Nghịch lý của các chế độ độc tài |
Tác Giả: Nguyễn Hưng Quốc | ||||
Thứ Tư, 28 Tháng 9 Năm 2011 04:50 | ||||
Sự tồn tại và, nhất là, sự tồn tại kéo dài của các chế độ độc tài chứa đựng một số nghịch lý rất lạ lùng: Một, tại sao một người hoặc một nhóm người nào đó có thể tước đoạt tự do và quyền lợi của tất cả những người khác một cách dễ dàng như thế? Hai, tại sao tất cả những người gọi là "khác" ấy lại dễ dàng chấp nhận và chịu đựng cảnh bị tước đoạt lâu đến như vậy? Lý thuyết tiến hóa có thể giải thích bằng cách cho những nhà độc tài là những kẻ có bản lĩnh phi phường, vượt lên trên mọi người khác. Nhưng lịch sử lại cung cấp vô số bằng chứng ngược lại: Thứ nhất, trong suốt chế độ phong kiến vốn kéo dài cả hàng ngàn năm, không phải vị vua nào cũng tài giỏi. Ở nơi nào cũng có hằng hà những tên vua tầm thường, thậm chí, khở khạo hoặc ngu xuẩn. Vậy mà chúng vẫn đầy quyền lực và khiến mọi người khiếp sợ. Trong thời hiện đại cũng vậy. Không phải tên độc tài nào cũng xuất chúng. Người ta có thể ghét Adolf Hitler hay Fidel Castro nhưng ít nhất cả hai đều có một số tài nào đó, chẳng hạn, tài hùng biện. Nhưng còn những tên độc tài khác thì sao? Chẳng hạn Moammar Gadhafi ở Libya hay Kim Chính Nhật ở Bắc Hàn? Cả Gadhafi lẫn Kim Chính Nhật đều bị giới nghiên cứu và truyền thông Tây phương gọi là điên với những chính sách và phát ngôn không những ngu xuẩn mà còn ngu xuẩn ở mức "phi thường", chỉ có thể tìm thấy ở những người mắc bệnh tâm thần mà thôi. Cứ vào Google, đánh tên hai người này, chúng ta sẽ thấy ngay một trong những tính từ phổ biến gắn liền với tên họ là chữ "điên rồ" (insane). Họ điên đến độ biến thành trò cười cho cả thế giới. Nhiều nhà bình luận chính trị nhận định: Phải điên lắm chúng ta mới hiểu nổi cái điên của Gadhafi và Kim Chính Nhật. Điên vậy mà cả Gadhafi lẫn Kim Chính Nhật đều cầm quyền một cách tuyệt đối trong một thời gian rất dài: Kim Chính Nhật chính thức trở thành "Lãnh tụ kính yêu" của Bắc Hàn từ năm 1994, tức là cách đây gần 20 năm (thật ra, nhiều năm trước khi ông lên "ngôi", lúc Kim Nhật Thành còn sống, ông đã thay cha quyết định gần như mọi sự!). Gadhafi thì tại vị lâu hơn, đến 40 năm. Nếu Mỹ và khối NATO không quyết định không kích thẳng vào Libya để ủng hộ các nhóm phiến loạn không biết ông ta sẽ còn kéo dài những cơn điên của mình đến bao giờ nữa! Không những cầm quyền lâu, cả Gadhafi lẫn Kim Chính Nhật đều tạo cho mình vô số huyền thoại. Người thì đóng vai của một thứ nhà tiên tri, một "lý thuyết gia" cách mạng của thế giới; người được coi như thánh sống, lúc ra đời trên một ngọn đồi nhỏ thì chim chóc hót vang chào đón, lớn lên thì trở thành một nhà chính trị sáng suốt phi phàm; còn tài năng thì vô cùng đa dạng: viết nhạc hay, chơi golf giỏi, thậm chí, giỏi cả internet; hơn nữa, ông không hề đi tiểu tiện (như người phàm trần) và có khả năng làm thay đổi thời tiết. Câu hỏi đặt ra là: Tại sao những kẻ điên rồ như vậy có thể cầm quyền lâu như vậy? Tại sao dân chúng nước họ lại tin tưởng vào những chuyện vớ vẩn như vậy? Tại sao cả hai điều này có thể diễn ra bất chấp thực tế là đất nước của họ càng ngày càng lún sâu vào nghèo đói và không có ai có tự do cả? Tại sao? Giải phẫu các chế độ độc tài, các nhà nghiên cứu phát hiện có hai khía cạnh căn bản: việc tước hầu hết hoặc toàn bộ quyền của công dân và việc chia chác quyền trong một nhóm người nào đó. Chuyện tước quyền thì đã rõ. hầu như ai cũng thấy. Độc tài, nói một cách vắn tắt, thực chất là một hình thức ăn cướp, có thể nói là ăn cướp ở mức độ triệt để và tàn bạo nhất. Các tên ăn cướp, dù hung bạo và tàn nhẫn đến mấy, cũng chỉ cướp được tài sản một số người. Độc tài cướp cả quyền sống và quyền làm người của con người, cướp tất cả những gì làm cho con người thành người. Con người cần trí tuệ ư? Độc tài cướp trí tuệ. Và mọi người trở