Chị "Neo" PDF Print E-mail
Tác Giả: Trương Phú Thứ   
Thứ Sáu, 26 Tháng 12 Năm 2008 12:24

Tôi gặp vợ chồng chị Neo và ba đứa con vào buổi sáng cả gia đình được phỏng vấn vào dân Mỹ. Tôi quen miệng gọi là chị Neo, vì chị làm chủ hai tiệm làm móng chân móng tay mà ai cũng gọi là làm neo. Tôi được một bà cụ đã gần tám chục tuổi nhờ giúp phiên dịch để lấy cái giấy chứng nhận là người Mỹ và cơ duyên này đã cho tôi gặp và quen biết gia đình chị Neo.

Vợ chồng chị Neo ở Mỹ đã được bẩy năm, tiếng Anh còn ở trong tình trạng chữ có chữ không. Ba đứa con thì lại khác, tiếng Anh nói như gió nhưng tiếng cha sinh mẹ đẻ thì lại tiếng mất tiếng còn. Lúc đến văn phòng cơ quan Di Trú ồn ào những tiếng nói tiếng cười của đủ mọi sắc dân từ nhiều nơi trên thế giới thì tôi đã dễ dàng nhận ra một phụ nữ Việt Nam với chiếc áo dài nhung mầu huyết dụ có con rồng thêu bằng chỉ vàng lấp lánh trước ngực. Chị trông chừng ở vào lứa tuổi trên bốn mươi, nước da mầu nâu nhạt còn vấn vương chút hơi hám đồng chua nước mặn, khuôn mặt hiền lành dễ nhìn và một thân hình gọn ghẽ dưới tà áo dài thướt tha, rất đong đưa. Sau khi tự giới thiệu, tôi được biết qua loa về gốc gác và công việc làm ăn của gia đình chị Neo. Chị nói thật nhiều, trái lại với ông chồng kín miệng như thóc ngâm.

Chị Neo sinh ra và lớn lên ở vùng Sông Ông Đốc thuộc tỉnh Cà Mâu. Gia đình chị chuyên nghề chài lưới từ nhiều đời và vì sống ở vùng quê heo hút nơi tận cùng của đất nước nên chị cũng chỉ biết đọc biết viết lúc vừa đủ lớn rồi nghỉ học ở nhà giúp gia đình phơi cá. Chị là con thứ tư trong một gia đình có bẩy anh chị em và có tên trên giấy khai sanh là Nguyễn Thị Bạch Tuyết, ở nhà ai cũng kêu là chị Năm. Chị cười to tiếng nói:

“Hồi đó mình đen như cục than chứ có trắng trẻo gì mà ông bà già lại đặt tên là Bạch Tuyết”.

Tôi phụ họa thêm:

"Chắc hồi đó hai bác cứ nghĩ là tuyết đen như mấy cây than đước chứ ở Cà Mâu có ai nhìn thấy tuyết hồi nào đâu mà biết trắng hay đen”.

Chị có vẻ ưng ý với câu nói có vẻ như diễn dịch của tôi. Chị bắt đầu kể về những năm tháng suốt ngày vật lộn với hết cá tươi sang đến cá khô. Mở mắt ra là nhìn thấy cá. Cơm ngày ba bữa cũng chỉ món cá làm chuẩn. Đêm ngủ mộng mị toàn là cá lớn cá bé. Những con cá to nhỏ đủ cỡ đủ mầu bơi lội trong cuộc sống thường ngày của chị cả ngày lẫn đêm. Cuộc sống không có gấm vóc lụa là nhưng cũng không đến nỗi thiếu thốn. Một đời hiền lành, cần cù làm việc và ước mơ xây dựng một gia đình an vui đầm ấm. Chị mơ màng nhớ lại những đêm trăng sáng vằng vặc, gió biển thổi vào mát lạnh, trai gái trong xóm tụ tập bên đống lửa thay phiên nhau lên xuống mấy câu vọng cổ mùi rệu. Chị kể lại hồi bén duyên ông chồng, ba của xấp nhỏ bây giờ:

“Ca bài Chuyện tình Lan và Điệp thì chả đóng vai Điệp, mình đóng vai Lan, đến cái khúc mà Lan cắt tóc đi tu thì chả ngó qua liếc xéo một cái thấy thương hết sức chứ đâu có như bây giờ, lầm lì giống khúc cây trôi sông vậy”.

