Có một Venise phương Đông như thế! |
Tác Giả: Nguyễn Khắc Nhượng |
Thứ Bảy, 31 Tháng 1 Năm 2009 11:54 |
Trăng đêm Dương Tử mây chiều Giang Nam"
(thơ Hồ Dzếnh)
Chiếc Boeing 767 bắt đầu xuống thấp cùng tiếng nữ tiếp viên vang lên qua loa: "Máy bay sắp đến TP.HCM, xin quí khách về lại chỗ ngồi và thắt chặt dây an toàn...Nhiệt độ tại sân bay Tân Sơn Nhất lúc này là 270 C...". Một khách nước ngoài nhìn qua cửa sổ máy bay bật tiếng reo khẽ. Người đàn ông ngồi kế, cũng là khách nước ngoài, nhoài người qua ông kia, rướn cổ nhìn theo, suýt soa bằng tiếng Pháp: "Rất nhiều sông! Tuyệt đẹp!". Té ra hai vị khách này là người Pháp.
Tôi ngồi cùng hàng ghế với hai ông người Pháp, trên chiếc ghế thứ ba, sát lối đi giữa thân máy bay nên không nhìn thấy gì qua cửa kiếng hình tròn kia ngoài một khoảng xanh biếc của nền trời và vài đốm mây trắng mỏng. Thế nhưng qua tiếng reo khẽ và câu buột miệng của hai du khách phương Tây, tôi vẫn hình dung được những gì mà hai vị khách này đã nhìn thấy bên dưới khi máy bay hạ thấp. Những gì hiện ra bên dưới đã quá quen thuộc với tôi mỗi khi đi xa quay về lại thành phố này nếu như tôi ngồi cạnh cửa sổ máy bay.
Thoạt đầu bạn sẽ thấy dòng sông Đồng Nai, rồi sông Sài gòn, và những nhánh sông nhỏ khác, kể cả con kênh Nhiêu Lộc -Thị Nghè, len lỏi trong thành phố. Từ trên cao nhìn xuống, TP.HCM như một cù lao khổng lồ, tuyệt đẹp với sông, rạch và cây xanh. Nó cho ta cảm giác thanh thoát trong một môi trường thiên nhiên hoàn hảo. Cái cảm giác ấy hoàn toàn biến mất khi máy bay tiếp đất cùng với sự nhốn nháo của đám đông ở lối ra sân ga Tân Sơn Nhất. Không chỉ biến mất, nó còn tạo cho bạn một cảm giác ngột ngạt, bất an khi hoà mình vào dòng xe đủ loại lúc nhúc trên đường phố trong một trật tự không giống bất cứ nơi nào trên thế giới với mùi xăng dầu khét lẹt. Chẳng còn thấy sông, rạch mà chỉ toàn phố xá với đủ kiểu kiến trúc tự phát liền kề nhau, kéo dài trùng điệp. Mỗi căn nhà mặt tiền trên đường phố đều làm dịch vụ hoặc bán hàng hóa đủ loại. Cả TP.HCM cứ như một "super market" khổng lồ.
Tôi nhìn vẻ mặt giãn ra đầy thư thái hoan hỉ của hai ông người Pháp trước khi máy bay tiếp đất mà thầm ái ngại. Hai ông bạn này sau khi tiếp đất ắt sẽ gặp một "vố" bất ngờ đây!
Tôi vừa từ TP. Tô Châu, Trung Quốc trở về. Đó cũng là thành phố của sông rạch như Sài gòn nhưng có tuổi đời già hơn rất nhiều, khoảng 2.500 năm. Cũng như Sài gòn cách nay gần 150 năm, Tô Châu có nhiều kênh rạch ngang dọc trong nội thành với sông ngòi bao bọc chung quanh. Các kênh, rạch ấy hầu như vẫn còn nguyên vẹn như mấy ngàn năm về trước khi thành phố mới được tạo dựng, tất nhiên nó tiếp tục được tu tạo và phát triển thêm ở các đời sau. Hiện nay trong nội thành Tô Châu có cả thảy 21 kênh rạch chạy từ Nam qua Bắc và từ Đông sang Tây cùng 1.600 chiếc cầu đá với độ cao thông thuyền đủ cho thuyền bè qua lại. Tất cả bờ sông và kênh rạch đều được kè bằng đá. Trên bờ sông và bờ kênh là nhà cửa dân cư, trước mặt nhà là đường bộ, cửa sau nhà là đường thủy.
