Mừng Chúa Giáng Sinh |
Tác Giả: Ngô Nhân Dụng | ||||
Thứ Bảy, 24 Tháng 12 Năm 2011 22:29 | ||||
Tôi là một Phật tử, nhưng tôi không ngần ngại gì khi viết: “Mừng Chúa Giáng Sinh.” Cũng như bữa rồi khi tôi gặp một vị linh mục ở phi trường, trước khi chia tay tôi thay lời chào bằng câu chúc: “Merry Christmas, Cha!” Tôi không nói câu đó theo thói quen. Tôi có suy nghĩ trước khi nói. Có thể nói, lời chúc tụng phát xuất từ trong lòng: Mừng Chúa Giáng Sinh. Vì trong lòng tôi thật sự đang muốn chia sẻ niềm vui với vị linh mục dễ thương, vui vẻ này. Ông sắp mừng ngày Chúa Giáng Sinh, tôi biết, đó sẽ là một ngày rất vui đối với ông. Hôm nay tôi mới nhận được một “thiệp mừng” trong email của một người bạn. Ông bạn tôi theo Thiên Chúa Giáo, ông viết: “Chúc Mừng Lễ Hội Cuối Năm!” Cảm tưởng đầu tiên khi đọc những chữ này là: “Ông này Mỹ quá!” Ông bạn tôi đang nhiễm một cái tính cẩn thận của người Mỹ bây giờ. Ở nước Mỹ đang có một phong trào tránh né không chúc nhau “Merry Christmas” nữa. Ði mua sắm thì được, tặng quà nhau vẫn tặng, tất cả chỉ vì Christmas, lễ Chúa Giáng Sinh. Các nhà sản xuất, các cửa hàng buôn đều chờ đến ngày Christmas để bán hàng. Bộ Thương Mại chờ số thống kê coi trong dịp lễ Christmas kinh tế có lên không. Ai cũng chờ Christmas. Nhưng lại tránh, không dám nhắc đến mấy chữ Merry Christmas! Tôi nghĩ người Việt Nam không cần phải cẩn thận như vậy. Vì người Việt vẫn hòa nhượng, bao dung, đối với tôn giáo. Và mình vẫn tin nhau còn là người Việt, vẫn giữ được các nết tốt đó, không kiêng kỵ, không chấp nê như dân Mỹ gần đây. Người Mỹ không muốn chúc nhau “Merry Christmas” chỉ vì chữ trong đó có“Christ,” tức là Chúa. Nhiều người Mỹ nghĩ rằng khi nói với ai “Mừng Chist” tức là người nói mặc nhiên coi như người nghe cũng tin và thờ phượng Chúa Ki Ri Xi Tô như mình! Và họ sợ khi mặc nhiên nghĩ như thế là xúc phạm người khác, nếu người ta không chia sẻ niềm tin. Cho nên hiện nay, theo cuộc nghiên cứu của Religion News Service (Tin tức Tôn giáo) thì chỉ có một nửa người Mỹ (50%) còn chúc nhau “Merry Christmas.” Nửa còn lại họ chỉ chúc nhau “Happy Holidays” trong dịp lễ Giáng Sinh này. Holidays nghĩa là ngày Lễ Hội, nghe không nhuốm màu sắc tôn giáo nào cả. Chúng ta thông cảm với những người Mỹ theo đạo Chúa khi họ không muốn bị hiểu lầm là đang ép người khác đạo phải chia sẻ một niềm tin với mình. Dù người được chúc không tin tưởng tôn giáo nào khác, thì vẫn nên tránh! Vì quả thực có nhiều người “vô thần cực đoan” cũng khó tính và quá khích không kém gì những người cực đoan trong tín ngưỡng. Họ không muốn bị người khác nghĩ là họ có tôn giáo, làm như là sợ “phạm tội với quỷ thần” vậy! Các cửa hàng bán lẻ đã chiều theo ý những người khó tính đó; mấy năm nay họ đã kiêng cữ không trang trí cửa hàng với những hàng chữ “Merry