Tôi vui chuyện góp thêm:

“Bởi vậy chị cắt tóc đi tu gì nổi. Nương nhờ cửa Phật mà cái liếc xéo đó cứ ngày đêm ám ảnh thì làm sao thành chánh quả cho đặng”.

Chị cười nhẹ, nhìn lên trần nhà như muốn khơi dậy một kỷ niệm hay chuyện vui buồn nào đó.

Hôm nay chị sẽ trở thành công dân Mỹ. Một tờ giấy to bằng hai bàn tay đã thay đổi cái thẻ căn cước hay chứng minh nhân dân của chị. Chị sẽ không còn là Bạch Tuyết hay chị Năm nữa. Chị sẽ là Jennifer Mary Nguyen, từ bằng lái xe cho đến cuốn sổ thông hành mầu tím than có hình con chim ó sẽ mang tên Mỹ của chị. Ai gọi chị là Năm hay Bạch Tuyết thì chắc là không đến nỗi có chuyện lôi thôi nhưng chị sẽ không bằng lòng, không được vui. Chị muốn dứt khoát với dĩ vãng ngập ngụa những tôm với cá. Chị muốn xoá bỏ tất cả những ngày tháng chân lấm tay bùn, quần áo tóc tai đượm mùi tanh tưởi. Chị muốn vẫy tay từ giã cái quần mỹ a đen bóng lưỡng và chiếc cáo bà ba trắng nõn nà.

Giây phút trọng đại khi chị giơ tay lên thề nguyện trung thành với xứ sở mà chị đang có một cuộc sống vật chất thừa thãi và tinh thần thì lúc nào cũng yên vui là một mong chờ đã mấy năm nay. Ông chồng lại có vẻ hờ hững nhưng ăn mặc rất bảnh bao, cổ đeo sợi giây chuyền vàng to như sợi giây lòi tói, bàn tay trái đeo mấy cái nhẫn vừa kim cương vừa đá xanh đá đỏ như một tiệm kim hoàn di động. Mấy đứa con chẳng cần biết phải làm gì và chuyện gì sẽ xẩy ra. Hai đứa lớn sinh đẻ ở bên Việt Nam chưa đến tuổi mười tám nên đương nhiên trở thành dân Mỹ khi cha mẹ tuyên thệ vào quốc tịch Mỹ, đứa nhỏ mới vào lớp mẫu giáo là dân Mỹ chính gốc nên khỏi bận tâm. Chúng say mê bàn tán về trận bóng rổ chiều nay giữa đội Sonics của thành phố Ngọc Bích Seattle và đội Lakers của thành phố Thiên Thần Los Angeles. Tất nhiên cả ba đứa đều quyết đoán đội nhà Sonics sẽ đè bẹp đối phương một tỷ số xa vời. Trong lúc chờ đợi đến lượt được vào phỏng vấn thì ông chồng lẳng lặng ra ngoài, chắc là đi hút thuốc.

Tôi ngồi trên một băng ghế dài với chị Neo nói chuyện “ngày xưa” cho qua đi những giây phút chờ đợi chậm chạp bò như con rùa mang một tảng đá nặng trên lưng. Bây giờ thì tôi mới để ý chị Neo trang điểm rất kỹ lưỡng, hình như chị có cắt mắt sửa mũi thì phải. Cái vụ này thì tôi không rành nên chỉ dám nói lơ mơ vậy thôi. Ngay cả hai chiếc nhẫn kim cương to như hai hột đậu phộng trên ngón tay của chị thì tôi làm sao biết thật hay giả. Thời buổi này thật giả, hư thực cứ lộn tùng phèo lên thì có là ông thánh cũng chịu thua chứ người trần mắt thịt như tôi phải kéo cờ trắng đầu hàng là cái chắc.

