Home Tin Tức Bình Luận Linh Hồn ‘Quân Đội Nhân Dân’ Lâm Nguy

Linh Hồn ‘Quân Đội Nhân Dân’ Lâm Nguy PDF Print E-mail
Tác Giả: Bùi Tín   
Thứ Tư, 28 Tháng 9 Năm 2011 06:44

Vừa qua, một đoàn đại biểu quân sự cấp cao Việt Nam đã sang Bắc Kinh theo lời mời của phía Trung Quốc.


 Điều khác thường ở đây là đoàn chính trị này của quân đội nhân dân gồm 6 chính ủy quân khu và một số cục trưởng của tổng cục chính trị được dẫn đầu bởi Trung tướng Ngô Xuân Lịch, chủ nhiệm Tổng cục Chính trị.
Tại sao lúc này hơn một chục tướng lãnh đứng đầu ngành chính trị của toàn quân lại tề tựu đông đủ chưa từng có như thế để sang trình diện và họp mặt với phía Trung Quốc?

Ngành chính trị - gồm các chính uỷ, chủ nhiệm chính trị, cục trưởng chính trị, chính trị viên…- luôn được coi là ngành hệ trọng nhất trong mạng lưới lãnh đạo và chỉ huy của quân đội kiểu cộng sản. Tổng cục Chính trị là cơ quan số 1, trực tiếp của Quân ủy Trung ương Đảng Cộng sản, luôn do Tổng bí thư của đảng kiêm nắm chức Bí thư Quân ủy. Trước đây, trong thời chiến, chủ nhiệm Tổng cục Chính trị thường là một đại tướng, là ủy viên Bộ Chính trị Trung ương Đảng, về nguyên tắc chỉ ở dưới bộ trưởng quốc phòng kiêm tổng tư lệnh. Có dạo theo quân đội Trung Quốc, nguyên tắc “chính ủy tối hậu quyết định” được áp dụng trong QĐND Việt Nam, khi giữa tư lệnh và chính ủy có ý kiến khác nhau thì ý kiến của chính ủy là ý kiến quyết định cuối cùng, viên tư lệnh phải tuân theo. Ngành chính trị do đó là ngành hệ trọng nhất, được giải thích là linh hồn, là bản mệnh của quân đội, với hình ảnh người cán bộ chính trị:

Ngang lưng thì thắt lập trường
Đầu đội chính sách, tay cầm chủ trương

Vậy thì tại sao phía Trung Quốc lại triệu tập đoàn cán bộ cao nhất, đông đủ nhất trong ngành chính trị của quân đội Việt Nam sang Bắc Kinh, để làm gì?

Có thể dễ dàng nhận ra điều ấy trong bối cảnh của quan hệ Việt - Trung hiện nay. Phía Trung Quốc lo ngại rằng thái độ chống bành trướng đang biểu lộ ngày càng rõ trong xã hội Việt Nam với 11 ngày Chủ nhật biểu tình công khai liên tiếp có thể ảnh hưởng đến tinh thần của quân đội Việt Nam. Họ càng lo ngại khi nhiều tướng lãnh , khá nhiều cựu chiến binh và cả một số sỹ quan tại ngũ cũng biểu thị tinh thần yêu nước, ý chí bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ của đất nước, kiên cường chống lại mọi hành động xâm lấn bành trướng của phía họ. Họ muốn nắm chắc, làm chủ tình hình, tránh bất ngờ. Họ từng bị quân đội và nhân dânViệt Nam giáng trả quyết liệt năm 1979. Cuộc chiến tranh cuối cùng gần đây nhất của Việt Nam là cuộc chiến Việt - Trung, được gọi là cuộc chiến tranh giữa những người anh em, giữa những người đồng chí.

Qua mấy ngày làm việc ở Bắc Kinh, đoàn cán bộ chính trị của quân đội Việt Nam đã tỏ ra thái độ như thế nào?

Cứ theo những gì được công bố qua những tin tức và thông báo của 2 bên mọi sự diễn ra êm đẹp, trôi chảy, rất là hữu nghị, thân thiết. Đoàn Việt Nam được phó chủ tịch nước kiêm phó bí thư quân uỷ trung ương Tập Cận Bình tiếp rất nồng hậu. Ông Tập Cận Bình sẽ thay ông Hồ Cẩm Đào nhận chức nhân vật số 1 - tổng bí thư kiêm chủ tịch nước - từ cuối năm 2012, sau đại hội đảng lần thứ XVIII.

