Home Tin Tức Bình Luận Vì sao dân Nga phản đối Putin?

Vì sao dân Nga phản đối Putin? PDF Print E-mail
Tác Giả: Đoàn Xuân Lộc (đăng trên BBC)   
Thứ Ba, 13 Tháng 12 Năm 2011 15:30

 
Có vẻ chính ông Putin cũng bất ngờ trước số lượng người Nga xuống đường phản đối

Cách đây ba năm – khi Hạ viện Nga bỏ phiếu tán thành một dự luật sửa đối Hiến pháp cho phép kéo dài nhiệm kỳ tổng thống từ 4 lên thành 6 năm, có hiệu lực kể từ năm 2012 – ông Vladimir Putin như chắc chắn sẽ thênh thang quay trở lại lãnh đạo nước Nga trong 12 năm tới.
Nhưng kết quả bầu cử Hạ viện hôm 4/12 cho thấy con đường trở lại nắm quyền của ông không còn dễ dàng, suôn sẻ như ông tính toán, mong đợi. Tỷ lệ cử tri ủng hộ dành cho đảng Nước Nga Thống Nhất (UR) của ông đã giảm rất nhiều – từ 64 % năm 2007 xuống 50 % trong cuộc bầu cử Hạ viện lần này.

Tồi tệ hơn nữa, trong những ngày vừa qua nhiều người dẫn Nga đã xuống đường phiểu tình tố giác gian lận trong bầu cử, đòi hủy bỏ kết quả bầu cử và tẩy chay ông Putin. Giới quan sát, báo chí và quan chức phương Tây, trong đó có Ngoại trưởng Mỹ, Hillary Clinton, cũng lên tiếng chỉ trích những bất thường trong cuộc bầu cử vừa rồi.
Tại sao cử tri Nga phản đối, tẩy chay hay la ó ông Putin? Tại sao ông cũng không gây được thiện cảm nơi giới quan sát, quan chức, dư luận phương Tây?

Ham quyền cố vị

Trong một cuộc gặp với các chuyên gia nước ngoài ở Nga mới đây tại Moscow, ông Putin nhấn mạnh rằng ông quyết định ra tranh cử chức tổng thống vào tháng Ba năm tới không phải vì quyền lợi cá nhân. Ông làm như thế chỉ vì muốn nâng cao mức sống người dân Nga và làm cho nước này giàu mạnh hơn.
Vì lợi ích cá nhân hay quyền lợi quốc gia, chắc chỉ một mình ông và những người thân cận của ông biết rõ. Nhưng nhìn cách ông làm để tại vị hay để kéo dài quyền lực của mình chắc ai cũng có thể thấy rằng ông là người ham mê quyền lực.

Được chọn làm tổng thống năm 1999 sau khi ông Boris Yeltsin bất ngờ từ chức, ông Putin được chính thức bầu làm tổng thống năm 2000 và tái đắc cử bốn năm sau đó. Nhưng hiến pháp Nga lúc đó chỉ cho phép tổng thống tại chức hai nhiệm kỳ bốn năm, ông không thể tiếp tục và đành chọn ông Dmitry Medvedev, một người thân cận của ông, ra tranh cử.
Sau khi được bầu làm tổng thống ông Medvedev – người được báo chí phương Tây coi như ‘con rối’ của ông Putin – ‘bổ nhiệm’ ông Putin giữ chức thủ tướng và chỉ năm tháng sau đó, hiến pháp Nga được sửa đổi, dọn đường cho ông Putin trở lại nắm quyền lâu hơn.
 
Ông Putin vẫn khẳng định mình tiếp tục tranh cử tổng thống là vì quốc gia

Nếu đúng như những tính toán của ông và dự đoán của giới chuyên môn ông Putin sẽ thắng cử trong cuộc bầu cử tổng thống tháng Ba tới, rồi lại được tái đắc cử năm 2018 và ‘tại vị’ đến năm 2024. Và nếu vậy ông sẽ lãnh đạo nước Nga trong 25 năm – trong cương vị tổng thống và thủ tướng.
Với người dân Nga nói riêng và thế giới nói chung – đặc biệt với các nước dân chủ tự do – đó là một thời gian quá dài và chuyện ham quyền cố vị như thế chỉ xảy ra tại những nước độc tài.

Bài xã luận của tờ The Financial Times, hôm 1/12, bình luận rằng trong chính trị hiện đại, 12 năm là quá dài, thậm chí đối với những nước có chế độ độc tài. Ngay cả đảng Cộng sản Trung Quốc cũng thay đổi lãnh đạo năm năm một lần.
Viễn cảnh ông Putin tiếp tục lãnh đạo nước Nga trong 12 năm tới làm không ít người Nga quan ngại. Đó có thể là một trong lý do khiến người dân Nga quay lưng lại với ông và đảng Nước Nga Thống Nhất. Một bài viết khác trên trang mạng The Economist hôm 8/12 nhận định rằng uy tín của ông đã sụt giảm kể từ khi ông thông báo ra tranh cử tổng thống.
 
