Một Mùa Giáng Sinh Mới |
Tác Giả: Sơn Điền Nguyễn Viết Khánh | |||
Thứ Bảy, 24 Tháng 12 Năm 2011 23:09 | |||
Mùa Giáng sinh là mùa của tình thương.
Đã gần hết năm, trước hết trong bài bình luận tuần này, chúng tôi muốn nhắc đến đức tin tôn giáo, mà trong giới bình dân chúng ta vẫn thường gọi là đạo. Loài người trên Trái Đất này đã bước sang Thế kỷ 21, khởi đầu thiên kỷ thứ ba với những phát triển kỳ diệu về kỹ thuật truyền thông làm gia tăng khối lượng trao đổi thông tin giữa con người và con người. Chính vì thế, tư duy của con người ngày nay không phải là tư duy của loài người hơn 2000 năm trước . Bởi vậy đức tin của con người ngày nay là đức tin của trí tuệ sáng suốt, không phải đức tin mù quáng, không biết phân biệt chính tà.
Thượng đế không bao giờ muốn loài người đứng im một chỗ trong sự suy nghĩ. Ngài đã vạch ra cho chúng ta một con đường để đi, đó là Ngài đã không muốn chúng ta đứng im một chỗ. Ngài muốn chúng ta tiến lên. Chỉ có những loại giáo điều chính trị cứng nhắc mới giam hãm bộ óc con người trong một cái rọ bằng thép. Nhưng cũng nên nhớ rằng đức tin không mù quáng xét cho cùng lại là đức tin có chao đảo, có nghi ngờ. Tại sao vậy? Khi đức tin biết đặt dấu hỏi, điều này chắc chắn phải làm những người dẫn đường không thể nào dìu dắt tín đồ vào con đường của ma quỷ như chúng đã thấy vụ bọn al-Qaida cướp phi đánh phá New York ngày 11 tháng 9 năm 2001. Khi có trí tuệ để trả lời những câu hỏi đó, đức tin sẽ vững mạnh thêm không bao giờ sợ mất. Chỉ có các loại đức tin mù quáng mới sợ mất. Đã tới lễ Giáng Sinh của năm 2011, và từ khi tôn giáo xuất hiện trên Trái Đất này, không ai quên Giáng sinh là mùa của tình thương rất bao quát. Theo Thiên chúa giáo, lễ kỷ niệm Chúa Ky-tô giáng trần chịu cực hình khủng khiếp để cứu rỗi cả loài người, và truyền bá đạo của Người đến mọi dân tộc trên thế giới, tình từ năm đầu đến nay đã đuợc 2011 năm.
Chúng ta thường nghe thấy mấy lời xưng tụng ở các chùa: ”Nam Mô bổn sư Thích ca Mầu ni Phật” phiên âm Phạn ngữ là lời kính mừng, “bổn sư” có nghĩa là người Thầy của tôi. Nếu chúng ta mê tín, huyền hoặc hóa mối đạo của Ngài, chúng ta sẽ đi ngược lại lời Phật dậy. Đạo Phật không có gì huyền hoặc để “mị” dân. Đạo của Phật cũng không dùng vũ lực để bành trướng. Phật đã giảng dậy đạo của Ngài từ 2500 năm trước. Phật giáo đã lan truyền thoạt đầu từ Bắc Ấn qua Tây Tạng rồi qua một nước đông dân cư nhất là Trung Quốc, lan tới Nhật Bản, Đại Hàn và Việt Nam, ở phía Nam như Tích Lan, Cam Bốt. Ngày nay Phật giáo có mặt ở nhiều nước trên thế giới, kể cả Mỹ và các nước Âu châu. Phật giáo mở rộng tầm tay đón chớ không loại trừ. Phật giáo không bao giờ coi người ở đạo khác hoặc không theo đạo là kẻ thù.
Để kết luận bài báo này, tôi muốn nói đến một niềm tin của tôi. Đó là sức vạn năng của trí tuệ con người. Nếu đấng Vạn Năng (Omnipotence) đã thổi vào con người khi còn là một cục máu trong bụng mẹ một cái gì thiêng liêng nhất mà ta vẫn gọi là linh hồn để trở thành một sinh vật có trí giác thông minh làm chủ trên hành tinh nhỏ bé này, tức là Người đã ngầm ban cho loài người chúng ta một huệ nhãn vạn năng, một sức mạnh tiềm ẩn mà các học giả Tây phương vẫn thích gọi là một “tri thức siêu việt”.
Đây không phải là vấn đề học vấn hay nghiên cứu trong các các phòng thí nghiệm. Đây cũng không phải việc tu hành theo một tôn giáo nào. Có chăng “học” hay “hành” cũng chỉ là những bước đi cần phải có, nhưng quá khiêm tốn, để đạt tới mục tiêu tối hậu là huệ nhãn vạn năng. Bởi vậy đức tin vững chắc và sự kiên trì bền bỉ là những điều kiện thiết yếu nhất.
|