Christmas” nữa. Ở đâu cũng chỉ thấy những chữ “Happy Holidays” thôi! Nhưng trong chữ “Holidays” cũng chứa đựng một niềm tin rồi, vì Holy cũng có nghĩa là linh thiêng. Nếu muốn tránh không tỏ ra mình tin vào Chúa Giê Su thì tại sao lại vẫn nói rằng ngày kỷ niệm Chúa Giáng Sinh là một thời gian thiêng liêng? Mà nhiều người chúc “Merry Christmas” mà trong lòng thực sự có nghĩ gì đến Christ đâu? Bắt nhau kiêng cữ chỉ vì một chữ như vậy là cố tình chẻ sợi tóc làm tư để bắt bẻ nhau. Người Mỹ kiêng cữ như vậy một phần vì ở xứ này người ta rất nhạy cảm trước các vấn đề tôn giáo hoặc màu da. Họ lo bị gán cho tội kỳ thị tôn giáo, và không ai muốn bị coi là có đầu óc kỳ thị chủng tộc. Mối lo đó bắt nguồn trong lịch sử. Lịch sử Mỹ đã từng trải qua những thời gian kỳ thị chủng tộc (người Mỹ da trắng khinh rẻ người da đen gốc Phi Châu) hoặc kỳ thị tôn giáo (nhiều giáo phái Tin Lành đã từng kỳ thị người theo đạo Công Giáo La Mã, còn người Do Thái Giáo thì bị đa số kỳ thị). Từ thế kỷ 16 đến thế kỷ 20 nhiều người di dân đã tới nước Mỹ sống chỉ vì họ đã bị kỳ thị chủng tộc và tôn giáo ở đất nước cũ của họ. Dân Mỹ đã phải tranh đấu rất nhiều đời mới xóa bỏ được những tập quán và luật lệ phân biệt chủng tộc hay tôn giáo; bây giờ không muốn nhắc lại cái quá khứ đáng xấu hổ đó nữa. Ngược lại, nhiều nhóm người trước đây đã bị kỳ thị, nay cũng muốn xác định quyền bình đẳng của họ. Vì những lý do đó nên có phong trào bỏ không chúc nhau “Merry Christmas” nữa. Chúng tôi không phê phán cách nói năng, cư xử của người Mỹ. Họ có lối sống của họ. Nhưng đối với người Việt Nam riêng với nhau, chúng ta không cần dè dặt, kỹ lưỡng đến như vậy. Người Việt Nam không có tật kỳ thị tôn giáo như nhiều giống dân khác. Linh Mục Alexandre de Rhodes đến Việt Nam vào đầu thế kỷ 17 đã được vào giảng đạo trong cung Vua Lê và phủ Chúa Trịnh. Trong hai năm đã có gần bảy ngàn người theo đạo, trong đó có hàng trăm người trong cung, phủ. Vào thế kỷ 17, hàng trăm giáo dân và giáo sĩ người Nhật Bản đã sang tị nạn ở Hội An nước ta khi ở Nhật bị cấm đạo. Chính họ cùng với người Bồ Ðào Nha là những nhà truyền đạo Công Giáo đầu tiên ở Ðàng Trong. Những hành động cấm đạo sau này phần lớn vì lý do chính trị khi thấy tôn giáo mới có nhiều điều trái ngược với phong tục tập quán cổ truyền; có thể khiến người dân coi lòng trung thành với vua chúa là thứ yếu, không quan trọng; và mối nghi ngờ các giáo sĩ làm gián điệp cho ngoại bang. Nếu gạt bỏ hết những mối nghi ngại trên thì người Việt Nam không ai kỳ thị tôn giáo nào nữa. Ở nước Việt Nam có nhiều người theo Hồi Giáo, chưa bao giờ thấy họ bị chính quyền hay người dân đối xử phân biệt vì tín ngưỡng của họ. Có những tôn giáo mới được thành lập trong thế kỷ trước và phát triển rất nhanh, không bị chèn ép hay nghi kỵ. Ngay cả những Ông Ðạo, một