Hồi Ký Tù Cải Tạo |
Tác Giả: Hoàng Long Hải |
Thứ Hai, 16 Tháng 2 Năm 2009 07:43 |
1. Những Ngày Đầu… Bây giờ thì cơm nhà hàng Continental, một nhà hàng mà trước 1975, lương sĩ quan cấp úy như tôi, không có tiền hối lộ thì bao giờ mới dám vào?! Tôi nói đùa với vài anh em, phần đông đều lạ hoắc: "Kỳ nầy ăn cơm nhà hàng sang nhất Saigon nghe!" Tới giờ cơm, toàn đội sắp hàng xuống nhà ăn. Vô tới nơi thì… hết cơm. Cả mấy trăm người, nhà hàng nấu trong hai cái nồi 50, mỗi nồi chưa đủ phần cho 50 người, có đâu tới mấy trăm người. Vậy rồi ai nấy đành mang bụng đói mà về phòng uống nước lạnh qua ngày. Trong phòng, có anh chàng áo quần bỏ trong samsonite. Hỏi, anh ta nói, tin tưởng một cách vững chắc: Không biết sau nầy, trên con đường tù cải tạo mịt mù biên giới, khi ra Bắc, khi về Nam, cái Samsonite của anh ta có còn dùng được việc gì không! Đói quá! Phải kiếm cái gì ăn. Bên cạnh thang lầu, có kẻ hở khe gió thông ra bên ngoài, chỉ vừa lọt bàn tay. Có bóng người bên kia, thì ra là nhà dân. Bèn nhờ chú bé bên đó đi mua bánh mì giúp. Một người nhờ, hai người nhờ. Thế rồi nhiều người biết "con đường bánh mì" ấy và nhiều người nhờ. Cả trăm người nhờ. Chắc chú bé bên đó phải chở xe ba gác mới đủ… nhu cầu. Dĩ nhiên là bộ đội biết và… cấm. Thế là "Con đường bánh mì"… đứt đoạn, làm cho không ít người đói… đứt ruột. Tuy rằng một đội, khoảng 30 người ở chung một phòng nhưng chẳng ai kiểm soát, ai điểm danh nên nhiều người đi lang thang qua những phòng khác tìm bạn bè chuyện trò chơi. Tôi chẳng đi đâu, tối lại thì cùng với vài người nữa, như ông Trần Phú Trắc, gốc là đại úy Dù, chức vụ cuối cùng là chỉ huy trưởng Cảnh Sát quận Nhà Bè, tỉnh Gia Định. Ông nầy là cháu kêu "tông tông" bằng cậu ruột. Bạn thân của Trắc là anh chàng mang hai cái "đít chai" khá dày, lúc nào cũng cười cười, làm như đời… vui lắm, tên là Phạm Quang Chiểu, gốc là "Bộ binh đại úy" (tôi thường nói đùa như kiểu mấy ông "Hải quân Đại úy" hoặc gọi anh ta là trung tướng Phạm Xuân Chiểu, một ông trung tướng trong quân đội Việt Nam Cộng Hòa. Xin nhắc lại chuyện cũ một chút. Năm "dẹp bàn thờ" 1966. Ông tướng nầy đang làm tổng thư ký (?) Hội Đồng Quân Lực, về Huế lo dàn xếp vụ Phật Giáo Miền Trung, bị đám "Sinh Viên Học Sinh Quyết Tử" (thuộc "Hội Đồng Nhân Dân Cứu Quốc") do Nguyễn Đắc Xuân chỉ huy, bắt ông ở đài phát thanh Huế, bỏ lên xe xích lô, đưa lên tòa Đại Biểu Chính Phủ. Bữa đó, tôi ham vui, xách xe chạy theo… coi. Tướng Thi phải tới "giải cứu" cho tướng Chiểu. Tướng Thi lên diễn đàn nói "ba xí ba tú", lung tung, chọc thiên hạ cười chơi! Nhìn bộ râu của tướng Thi đã thấy buồn cười, huống chi ông nầy vốn vui tính, hay nói đùa, nên bữa đó, ai nấy được một trận cười thật vui, vì vậy đám "Quyết Tử" của Nguyễn Đắc Xuân không "hỏi tội" tướng Chiểu làm "tay sai" cho quân Thiệu Kỳ được. Nhớ chuyện vui đó nên tôi hay gọi đùa Phạm Quang Chiểu thành Phạm Xuân Chiểu để kể công với Chiểu rằng "bữa đó, tao cũng cười như thiên hạ nên chú mày được Hội Đồng Nhân Dân Cứu Quốc Huế" tha mạng cho. Hai anh chàng Trắc và Chiểu cùng với vài người như dược sĩ Quang (không nhớ họ), dược sĩ Hoán (Tây lai), tối lại, tập trung trên cái bệ gỗ trước bảng đen của lớp học để tò mò nghe ông già Nho, - Nguyễn Văn Nho - đại úy Cảnh Sát, trưởng phòng Công Xa Hạ Nghị Viện, kể chuyện ông dân biểu nào "ba chân bốn cẳng" mà "tam thập lục kế" trước thiên hạ, về chuyện dân biểu Nhữ Văn Úy tự tử cùng vợ con ngay trong Hạ Viện như người ta đồn đãi, v.v… Trong hai buổi chiều ngắn ngủi ở Taberd, tôi thường leo lên lầu 2, ra hành lang, ngồi xem thiên hạ hóng mát. Anh bạn Ngô Duyên (tôi thường gọi đùa là Vô Duyên), đại úy Biệt Động Quân, giải thích cho tôi rằng những cây trồng trong sân trường Taberd thuộc họ đậu, như cây bã đậu. Loại cây nầy có lá lớn, cho nhiều bóng mát nên được trồng trong các sân trường, kể cả các quân trường. Đang khi ngồi chơi, có ông đại úy bộ đội đi từ trong văn phòng ra cổng, tướng đi lẹt bẹt như đàn bà doi đít. Một người lên tiếng chê cái tướng đi ấy, vài người phụ họa theo. Vui chuyện, tôi nói: "Họ có bao giờ ngồi ghế đâu. Thói quen là ngồi chò hỏ dưới đất. Dù có khi ngồi trên ghế thì cũng ngồi theo kiểu nước lụt. Ngồi kiểu đó thì đít doi ra, không giống đàn bà sao được." Vài người là dân Saigon chính hiệu con nai, có mấy khi thấy ai ngồi kiểu nước lụt, thấy tôi nói, cho là đúng, khoa học - Cơ thể học nữa đấy! - bèn tới làm quen chơi. Đang chuyện trò, bỗng có anh chàng nào đó, ngồi ở phía hành lang bên kia, nói to lên như kiểu rao hàng mấy hôm nay, sau khi Saigon sụp đổ, ở bùng binh chợ Bến Thành: "Đồng hồ "Xi-Ti-Dzen" đây! Không người lái, hai cửa sổ, mười hai ông sao! Người bộ đội rất ưa dùng đây! Mại dzô, mại dzô!"" Nghe câu rao hàng, thiên hạ ngồi hóng mát hai bên hành lang cười ầm lên. Tôi nghe có người nói: "Gan quá! Đem chú bộ đội ra mà diễu. Chết như không!" Nhiều chữ trong câu rao hàng trên đúng là "Danh từ Việt Cộng". Ở miền Nam, trước 1975, đồng hồ khỏi lên giây như ngày xưa, hơi quê một chút thì người ta gọi là đồng hồ tự động. "Tây" hơn, như phần đông dân Saigon gọi là đồng hồ "Ô-tô-ma-tít" (Automatic). Ai lại gọi "tự động" là "không người lái" như "chú bộ đội" bao giờ! Cũng không ai gọi là đồng hồ có một hay hai cửa sổ. Người ta gọi là đồng hồ có lịch (ngày và thứ tự trong tuần). Người ta cũng gọi là đồng hồ có "lu-mi-nơ" (lumineux) để nhìn ban đêm. Ai lại gọi "mười hai ông sao"! Những cách nói như thế, người ta cho là quê. Câu rao hàng như trên là có ý chê cái quê của "chú bộ đội." Tới đêm thứ ba, sau 12 giờ một chút thì xe Molotova của bộ đội ầm ì vào sân trường. Xe có mui vải, che kín. Bên hông mỗi xe có viết hai chữ Ta Pe bằng phấn thật lớn. Tôi cứ thắc mắc, họ viết chữ tape, - có nghĩa là băng nhựa - bên hông xe làm gì? Một lúc, tôi mới hiểu ra rằng đó là những xe Molotova tới trường Taberd để đưa chúng tôi đi. Trời đất quỉ thần ơi! Chữ Ta Pe họ viết bên hông xe có nghĩa là Taberd đấy. Chữ nghĩa những người có "tinh thần độc lập cao", bế quan tỏa cảng thời hiện đại, không thèm học tiếng Anh, tiếng Pháp là như vậy đấy! Lần lượt, đội chúng tôi được đưa lên một xe. Trên xe đã có sẵn một đội rồi. Như vậy, có nghĩa là 60 người một xe, chật như nêm, không nhúc nhích được một chút. Tấm bạt sau được hạ xuống, cột chặt. Cuối hai cái băng hai bên hông xe là hai "chú bộ đội" lăm lăm cây súng AK trong tay, đạn lên nòng, khóa an toàn. Đã lên xe rồi mà Lâm Văm Xuân, đại úy Thủy Quân Lục Chiến cứ nằng nặc xin bộ đội cho anh ta xuống xe đi cầu một chút. Anh ta đau bụng quá. Đi cầu ngay bên lề đường cũng được! Anh ta kêu la quá, ai nấy đều thấy tội nghiệp cho anh. Khoảng ba giờ sáng, mấy chục xe Molotova chuyển bánh đưa chúng tôi đi. Ngồi trong xe, một ít trên ghế, phần đông trên sàn, kín mít, không thấy gì bên ngoài! Đoán hướng xe, anh em chúng tôi biết, xe chạy ra đường Hai Bà Trưng, qua Phan Thanh Giản, lên Lê Văn Duyệt và đi Tây Ninh… Khi xe đang trên đường đi Tây Ninh thì trời sáng dần. Bấy giờ thấy rõ hình ảnh chú bộ đội hơn: Người gầy, nét mặt quê mùa nhưng thật thà, thụng thịnh trong bộ đồ xanh quá khổ. Anh ta làm quen với chúng tôi bằng câu nói: "Mấy anh là đại úy. Trước tê đi mô cũng đi máy bay lên thẳng không?" Chúng tôi cười, nhưng không ai trả lời anh, mặc dầu câu nói của anh ta có nhiều cái sai. Trước hết, anh ta nói tiếng Nghệ An hay Hà Tĩnh gì đó, nặng chịch, khó nghe và không quen tai. Thứ hai, chúng tôi lạ và thấy anh ta quê mùa quá khi gọi máy bay trực thăng là máy bay lên thẳng. Thứ ba, khi còn chiến tranh, cấp đại úy như chúng tôi, làm tới đại đội trưởng hay tiểu đoàn phó, chỉ có một số ít làm tiểu đoàn trưởng. Cấp bậc đó, hành quân với