thành những con vẹt. Con người cần phát triển toàn diện ư? Độc tài cướp đi sự toàn diện ấy. Và mọi người biến thành những kẻ què quặt. Con người cần tự do ư? Độc tài cướp mọi tự do. Và mọi người biến thành những tên nô lệ. Có điều, trên đời, hiếm, nếu không muốn nói là không, có những cá nhân có thể đạt được sự độc tài tuyệt đối như thế. Ngay những kẻ gọi là độc-tài-dựa-trên-cá-nhân, như trường hợp của Hitler và Gadhafi, cũng không thể một mình thâu tóm mọi quyền lực trong tay được. Bởi vậy, dù ít hay nhiều, mọi tên độc tài đều phải ở trong thế phải chia chác quyền bính với người khác. Sự khác biệt, giữa các chế độ độc tài, chỉ là ở mức độ. Ngày xưa, trên danh nghĩa, các vua chúa nắm quyền tuyệt đối. Nhưng họ vẫn biết khôn khéo chia quyền và chia lợi cho cả một tầng lớp đông đảo với những đặc quyền và đặc lợi nhất định: đó là giai cấp quý tộc. Chính cái giai cấp ấy đứng ra nhận lãnh trách nhiệm bảo đảm và bảo vệ sự toàn trị của vua chúa. Bảo vệ và bảo đảm không phải chỉ bằng vũ lực mà còn cả văn hóa: họ xây dựng cả những lý thuyết dựa trên thần quyền để nhồi sọ dân chúng. Các chế độ độc tài sau này cũng vậy. Bao giờ chung quanh những tên độc tài cũng có một lực lượng đông đảo những kẻ cúc cung bảo vệ: những kẻ ấy cũng được chia chác cả quyền lẫn lợi. Ví dụ, nhìn vào Việt Nam hiện nay, chúng ta cũng có thể thấy rõ việc chia chác quyền lực và quyền lợi như vậy. Những nhân vật chóp bu trong hệ thốngg đảng và nhà nước hiện nay không phải là những kẻ duy nhất được hưởng mọi ưu đãi về quyền lực và quyền lợi. Họ khôn khéo chia quyền và lợi cho nhiều người khác để những kẻ đó trở thành những kẻ bảo vệ họ. Hậu quả là ở Việt Nam hệ thống quyền và lợi được phân cấp thành nhiều tầng. Nổi bật nhất là: Tầng một: Đảng và chính quyền trung ương. Tầng hai: chính quyền và đảng bộ ở cấp trung địa phương. Tầng ba: quân đội. Tầng bốn: công an. Mỗi tầng có những đặc quyền và đặc lợi riêng không những cho bản thân họ mà còn cho cả gia đình và bạn bè của họ. Lý do khiến giới lãnh đạo cao cấp, từ Phạm Văn Đồng ngày trước đến Nguyễn Tấn Dũng hiện nay, không thể cách chức các cán bộ dưới quyền, như những gì họ từng thú nhận, không phải vì họ bất lực mà chỉ vì họ muốn bảo vệ cái hệ thống chia chác quyền và lợi vốn có tác dụng bảo vệ quyền và lợi của chính họ. Để mua sự trung thành của các cán bộ cấp dưới, họ không có chọn lựa nào khác ngoài việc ngoảnh mặt làm ngơ trước những sự bất tài, bất lực và tham nhũng của những người ấy. Nhưng tất cả những điều ấy đều chưa đủ giải thích sự tồn tại lâu dài của các chế độ độc tài. Còn một yếu tố khác nữa: sự sợ hãi của dân chúng. Ở Trung Quốc ngày xưa có một câu chuyện ngụ ngôn có thể soi sáng điều này: Có một lão nông nọ nuôi một bầy khỉ. Mỗi sáng, ông thả bầy khỉ ra khỏi chuồng, bắt chúng lên núi cao hái trái cây cho ông. Ông ra lệnh chúng phải nộp một nửa số trái cây chúng hái được. Bầy khỉ làm việc vất vả nhưng không dám than vãn. Chúng quần quật từ ngày này sang ngày khác. Trong khi đó, ông già cứ nằm khẩy ở nhà chờ bọn khỉ mang trái cây về nộp. Một phần ông ăn; môt phần, ông mang ra chợ bán; một phần ông cất trong kho. Ai cũng khen ông sung sướng. Một hôm, ở trong rừng, có một con khỉ con nêu vấn đề: "Có phải ông chủ trồng các cây và cả mấy khu rừng này không?" Các con khỉ già đáp: "Không". Con khỉ con lại hỏi: "Nếu không được phép của ông chủ thì chúng ta có thể hái trái cây ở đây không?" Đàn khỉ già đồng loạt trả lời: "Được chứ!" Con khỉ con lại hỏi: "Vậy tại sao chúng ta lại phải nộp một nửa trái cây mà chúng ta hái được cho ông ấy?" Nghe câu hỏi ấy, cả đàn khỉ bỗng giác ngộ. Đêm ấy, bọn khỉ phá chuồng, lấy tất cả số trái cây dự trữ trong kho mang lên rừng. Vĩnh viễn không trở lại. Ông già, cuối cùng, chết vì đói. Có thể nói các con khỉ ấy đã giải quyết được những nghịch lý của nạn độc tài.
|