Vào thế kỷ XIII, khi lưu lạc đến Trung Hoa, có dịp đến Tô Châu, anh chàng phiêu lãng người Ý Marco Polo đã phải lóa mắt vì sự phồn thịnh và vẻ đẹp của thành phố đầy kênh rạch này. Trong tập du ký của mình, Marco Polo đã ví Tô Châu là "Venise phương Đông". Venise vốn là thành phố nổi của Ý, rất nổi tiếng ở phương Tây. Có thể từ sự ví von này mà người Trung Hoa đã gọi thành phố Tô Châu của họ là "Đông phương thủy thành".
Cái tên "Venise phương Đông" ấy từ thời Marco Polo cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị vì hàng ngàn năm nay nó vẫn là thành phố của kênh rạch. Khác với Sài gòn một thời đã từng được mệnh danh là "Hòn ngọc viễn Đông" nhưng ngày nay nếu nhắc đến "ngoại hiệu" này e lớp hậu sinh sẽ cảm thấy vô cùng khó hiểu.
Tô Châu cách Thượng Hải 80 km, nằm ở hạ lưu sông Dương Tử, trên bờ Thái Hồ, tỉnh Giang Tô. Từ ngàn xưa Tô Châu đã nổi tiếng về tơ lụa, trà và các viên lâm tư gia với nghệ thuật sắp đặt vườn tược độc đáo trong một không gian hạn chế gồm đủ đình đài lầu các, cây xanh, hồ đầm, sông suối, núi non...Nghệ thuật "nhìn nhỏ thấy lớn" sở trường của người Trung Hoa thể hiện rất rõ ở Tô Châu viên lâm. Nhiều khu vườn tại đây đã được UNESCO xếp hạng di sản văn hóa thế giới. Thế nhưng sự nổi tiếng nhất của Tô Châu, đối với nhiều du khách phương Tây, có lẽ nhờ cái tên "Venise phương Đông" khi nói về thành phố nhiều kênh rạch này.
Với diện tích 8.488 km2 và dân số hơn 6,06 triệu người, xấp xỉ dân số TP.HCM, năm 2005 GDP đầu người của Tô Châu đã là 7.649 USD. Một con số thu nhập chỉ có trong mơ của người dân TP.HCM. Con số thu nhập ấy đến nay hẳn đã tăng cao hơn nhiều, phần lớn là nhờ du khách bởi mỗi năm Tô Châu thu hút hơn 20 triệu du khách trong nước và quốc tế đến tham quan, mua sắm các sản phẩm địa phương.
Thành phố Sài gòn lúc mới hình thành cũng nhiều sông và kênh rạch như Tô Châu nhưng chỉ qua hơn trăm năm sau các thủy đạo chằng chịt trong lòng thành phố dần dà biến mất. Nó có thể trở thành một Tô Châu, một Venise phương Đông thứ hai, nhưng đó không phải là mẫu hình mà các nhà quản lý đô thị ở ta nhắm đến.