lính thì lội bộ như lính, làm gì có ngồi trực thăng bay trên trời mà chỉ huy dưới đất. Điều chúng tôi ngạc nhiên nữa là tại sao anh ta biết chúng tôi là đại úy. Có lẽ trước khi "công tác", các "chú bộ đội" đã được giáo dục cả rồi, được cấp trên của họ cho biết chúng tôi phần đông là cấp bậc đại úy và sẵn sàng đề phòng… phản động. Vài anh em từng ở Tây Ninh, đoán rằng Việt Cộng đưa chúng tôi đi Trảng Lớn. Quả vậy thật. Trên đường vào Trảng Lớn, qua một cái dốc, bỗng nghe bên ngoài xôn xao. Nhìn kẻ hở trên tấm vải bạt xe, chúng tôi thấy có chiếc xe Molotova bị lật bên đường khi đang đổ dốc. Có lẽ "chú bộ đội lái xe" buồn ngủ quá, lạc tay lái. Sau đó, khi vào tới trại mới biết thêm có hai người trong chúng tôi chết vì vụ lật xe đó. Có lẽ hai người ấy là những người bỏ mạng đầu tiên trong quá trình "được chính quyền cách mạng" cho đi "học tập cải tạo" chớ không phải cho đi tù, đi đày như sau nầy ai nấy mới sáng mắt ra! Đội tôi được đưa vào khu gia binh có mấy dãy trại dài. Nhà nầy cách nhà kia bằng tấm vách "tôn". Gần đó có một cái garage của đơn vị. Có lẽ khu nầy thuộc quân cụ. Tới chiều, mỗi đội được gọi đưa người đi lãnh gạo, lãnh chảo nấu cơm, lãnh nồi 50 nấu canh, kho cá, v.v… Những ngày đầu gạo th uộc loại tốt, có lẽ lấy từ các kho gạo ở Chợ Lớn. Một tuần sau thì toàn gạo mốc, loại gạo Việt Cộng cất dấu trong các kho đường Trường Sơn đã lâu ngày, mốc và rất nhiều sâu. Ngày ngày, anh em chúng tôi chia nhau lượm sâu, lượm mốc cũng đã hết giờ. Gạo lãnh ra mười phần, ăn được chỉ ba bốn, còn thì hư hết. Số lượng gạo lãnh ra thì đủ, nhưng lựa sâu rồi đem nấu thì ít đi, nên bắt đầu đói. Hơn thế nữa, tiêu chuẩn gạo thông thường 21 Kg mỗi tháng chi còn lại 15Kg, lại loại bớt sâu, nên cơm ăn lại càng thiếu. Đồ ăn thì ngày ngày là rau muống do bộ đội mua ở Tây Ninh đem vào phát, chấm với… nước muối. Có khi không có rau, được phát cá khô và ba bốn tuần mới được phát cá tươi. Thiếu rau, ai nấy đều thèm. Vì đây nguyên là khu trại gia binh nên tôi có lần đi dọc hàng rào, tìm rau hoang như rau má, rau trai, rau lang, hái về luộc ăn chung với vài anh em. Đội tôi có một ông nguyên là đại úy tuyên úy Phật giáo, sau đồng hóa thành sĩ quan quân đội, ra khỏi ngành tuyên úy, làm phòng ba cho một tiểu khu nào đó, tôi không nhớ. Được mấy hôm, ông ta tổ chức ăn chay, nhiều người tham gia. Đội trưởng, tên Tuyên, đại úy, yêu cầu được cung cấp chao để anh em ăn chay. Thế là ngày hôm sau có ngay. Bên hè nhà có đám rau lang do gia đình binh sĩ trồng hồi trước, nay lên xanh um. Vậy là mấy thầy chú hái vào, luộc rau, ăn với chao. Tưởng vậy là xong, ai ngờ, ông cựu đại đức tuyên úy, bỗng nhiên bỏ cơm đứng dậy, mặt mày hằm hằm, mắng: "Đ.m. đứa nào pha chao chấm với rau như con c." Ai nấy chưng hững. Gì mà dữ thế! Không ngon thì làm lại. Với lại ăn chay là do cái tâm, đâu cần ngon dở. Một miếng ăn chay mà cũng "nổi gan lên đầu." Bỗng Trần Phú Trắc, ngồi phía cửa, la to vào, vừa nói vừa cười: "Trời ơi! Ăn chay mà trẻ c.!" Câu nói của Trắc làm ai nấy đều cười. Những ngày đầu, đi "tù cải tạo" sướng vậy đó. Muốn gì được nấy. Được mấy bữa, những người ăn chay đều bị gọi lên văn phòng làm việc. Về tới nơi, anh nào anh nấy mặt mày méo xẹo. Hỏi ra thì họ bị "bộ đội" lên lớp: "Tôn giáo là phản động. Ăn chay cũng là phản động luôn." Như vậy, ăn chạy là phản động thì chắc "học tập" lâu mới được về. Vậy là từ đó về sau, không nghe ai nói tới chuyện ăn chay nữa, mãi đến một năm sau, khi tôi bị đưa về trại Suối Máu, mới thấy chuyện ăn chay xảy ra giữa ông thầy Ca và linh mục Hoàng Văn Thiên. Nhưng đó là chuyện sẽ nói sau. Ai cũng bắt đầu thèm thịt, nhưng làm gì có thịt mà ăn. Căn nhà phía sau lại xảy ra buồn cười về việc ăn thịt… chuột. Đầu đuôi như sau: Ở khu nhà phía sau nhà tôi có hai nhân vật quái kiệt. Một là ông Lê Quang Uyển, thống đốc Ngân Hàng Quốc Gia Việt Nam. Ông nầy còn trẻ, học bên Mỹ về. Người ta đồn ngày 29 tháng Tư, theo thông báo của Mỹ, ông đem vợ con lên nóc lầu Ngân Hàng Quốc Gia ở gần bến Chương Dương chờ trực thăng Mỹ đến đón. Chờ mãi đến tối, không thấy máy bay trực thăng nào đáp xuống cả, ông ta bèn đem vợ con về, rồi đóng tiền đi ở tù. Nghe nói nếu như kể về bên phía hành chánh, thì ông ta là ông lớn: Thống Đốc Ngân Hàng. Nhưng nếu như kể về phía quân đội thì ông ta mới trung úy, dân biệt phái, nên trình diện đóng tiền đi ở tù với đám sĩ quan cấp úy biệt phái, trễ hơn mấy ông tướng tá và mấy ông lớn bên hành chánh 10 ngày. Người thứ hai là bác sĩ Cảnh, bác sĩ giải phẩu của bệnh viện Bình Dân. Ông ta trình diện theo đám 10 ngày trước, không biết vì sao lại rớt lui đi chung với đám cấp úy chúng tôi. Thèm ăn thịt, hai ông bèn làm một cái lồng bẫy chuột. Lồng đặt ngay nơi ống cống thông từ trong trại ra phía ngoài là đồng vắng, là cái trảng, chỉ có cây lúp xúp. Ông Uyển thì bẫy chuột, đưa cho ông bác sĩ giải phẩu làm thịt ăn chơi. Có người chê: "Mấy ông ăn chuột cống, ghê quá!" Ông Uyển cải: "Chuột ngoài đồng chui vô sao gọi chuột cống?" Người ta nói: "Chuột ở trong cống chui ra là chuột cống, sao gọi là chuột đồng?" Có lẽ mấy ông nầy không biết thế nào là chuột đồng. Chuột đồng đâu có to như chuột cống. Chuột đồng nhỏ hơn, lông hơi vàng. Khi có mùa sạ thì chuột béo lắm vì ăn toàn mầm lúa mà thôi. Thịt chuột có phong, dù là chuột cống hay chuột đồng đều không nên ăn. Còn như người ta đồn bánh bao Chợ Lớn làm bằng thịt chuột thì ai mà biết để tránh! Mới vào trại thì cuộc đời cải tạo cũng có nhiều cái… vui. Nhà nầy nhà kia thông nhau, thiếu vách che. Gần nửa đêm có anh giả làm tiếng trẻ con khóc. Bỗng có người la t "Má nó đâu! Cho em bú sữa đi!" Vậy là lại có người góp vui, làm tiếng mèo kêu, chó sủa, ngựa hí, v.v… loạn xạ ngầu cả lên, chẳng ai cản, bộ đội ở xa, không lui tới ban đêm. Họ ngại chăng? Khi ra đi, ai cũng đem theo ít quần áo, cứ nghĩ rằng 10 ngày, "học" xong thì về. Khi làm vệ sinh, dọn dẹp doanh trại như bộ đội yêu cầu, quần áo lính tráng chế độ cũ vất lại bừa bãi, bèn đào lỗ đem chôn. Một năm sau, áo quần lần lượt rách, lại đi đào lên, giặt sạch, đem mặc. Thậm chí, những cái bao đạn M-16, M-79, ba bốn cái gom lại, chắp nối cũng thành một cái quần xà-lỏn, mặc bền lắm. Có người không tìm được quần áo cũ, không kiếm được bao đạn thì lấy bao cát mà may quần. Vải bao cát thì dày nhưng thưa, khi tắm, "cu cậu" bày ra rõ lắm! Cũng may, ở đây toàn là đực rựa, ai hơi đâu mà lưu tâm chuyện ấy. Ba ngày đầu, cũng có một cô nữ quân nhân ở chung. Mấy người đàn ông dành cho cô nữ quân nhân một chỗ trong góc. Tội nghiệp cho một người đàn bà giữa đám toàn đàn ông. Được ba ngày, cô nữ quân nhân được chuyển đi, có lẽ là về trại nữ. Chưa học bài chính trị nào, chưa "thông suốt đường lối cách mạng", "chưa tiến bộ", làm sao được "mãn khóa học" sớm vậy!? Không hiểu do đâu, tôi thấy có mấy người chuẩn bị dựng cổng chào cho doanh trại. Họ lấy mấy tấm vỉ sắt của quân đội Mỹ, thứ để dùng làm phi đạo, ghép lại với nhau để dựng cổng chào. Người chỉ huy toán lo công việc nầy là họa sĩ Trịnh Cung, cùng trại với tôi. Tôi biết ông Trịnh Cung nầy hồi ông ta còn đi học ở Huế lận. Trước biến cố Mậu Thân, tôi còn đi dạy, thường gặp ông cuốc bộ từ khu nhà cho thuê của ông Ngô Đình Thục gần cầu Phú Cam, đi về hướng Morin, ngã sau bệnh viện Trung Ương Huế. Đây là đường Trưng Trắc, đường đi ngang nhà xác. Khi về làm giám mục địa phận Huế, ông Ngô Đình Thục, cắt một phần đất của trại Lê Lai (Quân Cụ); trước 1945, đây là khu vực trường Bá Công (Kỹ Thuật) Huế, sau làm doanh trại quân đội, để xây nhà cho thuê. Đất là đất công, cắt đất dựng nhà lầu cho thuê, lấy của công làm của riêng, việc nầy chẳng mấy ai hoan hô; nhưng chẳng ai dám nói gì đụng tới gia đình "Cậu". Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cũng thuê nhà ở khu nầy. Hai khu nhà lầu cho thuê nầy khá lớn, người thuê đông lắm. Trịnh Cung thường tới ở lại nhà Trịnh Công Sơn ban đêm. Tôi thuê nhà ở phía bên kia cầu Phú Cam, cũng ngày hai buổi đi dạy trên con đường nầy. Trịnh Cung (tên thật là Nguyễn Văn Tiến, nhà ở cầu Đá, Nha Trang, ra Huế học trường Mỹ Thuật) đi lính trước tôi hai khóa (Khóa 3-68), ra trường, ông ta về ngồi ở Cục Xã Hội, thuộc Tổng Cục Chiến Tranh Chính Trị. Cục trưởng cục Xã Hội là đại tá Nguyễn Lễ Trí (anh đại úy Nguyễn Lễ Phép, cùng "khóa tù" với tôi ở trại Xuân Lộc). Khi lãnh nhiệm vụ đoàn thể hóa con em gia đình binh sĩ tham gia Hướng Đạo Sinh Quân Đội, theo kế hoạch của tổng Cục Chiến Tranh Chính Trị, tôi thường đến cục Xã Hội để liên lạc công việc. Do đó, tôi mới gặp ông chuẩn uý Nguyễn Văn Tiến ở đây, cùng với trung sĩ An Phong Nguyễn Văn Diễn, ông nầy cũng là dân cựu hướng đạo sinh ở Quảng Trị trước 1945, con ông Thông Bỉnh, thời Ngô Đình Diệm, cụ Bỉnh là dân biểu quốc hội, thuộc đơn vị đâu trên "đường lên núi rừng sao hãi hùng" Kontum hay Pleiku gì đó, tôi không rõ. Mới ra trường về ngồi ngay cục Xã Hội, khỏi đi tác chiến thì không phải ai cũng được như thế đâu! Cũng COCC cả đấy! Hai ông nầy, Trịnh Cung và Nguyễn Văn Diễn đang chuẩn bị tổ chức các khóa đào tạo huynh trưởng Hướng Đạo Sinh do Cục Xã Hội đảm trách. Nhiệm vụ tôi thì chọn mấy người trẻ trong binh chủng, ở tất cả các đơn vị đóng khắp 4 vùng chiến thuật, cho về tham dự các khóa học nầy. Bây giờ, lại thấy ông Trịnh Cung ở đây, lo dựng cổng chào "cách mạng". Có một câu chuyện khá buồn cười. Nói đi học tập 10 ngày, nên chẳng ai chuẩn bị gì cho cuộc sống lâu dài cả. Vì vậy, khi gần một tháng mà chưa thấy dấu hiệu gì được về, anh em chúng tôi bỗng thấy thiếu… dụng cụ. Bấy giờ trong khu garage, còn nhiều loại đai kim loại đóng thùng quân dụng còn sót lại. Loại đai nầy bằng thép, khá cứng, nên anh em chúng tôi lấy ra, cắt từng đoạn rồi mài, dũa, làm mỗi người một cái dao xài chơi. Một người, rồi hai người, rồi rất nhiều người đua nhau làm dao vì loại đai thùng nầy còn lại trong garage nhiều lắm. Bỗng một hôm có lệnh tịch thu dao. Ai có dao, dù mới làm hay đem từ nhà theo, dao lớn, dao nhỏ đều phải đem nộp hết. Nhiều người ngạc nhiên, làm cái dao để cắt rau trái, có gì mà phải tịch thu. Vả lại, cũng có người tiếc công mình. Họ làm những cái dao đẹp lắm, cán gỗ khắc chạm khá tinh vi, dự trù "mãn khóa học" đem về nhà làm "kỷ nghệ". Trần Phú Trắc, nói với tôi: "Anh nghĩ coi. Giả tỉ như mình là bộ đội, mình nghĩ như thế nào khi bỗng nghe báo cáo rất nhiều anh em chúng mình đua nhau làm dao? Bộ đội cũng sợ mình nổi loạn chớ. Phải nhớ rằng họ coi mình là địch hay là bạn?" Câu nói của Trắc làm tôi nhớ câu chuyện anh y tá Được. Y tá Được là y tá bộ đội, có lẽ cấp bực trung sĩ. Tôi nói có lẽ vì hồi ấy bộ đội chưa mang "loon" như sau nầy. Dĩ nhiên, y tá Được được anh em "chiếu cố" đến thăm hoài vì ai lại chẳng nhức đầu, đau bụng. Y tá Được lại dễ dãi, ai khai gì cho thuốc nấy, không khó khăn gì cả. Tôi cũng là bệnh nhân của anh ta. Buổi chiều, trước khi trời tối hẳn, anh ta thường ra ngoài đường lớn. Chúng tôi cũng thường lang thang đi lui đi tới ngoài đường ấy chuyện trò với nhau chơi. Anh ta gặp chúng tôi, cũng nhiều khi ghé lại nói chuyện. Một hôm, tôi nghe anh ta kể cho mấy người chung quanh: "Thằng bạn tôi đánh trận… (tôi không nhớ tên trận anh ta kể). Nó bị thương ở ngực. Trời tối quá, tôi sờ thấy máu ở bụng, tưởng là nó bị thương ở bụng liền băng ngay chỗ đó. Sáng ra mới thấy bị thương một nơi mà băng một chỗ. Thế mà máu ở ngực của nó cũng không thấy chảy ra. Nó không việc gì cả. Buồn cười thật!" Thấy anh ta kể chuyện bên phía anh mà coi như cùng phe ta cả, ai nấy đều thấy buồn cười vì sự chân thật của anh. Một hôm, anh ta nói với tôi: - "Em sắp đi Saigon!" Tôi hỏi: - "Anh cho tôi nhắn về nhà được không?" - "Được chứ!" Anh ta nói, thành thật. Bấy giờ, xa nhà gần cả tháng rồi mà bộ đội chưa cho viết thư thăm gia đình hay gởi quà. Tôi cũng hơi ngại nên nói là nhắn tin về gia đình chớ không nói gởi thư. Được anh ta nhận lời, tôi viết mấy chữ, báo tin cho mẹ, vợ và các anh chị tôi biết để ở nhà đừng lo lắng gì, vậy thôi. Tôi lo xa, không đề tên người gởi, chỉ đề tên người nhận. Tôi nói: - "Tôi ghi địa chỉ chị tôi cho dễ tìm. 44 Trần Hưng Đạo cách chợ Bến Thành khoảng hơn ba trăm mét thôi. Dễ tìm lắm. Anh nhớ đưa thư cho chị tôi, chị ấy sẽ nhắn mẹ và vợ tôi tới ngay. Anh ta đến thật. Cả nhà được tin, mừng lắm. Mẹ tôi rồi vợ tôi đến, sau khi chị tôi cho các cháu lái xe đi đón. Gia đình gởi cho tôi một số quà lớn, đồ hộp, đồ khô, thuốc cảm cúm, v.v… Chị tôi nói với y tá Được: - "Chĩ cám ơn em. Bao giờ về Bắc thăm gia đình, ghé lại chị cho em chiếc xe đạp mới đem về làm quà." Mấy anh chị em chúng tôi, trước 1975, có hùn nhau thành lập một hãng sản xuất xe đạp ở Bình Thới. Sau 1975, trước khi bị đánh tư sản, hãng xe đạp vẫn hoạt động. Do đó, chị tôi mới hứa cho y tá Được chiếc xe. Hồi ấy, bộ đội về Bắc, mang theo chiếc xe đạp, nhất là chiếc xe đạp mới là coi như "le lói" lắm. Khi về lại trại, y tá Được nhắn tôi tới nhận quà, một cách rất tự nhiên, coi như không có chuyện gì cả, không sợ cấp chỉ huy gì cả. Y tá Được còn nói với tôi: - "Chị ấy bảo tôi chăm sóc sức khỏe cho anh. Chị ấy sợ anh bệnh." Tôi cười, cám ơn. Hôm sau, tôi lên chỗ y tá Được. Bấy giờ có hai ông, có lẽ là sĩ quan, mới tới, tỏ ý khó chịu vì sự thân mật giữa y tá Được và anh em chúng tôi, nhất là khi Được mở hộp lương khô, thứ của Trung Cộng, mời chúng tôi ăn. Hôm sau, y tá Được bị bắt giam. Khoảng hai tuần sau, có thông báo nói ai có gởi tiền cho y tá Được mua thuốc thì lên nhận thuốc. Tới nơi, tôi thấy y tá Được tóc tai bơ phờ, áo quần xốc xếch, hình như bị giam mới được tha ra. Khi đưa thuốc cho tôi, y tá Được nói nhỏ: "Trên kỷ luật em vì tội quan hệ với địch." Nghe câu đó, tôi không vui. Cộng Sản nói nhiều điều hay, rất ơn nghĩa, nhưng trong thâm tâm, họ vẫn nhìn anh em chúng tôi là địch. Tôi nói lại chuyện ấy với Trắc. Trắc nói: "Tui cãi lộn với hai thằng chú tôi một trận dữ lắm. Chú cháu chưa nhìn nhau, còn coi nhau là địch, huống gì đám bộ đội nầy." Việc tôi thường quan hệ với Trắc đầu đuôi như sau: Trắc cùng Phạm Quang Chiểu "trình diện" ở Taberd như tôi vậy, và cùng bị đưa lên Trảng Lớn, cùng chung một đội. Ban đầu, chúng tôi hoàn toàn không biết nhau. Một hôm, ngồi chơi, tình cờ biết Trắc gốc ở Dù, tôi hỏi Trắc có biết Hùng móm không. Hùng móm là em út tôi, tiểu đoàn 11 Dù, hy sinh khi tái chiếm cổ thành Quảng Trị năm 1972. Biết tôi là anh của Hùng móm, Trắc mừng lắm, nói: - "Tui với nó thân nhau lắm anh. Hồi tết Mậu Thân, tui tiểu đoàn 5, nó tiểu đoàn 11, cùng về giữ bộ Tổng Tham Mưu. Trận đó, tui bị thương, đạn phá mất một lóng tay - Anh ta đưa ngón tay trỏ lên cho tôi coi -. Ngón nầy còn hai lóng, anh thấy không? Hùng móm lái xe đưa tôi vào Đỗ Vinh cứu cấp. Ở đó, người ta lấy lóng phía ngoài, còn móng tay, nối với lóng phía trong, tôi chỉ bị mất lóng giữa. Nhờ đó, không để ý, không ai biết tôi mất lóng tay. Cũng nhờ thằng Hùng." Từ câu chuyện đó, sau nầy có chuyện gì vui, Trắc đưa cao ngón tay bị thương tật, cười nói: "Anh Hải! Hùng nầy. Hùng móm nầy!" Trắc là con trai độc nhứt của bà Bảy Phận - Nguyễn thị Phận - Chị ruột ông Thiệu, thứ Tám. Khi còn nhỏ, ông Kiểu, thứ sáu, anh của mẹ Trắc, muốn giúp em gái qua khó khăn, bèn nhận Trắc làm con nuôi, cho ăn học. Vì vậy, theo cách gọi của các con ông Kiểu, Trắc thường gọi ông Thiệu bằng chú, thay vì bằng cậu. Bố Trắc là ông Trần Phú Đường, theo Việt Minh một thời gian, sau