Cái mới là...một phát hiện mới |
Tác Giả: Nguyễn Hưng Quốc | |||
Thứ Ba, 15 Tháng 11 Năm 2011 07:01 | |||
Văn học là cuộc hành trình đi tìm cái mới, nhưng không phải lúc nào người ta cũng ý thức tầm quan trọng của việc tìm kiếm ấy như nhau. Chẳng hạn, trong suốt thời cổ đại và một phần thời trung đại, việc tìm kiếm cái mới chưa phải là một nhu cầu lớn. Có thể có nhiều nguyên nhân. Thứ nhất, đó là lúc văn học đang ở giai đoạn mò mẫm hình thành, chưa có nhiều thành tựu sau lưng, do đó, cũng chưa có nhiều cái cũ và cái sáo để vượt qua. Thứ hai, trong quan niệm của cả người Đông phương lẫn Tây phương thời bấy giờ, văn học là một sinh hoạt tập thể, chưa có dấu ấn cá nhân, do đó, cũng chưa có ý niệm về sự độc đáo. Cuối cùng, triết học cổ đại ở cả Tây phương lẫn Đông phương đều loại trừ khả năng tìm kiếm cái mới trong văn học. Ở Tây phương, người ta quan niệm sự sáng tạo đích thực là sự sáng tạo của Thượng đế hay của tự nhiên; con người chỉ có thể mô phỏng sự sáng tạo của Thượng đế và tự nhiên mà thôi, do đó, học thuyết mô phỏng (mimesis) ra đời, được Plato và đặc biệt, Aristotle hệ thống hoá, có ảnh hưởng lớn lao cả mấy chục thế kỷ về sau, nhất là thời tân cổ điển (neo-classicism), từ giữa thế kỷ 17 đến cuối thế kỷ 18. Ở Đông phương, đặc biệt là ở Trung Hoa và Việt Nam, người ta quan niệm chức năng của thơ là để chở đạo và nói chí, mà cả đạo lẫn chí đều có tính chất vĩnh hằng, do đó, vấn đề mới và cũ cũng không được đặt ra. Hơn nữa, ở cả Đông phương lẫn Tây phương đều diễn ra một quá trình tương tự: thoạt đầu là mô phỏng tự nhiên hoặc đạo, sau, dần dần biến thành sự mô phỏng tiền nhân. Các nhà tân cổ điển chủ trương thơ là một sự bắt chước tự nhiên để giáo dục và giải trí, mà tự nhiên, trong quan niệm của họ, chủ yếu là bản tính của con người, một cái gì họ tin là bất biến trong thời gian và không gian. Do đó, những tác phẩm lớn là những tác phẩm nói về những bản tính chung nhất, những cái điển hình (typical) chứ không phải những sự kiện cá biệt; hơn nữa, là những tác phẩm có khả năng tạo được sự đồng cảm của con người ở mọi thời và mọi nơi. Những tác phẩm cổ điển là những tác phẩm như thế. Chúng là những tấm gương của sự thành công trong văn học. Nói cách khác, theo các nhà tân cổ điển, "cổ nhân đã bắt chước tự nhiên một cách đúng đắn và đã khám phá ra những cách thức hữu hiệu nhất để gây thích thú cho mọi người. Đi theo họ, bởi vậy, cũng có nghĩa là đi theo tự nhiên." Đó là lý do tại sao Alexander Pope xem Homer và tự nhiên là một; John Dryden xem luật lệ tự nhiên và Aristotle cũng như Horace, những kẻ diễn dịch luật lệ ấy, là một.[1] Ở Trung Hoa, từ quan niệm "Tư vô tà" hay "Thi khả dĩ hưng, khả dĩ quan, khả dĩ quần, khả dĩ oán..." của Khổng Tử đến quan niệm "văn dĩ minh đạo" của Hàn Dũ đến "văn dĩ tải đạo" của Chu Đôn Di, tư tưởng văn học chính thống bao giờ cũng mang màu sắc chức năng luận, nhấn mạnh vào vai trò của văn học đối với đạo đức, chính trị và xã hội hơn là tập trung vào bản thân văn học như là một cái đẹp tự tại.