho tài nguyên dầu khí của nước ta sẽ bị chính quyền Bắc Kinh phong tỏa, không được sử dụng. Cho tới bao giờ có một chính quyền Việt Nam chịu chấp nhận chia phần với họ trong việc khai thác các mỏ dầu khí trong vùng này, mà trong đó Trung Cộng sẽ chiếm lấy phần lớn; may ra lúc đó các công ty ngoại quốc mới được phép khai thác gần quần đảo Hoàng Sa. Nếu các thỏa hiệp chia chác đó được giữ bí mật theo lối giao thiệp “giữa đồng chí anh em” thì chắc không người dân Việt nào được biết cả.
Nhưng Trung Quốc không đối xử như vậy đối với các nước khác cũng nằm trong tình trạng tranh chấp ở biển Ðông. Trong công điện ngày 7 tháng 9 năm 2007, nhân vụ Chevron, tòa đại sứ Mỹ tại Hà Nội báo cáo về Bộ Ngoại Giao Mỹ cho biết các tòa đại sứ Mỹ ở Phi Luật Tân, Indonesia và Malaysia nói rằng chính phủ Bắc Kinh không hề can thiệp hay ngăn cản các công ty dầu quốc tế khi đến khai thác tại vùng biển các nước này. Những hòn đảo tranh chấp giữa các nước trên với Trung Quốc thường nằm trong vùng Trường Sa, ở phía Nam Hoàng Sa, nhưng đều bị Trung Quốc gom trong Ðường Lưỡi Bò. Công điện này nhận xét: “Trong lúc các nước Ðông Nam Á khác cũng ký các hợp đồng cho khai thác (dầu khí) ở vùng biển Nam Trung Hoa đang có tranh chấp (với Trung Quốc) thì Trung Quốc chỉ phản đối riêng các hợp đồng ký với Việt Nam mà thôi!”
Tại sao họ có hai cách đối xử khác nhau như vậy? “Nhiều công ty năng lượng quốc tế cho là việc tranh chấp có ẩn ý sâu xa hơn, không phải chỉ là vấn đề dầu khí.” Trung Quốc không muốn đối đầu với nhiều quốc gia trong vùng Ðông Nam Á cùng một lúc. Tách riêng Việt Nam ra để thí nghiệm phương pháp đè nén, ép buộc xem kết quả sao; rồi sẽ tính chuyện với các nước khác. Phương pháp của nước mạnh vẫn là “chia để trị”. Cho nên, Bắc Kinh nhất định đòi nói chuyện riêng với Việt Nam, không có nước nào khác can dự. Chấp nhận đàm phán song phương là tự bước vào trong bẫy của họ. Ngay bây giờ, họ đã đối xử theo cách tách rời Việt Nam và Hoàng Sa ra. Như ông Trịnh Chấn Hoa nói với người Mỹ, “trường hợp Trường Sa phức tạp hơn”. Họ chọn Việt Nam để làm áp lực với các công ty dầu quốc tế, bởi vì nó “không phức tạp”. Chính quyền Trung Quốc coi những bất đồng về hải phận đối với Việt Nam không cần bàn cãi. Vì chỉ riêng đối với Việt Nam họ mới nắm được trong tay một văn kiện cụ thể, là bức thư của ông Phạm Văn Ðồng, của ông thủ tướng một nước gửi ông thủ tướng nước khác. Và họ trưng ra bằng chứng đó bất cứ khi nào phải giải thích trước các quan sát viên quốc tế. Các nước Ðông Nam Á khác sẽ thấy khó lòng bênh vực Việt Nam về Hoàng Sa khi Bắc Kinh trưng lá thư Phạm Văn Ðồng ra.
Chính quyền Mỹ thì vốn đã phủi tay, luôn luôn nói nước Mỹ không can dự vào những vùng biển, đảo còn tranh chấp ở Ðông Nam Á. Ngay từ khi quân Trung Cộng tấn công Hoàng Sa năm 1974, các chiến sĩ Việt Nam bị đắm tàu kêu cứu nhưng Hạm Ðội Thứ Bẩy ở gần đó cũng không thèm tới cứu, chắc vì sợ phải can dự! Ông Trịnh Chấn Hoa, ngay trong cuộc nói chuyện kể trên đây, sau khi xác định chủ quyền của Trung Quốc trong vùng Ðường Lưỡi Bò, vẫn cẩn thận trấn an người đại diện chính quyền Mỹ: “Trung Quốc cam kết tàu bè có quyền đi lại tự do trong vùng Ðường Chín Ðoạn.” Hai năm sau, khi bà ngoại trưởng và ông bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ lên tiếng ở Singapore về “quyền tự do hải vận” trong vùng Ðông Nam Á thì Bộ Ngoại Giao Trung Quốc chỉ cần nhắc lại lời cam kết suông mà ông Trịnh Chấn Hoa đã nói. Bằng cách đó, họ có thể tiếp tục cô lập nước Việt Nam. Còn bao nhiêu mỏ dầu khí của dân ta sẽ bị khóa cửa, không cho khai thác. Ðó là hậu quả chữ ký của ông Phạm Văn Ðồng ngày 14 tháng 9 năm 1958.
Khi còn sống ông Phạm Văn Ðồng được tiếng là một ông thủ tướng tốt bụng, hiền lành, chăm chỉ, không muốn làm hại ai. Nhạc sĩ Ðặng Thái Sơn kể khi anh chiếm giải Dương Cầm Chopin năm 1980, anh được ông thủ tướng mời vào khen ngợi. Trước khi từ giã ông còn hỏi, “Cháu có cần bác giúp gì không?” Nhạc sĩ trẻ xin cho thân phụ anh được có lại hộ khẩu ở Hà Nội, và ông Phạm Văn Ðồng giúp ngay. Nhờ thế, thi sĩ Ðặng Ðình Hưng đã được trở về sống ở Hà Nội sau hơn 20 năm bị lưu đầy ở miền quê vì đã tham gia nhóm Nhân Văn Giai Phẩm. Nhà thơ được cư ngụ dưới cầu thang một ngôi nhà gần Chợ Cửa Nam. Ðặng Thái Sơn nhớ cái ơn đó mãi mãi. Nhưng lòng tốt của ông thủ tướng chỉ giới hạn tới mức đó thôi. Việc ký bức thư ngày 14 tháng 9 năm 1958 chắc chắn không phải là sáng kiến của ông Phạm Văn Ðồng. Suốt đời ông chỉ làm công việc ký giấy tờ, do người khác quyết định. Ông Ðồng chỉ là một đảng viên tốt, thi hành mọi việc do đảng sai bảo. Trong thời gian năm 1958, những người nắm quyền quyết định cao nhất ở Hà Nội là Hồ Chí Minh, Lê Duẩn, Trường Chinh, vân vân. Cho nên nếu gọi bức thư ngày 14 tháng 9 là một “công hàm bán nước” thì cái tội bán nước không riêng ông Phạm Văn Ðồng phải gánh.
9/14/2011
|