mình đề xướng những cách tu hành mới, những lễ nghi thờ phụng mới, thu hút rất nhiều tín đồ, họ cũng không bị ai cấm đoán hay đả kích, bài bác. Người Việt rất khoan nhượng, bao dung về tín ngưỡng. Bởi vậy, chúng tôi ngạc nhiên khi nhận được thiệp chúc mừng của người bạn với hàng chữ “Chúc Mừng Lễ Hội Cuối Năm!” Chắc vì ông lo mình sẽ xúc phạm tới những người bạn không theo đạo Chúa. Tính thận trọng đó rất đáng quý. Nhưng ông đã đối xử với bạn bè người Việt theo lối người Mỹ đối xử với người Mỹ. Cư xử như người Mỹ không phải là điều xấu. Người Mỹ có tính cẩn thận, họ cố ý tránh không để bị ai nghi ngờ mình áp đặt tôn giáo của mình trên người ta. Ðức cẩn thận đó đáng quý. Tức là đáng quý giữa người Mỹ với nhau. Nhưng giữa người Việt với nhau thì khác, dù đang sống trong nước Mỹ. Người Việt Nam không duy lý như người Mỹ. Không thích kiện cáo, bắt bẻ nhau về những quyền lợi riêng theo lối người Mỹ. Giữa người Việt với nhau, chúng ta không cần phải kiêng cữ như vậy! Người Mỹ hay tranh cãi, bắt bẻ nhau về thái độ đối với tôn giáo hơn người Việt, vì họ bị quá khứ ám ảnh. Nếu trong lịch sử các nước Âu Châu không có những cuộc chiến tranh tôn giáo, không có những vụ đàn áp, hành hình người Do Thái viện cớ tôn giáo để cướp đoạt tài sản, thì chắc người Mỹ cũng giản dị giống như người mình mà thôi. Có thể trong một vài thế kỷ nữa thì người Mỹ cũng sẽ bớt bị ám ảnh về quá khứ, họ cũng sẽ cư xử như người Việt. Cho nên, ngay bây giờ người mình không nên bắt chước người Mỹ mà quá cẩn thận, e dè, nghi ngại khi chúc mừng nhau ngày lễ Giáng Sinh. Ðối với người Việt, chính lòng nghi ngại, e dè đó mới có vẻ xúc phạm. Ngược lại, bày tỏ lòng tin tưởng vào đức khoan dung của ai tức là đang kính trọng họ. Tinh thần hòa nhượng, bao dung về tôn giáo vẫn được thể hiện trong cộng đồng người Việt. Tại buổi hôn lễ của cháu gái tôi, vị linh mục biết cô dâu đã giữ đạo Phật, ông đã lên tiếng cảm ơn gia đình cô dâu vì dù họ thuộc tôn giáo khác nhưng vẫn tới dự thánh lễ. Ông nhắc lại lời cảm ơn này hai lần, lúc đầu và cuối buổi lễ. Trước khi chấm dứt ông còn chúc “Trời Phật phù hộ” cho đôi trẻ. Ðã mấy lần, trong mấy nhà thờ khác nhau, tôi đã nghe thấy những vị linh mục trên bục giảng nói hai tiếng Trời Phật như thế. Chúng ta cần nuôi dưỡng truyền thống bao dung của dân tộc. Cần tin tưởng vào đức bao dung đó. Bao dung về tín ngưỡng là một đức tính mà chúng ta nên thể hiện trong đời, để đóng góp cho xã hội chung quanh nơi mình đang sống, như ở nước Mỹ đây. Nói như vậy, xin nhắc lại, không phải vì mình nghĩ người Mỹ nói chung thua kém người mình trong đức bao dung. Phải công nhận rằng từ trước khi lập quốc họ đã phải vất vả mới bảo vệ được chính sách bao dung về tín ngưỡng. Khi những nhóm di dân đầu tiên đến đất Mỹ, có những người đã bị bức hại về tôn giáo ở