[2] Với cách nhìn như vậy, cái lợi được coi trọng hơn cái hay; học vấn được coi trọng hơn sự tìm tòi; tính ước lệ được coi trọng hơn sự độc sáng. Tất cả đều đề cao truyền thống, đề cao tính kế thừa. Nghiêm Vũ, đời Tống, có lần khuyên: "Kẻ học thơ phải lấy kiến thức làm chủ, vào cửa phải chính, lập chí phải cao, lấy Hán, Nguỵ, Tấn, thịnh Đường làm thầy."[3] Cũng đời Tống, một người khác, Y Hưởng, từng tuyên bố: "Thánh nhân nói cái gì, tôi nói cái ấy. Thánh nhân làm cái gì, tôi làm cái ấy."[4] Điều đặc biệt là những lời nói kiểu của Nghiêm Vũ và Y Hưởng không phải là hiếm; nếu không muốn nói, ngược lại, rất phổ biến. Riêng ở Việt Nam, thì “Cách chép sử của Tư Mã Thiên, Ban Cố, phú đời Hán, thơ đời Đường, cổ văn của Bát đại gia Đường Tống và xa hơn nữa thơ trong Kinh Thi, văn của Luận Ngữ, Mạnh Tử đều là mẫu mực của cái đẹp văn chương. Mấy thế kỷ các nhà văn sĩ, thi sĩ nhà nho của ta đều lo viết cho giống. Bắt chước trước hết là để viết văn, thơ, phú, lục - các thể loại văn chương cử tử - nhưng khi viết những bài tự do, không phải văn chương để đi thi, về thể loại chủ yếu cũng là thơ phú, họ cũng không theo một quá trình sáng tác nào khác.”[5] Sự bắt chước nhiều khi được thố lộ công khai trong tựa đề của tác phẩm, chẳng hạn, Hồ Tông Thốc, đời Trần, đặt tên tập thơ của mình là Thảo nhàn hiệu tần tập, nghĩa là một tác phẩm bắt chước; và Ngô Thì Sĩ (1726-1780), sau đó mấy trăm năm, lại đặt tên tập thơ của mình là Hậu hiệu tần thi tập, nghĩa là tập thơ bắt chước người đã bắt chước, rồi lại đặt tên cho một tập thơ khác của mình là Anh ngôn thi tập, nghĩa là tập thơ lời con vẹt. Khi, vì lý do nào đó, phải đi lạc ra ngoài truyền thống, làm thơ bằng chữ Nôm không giống với khuôn mẫu trong văn học Trung Hoa, lòng người ta dường như áy náy không yên: Lời quê góp nhặt dông dài... Đặc điểm nổi bật nhất của văn học trung đại, cả Đông lẫn Tây, như thế, nhìn một cách tổng quát, đều khá giống nhau: tính chất quy phạm mà ba biểu hiện cụ thể nhất là tính chất giáo điều trong tư tưởng, sự tiết chế trong cảm xúc, và sự khuôn sáo trong ngôn ngữ, đặc biệt qua việc lạm dụng các điển cố văn học. Trong một nền văn học mà tính chất qui phạm thống trị, cái bị trục xuất trước hết chắc chắn là ý niệm về cái mới. Điều đó không có nghĩa là suốt thời cổ đại hay trung đại, không có gì mới mẻ. Có, dĩ nhiên. Ở đâu và thời nào cũng có thể có những thiên tài và thiên tài nào cũng ít nhiều làm rạn nứt những khuôn khổ văn hoá của thời đại mình để, nếu không mở hẳn ra một con đường mới thì ít nhất cũng nấn ra được một chút không gian mới. Vả lại, bị ràng buộc trong tư tưởng giáo điều thì người ta cũng có thể cách tân ở những khía cạnh khác, chủ yếu là ở thể loại, đề tài, hình tượng và ngôn ngữ. Tuy nhiên, trong khí quyển của tính chất quy phạm, những sự cách tân như thế nếu không bị ngăn cản thì cũng không được cổ vũ và thường thì