Chán ghét, khinh thường

Vì ham quyền cố vị, xem ra ông Putin cũng đã và đang làm tất cả để trở lại lãnh đạo và nắm quyền lâu hơn. Điều đó làm cho người dân Nga càng thêm chán ghét, khinh thường ông.
Việc Aleksei Navalny, một blogger có tiếng ở Nga, đã gọi đảng Nước Nga Thống Nhất là ‘đảng của những tên trộm, của những kẻ lường gạt’ và trong những ngày qua, người dân Moscow xuống đường với những biểu ngữ như ‘Putin là một tên trộm’ nói lên tất cả những điều đó.
Lịch sử cho thấy, ham mê quyền lực sẽ dẫn đến độc tài. Và càng độc tài người ta càng sẵn sàng dùng mọi hình thức, thủ đoạn khác nhau để duy trì quyền lực của mình. Hình như ông Putin cũng đang theo con đường đó. Dưới thời ông Putin làm tổng thống, những tiếng nói chỉ trích ông thường bị hạch sát, bắt bớ.

Một bài xã luận của The Washtington Post hôm 26/9 nhận định rằng việc ông tìm cách quay trở lại nắm quyền suốt đời – giống như Stalin – là một tin xấu cho người dân Nga vì kể từ khi lên thay ông Boris Yeltsin, ông đã tìm cách đóng tất cả mọi cánh cửa cho phép người dân chọn hay tác động lên chính phủ một cách hợp pháp, hòa bình. Chẳng hạn, ông khống chế truyền thông, giới hạn hay cấm đoán biểu tình và qua nhiều hình thức khác nhau, ông đang đưa nước Nga về thời Xô Viết.
 
Độc tài cũng thường đi đôi với tham nhũng. Bài xã luận của Financial Times trích dẫn một cuộc thăm dò theo đó, hơn một số những người được hỏi, cho rằng tình trạng tham nhũng ở nước Nga giờ còn tệ hơn những năm 1990.
Và có thể vì những lý do đó, thêm nhiều người dân Nga căm ghét ông Putin và không muốn ông quay lại nắm quyền.
Phát biểu trước những người biểu tình trước khi ông bị bắt, Aleksei Navalny đã nói rằng ông Putin “là kẻ thù của chúng ta và chúng ta ghét ông. Chúng ta chỉ muốn có một tổng thống khác, chứ không phải muốn một tên trộm, một tên bịp bợm”.

Không mấy thân thiện

Như nhận định của bài xã luận của The Washingotn Post, không chỉ đối với người dân Nga mà đối Mỹ và một số nước phương Tây khác, việc ông Putin quay lại nắm quyền cũng không phải là tin tốt lành gì.
Trong những năm ông Putin làm tổng thống, quan hệ của Nga với Mỹ và các nước châu Âu khác, như Anh, không mấy thân thiện và có lúc căng thẳng vì ông Putin có đường lối cứng rắn và hơi bài phương Tây.

"Dù chưa biết kết quả bầu cử tổng thống vào tháng Ba tới như thế nào, với những gì xảy ra trong những ngày qua tại Nga cho thấy con đường trở lại nắm quyền của ông không dễ dàng như ông dự trù, tính toán. Và dù chưa biết chắc được chuyện gì sẽ xảy ra trong thời gian tới, chính trường Nga trong những tháng tới chắc vẫn còn nhiều biến động."

Dưới thời ông Dmitry Medvedev, mối quan hệ này trở nên thân thiện hơn vì khác với ông Putin, ông Medvedev tương đối cởi mở. Ông thường có chung lập trường với Mỹ và các nước phương Tây khác trên các vấn đề quốc tế quan trọng, như ủng hộ sự can thiệp của quốc tế đối với Libya.
Hơn nữa, dù chỉ làm tổng thống bốn năm và luôn chịu sự ảnh hưởng, chi phối của ông Putin, ông Medvedev cũng có những cố gắng, thiện chí xây dựng một nhà nước pháp quyền, dân chủ, tự do. Điều đó làm cho Mỹ và các nước châu Âu khác có ấn tượng tốt về ông.

Trái lại, mặc dù ông Putin chưa chính thức trở lại làm tổng thống, quan hệ của Nga với Mỹ đã trở nên căng thẳng sau khi Ngoại trưởng Mỹ chỉ trích bầu cử ở Nga. Đáp lại, ông Putin coi đó là một sự can thiệp vào nội bộ nước Nga.
Trong thời gian gần đây có nhiều hình ảnh về ông Putin được lưu hành trên các phương tiện truyền thông. Khi thì ông cởi ngựa với lưng trần khoe thân thể đầy cơ bắp của mình, khi thì ông xuất hiện trong bộ võ phục judo, lúc thì ông đang cầm cây súng.

Những hình ảnh đó ít nhiều cũng phản ảnh được thái độ, lập trường, đường lối lãnh đạo cứng rắn, sẵn sàng đối đầu của ông. Việc ông cho lính vào Moscow dẹp và bắt những người biểu tình hay ông lên án sự chỉ trích của Ngoại trưởng Mỹ cho thấy ông không chùn bước và sẵn sàng dùng những biện pháp mạnh đối với tất cả những ai chỉ trích, cản đường ông.

Tuy vậy, dù chưa biết kết quả bầu cử tổng thống vào tháng Ba tới như thế nào, với những gì xảy ra trong những ngày qua tại Nga cho thấy con đường trở lại nắm quyền của ông không dễ dàng như ông dự trù, tính toán. Và dù chưa biết chắc được chuyện gì sẽ xảy ra trong thời gian tới, chính trường Nga trong những tháng tới chắc vẫn còn nhiều biến động.