bỏ về với Quốc Gia, không tham gia chính quyền. Khi ông Thiệu làm chủ tịch Ủy Ban Lãnh Đạo Quốc Gia, một hôm ông Thiệu về Tri Thủy thăm làng, trời đổ cơn mưa dông bất thần, ông Thiệu và ông anh rể tình cờ gặp nhau, hai người vào núp mưa trong ngôi trường tiểu học của làng. Chỉ chừng đó mà ông Đường bị Việt Cộng bắt thủ tiêu, không cho đó là cuộc gặp gỡ tình cờ. Hai người em là Trần Phú Minh 10, và Trần Phú Minh 11, tập kết ra Bắc năm 1954. Sau tháng Tư 1975, hai người nầy về tỉnh Thuận Hải, một người làm giám đốc Công An, một người làm giám đốc Thương Nghiệp. Trắc nói với tôi: "Quyền lực và tiền bạc đều nằm trong tay hai ông nầy. Đời còn chi hơn!" Sau khi từ miền Bắc về, hai ông nầy có đến thăm bà Bảy Phận, chị dâu của họ. Sau đó thì dứt hẵn, không lui tới gì cả. Liên hệ với "Ngụy gộc", họ sợ. Với Trắc thì cuộc gặp gỡ chú cháu thành một trận chiến nảy lửa. Trắc kể: "Hai chú tui thì cứ nói là Mỹ sợ, Mỹ chạy dài, không bao giờ dám ngó lui." Trắc thì cương quyết: "Mỹ sẽ trở lại, chắc chắn như vậy. Để rồi xem." Vậy là chú cháu cải nhau dữ dội, không ai chịu thua ai, bèn từ nhau. Chú không bảo lãnh cho cháu "cải tạo" về sớm. Cháu thì cứ coi như mình không có ông chú nào Việt Cộng trên đời nầy. Nghe chuyện, tôi cười, nói với Trắc: "Ông sai! Mà hai ông chú của ông cũng trật lất. Mỹ sẽ trở lại đấy, không phải với M-16 như ông nghĩ mà với samsonite đựng bản đồ xây dựng các nhà máy và với đô-la! Tới lúc đó thỉ Việt Cộng trải thảm đỏ đón chú Sam. Nên nhớ là chú Sam bao giờ cũng giàu có, áo đuôi tôm, mũ sọc dưa, tiền vàng trong túi rủng rỉnh." Trắc cười, có lẽ cười đồng ý với tôi. Khoảng một tuần lễ, bộ đội họp chúng tôi lại trong một gian nhà trống làm hội trường, yêu cầu và hướng dẫn chúng tôi làm bản tự khai: Tự khai báo quá trình học hành và làm việc, tham gia chế độ cũ. Về dòng họ, thì phải khai tới ba đời, bên nội cũng như bên ngoại, tức là khai từ ông bà nội, ông bà ngoại cho tới đời mình, anh em ruột, anh em bà con xa gần và tới đời các con, cháu của mình. Hồi chế độ cũ, trong hồ sơ, chỉ bắt khai tới cha mẹ mà thôi, bây giờ khai tới ông bà, nhiều người không nhớ tên bà nội, bà ngoại. Vậy là ba đời khai báo. Có người nói đùa (Nói nhỏ mà thôi) khai ba đời để "tru di tam tộc". Người khác nói: "Bọn mình làm gì có ba đời đi ở, bốn đời làm thuê để được khoan hồng". Khai xong, ai ai cũng hy vọng sẽ được "học" sớm, để được "mãn khóa học" mà về nhà. Việt Cộng bao giờ cũng chơi trò ma giáo, phỉnh gạt và người miền Nam thì bao giờ cũng đút đầu vào tròng cho tụi nó phỉnh gạt. Được ít bữa, lại có bình bầu, chọn người lao động xuất sắc. Thế là thiên hạ đua nhau tranh thủ sao cho mình được chọn làm lao động xuất sắc. Thực ra thì đã lao động quái quỉ gì đâu. Ban ngày thì chia nhau lượm gạo mốc, tổ nào tới phiên thì lo vo gạo, nấu cơm. Còn thức ăn thì ngày nào cũng như ngày nà rau muống chấm nước muối. Vậy mà cũng có anh em lo vận động để được bầu. Đại úy Định, không Quân, nhà ở Trương Minh Giảng đến nói chuyện với tôi, hẹn ngày về đến nhà anh uống rượu chơi. Hơn bảy năm sau, tôi mới được tha khỏi trại tù, ly rượu hứa hẹn ngày ấy có lẽ đã bốc hơi hết rồi. Vã tôi cũng không phải là đệ tử ruột của Lưu Linh để cất công đi tìm một chén rượu. Mà chắc gì người ta còn nhớ một lời hứa hẹn bảy năm trước, trước khi có cuộc bình bầu. Khi còn ở nhà, tôi chẳng bao giờ vô bếp. Còn nhỏ, vào bếp là bị mấy chị đuổi ra. Mẹ thì mắng: "Con trai vô bếp là xấu, chỉ lo ăn." Tuy vậy, đi cắm trại, tôi thường nấu cơm cho anh em, cũng không đến nỗi ai nấy phải ăn cơm "tứ tuyệt". (Tứ tuyệt là một nồi có tới bốn thư cơm: Cháy, khê, nhão, sống). Đi cắm trại thường chỉ nấu nồi nhỏ, nồi 10, hay nấu trong soong, khoảng vài chục người ăn. Vào trại cải tạo, lần nầy, nấu cơn trong chảo, khoảng 100 người ăn. Hôm tôi tới phiên nấu cơm, trời mưa, củi ướt không cháy đượm, nên cơm đã cạn mà hột gạo còn y. Kỳ nầy, chắc bị anh em chưởi chết. Hoảng quá, chạy đi cầu cứu. Có anh bạn đội bên cạnh ra tay "cứu độ". Anh ấy bảo tôi lấy thêm bao bố tời nhúng ướt đậy chảo cho thật kín. Thế rồi lấy củi chẻ nhỏ, nhóm cháy ở bốn góc chảo, không cho lửa cháy lớn, chỉ vừa vừa thôi. Được một chốc, thấy chảo cơm bốc hơi. Vậy là yên tâm! Những ngày đầu mới vào trại, cũng có anh em tập chung cho cả đám hát những bài hát gọi là "cách mạng" như "Bảo Nổi Lên Rồi", "Tiến Về Saigon." Nhiều người thật nhạy bén. Đi trình diện ở tù, họ đem theo các bài hát nầy. Vào trại, họ tự tập hát lấy, rồi tập chung cho anh em, toàn đội. Trước khi họp hằng đêm, mọi người cùng hát, họp xong, lại cả đội cùng hát, truớc khi đi ngủ. Tôi vốn là người ưa hát, thấy mọi người hát, tôi cũng hát theo, nhưng tới giờ ngủ, đèn tắt, tôi hát thầm cho tôi. Ban đầu thì tôi hát cho tôi, vài người nằm cạnh biểu hát to lên cho họ nghe. Dĩ nhiên tôi hát "nhạc vàng". Bài hát thấm thía nhứt là "Một mai giã từ vũ khí". Anh Trần Hữu Lễ, nằm bên cạnh, biểu tôi hát cho anh ấy nghe nhiều lần. Có lẽ những câu hát như "Anh còn lại gì không, ngoài con tim héo em ơi!" làm cho anh ấy xúc động khi nghĩ tới thân phận anh, cũng như thân phận mọi anh em chúng tôi. Đại úy Biệt Động Quân Ngô Duyên, cũng nằm bên cạnh tôi, thường hay hát "Thành phố buồn". Anh ấy, gặp vợ anh lần đầu tiên ở Đà-Lạt. Vài anh em khác cũng tìm cách giết thì giờ: Làm một bộ cờ tướng đánh chơi hay một bộ mạt chược. 2. "Nguồn Tin Vui…" Khai lý lịch xong thì "biên chế", có nghĩa là phân loại và chuyển trại. Té ra Việt Cộng cần chúng tôi "thành thật khai báo" trước đã. Khai báo hết rồi để biết ai là ai, khi đó mới phân loại đưa đi các trại giam. Toàn bộ "đơn vị" tôi đều lên xe Molotova đi hết. Dĩ nhiên chẳng biết họ bị đưa đi đâu để "học tập". Còn lại một số khoảng 20 người, ôm khăn gói đi bộ qua phía bên kia trại, khu sát phi trường Trảng Lớn. Ở đó, sau biết là L3/T3. Hòm thư 7590. Chúng tôi lại đùa một cách chua xót về số "hòm thư": Học bảy (7) năm (5) chín (9) không (0)? Không, bảy năm cũng chưa chín như Trần Tế Xương nói vậy: "Học đã sôi cơm nhưng chửa chín." Coi bộ phen nầy "Mút mùa Lệ Thủy." 11 trong số 20 người đó, được "biên chế" ở chung với nhau trong một tổ: Đó là: L3-T3 là một "đơn vị học tập" thuộc cấp "tiểu đoàn". Tiểu đoàn trưởng là Năm Định, đại úy, người miền Nam. Năm Định thì cứ khăng khăng rằng: "Mấy anh học tập xong thì về." Chính trị viên tiểu đoàn tên là Thảo, người Bắc, trung úy, khôn ngoan, kín đáo. Người điều hành công việc thường nhật, coi như phụ tá của Thảo là Hồng Dư, trung úy, trẻ hơn Thảo, năng nỏ hơn, nhiệt tình hơn, chủ tọa cuộc họp hằng ngày của các khối trrưởng, là người cấm chúng tôi không được gọi nhau bằng tù, chỉ là "cải tạo" mà thôi. Toàn trại chia làm 6 khối. Từ khối 1 đến khối 5 là năm khối ở trong năm ngôi nhà dài trại gia binh cũ. Mỗi nhà gồm 10 căn dành cho 10 tổ. Hai tổ thành một đội. Năm đội thành một khối. Khối thứ sáu, không ở trong gian nhà trại gia binh mà một ngôi nhà gỗ, kiểu tiền chế của nhà binh, nằm riêng ở cuối trại. Tôi chưa từng vào ngôi nhà nầy nên không biết cách sắp đặt ra làm sao. Ca sĩ Khuất Duy Trác là khối trưởng của khối 6 nầy. Phi trường Trảng Lớn ở phía bên kia hàng rào của L3-T3. Sát hàng rào bên đó có hai chiếc AD-6 bị hư. Khi mới về trại nầy, chúng tôi được lệnh qua phi trường gở các tấn ri sắt (PSP), thứ để làm phi đạo, đem về kê cao lên, làm sập để ngủ. PSP có hai loại, loại có lỗ to, bằng miệng chén, dày 1 lớp, không làm chỗ nằm được. Loại chúng tôi gở về là loại không có lỗ, bằng nhôm, làm sập nằm khá êm. Về trại nầy được mấy tuần thì chúng tôi được trại tổ chức học tập chính trị. Nghe được học tập chính trị, ai ai cũng vui, hy vọng học tập chính trị xong thì sẽ được về, trở lại cuộc