Một Đất Nước May Mắn |
Tác Giả: Đoàn Thi | |||
Chúa Nhật, 27 Tháng 11 Năm 2011 16:49 | |||
Thêm một “chiến thắng” nữa cho chính phủ Lao Động: thuế hầm mỏ đã được Hạ viện thông qua vào lúc 2 giờ 42 phút sáng thứ ba 22 tháng 11 vừa qua. Dĩ nhiên, tuy được chính phủ Lao Động “đề xuất”, nhưng thuế hầm mỏ chỉ được Hạ viện thông qua là nhờ Đảng Xanh bật đèn “xanh” sau khi chính phủ và Đảng này đã thương lượng và đạt được một thỏa thuận “ngầm”. Phe Đối Lập hiện đang la ó về việc thiếu “trong suốt” trong việc thương lượng giữa Đảng Xanh và chính phủ. Chuyện này sẽ hạ hồi phân giải. Chỉ biết rằng với số thu nhập 11 tỷ Úc kim kiếm được từ việc đánh thuế 30 phần trăm thu nhập của các công ty khai thác hầm mỏ, chắc chắn kinh tế Úc vốn đã mạnh nhờ việc đào đất bán mà ăn, nay sẽ chỉ có thể mạnh hơn và cuộc sống của người dân Úc cũng sẽ chỉ có thể khá hơn mà thôi. Úc đại lợi vẫn còn là một đất nước may mắn. Hầm mỏ: lực đẩy của kinh tế Úc đại lợi Năm 1851, vàng lại được tìm thấy gần Ophir, tiểu bang New South Wales. Vài tuần lễ sau, người ta lại khám phá thêm một mỏ vàng khác tại tiểu bang Victoria, mở ra cuộc “săn vàng” tại Úc đại lợi. Vào giữa thập niên 50 của thế kỷ 19, 40 phần trăm vàng trên thế giới được sản xuất tại Úc đại lợi. Kể từ khi bùng nổ cuộc săn vàng đó, dân số Úc cũng gia tăng đáng kể. Năm 1851, dân số Úc đại lợi chỉ có 437. 655 người. Một thập niên sau, dân số nước này đã tăng lên trên một triệu người. Song song với vàng, nhiều loại quặng mỏ khác như sắt, mạ kền, bauxite, đồng, Uranium, kim cương, ngọc miêu Opal(đá mắt mèo), kẽm, than đá, dầu hỏa, khí đốt, đá quý cũng đày dẫy trong lòng đất Úc. Hiện nay Úc đại lợi đứng thứ ba thế giới sau Trung Quốc và Brasil về việc cung cấp quặng sắt. Úc đại lợi đứng hàng thứ nhì sau Nga trong việc sản xuất mạ kền. Về việc sản xuất vàng thì Úc đại lợi chỉ đứng sau Trung Quốc. Úc đại lợi đứng hàng thứ ba về việc sản xuất Uranium, chỉ sau Kazakhstan và Gia nã đại. Về kim cương, Úc đại lợi đứng hàng thứ ba, chỉ sau Nga và Botswana. Riêng về việc sản xuất đá mắt mèo Opal, Úc đại lợi là nước đứng đầu thế giới. Về kẽm, Úc đại lợi đứng hàng thứ hai chỉ sau Trung Quốc. Nhưng về than đá thì Úc đại lợi được xem là đứng đầu thế giới về xuất cảng và đứng hàng thứ tư về sản xuất. Họat động khai thác quặng mỏ hiện đang được thực hiện tại tất cả mọi tiểu bang và lãnh thổ Úc đại lợi. Nhưng quan trọng nhất là những vùng như Goldfields, Peel và Pilbara tại tiểu bang Tây Úc, Hunter Valley tại New South Wales, Bowen Basin tại Queensland và thung lũng Latrobe tại Victoria cũng như một số vùng xa. Những địa danh như Kalgoorlie, Mount Ira, Mount Morgan, Broken Hill và Coober Pedy thường được biết đến như những thành phố “mỏ”. Hiện nay một số những công ty đa quốc gia khai thác quặng mỏ như BHP Billiton, Newcrest, Rio Tinto, Alcoa, Chalco, Shenhua (của Trung Quốc) Alcan và Xstrata đang họat động tại Úc đại lợi. Ngoài ra còn có một số công ty nhỏ khác cũng có mặt tại nhiều nơi trên toàn Úc đại lợi. Kỹ nghệ hầm mỏ và công ăn việc làm Có một lý do khác khiến các nhà kinh tế tỏ ra quan ngại về kỹ nghệ hầm mỏ là bởi vì đây không phải là lần đầu tiên kỹ nghệ khai thác hầm mỏ tại nước này bùng nổ. Cơn sốt đầu tiên là vàng. Những lần bùng nổ trước đây đều là những kinh nghiệm đầy nước mắt: tiền bạc vào như nước, người ta cũng xài như nước, giá cả leo thang và lạm phát đã dẫn đến suy thoái và thất nghiệp. Nói chung, theo nhận định của ký giả Ross Gittins của báo The Sydney Morning Herald trong số ra thứ tư 23 tháng 11 vừa qua, đa số dân chúng Úc vẫn chưa có một thẩm định đúng đắn về kỹ nghệ khai thác hầm mỏ. Theo một cuộc thăm dò do viện “Australia Institute” thực hiện, nhìn chung, người dân Úc vẫn nghĩ rằng kỹ nghệ khai thác hầm mỏ mang lại 35% hàng hóa và dịch vụ được quốc gia sản xuất. Nói cách khác, nhiều người vẫn nghĩ rằng kỹ nghệ này chiếm đến trên một