Tôi đổi đề tài:

“Chị vượt biên có vất vả lắm không?”

Chị cười có mòi thoải mái:

“Trời đất, gia đình mình là dân đánh cá nhiều đời rồi. Thuyền lớn thuyền nhỏ ngay dưới bến. Đường biển nhắm mắt cũng thuộc. Từ Cà Mâu qua Thái Lan ngủ một giấc dài là tới chứ có gì khó”.

Tôi vội ngắt lời:

“Như vậy gia đình chị đi hết qua bên này rồi chắc?”

“Không, ông bà già ở lại. Nói mấy cũng không chịu đi. Bà già có mấy người bà con ở phía bên kia nên tụi nó cũng không làm dữ. Gia đình bẩy anh chị em kéo nhau đi tuốt luốt. Tất cả ở dưới Cali, một mình lạc loài lên đây”.


“Sao chị không ở Cali cho có chị có em?”

“Người quen rủ lên đây sơn móng tay cho mấy ông bà Mỹ đen, làm thử thấy tiền dzô nên kéo chồng con lên luôn. Bây giờ mình cũng có hai tiệm, khách đa số là mấy con Mỹ đen choi choi. Tụi nó coi vậy chứ chi địa ngon lắm à nhe”.

Tôi nói giọng diễu cợt:

“Đen trắng gì thì cái đồng đô la nó cũng xanh lè. Mình cần cái xanh chứ ba cái đen trắng thì kể gì”.

Chị Neo nhăn mặt:

“Trong nghề mới biết những nỗi khổ của nghề nghiệp. Ăn được đồng tiền của đen hay trắng gì cũng chua cay lắm. Ngồi dưới chân nó nâng niu từng kẽ chân, cái mùi đâu có gì thơm tho. Cũng có những cơ cực mà nhiều người không biết”.

Lối nói chuyện kiểu “nhát gừng” của chị Neo làm tôi cũng phải giữ một khoảng cách thận trọng. Chỉ cần đi thêm một chút quá giới hạn của lằn mức cũng có thể bị hiểu lầm và nếu lạnh nhạt quá thì lại có thể mang tiếng không hay. Nói chuyện với chị nhưng tôi cứ nhìn đăm đăm vào một cặp vợ chồng người Phi châu với bộ quốc phục mầu mè rực rỡ và những đường may cắt thật lạ mắt. Lúc ông chồng chị Neo trở vào cũng sắp sửa đến giờ phỏng vấn. Anh nhìn tôi có vẻ bất cần:

“Chắc cũng không có gì trở ngại chứ?”

Tôi nói như chắc ăn:

“Tôi chưa thấy có một trường hợp nào bị đánh rớt cả. Anh chị thì cũng vậy thôi.”

Chị Neo chen vào:

“Tôi học thuộc đủ mấy chục câu hỏi rồi. Chắc là cũng trót lọt thôi. Nghe nói nếu như vợ trả lời thì chồng cứ việc nín thinh, chồng trả lời thì vợ cứ im re. Một người là đủ rồi”.

Anh chồng lúc này mới lầm bầm:

“Tôi để bà nói hết”.

Chị Neo nhìn nhanh vào mặt chồng, bộ điệu nhắm chừng không được vui. Cái nhìn không đến nỗi dữ dằn nhưng không mấy âu yếm. Hình bóng Điệp ngày nào của Lan chắc không còn mặn nồng như xưa. Bây giờ chị Neo là người mới, một doanh gia có của chìm của nổi và nhất là một người đang trên đường tây hoá. Tóc chị đã vàng hơn không phải vì cháy nắng dưới trời đổ lửa vào những ngày vật vã với những rổ cá sống cá khô. Mầu vàng của mái tóc chị óng ánh như những sợi bạch kim đài các trong một thế giới xa lạ với những con thuyền nghèo nàn ra vào bến cảng. Từ cách đi đứng cho đến lời ăn tiếng nói vẫn là một thứ “Mỹ giấy” nhưng cái vỏ chân quê của miền sóng nước Cửu Long đã được lau chùi và đánh bóng bằng những bộ quần áo thời trang và các món trang sức đắt tiền.