sống bình thường. Bấy giờ, không rõ do đâu, một số anh em được gọi đi dựng hội trường để làm nơi học tập chính trị. Hội trường là khoảng trống giữa hai dãy nhà trại gia binh. Họ dựng vài, đóng đòn tay, lợp mái, và làm sân khấu để giảng viên đứng trên đó, còn "trại sinh" thì ngồi đối diện, dưới đất. Bốn phía hội trường có bắt loa, trên sân khấu, mỗi khi học tập có đặt micro cho giáo viên dùng. Để ý, tôi thấy các loa nầy nhãn hiệu đều viết bằng chữ Tàu, có lẽ do Trung Cộng sản xuất và viện trợ. Những người giảng bài học chính trị, gọi là giáo viên, phần đông còn trẻ, 20 tuổi hay hơn chút ít, nghe nói mới học xong ở truờng Nguyễn Ái Quốc ra. Bọn họ có khoảng 3 hoặc 4 người, phụ trách một T. (Đơn vị), phần đông là người Bắc, vui vẻ. Riêng có một anh chàng, không lên lớp bao giờ, thường đi thu gom bài học và bản khai lý lịch. Anh chàng nầy khó đăm đăm, khó ưa. Bài học đầu tiên nhan đề là: "Đế quốc Mỹ xâm lược nước ta là kẻ thù của nhân dân ta." Kế đó là những bài như "Đế quốc Mỹ là kẻ thù của nhân dân toàn thế giới", "Đế quốc Mỹ là con đĩa hai vòi", "Đế quốc Mỹ giàu mà không mạnh", "Không nên sợ Mỹ và phục Mỹ", "Ngụy quân ngụy quyền là tay sai của Mỹ, có tội với nhân dân". Quan trọng nhất là ai ai cũng phải "tự mình xác nhận có tội với nhân dân…" Cọng chung là học 10 bài. Đề tài, nghe nói, đã được phổ biến trước kia trong vùng Việt Cộng, v.v… Học xong để mà về nên chẳng ai quan tâm, miễn sao khi bộ đội, cán bộ hỏi tới thì "hỏi đâu thuộc đó" thì thôi. Không ngờ học xong 10 bài rồi mà vẫn chưa về. Vậy là bắt đầu có việc trốn trại. Một tuần vài lần, khoảng sau nửa đêm lại nghe súng nổ từng tràng ngoài hàng rào. Sáng hôm sau thì nghe tin có người trốn trại, bị bắn chết, bị thương, v.v… Cũng có khi trốn trại mà không nghe súng nổ. Ấy là trốn mà Việt Cộng không phát hiện được, thoát rồi. Trại L3-T3, suốt thời gian đó không ai trốn trại nhưng những T chung quanh thì nhiều. Khi thì nghe người trốn ở T1, T2 hay T4, T5 gì đó. Phan Hải, là con cán bộ cao cấp ở Hà Nội, anh thường lên nhà bộ đội ở, chơi với họ, chuyện trò hằng ngày. Vã họ cũng nể anh ta có cha chú làm lớn nên dễ dải, vui vẻ với anh. Có anh bộ đội hỏi Phan Hải: "Bố mẹ anh làm lớn như thế, anh đi cải tạo có buồn không?" Phan Hải vô ra nhà bộ đội hằng ngày nên biết nhiều chuyện, về kể lại cho chúng tôi nghe, còn như không thì cũng mù tịt, chẳng biết chuyện gì. Được mấy tháng, vì ăn uống thiếu thốn, rất nhiều người bị bệnh phù thủng, chân sưng phù lên, đi đứng khó khăn. Người ta bảo là thiếu Vitamin B-1. Chẳng cần thuốc men gì, bấy giờ, thay vì phát gạo trắng, bộ đội phát gạo đỏ, ăn vào thì bệnh bớt nhiều. Hồi nầy, "gạo Trường Sơn" là thứ gạo mốc ở các kho của Việt Cộng trên đường Trường Sơn đã hết, nên chúng tôi được phát loại gạo bình thường, thường thấy bán ở Chợ Lớn trước đây. Tuy nhiên, chỉ tiêu 15Kg một tháng nên ai cũng đói. Đói thì tìm cách "cải thiện". Trước là, như tục ngữ dạy: "Đói ăn rau, đau uống thuốc" nên tất cả đều "phát triển trồng rau". Khoảng trống giữa các dãy nhà trại gia binh và hàng rào phi trường, ngoại trừ một khu nhỏ là kho đạn cũ, được chúng tôi sắp xếp lại, rào kỹ không cho ai ra vào, phần còn lại được dùng trồng rau. Mạnh ai cứ cuốc đào, lượm sỏi, bỏ phân, trồng rau muống và tưới. Hàng ngày, bộ đội phát rau muống cho chúng tôi. Phần non để ăn, phần già, ngắt một khoảng có hai hoặc ba mắt, đem ra trồng. Nước tưới là đường cống bên hông nhà trại gia binh. Các hố cầu tự tiêu phía sau nhà gia binh, khi đầy lên thì trào ra ở hố nầy. Múc nước đó tưới rau tốt lắm. Rau lên mau xanh, cỡ một tuần hoặc 10 ngày là có rau non ăn được rồi. Chưa thỏa mãn với thứ nước cống đó để tưới rau, Hoàng Hữu Chung, là người đầu tiên, cạy nắp hầm cầu lên rồi múc phân từ trong hầm cầu đem ra tưới rau. Ban đầu thì ai cũng la oai oải ghê quá, gớm quá, hôi quá. Nhưng được ít bữa, thấy rau của Hoàng Hữu Chung lên tốt quá, người ta lại bắt chước, làm theo. Buổi trưa, chờ khi anh em ngủ, Hoàng Hữu Chung, hai tay xách hai thùng đạn loại đại liên 50, mở nắp hầm cầu, lấy một cái gáo dài, thọc xuống lổ cầu, múc lên đổ vào thùng, xách ra ruộng rau. Trần Phú Trắc, vốn tính hay đùa, chỉ Hoàng Hữu Chung, nói với mấy anh em ngồi chơi quanh đó: - "Đó, mấy ông thấy không? Thi sĩ Trần Dạ Từ đó. Thi sĩ đang mở nắp hầm cầu múc phân đi tưới rau đó. Cách mạng là đổi đời, thấy chưa?" Nhiều người tưởng thật, gọi Chung là thi sĩ Trần Dạ Từ. Biết chuyện, Chung cự nự Trắc: "Ông cứ hay xạo không? Tui là thi sĩ Trần Dạ Từ khi mô?" Trắc và chúng tôi cười ha hả. Từ đó, trong trại nhiều người xì xào về việc thi sĩ Trần Dạ Từ mở nắp hầm cầu, múc phân bón rau. Từ cách làm của Hoàng Hữu Chung, nhiều người làm theo nên có nhiều đám rau, nhiều dàn bầu, dàn bí tốt lắm, rất sây quả. Thỉnh thoảng trại có phát cà chua, anh em chúng tôi đem ăn sống. Do việc làm của Chung, bỗng nhiên giữa luống rau có nhiều cây cà chua mọc lên, anh em chúng tôi lại bứng cà chua ra trồng, lại tưới theo cách của Chung, cà chua trái nào trái đó thật bự. Một hôm, lại cắt cà chua ăn sống, vài anh em chê dơ, không chịu ăn. Trắc lại đùa: "Mình ăn của mình, có gì mà dơ!" Có người lại đùa: "Ối! Cà chua thơm như "câu thơ thi xã." (1) Một hôm nào đó, tổ của tôi được lệnh đi khiêng củi. Xe molotova chở củi vào, chúng tôi đem củi xuống sân và chia lại cho 6 khối. Khi ấy trời còn sáng, anh em chúng tôi thấy trên sàn xe, chỗ kẹt mấy tấm ván có những hột đậu xanh nguyên. Phan Hải nói: "Luợm hột đậu xanh, đem về làm giống." Vậy là hè nhau lượm cho hết, được khoảng một muổng canh. Hơn một tháng sau là chúng tôi có vườn đậu xanh, trái to. Đậu xanh đem về, nấu chè, sau khi chừa một ít làm giống trồng đợt sau và đem cho vài tổ khác, họ xin. Bấy giờ ai nấy thèm thịt. Hôm "ba ngày nễ nớn" (18 tháng 9, ngày 2 tháng 9 và gì nữa, quên mất rồi…) trại có làm thịt heo chia cho chúng tôi. Tuy chúng tôi ăn chung nguyên tổ, không chia phần từng người nhưng thịt heo thì khác. Kho nấu xong rồi, chia cho anh em mỗi người được một miếng bằng ngón tay út. Miếng nào có xương thì to hơn tí chút. Đang ăn, Phạm Quang Chiểu la lớn, đùa: "Báo cáo đồng chí! Con ruồi tha mất miếng thịt của tôi rồi." Ai cũng cười. Phạm Ngọc Hiền lui cui lấy các giải băng đạn, ngồi rút sợi. Hỏi, anh ta nói: "Làm lưới bắt chim ăn chơi." Các sợi chỉ rút ra, dài chưa tới một sãi tay. Hiền nối lại, đan thành môt tấm lưới lớn khoảng bằng một cái mền. Bên hông dãy nhà T-3, bên kia là T-2, cách nhau bằng một hàng rào kẽm gai mới dựng, là một con đường xe hơi chạy được. Ngày ngày, dọc theo con đường nầy, chim én bay từng đám năm ba con. Hiền bèn đóng cọc, cột lưới, có sợi giây kéo. Anh núp sau góc nhà, chờ chim én bay tới thì anh ta bất thình lình kéo lưới lên, cho chim én vướng vào lưới. Hiền ngồi từ sáng đến trưa; vào ăn cơm trưa xong, lại tiếp tục ngồi canh nữa, giữa trời, khi im khi nắng, mặt mày đỏ lơ đỏ láo, suốt một ngày mà chẳng được con nào cả. Chim én khôn lắm. Thấy anh ta kéo lưới lên, chim vụt lên cao bay mất. Sau vài lần, rút kinh nghiệm, chim én không bay dọc theo con đường đó nữa, trong khi Hiền vẫn kiên nhẫn ngồi chờ. Tới giờ cơm chiều, anh em trong tổ đùa: - "Bữa nay ngày rằm, ông bắt chim không được là phải rồi. Ai cho ông sát sinh?" Có người lại nói: - "Mai mười sáu, ông rán ngồi một ngày nữa đi, thế nào cũng có con chim nhào vô cho ông!" Trắc lại đùa: - "Đừng lo! Thế nào ngày mai cũng có con bay qua, gởi lại cho ông cái lông!" - "Để đốt lò phải không?" Người nói câu đó là vì nhớ câu chuyện đùa tôi mới kể cho anh em nghe, trước khi đi ngủ. (2) Trước khi đi ngủ, trong bóng tối, vì lúc nầy máy đèn đã ngưng chạy, anh em nằm một dãy dài trên sập, thường yêu