Với lợi nhuận to lớn từ địa ốc mang lại trước mắt và sự bùng nổ dân số, các nhà quản lý đô thị ngày nay lại càng nôn nóng trong việc phát triển TP.HCM thành một đô thị hỗn tạp khổng lồ. Vài kênh rạch, ao hồ còn sống sót ở ngoại vi thành phố hẳn cũng sẽ bị san lấp nốt để tạo nền cho các công trình xây dựng tương lai. Hiện nay sông Sài gòn, con sông chính dẫn nước từ thành phố ra biển, cũng đã bị các nhà đầu tư địa ốc xâm lấn lung tung huống gì các kênh rạch lẻ tẻ. Và oái ăm thay, khi các kênh rạch dần bị lấp đi thì TP. HCM đột nhiên trở thành một "Venise phương Đông" bất đắc dĩ mỗi khi mưa xuống hoặc lúc triều cường dâng cao. Lúc đó nhiều đường phố bỗng biến thành thủy đạo. Cái "Venise phương Đông" ngoài ý muốn ấy tất nhiên chẳng thể thu hút du khách như Tô Châu, Venise phương Đông thứ thiệt!.
Nhiều con kênh ở TP.HCM mất đi nhưng chắc con kênh Nhiêu Lộc hôi rình vẫn còn. Kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè hơn trăm năm trước từng là con kênh xanh, sạch đẹp nhất của Sài gòn, đến mức được người Pháp đặt tên là Arroyo de l'Avalanche (kênh tuyết đổ). Cách nay khoảng mười năm, nó được tu tạo, kè đá hai bên bờ cẩn thận với những chiếc cầu nối hai bờ giống như ở Tô Châu nhưng là những chiếc cầu thấp tè chỉ vừa đủ lọt cho một chiếc xuồng con. Ờ, nếu như hồi đó khi tu tạo, con kênh này được mở rộng gấp đôi, con đường nằm hai bên bờ kênh cũng được mở ra rộng hơn với nhiều cây xanh, những chiếc cầu bắc qua có độ cao thông thuyền đủ cho du thuyền qua lọt với lòng kênh nạo vét sâu hơn và được giữ sạch sẽ thường xuyên. Được thế thì kênh Nhiêu Lộc hoàn toàn có thể trở thành sản phẩm du lịch tuyệt vời của thành phố. Du khách chắc chắn sẽ vô cùng thích thú khi rong ruổi trên kênh Nhiêu Lộc lúc thủy triều lên trong những chiếc du thuyền như trên sông Sein ở Paris hay sông Thames của London để ngắm nhìn TP.HCM. Chẳng những thế, con kênh ấy còn giúp vận chuyển mỗi ngày một lượng hành khách không nhỏ đến các vùng trung tâm thành phố như một thứ đò dọc để giảm tải cho đường bộ đã nghẹt cứng vì mật độ lưu thông dữ dội hiện nay. Phải mất khá nhiều kinh phí cho một dự án như vậy, nhất là kinh phí đền bù giải tỏa. Khoản kinh phí ấy sẽ được bù lại từ những nền đất được phân lô dọc hai bờ kênh với một qui hoạch kiến trúc hoàn chỉnh để xây dựng nhà phố hoặc biệt thự và bán giá cao cho những ai có điều kiện. Đó là mô hình phát triển bền vững cho một con kênh nước đen hôi thối và là điều hoàn toàn có thể thực hiện được nếu như trước đây khi lập dự án tu tạo kênh Nhiêu Lộc, các nhà quản lý đô thị ở ta có được tầm nhìn của các nhà quản lý đô thị ở Tô Châu hơn 2.500 trăm năm trước.
Hai du khách người Pháp, những người đồng hành ngẫu nhiên của tôi trên chuyến bay, đã nghĩ gì khi lang thang trên các đường phố Sài gòn? Liệu họ có đi tìm những con sông và kênh rạch xinh đẹp mà họ đã thoáng nhìn thấy từ trên cao để rồi bắt gặp con kênh Nhiêu Lộc đen thui chảy qua thành phố đúng vào lúc thủy triều xuống, lộ ra sình lầy dưới lòng kênh bốc mùi tanh hôi kinh khiếp?.
Tôi mong mọi sự sẽ không diễn ra như thế với hai ông Tây kia. Tôi cũng thầm mong là hai ông Tây kia chưa từng đến Tô Châu và trong tương lai cũng sẽ không có cơ hội đến Tô Châu để phải có một so sánh bất nhã về hai thành phố phương Đông đều cùng có nhiều kênh rạch. |