Lúc bà cụ được người cháu đưa đến gặp tôi thì gia đình chị Neo cũng sửa soạn đến lượt vào phỏng vấn. Tôi nói mấy lời chúc cả gia đình may mắn và hẹn khi nào có dịp sẽ gặp lại. Chị Neo đưa cho tôi cái thiệp có địa chỉ và số điện thoại của hai tiệm làm móng tay. Tôi viết vội số điện thoại lên mảnh giấy báo, xé ra rồi đưa cho người chồng nói khi nào qưởn sẽ ghé đến thăm. Ông chồng nở nụ cười không đến nỗi nhạt nhẽo, giơ ngón tay cái lên với bộ điệu rất Mỹ. Tôi ngồi nói chuyện với bà cụ, chuyện ngày xưa khi còn là một thiếu nữ đất Mỹ Tho trái ngọt cây lành. Những cây mận sau nhà sát lối đi xuống bến sông đến mùa trái chín đỏ ối cả một góc vườn và những cô gái da trắng mượt mà như những bông khổ qua nõn nà dật dờ dưới nắng xuân.  Bà cụ kể chuyện thời còn đi học rất thân thiết với bà vợ Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu mà bà cụ gọi là “cô Hên”. Bà cụ khen “cô Hên” đạo đức và ăn ở có hậu lắm; “làm bà Tổng Thống nhưng vẫn luôn nhớ đến thầy xưa bạn cũ”. Tôi góp vui: “ hên quá cỡ thợ mộc nên mới có chồng làm tổng thống”.  Lúc tôi đang mải mê nghe chuyện “ngày xưa” của bà cụ thì đã thấy cả gia đình chị Neo đi ra. Hai vợ chồng cười toe toét còn ba đứa nhỏ thì vẫn dáng nghịch ngợm vô tư.

Chị Neo nói to “đậu rồi”, kể chuyện phỏng vấn và khen ông Mỹ rối rít. Chắc hôm nay ra đường gặp trai nên gặp ông này dễ quá dễ. Ổng hỏi có một câu: “Xin ông bà nói tên vị tổng thống đầu tiên của nước Mỹ?” Ông Mỹ chưa kịp dứt lời thì cả hai vợ chồng đã nhanh nhẩu đáp: “Washington”. Câu hỏi đầu tiên cũng là câu hỏi cuối cùng. Ông Mỹ để cây bút xuống bàn, đứng lên bắt tay cả gia đình, nói vài lời chúc mừng và chỉ dẫn địa điểm cũng như giờ giấc vào sau buổi trưa để làm lễ tuyên thệ chính thức trở thành công dân Mỹ. Một câu hỏi duy nhất đủ chứng minh trình độ tiếng Anh và kiến thức của vợ chồng chị Neo. Người phỏng vấn chắc cũng thừa biết là có đến một nửa dân số Mỹ không thể nói đúng tên vị tổng thống đầu tiên của lịch sử lập quốc Hoa Kỳ.

Ông chồng bắt đầu lải nhải kèm theo những tiếng chửi thề ngắt quãng. Đại để là chỉ có vậy thôi mà cả gia đình đã phải bỏ tiền ra đi học mấy ngày cuối tuần rồi đủ thứ lo âu. Tôi nhắc lại giờ giấc và chỉ một phòng lớn ngay lối ra vào để cả gia đình sẽ phải trở lại vào lúc hai giờ trưa cùng với nhiều người khác làm lễ tuyên thệ. Chị Neo vui như tết nói đi nói lại là thế nào tôi cũng phải đến ăn mừng ở nhà chị vào buổi chiều. Tôi thật tình chẳng thích tiệc tùng nhưng thấy chị thiết tha quá nên đành phải nhận lời.