cầu tôi hát cho anh em nghe chơi. Từ khi bị cấm hát nhạc vàng thì kể chuyện, chuyện tiếu lâm, chuyện "xứ Huế của tui", chuyện "cụ Ngô không cu" hay "Chuyện thủ hiến Phan Văn Giáo bắt con gái Đồng Khánh đem về chơi bời", mà nhiều người biết, chuyện "Cậu Cẩn câu cá …", (3) chuyện "ngủ đò sông Hương", v.v… Huế là xứ vua quan, có biết bao nhiêu chuyện để kể nghe hằng đêm, hết chuyện nầy tới chuyện khác, chuyện nọ xọ chuyện kia, giống như chuyện "Một ngàn lẻ một đêm" bên xứ Ba-Tư vậy. Trại tôi phần đông là quân nhân biệt phái nên có rất nhiều bác sĩ. Theo họ thì việc ăn uống thiếu thốn làm cho chất kháng sinh trong cơ thể yếu đi, vì vậy, sau đợt bị phù thủng, anh em chúng tôi gặp nhiều thứ bệnh khác. Bỗng có anh đau bệnh… lậu. Ai cũng cười. Trời ơi! Ở tù hơn nửa năm nay, có đi chơi bời ở đâu mà mắc bệnh phong tình. Thì ra, anh ta hồi trước, khi chưa đi tù, có chơì bời đấy và mắc bệnh. Việc chữa trị hồi đó không tới nơi tới chốn, vi trùng tiềm ẩn, "nằm vùng", bây giờ sức đề kháng yếu đi thì vi trùng gono nổi lên "Đồng Khởi". Tôi kể lại lời một bác sĩ như vậy, anh em ai cũng cười, nhưng Phan Hải cảnh cáo tôi: "Anh làm như cán bộ cách mạng là vi trùng lậu." Ai nấy lại cười thêm. Tôi bị lưỡi cưa cứa vào mắt cá, chảy máu. Vậy mà nó sưng mũ, đi lại khó khăn, phải lấy bột peniciline trong viên thuốc con nhộng, xức vào. Cả tháng sau mới lành. Hôm Trần Phú Trắc bị bệnh, cả chục bác sĩ tới thăm, và cho lời khuyên, không cho thuốc. Ai có thuốc mà cho. Bác sĩ thì đông, thuốc không có thì bác sĩ cũng bó tay mà thôi. Bệnh thông thường nhứt là bệnh ghẻ lở. Có người ghẻ đầy mình, có người bị ghẻ ăn sâu vào da, gần tới xương. Bỗng một hôm nửa đêm, nghe tiếng nổ lớn lắm. Bộ đội báo động, cầm súng đi rảo ngoài sân, ra lệnh chúng tôi ai nấy ở trong nhà, không được ra cửa. Sáng thì biết có một anh trung úy cải tạo, bị ghẻ lở ăn gần đứt con cu, mà trước khi đi, anh có hẹn với người yêu "học tập" xong, sẽ về làm lễ cưới. Bệnh hoạn như thế, anh buồn tình lén ra kho đạn cũ, lấy một trái lựu đạn, nửa đem ra đầu hè nhà, mở chốt, tự tử. Nghe nói ruột gan banh hết. Bộ đội sai lấy thùng đạn pháo binh, ghép thành ván, đóng cái hòm, gánh ra chôn ở bên cạnh phi đạo phi trường Trảng Lớn. Tôi vốn sợ ma, nhưng hình như ma lại sợ tôi. Ma không dám hiện lên cho tôi thấy bao giờ. Vậy rồi anh Phạm Ngọc Hiền nói rằng bên phía T-2, cách chúng tôi con đường nhỏ và một hàng rào kẽm gai, có con ma mặc áo trắng, đêm nào cũng hiện ra đứng đầu cột ở hiên nhà. Khuya, Hiền thức dậy đi tiểu. Hiền gốc "nhà quê", mắc bệnh "đái đường" nên anh ta không tiểu trong nhà cầu mà ra đứng tiểu ở góc nhà, thấy ma hiện lên bên ấy. Anh em chúng tôi tò mò để ý, cũng có người thấy có con ma mặc toàn áo trắng, đêm nào cũng hiện ra một chỗ ấy. Sau đó, Phan Hải hỏi thăm anh em cải tạo ở ngay gian nhà chỗ con ma hiện ra có thấy ma không? Ma quỉ gì đâu! Bên ấy có anh chàng mắc bệnh lao, đêm đêm ngủ không được, nằm trong phòng sợ phiền anh em nên ra đứng dựa cột hiên nhà. Trời lạnh, anh ta không có mền, chỉ mang theo có cái ra màu trắng. Anh ta quấn ra vào mình cho bớt lạnh, làm cho nhiều người, trong đêm tối mờ mờ, lại có sương khuya, tưởng là có con ma mặc toàn đồ trắng hiện hình. Vài tuần sau, ma không hiện hình nữa. "Con ma" ấy không chịu nỗi vi trùng Kock, ra nằm ở chỗ nghĩa trang tù cải tạo bên cạnh phi đạo rồi. Cũng bên T-2, có ông giáo sư Đinh Tiến Lãng (hay Đinh Viết Lãng, tôi không nhớ), giáo sư toán nổi tiếng ở Saigon hồi trước 1975. Ông ta là trung úy biệt phái, nay đi cải tạo. Một hôm ông ta bỗng nổi cơn điên, la toáng lên rằng "Tao là bạn của Văn Tiến Dũng." Thế là bộ đội xuống, bắt trói đem đi. Tưởng vậy là ông ta xong đời. Ai ngờ mấy hôm sau, hết bệnh lại được tha về trại, tiếp tục "học tập". Hình như ông ta mới qua đời năm ngoái hay năm kia gì đây, ở Nam Cali. Tội nghiệp nhất là trường hợp của Hoan, hình như anh ta là dược sĩ, cũng lên cơn điên. Hiền nói với tôi: "Điên mà khôn thấy mẹ." Hỏi ra mới biết, hễ lên cơn điên thì Hoan lôi Hồ Chí Minh ra mà chưởi, nào là "thằng tay sai cho Nga Tàu", "nào là tên Cộng Sản Quốc Tế." Hồi ấy, Hồ Chí Minh chưa bị lật tẩy như bây giờ nên Hoan cũng như mọi người, không biết gì nhiều về tội lỗi của Hồ Chí Minh mà chưởi cho đã. Chưởi lãnh tụ, đối với Việt Cộng là tội to lắm. Tôi kể cho anh em nghe chuyện về một chữ Người viết hoa mà Trần Dần đi tù (4). Hoan đi cải tạo, đã là tù, nay bị đưa vào conex. Conex để giữa trời, nắng và nóng ghê gớm. Chiều lại, bộ đội đến mở cửa conex, cho anh ta chén cơm muối và một chai nước lạnh, ngày một lần. Một hôm, chờ giờ bộ đội mở cửa, Phạm Ngọc Hiền dẫn tôi giả bộ đi dạo gần conex, coi Hoan ra làm sao! Hiền nói: "Tội ghê anh ơi! Cả xương là xương." Vậy mà Hoan vẫn không ngớt chưởi Hồ Chí Minh. Một hôm, tên bộ đội đem cơm cho Hoan, thấy anh ta chưởi "bác" Hồ của nó, nó bèn nổ một phát AK. Hoan chết ngay tại chỗ. Cũng một hôm, Hiền dẫn tôi ra bếp nấu T-2, sát hàng rào, phía tôi nhìn sang khá rõ. Bây giờ cơm chia xong rồi, bếp đã vắng, chỉ còn lại một người, hơi lớn tuổi. Ông ta lấy cái muỗng sắt, cạo từng hột cơm dính trong thành chảo, bỏ vào cái chén cầm ở tay kia. Ông ta cạo một buổi như vậy, cọng lại, giỏi lắm cũng hơn muỗng canh. Vậy mà ngày nào ông ta cũng xin được cạo, rửa chảo, để kiếm thêm chút cơm. Hiền nói với tôi: "Anh biết ai không? biết ai không?" Tôi lắc đầu. Hiền tỏ vẻ chán nản: "Cũng không biết nữa, giáo Sư L.T.L đó, ông nầy dạy đại học. Vậy mà anh cũng không biết." Thật ra, tên ông thì tôi biết. Tôi biết luôn cả hai vợ chồng ông ta nữa. Sách vạn vật của họ in ra, đề tên tác giả là ông bà giáo sư L.T.L. Ở bên Tây về, ông ta bị động viên, mang loon trung úy thì biệt phái về dạy đại học trở lại, nay đi ở tù. Việt Cộng phí phạm nhiều cái. Trại Trảng Lớn nầy trước kia là căn cứ Mỹ, sau giao lại cho Quân Đội Việt Nam Cộng Hòa. Vì là căn cứ cũ của Mỹ nên có nhiều cột đèn bằng loại thông ngâm dầu. Mỗi cây dài hơn chục thước. Bộ đội biểu cắt ra, chẻ làm củi nấu cơm. Thứ cột đèn nầy là "tiền không". Vậy mà đem làm củi. Uổng thật! Thỉnh thoảng, ông trung úy Cộng Sản Trần Đức Ước, phụ trách khối 1, khối của tôi, xuống kiểm tra tư trang cá nhân. Huỳnh Văn Khánh, khi đi cải tạo, đem theo cuốn "L'art de conjuguer". Thấy cuốn sách, anh trung úy nói lớn: "Gì mà sách tiếng Anh không vậy nhỉ?" Biết ông ta nói lộn, chúng tôi làm thinh, cười ông ta dốt thì cũng tội. Cái chế độ đó đào tạo ra những con người dốt như thế, có phải lỗi ở anh ta đâu! Có lần anh ta lại nói: "Các anh chỉ được học tiếng Anh, không được học tiếng Mỹ. Nhớ không!" Vài anh em chúng tôi cũng trả lời "nhớ" cho xong chuyện. Hơi đâu mà giải thích. Lỡ mấy chả quê thì mình cũng phiền. Trần Đức Ước lại hay ưa kể chuyện cho chúng tôi nghe. Có lần đi Saigon về, Ước nói: "Ối giời! Thành phố "bác" xao mà ló nhớn thế. Nhà nầu cao nắm, nhìn mỏi cả cổ." Tôi hỏi: "Tối lại anh ngủ ở đâu?" Ước trả lời: "Tôi có ngủ đâu. Tối tôi ghé nại trạm dân phòng, ngủ chung với mấy anh ở đó. Họ tốt nắm." Tôi cười, nghĩ thầm, dân Nam Bộ tốt là bởi thấy anh không có chỗ ngủ; còn như anh hách mặt lên, cà chớn với họ, chưa hẵn họ tốt với anh. Dân miền Nam, phù suy không phù thịnh. Đi Saigon về, Ước kể chuyện đi qua sân bóng, muốn vào xem mà không vào được, cửa khóa. Rồi Ước kể: "Một nần ta đấu hữu nghị với ông Niên Xô. Ta được quả phạt đền. Đội bóng ta niền gọi điện về hỏi "bác", nên đá như thế lào. Bác bả "Đá thế lào ta vẫn thắng mà không nàm mất nòng ông Niên Xô." Thế nà ta đá một phát, quả bóng lứt nàm đôi, một lửa vào khung thành, một lửa ra ngoài." Nghe chuyện, tối lại, nằm chờ giấc ngủ, có anh em hỏi tôi đá trái bóng nứt làm hai là đá làm sao? Tôi