bên Anh nên phải trốn đi. Trong số đó có những người theo Thành Giáo (dịch chữ Puritan). Khi tới miền đất mới, họ được tự do hành đạo nhưng có lúc họ muốn bắt mọi người chung quanh phải tôn trọng các tín điều và nghi lễ của họ. Vào thế kỷ 17, có một thời chính quyền ở Boston, tiểu bang Massachussetts bây giờ đã ra lệnh cấm không ai được mừng lễ Giáng Sinh dưới mọi hình thức. Vì tín điều của họ như vậy. Nhưng may mắn cho nước Mỹ là có rất nhiều nhóm theo giáo phái khác không đồng ý, và có những người cương quyết bảo vệ quyền tự do tín ngưỡng, quyền tự do hành đạo. Ông Roger Williams, đã trốn khỏi Anh Quốc đi tìm tự do, tới Massachussetts năm 1631. Ở đâu ông cũng tuyên dương nguyên tắc “Nhà nước không được xâm phạm vào đời sống tín ngưỡng của người dân!” Ông bị trục xuất, phải chạy sang sống ở phần đất bây giờ là tiểu bang Rhode Island. Ở đó, ông tiếp tục tuyên dương quy tắc tự do tín ngưỡng. Cuối cùng thì lẽ phải đã thắng. Lẽ phải, ở đây là quyền tự do tín ngưỡng. Những di dân đời sau đến nước Mỹ, có người theo đạo Do Thái, đạo Ấn Ðộ, người theo đạo Phật, đạo Hồi, vân vân, được đối xử bình đẳng thì phải biết ơn các thế hệ đi trước đã đấu tranh và bảo vệ tự do tôn giáo. Cũng vì tấm gương những người đã phải tranh đấu cam go như thế mà ngày nay người Mỹ trở nên rất nhạy cảm về vấn đề này. Nhưng người Việt Nam không cần cư xử giống như họ. Vì chúng ta có một di sản lịch sử và văn hóa khác. Cho nên chúng ta có thể tiếp tục chúc tụng nhau trong những ngày này, “Mừng Chúa Giáng Sinh!” Mà không ai cảm thấy bị xúc phạm cả. Người Việt với nhau, làm gì đến nỗi phải nghĩ là khi ai chúc mình câu “Merry Christmas” tức là người đó muốn mình phải theo tôn giáo của họ? Người Việt mình đâu có nhỏ nhen, nghi kỵ, ngờ vực nhau một cách tầm thường như thế? Cho nên, các bạn theo đạo Chúa xin cứ nói tự nhiên: “Mừng Chúa Giáng Sinh!” Những người không tin đạo Chúa vẫn có thể nghe lời chúc tụng đó mà trong lòng thật sự thấy vui mừng. Tại sao không? Loài người được coi là biết sống tử tế với nhau vì biết cùng nhau chia sẻ những niềm vui hay nỗi buồn một cách chân thật. Nhiều khi chúng ta ở trong tiệm ăn, thấy bàn bên cạnh người ta thắp nến và hát một bài mừng sinh nhật, chúng ta cũng sẵn sàng hát theo và đứng dậy nói những lời chúc tụng. Chúc mừng một người không quen biết, không hề nghĩ sẽ có ngày được người đó chúc lại, bởi vì chúng ta tử tế với nhau. Sống tử tế giữa con người với con người. Gặp bất cứ ai, thấy người ta có điều vui mừng, mình đều sẵn sàng chia sẻ niềm vui. Hôm nay, hàng tỷ người trên thế giới đang mừng ngày Chúa Giê Su ra đời. Bao nhiêu ngàn triệu con người, suốt hai ngàn năm qua, đã được sống lương hảo, đã được sống bình an nhờ ngày lễ Giáng Sinh này. Có lẽ nào chúng ta không chia sẻ với nhau một niềm vui chung của nhân loại?
|