Buổi chiều tôi đến nhà chị Neo hơi trễ vì gần nửa tiếng đồng hồ ngồi nghe nhạc và đếm xe trên xa lộ. Nhà chị Neo ở một khu đắt tiền mới xây dựng ở phía đông thành phố. Tôi cũng chẳng ngạc nhiên vì nghe nhiều người nói nghề làm móng chân móng tay hái ra tiền và thuế má thì lại rất mập mờ. Đến gần nhà chị Neo đã nghe thấy âm thanh của một bài hát tả cảnh trai gái quê giã gạo dưới ánh trăng rằm. Bài hát này tôi đã được nghe và thuộc nằm lòng từ những ngày còn nhỏ, sau giờ học ở trường là chỉ biết chạy nhẩy ngoài ruộng đồng, bầu bạn với con trâu con bò. Đời sống nhà nông làm lụng đầu tắt mặt tối cầu mong đủ ăn đủ mặc chứ có khi nào dám mơ tưởng đến những gì bên kia lũy tre làng. Thanh niên thiếu nữ nơi thôn dã chỉ có câu hò tiếng hát đối đáp làm duyên và từ đó nẩy sinh ra những cuộc tình chân chất như ngô khoai ngoài đồng. Tôi ngừng xe phía bên kia đường đối diện nhà chị Neo, bước đi chậm chạp nghe giọng ca quen thuộc hát một làn điệu dân dã đã thấm nhuần vào tâm can tì phế từ những ngày chân tay bê bết bùn lầy của đồng bằng Cửu Long.

Tôi đứng trước cơ ngơi của chị Neo mà một gia đình người Mỹ trung lưu mơ cũng không thấy. Ngôi nhà khá to so với kích thước trung bình của một đơn vị gia cư ở trong vùng. Cây cỏ được chăm nom cắt tỉa kỹ lưỡng chắc hẳn phải do một bàn tay chuyên nghiệp săn sóc. Một bà Mỹ dắt chó đi chơi thấy hàng xóm có hội họp tiệc tùng vẻ mặt tươi rói như muốn chia xẻ niềm vui. Bà nhìn những lá cờ Mỹ cắm trên sân cỏ trước nhà có vẻ như muốn có câu hỏi nhưng lại hơi ngại ngùng. Tôi nói:

“Mấy người ở nhà này hôm nay tuyên thệ trở thành công dân Mỹ nên mời bạn bè đến ăn mừng”.

Bà Mỹ có vóc dáng như chưa đến tuổi về hưu giơ tay lên nói:

“Chúa ơi, xin chúc mừng những người hàng xóm tốt lành của tôi.”

Tôi nói là sẽ chuyển lại lời chúc mừng của bà đến toàn thể gia đình và chắc là họ sẽ rất vui. Bà tấm tắc khen vợ chồng chị Neo và mấy đứa con là những người láng giềng thật tử tế, rất đáng yêu. Bà cũng nói là người chồng tuy ít nói nhưng thật tốt bụng, anh ta sẵn sàng giúp bất cứ nhà nào trong xóm những việc lặt vặt nhất là những người già yếu cần khuân vác hay khiêng bàn ghế tủ giường thì anh luôn có mặt. Anh chồng ở nhà suốt ngày, buổi chiều tối đi dọn dẹp lau chùi hai tiệm làm móng tay chừng độ vài ba tiếng đồng hồ là xong việc. Bởi vậy anh có nhiều dịp giúp đỡ những gia đình trong xóm khi họ cần thêm sức lực từ một bàn tay. Qua câu chuyện ngắn ngủi với bà Mỹ, tôi cũng thấy vui và thật hãnh diện được biết gia đình chị Neo rất được những người xóm giềng quý mến.