cười: "Đá như thơ Hồ Xuân Hương, "Nứt làm hai mảnh hỏm hòm hom." Có anh cười, trách tôi: "Đang nằm nhớ vợ mà nghe cha Hải nói gì không?" Tôi cười, giải thích, nghiêm trang hơn: "Anh chàng nầy từ một miền đồng chua nước mặn nào đó, đi bộ đội, vào quân trường rồi thoát được cảnh xương trắng Trường Sơn mà về đây. Có bao giờ được xem đá bóng đâu mà biết nó ra như thế nào! Chẳng qua, nghe người nầy kể qua, nguời kia kể lại, tam sao thất bổn, mới có chuyện quả bóng đá một phát nứt làm hai." Quả thật, Uớc ưa kể chuyện mà anh ta không biết gì thật. Lại một hôm, xuống nói chuyện với chúng tôi, anh ta lại kể chuyện "Đồng chí Phạm Tuân cho máy bay đậu trên mây, chờ B-52 tới thì nhào xuống đánh, Mỹ bị đánh bất ngờ, B-52 rụng như sung." Cũng chưa hết dâu, lại một hôm, xuống chơi, Ước kể: "Đồng chí trung tướng Đồng Văn Cống nái máy bay về thăm quê ở Bến Tre. Địch biết được, bèn đem một tiểu đoàn vây bắt. Đồng chí Đồng Văn Cống niền chạy ra ruộng, máy bay đang đổ ngoài ấy, nái máy bay đi mất. Mỹ cho hai chiếc "con ma" đuổi theo. Bị đuổi riết quá, đồng chí Đồng Văn Cống nặn xuống biển, ra tới Hải Phòng, đồng chí Đồng Văn Cống nại cho máy bay lổi nên. Mỹ không nàm gì được. Các anh biết không? Vậy mà "bác" biết đấy. "Bác" gọi đồng chí Đồng Văn Cống vào, bảo rằng đi chơi thì được, nhưng đừng khinh địch quá!" Trên là những chuyện điển hình của Ước kể, không nhớ cũng phải nhớ. Đọc chuyện phong thần của Tàu cũng khó quên! Nghe chuyện Đồng Văn Cống, có lần tôi đùa: "Đã đồng lại còn cống. Hai thứ nầy đâu có ở chung với nhau được. Có lẽ bố mẹ ông nầy vừa muốn ở tỉnh, vừa muốn ở nhà quê. Nhà quê thì có chuột đồng, lên thành phố thì có chuột cống." Lại nói chuyện hát hò. Hồi mới tới trại nầy, thuộc vài bài bên trại cũ, tối tối trước khi sinh hoạt, chúng tôi hát cho lên "khí thế", hết "Bão nổi lên rồi", "Tiến về Saigon" thì tới "Bác cùng chúng cháu hành quân." Mấy đội ở trại T-2, bên kia hàng rào, nghe hát, bực mình, nói với chúng tôi: "Mấy ông hát nâng bi!" Thế là chúng tôi ngậm họng. Tuy nhiên, được ít lâu, sau khi bắt đầu học tập chính trị, cả trại phải hát ở hội trường, trước khi buổi sinh hoạt bắt đầu. Mỗi khối, một vài anh em được cử đi tập hát, về tập lại cho anh em. Mỗi người phải chép tay lời bài hát. Tôi lại thấy vài bài hát cũ được đem ra hát lại như bài "Diệt Phát Xít" của Văn Cao. Bài nầy tôi biết hát hồi mới "Cách mạng tháng Tám", cách đã 30 năm. Tôi quên lời đã nhiều. Vậy mà rồi tôi được chép lại bài hát nầy đầy đủ. Không biết "ai" mà nhớ hay vậy! Trắc cười nói với tôi: "Trong bài hát có chó có mèo mà hát vẫn hay!" Suy nghĩ một lát, tôi mới nhớ trong bài "Diệt Phát Xít" có câu "Diệt bầy chó đê hèn của chúng." Có hôm toàn thể khối tôi tập một bài hát mới. Nhan đề bài hát là "Nguồn Tin Vui". Người tập hát cho chúng tôi là Ân, không nhớ họ. Ân thuộc tổ 4, đội 2, cựu trung úy Cảnh Sát. Bài nầy chúng tôi đã chép lời trước, có nghe hát qua. Vốn hay đùa nên trong bài hát có câu: "Cuộc đời sang xuân từ đây" thì chúng tôi hát là "Cuộc đời gian nan từ đây." Hát riết rồi quen miệng nên khi đứng trước khối, tập cho toàn thể anh em, Ân cứ câu "Cuộc đời gian nan từ đây" mà hát ông ổng, khiến ai nghe cũng cười. Phan Hải thấy thế bèn tới cạnh Ân nói: "Anh tập cho anh em hát đàng hoàng. Hát vậy không được". Khi đó Ân mới giật mình, lại còn sợ Phan Hải đi báo cáo với bộ đội thì nguy. May mắn! Phan Hải nhắc chừng vậy thôi. Ông "Quảng Nam hay cải" nầy vốn không có tính đi báo cáo hay làm ăngten. Tập xong, chúng tôi mới biết bài hát ấy do ông Khuất Duy Trác mới sáng tác ra, tập cho anh em chúng tôi. Trước 1975, mỗi tối thứ hai, tôi có nghe Duy Trác hát trong chương trình Phạm Duy, vào lúc nửa đêm. Nay mới biết thêm ông họ Khuất, không biết có bà con chi với ông Khuất Nguyên bên Tàu không!. Một năm sau, tôi có nghe bài "Nguồn Tin Vui" được hòa tấu trên đài TV Saigon. Nguyên lời ca bài hát như sau: Nguồn tin vui lan tràn đó đây, 3. Cuộc Đời Ngô Nghĩa Các trưởng khối đi họp lúc 10 giờ sáng, tới 11 giờ thì về thông báo cho biết trưa nay "cách mạng" sẽ xử bắn Ngô Nghĩa ở phi trường Trảng Lớn. Mỗi khối cử một hay hai người đi coi để về phổ biến cho anh em cải tạo hay. Riêng L3/T3, "đơn vị" chúng tôi, gồm 6 khối, từ khối 1 đến khối 6 vì ở sát phi trường nên mọi người có thể ra sát hàng rào, đứng bên nầy bờ đất để coi. Phan Hải, trưởng khối 1, yêu cầu tổ trực nấu cơm hôm nay, phát cơm sớm để "anh em đi xem" như lời "bộ đội yêu cầu". Trưởng khối Phan Hải nhắm bộ háo hức trong vụ xử bắn nầy. Anh ta lảnh phần ăn, ăn vội vã cho xong, rồi mặc áo đi lên khu nhà bộ đội ở. Anh ta nguyên là trung úy chế độ cũ, thuộc Đặc Khu Saigon - Chợ Lớn, biệt phái kiểm soát ẩm thực ở nhà tù Chí Hòa. Anh ta rất "giác ngộ" bởi một lý do rất dễ hiểu. Anh ta thuộc thành phần liên hệ với Việt Cộng, mà liên hệ nặng như tôi đã kể ở bài trước. Cũng vì có lý lịch như thế, anh ta thường lên chơi với bộ đội và có nhiều chuyện hay hay đem về kể cho chúng tôi nghe. Chẳng hạn như chuyện Ngô Nghĩa sẽ bị xử bắn trưa nay. Ngô Nghĩa là trung úy pháo binh thuộc Sư Đoàn 21 Bộ Binh. Anh ta cũng trình diện đóng tiền đi ở tù như mọi người. Anh ở "đơn vị" L3/T1 hay T2 gì đó. Có lẽ là T1 vì nếu T2 thì cách T3 chúng tôi một hàng rào kẽm gai mong manh, bên nầy bên kia anh em lén lút chuyện trò qua lại được thì chúng tôi biết rõ sự việc hơn. Theo Phan Hải thì cách đây mấy hôm, trời mới rạng sáng, Ngô Nghĩa mặc quần áo bộ đội, - Anh ta giả trang bộ đội – đi từ trại ra cổng lớn ở Trảng Lớn, khoảng đường cũng khá xa, gần hai cây số. Trên đường đi, Ngô Nghĩa cắt giây điện thoại nối từ cổng vào bộ chỉ huy. Anh ta mang một khẩu súng CKC nhưng lại băng đạn AK. Có lẽ anh "điều nghiên sơ hở về khâu" nầy, dễ làm cho bộ đội sinh nghi. Khi tới cổng, bộ đội gác cổng chận anh ta lại hỏi. Anh ta trả lời không rõ ràng đơn vị bộ đội nào. Toán ở cổng gọi điện thoại vào "xác minh" với bộ chỉ huy thì không nối đường giây được. - Ngô Nghĩa đã cắt rồi, còn đâu!- Thế là toán gác cổng giữ anh ta lại, chờ "xác minh với trên". Bất thần, anh ta vùng chạy ra khỏi cổng. Bộ đội đuổi theo, Ngô Nghĩa quăng lui một trái lựu đạn, loại mini. "May" là lựu đạn rơi xuống một cái hố bên đường nên chỉ làm cho một "chú bộ đội" bị thương nhẹ. Toán gác cổng tiếp tục truy đuổi, cuối cùng anh bị bắt ở khu nhà dân phía ngoài cổng lớn. Ngô Nghĩa nhứt định không khai một lời mặc dù Quân Pháp, từ "sư" (Sư là Sư Đoàn, - Việt Cộng hay gọi tắt như vậy) về hỏi cung rất kỹ và rất căng. Theo Phan Hải thì không bao giờ Ngô Nghĩa bị đánh vì luật pháp không cho phép đánh bị can - Do đó, "cách mạng" không biết ai đã cung cấp súng và quần áo bộ đội. Họ cương quyết cho rằng phải có người lấy giúp súng và quần áo cho Ngô Nghĩa chứ anh ta không thể lên khu bộ đội lấy cắp được. Cuối cùng, Ngô Nghĩa ôm một lô tội mà ra pháp trường. Nặng nhứt là tội "sát thương bộ đội", thứ hai là "tội trộm tài sản xã hội chủ nghĩa", đặc biệt lại là trộm vũ khí và quân nhu (có nghĩa là quần áo bộ đội), thứ ba là tội trốn trại, thứ tư là "tội phá hoại tài sản xã hội chủ nghĩa", có nghĩa là cắt giây điện thoại. Với chừng đó tội, "quân pháp" đề nghị với "trên" xử tử. "Trên" chuẩn y. Vậy là trưa nay Ngô Nghĩa ra pháp trường. Trong khi Phan Hải vừa ăn vừa kể chuyện, anh em trong tổ tôi - Tổ 1, Đội 1, Khối 1 L3/T3 – im lặng ngồi nghe. Ăn xong, Phan Hải đi ra giếng bên hông nhà, Phạm Quang Chiểu, Bắc Kỳ 54, (như chúng tôi thường gọi đùa), chỗ nằm gần sát vách trong, bên cạnh Trần Phú Trắc, người thâm trầm ít nói, nhìn anh em chỉ cười cười, phán một câu, nghe hơi lạnh mình: "Chiến dịch khủng bố bắt đầu!" Phạm Ngọc Hiền, dân Quảng Ngãi, chỗ nằm gần phía cửa trước, đang