Ông Tập Cận Bình căn dặn phía Việt Nam hãy thực hiện “3 điều kiên trì: kiên trì hiệp thương hữu nghị, kiên trì tầm nhìn đại cục và kiên trì hợp tác 2 bên cùng có lợi”.
Chỉ vài câu ngắn gọn nhưng thâm thúy vô cùng. Hiểu rộng ra, «kiên trì hiệp thương hữu nghị» là dù cho phía Trung Quốc có trưng ra hình lưỡi bò, long trọng tuyên bố toàn vùng biển Đông là thuộc sở hữu cốt lõi không ai được tranh cãi, còn cho tàu chiến vào vùng này, ngăn cấm ngư dân Việt đánh cá, ngăn cả tàu Ấn Độ vào thăm hữu nghị Việt Nam… thì phía Việt Nam không được và không nên phản đối, bình luận, không được để cho dân biểu tình, mà chỉ nên hiệp thương một cách ôn hòa hữu nghị với nhau.
«Kiên trì nhìn đại cục» nghĩa là phía Việt Nam chỉ nên coi những việc như nhân nhượng chút ít đất đai, vài vùng biển nhỏ, vài quần đảo chỉ là chuyện nhỏ, mà chuyện lớn là tình hữu nghị truyền thống, là «16 chữ Vàng», là “quan hệ Bốn Tốt”, trên đại cục 2 nước là láng giềng tốt không có gì sai, trên đại cục 2 nước là bạn tốt không có gì xấu, trên đại cục là đồng chí tốt không chơi xấu nhau, trên đại cục cũng là đối tác tốt không làm hại nhau. Có gì xấu chỉ là về tiểu tiết, không đáng kể, nên bỏ qua.

«Kiên trì hợp tác 2 bên cùng có lợi», 2 bên cùng thắng có nghĩa là không đấu tranh chống đối, tố cáo nhau làm gì cho lôi thôi, phức tạp, hãy chỉ coi nhau là bạn bè, anh em, đồng chí, luôn giữ hòa khí với nhau, hợp tác chiến lược toàn diện, sẽ duy trì tình anh em hòa thuận, có lợi cho cả 2 bên, chống đối nhau chỉ bất lợi, thiệt hại cho cả 2 bên.

Trung tướng Ngô Xuân Lịch và toàn đoàn đã hoàn toàn tán thành ý kiến được coi như chỉ thị của ông Tập Cận Bình, còn cam kết rằng: «Quân đội 2 nước sẽ gương mẫu thực hiện thỏa thuận giữa 2 đảng, 2 nước là giải quyết những vấn đề tồn tại giữa 2 nước bằng đối thoại song phương”. Ông còn nhấn mạnh “phía Việt Nam không có ý định quốc tế hóa các vấn đề bất đồng về biển đảo, không kéo nước này chống nước khác”.

Được lời như cởi tấm lòng, phía Trung Quốc còn có mong muốn gì hơn.

Lẽ ra người đứng đầu ngành chính trị của quân đội phải đứng vững trên lập trường bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, bảo vệ chủ quyền tuyệt đối của đất nước, coi đó là nhiệm vụ hàng đầu của quân đội, thì tướng Lịch đã hoàn toàn từ nhiệm nghĩa vụ đó. Lẽ ra ông tướng Lịch phải nêu cao chính sách đoàn kết toàn dân chống bành trướng và xâm lược bất cứ ở đâu đến, nhưng ông đã thực hiện chính sách hoà hoãn, hàng phục bọn bành trướng, để tiếp tục đàn áp người yêu nước theo yêu cầu của Bắc Kinh.

Ngay giữa lúc Trung Quốc cho tàu chiến, tàu khoan dầu, tàu tuần tra hải giám vào vùng biển Việt Nam, xua đuổi ngư dân ta, đuổi cả tàu Ấn Độ và hãng dầu Ấn Độ ra khỏi vùng biển ta, thì tướng Lịch và cả hơn 10 ông tướng chính trị đều im thin thít, không một lời phản đối, chất vấn, cảnh báo, coi như 2 bên đang sống hoàn toàn hòa thuận với nhau. Vậy họ đứng trên lập trường nào, theo chủ trương chính sách của ai, trên lập trường bảo vệ Tổ quốc như lời thề danh dự của Quân đội nhân dân, hay trên lập trường hợp tác với thế lực bành trướng và xâm lược? Rõ ràng đó là lập trường “hèn với giặc, ác với dân” phơi bày công khai. Lập trường này của ngành quốc phòng còn tệ hơn của ngành ngoại giao, có khi còn biết lên gân đôi chút.

Trở về nước, họ sẽ ăn nói ra sao, sẽ trả lời ra sao cho toàn thể quân đội và cho toàn dân?

Đây phải chăng là đòn sát hạch hạnh kiểm chính trị của quan thầy đối với thuộc quốc nhằm chuẩn bị cho chuyến đi của Tổng bí thư mới Nguyễn Phú Trọng sắp sang trình diện Bắc triều?

Và phải chăng đoàn cao cấp nhất về chính trị của quân đội đã mang linh hồn của toàn thể binh sĩ đi rao bán ra nước ngoài. Đất nước quả là lâm nguy, lâm đại nguy.

Xin để toàn thể tướng lãnh, sỹ quan, binh sỹ và toàn dân ta nhận xét và đánh giá trên lập trường bảo vệ Tổ quốc, một cách khách quan và công bằng