chỉ có tính chất tự phát mà hậu quả là người ta ít khi đi đến tận cùng những cái mới và do đó, trong văn học cổ đại và trung đại, tuy có những giai đoạn rất rực rỡ nhưng, một là, những giai đoạn như thế khá hoạ hoằn; hai là, ngay trong những giai đoạn ấy, rực rỡ thì có rực rỡ nhưng rất hiếm khi có được sự phong phú và sự đa dạng; và cuối cùng, ít khi người ta hình thành được những trào lưu sâu rộng. Cái mới chỉ thực sự được đề cao, trở thành một mức phấn đấu của những người cầm bút trong thời hiện đại, ở Tây phương, bắt đầu từ khoảng thế kỷ 18; ở Việt Nam, với một mức độ ít tự giác hơn, từ đầu thế kỷ 20. Có thể kể ra khá nhiều những nhân tố thúc đẩy sự hình thành của tính hiện đại trong văn học, trong đó, có một số nhân tố nổi bật nhất. Một là, sự hình thành của các đô thị lớn, từ đó, xuất hiện các thị dân và cùng với nó, chủ nghĩa cá nhân. Hai là, sự phát triển vượt bậc của khoa học kỹ thuật, từ đó, xuất hiện học thuyết tiến hoá mang lại ảnh hưởng lớn lao trong nhiều lãnh vực, chẳng hạn, trong chính trị, sự ra đời của chủ nghĩa thực dân và chủ nghĩa Mác, hai ý thức hệ cùng chia sẻ niềm tin tuyệt đối vào sự tiến hoá và quyền lực của con người trong việc đẩy mạnh đà tiến hoá ấy qua sự chinh phục hoặc các cuộc cách mạng; trong văn học, sự ra đời của ý niệm lịch sử văn học, xã hội học văn học và đặc biệt, niềm tin là người đời sau có thể, bằng nỗ lực sáng tạo không ngừng của mình, vượt lên trên những thành tựu nguy nga trong quá khứ. Ba là, sự phát triển vượt bậc của nghề in và ngành xuất bản như một hoạt động thương mại: tác phẩm văn học không còn được truyền miệng hay ở dạng chép tay nữa mà được tượng hình trong một cuốn sách cụ thể với tên của một tác giả cụ thể. Ý niệm về tác giả và tác quyền vốn manh nha từ trước, đến nay, được củng cố, dẫn đến ý niệm về phong cách, nhằm phân biệt tác giả này và tác giả khác, một sự phân biệt vốn không được đặt ra trong thời kỳ tính tập thể còn thống trị sinh hoạt văn học. Đó là ba nhân tố chính quyết định sự xuất hiện của tính hiện đại của văn học mà trung tâm là ước vọng khắc khoải tìm kiếm cái mới. [1] Irène Simon (biên tập) (1971), Neo-Classical Criticism: 1660-1800, Edward Arnold, London, các trang 76, 77 & 79. [2] Xem bài "Confucius and the Ancient Chinese Literary Criticism" của Donald Holzman in trong cuốn Chinese Approaches to Literature from Confucius to Liang Ch'i-ch'ao do Adele Austin Rickett biên tập, Princeton University Press xuất bản tại Princeton, 1978, tr. 21-41. [3] Dẫn theo Trần Đình Sử trong cuốn Những thế giới nghệ thuật thơ, nxb Giáo Dục, Hà Nội, 1995, tr. 13. [4] Dẫn theo Phương Lựu trong cuốn Góp phần xác lập hệ thống quan niệm văn học trung đại Việt Nam, nxb Giáo Dục, Hà Nội, 1997, tr. 81. [5] Trần Đình Hượu, "Thực tại, cái thực và vấn đề chủ nghĩa hiện thực trong văn học Việt Nam trung cận đại", in trong tập Văn học và hiện thực, do Phong Lê chủ biên, nxb Khoa Học Xã Hội, Hà Nội, 1990, tr. 19.
|