Lúc một người khách mở cửa cho tôi vào nhà thì âm thanh từ dàn máy hát đắt tiền bắt đầu phát ra một bài vọng cổ mùi tận mạng. Anh kép hát than thân trách phận chỉ vì gia cảnh nghèo khó mà phải lau nước mắt nhìn người yêu lên xe hoa về nhà chồng. Những cuộc tình ngang trái qua tiếng ca lên xuống ngọt như mía lùi bao giờ cũng kéo theo những giọt nước mắt sụt sùi thương cảm. Chị Neo từ trong bếp đi ra hướng dẫn tôi đến phòng gia đình đã có hơn chục người đang dán mắt vào màn hình thật to ở góc phòng. Người nào cũng im lặng chia sẻ cho số phận đau thương của chàng trai chỉ vì cảnh nghèo mà đành nuốt lệ nhìn người yêu ôm bó hoa đi giữa xác pháo hồng vui vầy duyên mới. Một lúc sau, cô đào thương xuất hiện nức nở khóc ca lời tạ tội chia ly với người yêu thì cũng có vài người đứng dậy vươn vai kết thúc cho một chuyện tình.

Chị Neo giới thiệu tôi với những người khách của bữa tiệc mừng, đa số là các thiếu nữ làm móng tay. Những người trẻ thật vui tính và hồn nhiên cười nói đùa dỡn như cuộc đời hiện tại rất bình an của họ. Những người đã kinh qua một thời với bộ quần áo đắp những miếng vá tả tơi và những củ khoai sắn qua ngày hầu như đã bỏ lại một bể đau thương nơi miền dĩ vãng và đang cố gắng tạo dựng đời sống mới, chập chững với những bước đầu nơi xứ lạ quê người. Vài cô nhất quyết sau một thời gian ngắn có cuộc sống ổn định sẽ cắp sách trở lại trường học. Chuyện kể về các ông bà tỷ phú trên đất Mỹ đều bắt đầu bằng hai bàn tay trắng đã như một động cơ thúc đẩy những người một thời ở tầng dưới của địa ngục trần gian cố gắng phấn đấu để vươn lên. Người đứng người ngồi, chuyện ngắn chuyện dài về những sự việc xẩy ra như cơm bữa ở ngoài tiệm làm móng tay. Một bà cỡ tuổi trung niên cười sặc sụa huơ tay:

“Thôi, họ nói gì kệ họ, mình cứ gật gật cái đầu, mồm nói OK là kể như xong.”

Tôi không nghe rõ câu chuyện đầu đuôi ra sao nhưng thấy ai cũng ôm bụng cười ngặt nghẽo.

Lúc chị Neo hò đến gần như khản cổ gọi chồng xuống ăn thì tiếng cười nói trong phòng cũng đã bớt đi. Ông chồng đi chậm chạp xuống dưới nhà nhưng vẫn cố nói to dặn thằng con lớn lấy giờ giấc chính xác cho trận bóng rổ vào buổi tối. Khi điền giấy tờ vào dân Mỹ, anh Phúc chồng chị Neo vẫn giữ tên cha mẹ đặt cho khi chào đời, mặc dù có người khuyên anh nên đổi tên chứ nghe người Mỹ phát âm tên gọi của anh nhiều khi nghe kỳ quá. Cha mẹ mình sanh ra đặt tên sao thì cứ để vậy. Phúc là phúc đức phúc lộc. Anh biện giải là cái giọng nói của mình dù có ăn đến nửa bát ớt hiểm rồi uốn lưỡi cong môi đến đâu đi nữa thì cũng vẫn là giọng của một người Việt nói tiếng Mỹ. Mình muốn nói một câu thì cũng đã chuẩn bị kỹ lưỡng, thế mà cứ vừa mở mồm ra là y như có đứa nó nhẩy vào cổ họng ngồi một đống thì còn ăn nói gì nữa. Anh cười hề hề đưa ra một cái thí dụ ngay ở trong gia đình, thằng con út sanh ra trên đất Mỹ nên đặt tên là Chạc Li, thế mà bà vợ cứ mở miệng ra là cứ kêu Chó Lì. Tên anh là Phúc,ngưòi Mỹ họ có phát âm trệu trạo thì là điều tự nhiên. Người Việt mình mà cố tình xiên xẻo là có chuyện lôi thôi liền một khi. Anh Phúc say sưa bàn luận và phê bình những cầu thủ của hai đội bóng rổ sẽ cật lực chiến đấu vào chiều nay để mở đường vào tứ kết giải vô địch toàn nước Mỹ. Cầu thủ nào gầy ốm, mập béo, cao lớn ra sao, thành tích chiến đấu như thế nào, anh rành sáu câu. Chuyện trò một lúc thì anh Phúc lấy cớ phải đi ra ngoài tiệm dọn dẹp, hai tay ôm theo một két bia mười hai lon. Chị Neo dặn dò chồng mấy việc, nói như phân bua:

“Ông ra ngoài tiệm đóng cửa rồi uống bia xem đánh banh một mình, ở nhà ồn ào quá xem không có phê. Mê quá hơn là mê gái.”

Một người đàn ông đứng tuổi cười mỉm chị:

“Mỗi người mê một thứ, đừng có mê cờ bạc hút sách là được rồi.”

Mọi người được mời lấy đồ ăn trên cái bàn dài có đầy đủ lương thực cho cả trăm người. Nhìn những đĩa đồ ăn đầy ú hụ sắp lớp nhau trên bàn người nào cũng có vẻ ngao ngán. Hầu như chẳng ai tha thiết gì đến một bàn đầy đồ ăn thức uống. Ngó tới ngó lui thì cũng chỉ heo quay, vịt quay. Bây giờ ai cũng sợ mỡ đóng lại trong mạch máu và gây ra đủ thứ bệnh đưa đến cái chết đường đột. Báo chí ngày nào cũng đưa tin nhiều người giầu có và nổi tiếng đang sống vui sống khoẻ lặng lẽ ra đi không một lời trăn trối. Căn bệnh quái ác lại hầu như lại chỉ mở mặt trận đánh vào những người dư ăn dư mặc. Người nghèo cả năm chỉ vài lần được đụng đũa vào miếng thịt gọi là lấy hương lấy hoa thì rất ít khi bị chứng bệnh tim mạch. Nghèo thì vất vả vì miếng ăn nhưng giầu thì lại chết vì miếng ăn.

Bữa tiệc “kiểu Mỹ”, mỗi người cầm một cái đĩa giấy với dao nĩa nhựa tự lấy những món đồ ăn thức uống. Vừa đứng vừa ăn, vừa đi vừa uống, nói nhiều hơn ăn. Không khí ngột ngạt mùi vị những món xào, món nướng với đủ loại mùi nước hoa, mùi thuốc sơn móng tay móng chân và tiếng cười nói như vỡ chợ như một đám hội nơi đình làng ngày nào nơi quê cũ. Chị Neo đi lăng xăng hết mời người này ăn lại mời người kia uống. Ông chồng đã lẳng lặng ra đi từ lúc nào cũng không ai biết. Mấy đứa con chắc là đang miệt mài với những trận banh từ miền Đông sang đến miền Tây nước Mỹ. Chị Neo gần như năn nỉ khách phải ăn bạo lên chứ ai cũng đứng nhìn nhau như thế này thì coi bộ ế độ dữ. Chị nói qua đây thịt cá thừa mứa rồi sinh ra đủ mối lo, cứ ăn tưới hột sen đi thì có ai chết đâu. Bệnh gì thì bệnh, cạo gió một hồi là thấy khoẻ ngay. Bầy đặt đủ loại thuốc men chỉ ôm thêm bệnh vào người. Gia đình chị cả chục người sống chen chúc ở một cái nhà ngói ba gian ở ngay cửa biển nhìn ra sóng nước, quanh năm suốt tháng đuổi ruồi đập muỗi mà có ai chết đâu. Lâu lâu có người cảm cúm ể mình thì bà già lật xuống giường cạo gió cho một thôi, ngủ một giấc đẫy mắt, thức dậy là bệnh tật cũng theo mây gió cuốn ra ngoài khơi với biển cả.