phần ba tổng sản lượng quốc gia. Thật ra, dù có gia tăng một cách đáng kể, kỹ nghệ này chỉ chiếm khoảng 10% tổng sản lượng quốc gia. Những người tranh đấu cho quyền lao động sẽ phản đối một ngành kỹ nghệ như thế. Trong thực tế, theo ký giả Gittins, một ngành kỹ nghệ được thực sự trắc nghiệm không phải bằng số nhân công mà kỹ nghệ này xử dụng cho bằng chính thu nhập nó làm ra. So sánh với các ngành kỹ nghệ khác, hiện nay kỹ nghệ khai thác hầm mỏ được xem là lãnh vực có doanh thu cao nhất. Kỹ nghệ này chiếm đến hơn một nửa kim ngạch xuất khẩu của Úc đại lợi. Ký giả Gittins đưa ra một bản phân tách như sau: do họat động khai thác hầm mỏ, 2% nhân công trực tiếp làm việc trong kỹ nghệ này, 3% tham gia vào sản xuất nông nghiệp, 9% làm việc trong kỹ nghệ chế biến và 86% còn lại được xử dụng trong nhiều “kỹ nghệ dịch vụ” như bán sĩ, bán lẽ, y tế, xây dựng, giáo dục, đào tạo, chuyên nghiệp, hành chánh, tài chánh, kinh doanh, vận tải và nhiều dịch vụ khác nữa. Một lý do khác để tin rằng hầu hết các công việc được kỹ nghệ hầm mỏ gián tiếp tạo ra đều nằm trong lãnh vực “dịch vụ”, bởi vì trong 40 năm qua, nếu tỷ lệ công ăn việc làm có gia tăng, thì sự gia tăng đó nằm trong lãnh vực “dịch vụ”. Một đất nước may mắn Trong lịch sử khai thác quặng mỏ tại Úc đại lợi, tính đến nay đã có ít nhất 14 tai nạn chết người. Nặng nhất là vụ nổ mỏ than tại Mount Kembla, trong huyện Illawara, tiểu bang New South Wales, năm 1902, với 96 người bị thiệt mạng. Mới nhất là vụ sập mỏ vàng Beaconsfield, tiểu bang Tasmania ngày 25 tháng 5 năm 2006, khiến cho một thợ mỏ bị thiệt mạng và hai người khác bị mắc kẹt dưới lòng đất hai tuần lễ, trước khi được giải cứu. Hiện nay, việc khai thác Uranium cũng đang gây nhiều tranh cãi, một phần vì ảnh hưởng đến môi sinh, một phần vì được xử dụng để sản xuất năng lượng hạt nhân và chế tạo vũ khí hạt nhân. Từ trước đến nay, Đảng Lao động vẫn duy trì chính sách “không khai thác thêm những mỏ Uranium mới”. Nhưng năm 2006, nhu cầu Uranium trên thế giới ngày càng gia tăng, khiến Đảng này phải duyệt lại chính sách của mình và mới đây, thủ tướng Gillard đã tuyên bố sẽ bán Uranium cho Ấn độ, một quốc gia không ký tên vào Thỏa ước ngăn cấm phổ biến vũ khí hạt nhân và hiện cũng đang xung đột với một quốc gia lân bang có vũ khí hạt nhân là Pakistan. Quả thật, có nhiều lý do để chống lại kỹ nghệ khai thác quặng mỏ. Quặng mỏ không phải là một thứ tài nguyên có thể “tái sinh”. Nhưng như ký giả Gittins đã chứng minh trên đây, người ta đã có thể rút ra được nhiều lợi ích từ kỹ nghệ khai thác quặng mỏ. Theo ký giả này, “bán các dịch vụ cho nhau và cho người ngoại quốc”, đó là cách tốt nhất để khai thác kỹ nghệ khai thác quặng mỏ. Nhất là trong thời đại cách mạng thông tin và truyền thông này, khi những người có kỹ năng cao và được trả lương cao đều làm việc trong lãnh vực “dịch vụ”. Vấn đề ở đây không phải là chống lại kỹ nghệ khai thác quặng mỏ, mà là lợi dụng sự bùng nổ của kỹ nghệ này để cho thấy rằng lợi nhuận khổng lồ của kỹ nghệ này không chỉ nằm trong tay của các công ty (có đến 80% là do ngoại quốc làm chủ), mà phải thuộc về người dân Úc, bởi vì quặng mỏ trong lòng đất Úc đại lợi thuộc về mọi người Úc, chứ không phải các công ty khai thác. Trong một tuyên ngôn được cho công bố sáng thứ tư vừa qua, thủ tướng Gillard, tổng trưởng bộ tài nguyên, ông Martin Ferguson và tổng trưởng Ngân khố Wayne Swan nói rằng thuế hầm mỏ sẽ “giúp kiến tạo một nền kinh tế bền vững bên kia sự bùng nổ kỹ nghệ hầm mỏ và gia tăng đầu tư vào hạ tầng cơ sở và các kỹ nghệ để có thêm công ăn việc làm trong tương lai”. Cụ thể, chính phủ Lao động hứa hẹn rằng thu nhập từ thuế hầm mỏ sẽ giúp giảm thuế cho 2. 7 triệu tiểu thương, gia tăng hưu bổng cho 8. 4 triệu công nhân, đóng góp thêm hưu bổng cho 3. 6 triệu người có thu nhập thấp và đầu tư nhiều hơn cho đường xá, cầu cống và những hạ tầng cơ sở khác.
|