đu đưa nhè nhẹ trên võng, ngóc đầu lên ngó Chiểu cảnh cá "Mi coi chừng cái miệng mi. Tau từng ở với Việt Minh trước 54 cả chục năm, tau biết họ lắm. Khi họ làm một việc chi quan trọng, họ tăng cường theo dõi để tìm mấy đứa "phản động". Tôi đang ngồi dựa vách, tay cầm cái ông vố "tự biên tự diễn", bập bập mấy khói "xơ-vơn-ti-rê" (5) góp ý bằng một câu Kiều: Ở đây tai vách mạch rừng Trần Phú Trắc đang nằm dài sau lưng Chiểu, buồn buồn nói: - "Không rõ có ai biết gia đình Ngô Nghĩa ở đâu mà báo cho họ hay. Không chắc bộ đội báo tin về nhà anh ta đã bị xử bắn. Chắc rồi không ai hương khói cho anh ta." Hoàng Hữu Chung, người nằm kế Phan Hải, nghe nói tới chết không ai hương khói, mặt mày trở nên thểu nả - "Anh Hải nhớ câu chi trong Chinh Phụ Ngâm, nói về người lính chết trận?" Tôi nói: - "Bỏ đi dạy lâu, tôi quên. Để nhớ thử coi." "Hồn tử sĩ ù ù gió thổi Mấy câu thơ trong Chinh Phụ Ngâm làm ai nấy liên tưởng đến việc xử bắn Ngô Nghĩa trưa nay, không làm cho mọi người cảm thấy bình thản như thường lệ. Sau khi Phan Hải đi rồi, vài anh em lục tục đi coi xử bắn. Tôi lấy gối nằm nghỉ, chờ giấc ngủ trưa. Trần Hữu Bảo, nằm bên kia vách, phía cửa sau, hỏi tôi: - "Anh Hải không đi coi hay răng?" Tôi trả lời bình thản: Ngoại trừ Hoàng Hữu Chung, Nguyễn Văn Bê, Huỳnh Văn Khánh, Phạm Ngọc Hiền và Phan Hải đi xem xử bắn, còn lại thì nằm nhà. Lê Quang Dung, dân Nam bộ, là người ít suy nghĩ sâu xa nhứt, lên tiếng: - "Cái thằng Ngô Nghĩa sao nó ngu, trốn trại làm chi không biết!" Phạm Quang Chiểu nghe vậy, trả lời: - "Mình không phải là nó, làm sao mình biết nó nghĩ gì mà cho là khôn với ngu." Phạm Xuân Lý, người được xem là khôn nhất tổ, khôn theo nghĩa "từng trải và lắc léo" góp ý: - "Khôn dại gì thì cũng chết. Càng khôn sớm, càng chết sớm. Dại lại càng dễ chết hơn. Đằng nào cũng chết. Đùng một phát là xong." Tôi nói: - "Đúng ra thì không nên giết. Bây giờ nhiều nước bỏ án tử hình, trên bảy chục nước trên thế giới không còn án giết tù." Chiểu nói, giọng dài ra, mai mỉa: - "Tư bản đế quốc mới vậy anh ơi! "Cách mạng" là "giải phóng". Đùng một phát là "giải phóng" một mạng người." Tôi nói: - "Cũng không hẵn vì họ là những nước tư bản. Người ta văn minh. Người ta lý luận rằng chúng ta không thể lấy đi cái ta không cho. Nhân loại không tạo ra sự sống. Dù khoa học có tiến bộ như thế nào thì khoa học cũng không thể tạo ra sự sống; không ai cho ai sự sống. Không cho thì không có quyền lấy. Sự sống là do tạo hóa cho. Chỉ có tạo hóa mới lấy đi cái tạo hóa cho. Ta nhân danh cái gì mà lấy đi cái tạo hóa đã ban cho người khác?" Trắc lại nói với giọng chán nãn: - "Đời thiệt vô nghĩa." Lê Quang Dung nói: - "Anh Ngô Nghĩa nầy nên đổi tên. Không phải Ngô Nghĩa mà Vô Nghĩa." Phạm Quang Chiểu cười cười: - "Không có cuộc đời nào vô nghĩa cả. Đời có nghĩa đấy nhé." Rồi anh ta đọc mấy câu thơ của Tố Hữu: Nghĩa đời trong ba tiếng: Phạm Xuân Lý nghe đọc thơ, cười nói: - "Trại bữa nay thay kẻng mới rồi. Bộ đội mới đem về một thanh tà vẹt, thay cho cái mâm xe. Kẻng nầy nghe to hơn. Không muốn dậy cũng phải dậy." Tôi bỗng nhớ mỗi sáng, khi còn tinh mơ, trước kẻng báo thức, tôi đã thức giấc nhưng còn nằm trong chăn. Mỗi sáng, cứ giờ đó, có tiếng chuông nhà thờ từ xa vọng lại. Trong cái im lặng buổi sớm tinh sương mùa đông, tiếng chuông nhà thờ tuy dóng dã mà nghe cũng buồn lắm. Đời tù tuy đông mà cô đơn, lạnh lẽo, mà ngoài kia cuộc đời vẫn tuần tự trôi đi, trong cuộc sống mới, không rõ người đời sướng khổ như thế nào! Gia đình bây giờ cũng xa lắm, xa lắm rồi, cũng không rõ vợ con no đói ra sao! Có khi chuông không đổ đúng giờ mà lại bất thường. Có lẽ ai đó mới qua đời. Không biết "Chuông gọi hồn ai" (6) của Hemingway có buồn như vậy không. Ở cuối khối 6, chỗ có ca sĩ Khuất Duy Trác, có cái máy điện của quân đội cũ để lại. Cứ buổi chiều, một anh lính chế độ cũ, được bộ đội thuê lại, vào cho máy chạy. Cái máy điện Mỹ cũng giục gầm gừ y như trong thơ Tố Hữu vậy. Tố Hữu có nghĩ rằng chính vì ông ta mà cả triệu binh lính miền Nam đang sống trong cảnh tù như ông đã từng trải. Liệu ông có nghĩ tới những ngày tù trước kia của ông mà có sự thông cảm nào chăng? Lại cứ mỗi sáng, khi trời chưa rạng, tôi lại nghe tiếng còi xe Ford giục giã phía chợ Long Hoa, gần tòa thánh Tây Ninh. Cuộc đời ngoài kia vẫn cứ sinh hoạt ồn ào, giòng đời cứ trôi mà trong nầy cuộc sống như dừng lại, ngày nào cũng như ngày nào. Những người tù ở đây, phần đông còn trẻ, sức sống còn hăng, nhiệt huyết còn nhiều nhưng tất cả những thứ ấy, "cách mạng" thấy không có ích lợi gì cho "cách mạng" cả nên để cho chúng tiêu hao dần mòn trong những tháng ngày dài vô vị. * * * Khoảng trưa, trong khi chúng tôi đang nằm nửa thức nửa ngủ trong phòng thì nghe một loạt súng nổ phía phi trường. Có lẽ đó là tiếng súng bộ đội xử bắn Ngô Nghĩa. Một lát sau, tôi lại nghe tiếng người nói lao xao phía sau nhà cũng như ở sân trước. Mấy anh em đi coi xử bắn về đang bàn tán gì đó. Mới vào nhà, Hoàng Hữu Chung vừa cởi áo vừa kể lại câu chuyện Ngô Nghĩa bị bắn, giọng sôi nổi: - "Cha nội ni chì thiệt. Đi ra chỗ bị xử tử mà cha tỉnh bơ, làm như đi dạo phố." Phan Hải cũng vừa về tới, góp ý: - "Tới phút cuối, sau khi từ trên xe xuống, "Quân Pháp" hỏi chả một lần chót. Nếu khai ra ai đưa súng và quần áo cho chả thì sẽ tha chết. Chả lắc đầu, không nói chi hết." - "Hèn chi tôi thấy thằng chả lắc đầu mà không biết chuyện chi. Chắc Ngô Nghĩa có hứa gì với "chú bộ đội" nào đó. Anh ta giữ lời hứa, chẳng thà chết chớ không chịu khai tên ra." Phạm Ngọc Hiền nói. Phan Hải thuật lại: - "Trước khi bắn, anh ta không chịu cho bịt mắt. Bộ đội phải lấy cái bao cát rộng trùm lên đầu anh ta. Hai tay bị trói, anh ta lắc mạnh cái đầu cho cái bao cát văng ra nhưng không được." Chung hỏi: - "Hình như anh ta không chịu quì?" - "Không". Phan Hải nói. "Hai bộ đội phải vật anh ta xuống rồi trói vào cọc bắn. Vậy mà anh ta cứ rướn thẳng người lên. Lợi dụng lúc ấy, Trung Úy Dư ra lệnh bắn, một loạt đạn ghim vào ngực anh ta. Khi đó, anh ta mới gục xuống, đi luôn. Trung úy Dư bắn phát ân huệ cũng vô ích, anh ta đã chết rồi." - "Không biết anh ta có được cái hòm không?" Hiền hỏi. Phan Hải trả lời: - "Sức mấy. Bộ chỉ huy bảo lấy tấm chiếu mà bó lại. "Phản động, chống phá cách mạng" sức mấy có hòm mà chôn. Có chiếc chiếu là may rồi."
(1) "Câu thơ thi xã, con thuyền Nghệ An" là câu thơ của Cao Bá Quát (2) Xưa, có ông già sính thơ. Ông có ba cô gái, gả cho ba chàng rể. Chàng thứ nhứt, chàng thứ hai đều hay chữ. Riêng có chàng thứ ba chỉ được cái mả đẹp trai mà thôi, chữ nghĩa không ra gì. Một hôm, ông ra đề cho ba chàng rể thử tài làm thơ. Đề bài là ông già cỡi ngựa chạy nhanh. Đề ra xong, chàng thứ nhứt đọc: Mặt nước thả cây kim Chàng thứ ba vì dốt thơ, nghĩ mãi không ra câu nào. Mẹ vợ thương tình, vã bà cũng khoái chàng rể đẹp trai, bèn vội vàng bước khỏi sập, hỏi con: "Được chưa con! Được chưa con?" Trong khi vội vã, bà vô tình để xì ra tiếng bụp. Nghe tiếng đó, chàng rể thứ ba nói: "Xong rồi mẹ!" Nói rồi anh ta đọc thơ: Mẹ tôi xán cái địt, (3) Xem bài "Nói chuyện Ngàn Năm", cùng tác giả, trong "Viết Về Huế", tập 1, Văn Mới xuất bản. (4) Xưa nay Người vẫn thiếu tin Người Người vẫn kinh hoàng trước tương lai. (Nhất Định Thắng – Trần Dần) Theo Hoàng Văn Chì, trong "Trăm Hoa Đua Nở Trên Đất Bắc", Việt Cộng kết tội Trần Dần vì chữ Người (Viết hoa) là muốn ám chỉ Hồ Chí Minh. (5) Trước khi "sập tiệm" tôi thường hút "Seventy nine". Bây giờ không còn thuốc lá nhập, gia đình chỉ gởi cho thuốc rê. Tôi gọi đùa là "xơ-vơn-ti-rê". Ông điếu (ống vố) thì tôi lấy một khúc củi mà tự làm lấy. (6) "To whom the bell rings?". Tác phẩm nổi tiếng của Hemingway |