Tôi ngồi ngoài bàn ăn nói chuyện với chị Neo và cặp vợ chồng còn rất trẻ mà cả hai người cùng làm nghề móng tay và xem chừng họ rất bằng lòng với công việc và cuộc sống. Chuyện lui chuyện tới thì lại cũng trở về những chuyện “ngày xưa”. Mỗi người có những kỷ niệm, những ghi nhớ bám chặt vào tâm cảm mà thời gian hay bất cứ thay đổi nào cũng không xoá nhoà được. Con người ta là vậy, những niềm vui hay bao nỗi buồn chứa chấp trong miền ký ức sẽ không bao giờ phai mờ. Người ta nhớ lại những chuyện xưa cho dù là những chuyện buồn như là một trang sách của một cuốn sổ đời, không than van mà cũng chẳng oán trách.

Trời đã tối mịt, tôi xin phép ra về. Chị Neo hỏi, giọng nhỏ nhẹ:

“Tuần tới anh về Việt Nam hả? Cho mình gửi cái thơ được không?”

“Thơ ở Sài Gòn thì tôi nhận, còn nếu phải đi tỉnh thì chắc là tôi không có thời giờ đâu".

Chị Neo bước vội lên cầu thang nói:

“Thơ ở Sài Gòn thôi.”

Lúc chị Neo từ trên thang gác đi xuống thì tôi đang chỉ dẫn cho vợ chồng trẻ cách thức làm giấy tờ cho bà mẹ ở Việt Nam sang Mỹ chơi vài ba tháng qua diện du lịch. Chị Neo đưa cho tôi một phong bì mầu trắng, tôi cầm bỏ vào tuí áo mà cũng không nhìn xem địa chỉ của lá thư sẽ đi về đâu. Chị Neo tiễn tôi ra tận xe và chúc chuyến đi Việt Nam được mọi sự bình an xuông xẻ. Tôi cũng đưa chuyện là khi nào về lại rồi thế nào cũng đến tiệm nhờ chị sơn cho bộ móng chân để có đường ăn nói với thiên hạ. Chị Neo đập vào vai tôi nói “anh này xí xọn quá hà”.

Buổi sáng ngày hôm sau, lúc thay quần áo đi làm, tôi cầm lá thư chị Neo gửi nhìn không thấy địa chỉ của người nhận và bao  thư cũng không được dán lại. Tôi mở ra xem thì lại chẳng thấy thư từ gì cả nhưng có sáu tờ giấy bạc một trăm mỹ kim. Tôi giật mình tự hỏi có làm gì đâu mà lại được tặng “phong bì” như thế này, hay là chị Neo đưa lộn, thư không đưa lại đưa tiền. Buổi trưa tôi gọi điện thoại đến tiệm nói chuyện với chị Neo và kể lể về cái phong bì tôi đang để trong túi áo. Chị cười nhẹ nhõm nói:

“Anh về tới Sài Gòn có ghé cô nhi viện hay hội người mù thì nhờ anh trao lại dùm. Trời thương mình ăn nên làm ra thì cũng nên nhớ đến những người thiếu may mắn.”

Tôi vỡ lè, nói ra vẻ như thật:

“Chị đưa tiền cho tôi chẳng khác nào đưa chuối cho cưởng. Về tới Sài Gòn, có tiền đi bia ôm mệt nghỉ.”

Chị Neo nói giọng to hơn:

“Anh mà đi bia ôm thì cho thánh dzật anh đi.”

Nghe tiếng ồn ào, chắc là có khách vào. Tôi gác ống điện thoại và xôn xao những ý nghĩ về chị Neo mà tôi đã không nhận ra được dù bằng trực giác trong lần gặp gỡ đầu.

Vụ này đã xẩy ra cách đây bốn năm. Tới giờ, tôi vẫn không bị thánh dzật, chẳng phải ông thánh nể nang gì tôi hay bản thân tôi được hưởng một chế độ đặc biệt nào. Chuyện rõ như ban ngày, bởi vì tôi không biết uống bia.