Home Văn Học THƠ Các thi sĩ Truyện Của Ngâu

Truyện Của Ngâu PDF Print E-mail
Tác Giả: Lâm Chương   
Thứ Hai, 08 Tháng 6 Năm 2009 22:00

Mười chín tuổi, Huỳnh Thị Ngâu có tình. Ông Huỳnh Hừng, cha cô, biết chuyện

nhưng giữ thái độ im lặng đến lạnh lùng.

Trong bữa cơm chiều, Ngâu e dè ăn từng miếng nhỏ. Cha cô ngó chăm vào con gái, vài lần nhắp cốc rượu, hắng giọng như muốn nói điều gì, nhưng cuối cùng chẳng nói.

Buổi tối. Ngâu vào buồng, buông mùng, nằm nghĩ đến người tình.

Mẹ cô theo vào, vén mùng, ngồi kế bên, hỏi: “Thằng ấy thế nào?”
Cô vờ hỏi lại: “Thằng nào?”
“Thằng vẫn theo con vào đồn điền cao su.”
“Làm gì có.”
“Mày láo. Tao biết cả rồi.”
“Mẹ biết, sao còn hỏi con?”
“Đồ chết bầm! Ba mày đang theo dõi đấy.”
Ngâu nằm lặng.
Mẹ dỗ: “Nói đi. Nó thế nào?”
Ngâu thủ thỉ: “Ảnh nói thương con.”
“Không. Gia thế kìa?”
“Đi lính, cấp bậc trung sĩ.”
Mẹ gắt: “Biết rồi. Cha mẹ nó?”
“Bắc di cư, năm năm tư.”
“Tên nó là gì?”
“Koan Trâu Phiên.”
“Hả?”
Ngâu lặp lại: “Koan Trâu Phiên.”
“Tên nghe lạ.”
“Ảnh kể, bố mẹ thuộc sắc tộc Nùng, Lai Châu. Khi mới vào Nam, bố dắt đi làm thế vì khai sinh, khai tên Quang Châu Phiên. Ông hộ tịch người Nam, viết thành Koan Trâu Phiên.”
“Nó nói gì nữa không?”
“Chỉ nói thương con.”
Mẹ dặn: “Chưa thương được đâu. Coi chừng ba mày cắt gân đấy.”
Mẹ bỏ ra ngoài. Ngâu nghĩ, tình yêu thật tuyệt vời, nhưng chung quanh lắm điều rắc rối.

Ngâu đứng nép vào vùng cây lá rậm, bên ngoài đồn điền.
Phiên hỏi: “Sợ anh đến thế à?”
Ngâu ấp úng: “Không. Chỉ sợ có người trông thấy.”
“Chả có ai đâu.”
“Phu đồn điền vẫn thường ngang qua đây.”
“Họ không phải bố em. Sợ gì?”
“Họ sẽ mách lại. Em sợ tất cả mọi người.”
Phiên nhích gần hơn, cầm tay Ngâu. Cô rụt tay về.
Phiên tha thiết: “Anh thương em.”
Ngâu lí nhí: “Biết rồi.”
“Có thương anh không?”
“Hỏi câu đó hoài.”
“Anh muốn nghe em nói.”
“Không thương, sao đứng đây với anh?”
“Vậy là thương hả?”
“Ư… ư…”
Phiên đặt tay lên vai Ngâu, kéo vào mình. Ngâu vùng nhẹ, cầm tay Phiên bỏ ra.
“Hãy nói thương anh.”
Ngâu quay mặt, cười khúc khích: “Nói thế, ngượng chết đi.”
Bất ngờ, Phiên ôm chầm lấy Ngâu. Hôn tới tấp lên mặt, lên cổ.
Ngâu ú ớ: “Anh…, buông em ra.”
“Anh thương em.”
“Lại nói câu ấy nữa.”

Ngâu yếu đuối trong tay Phiên. Cô ngữa mặt nhìn lên vòm cây. Có những bông hoa dại màu trắng điểm lấm tấm giữa màu lá xanh, và những con chim nhỏ chíu chít trên cành. Thiên nhiên bao giờ cũng thế. Nhưng Ngâu bỗng thấy như tất cả đều rộn lên, hoà cùng xúc cảm mới lạ ùa chụp xuống làm cô choáng ngợp, đồng thời với nỗi lo sợ vu vơ.

Ngâu nói như van: “Buông em ra.”
Phiên âu yếm vùi mặt vào tóc Ngâu, nói trong hơi thở: “Mình sẽ là vợ chồng.”
“Anh ơi, đừng ôm nữa. Em sợ…”
“Bằng lòng làm vợ anh không?”
Ngâu gật đầu: “Bằng lòng, nhưng… hãy buông em ra.”
Phiên tháo vòng tay, tiếc nuối.
Ngâu vuốt lại mái tóc, mặt đỏ bừng: “Anh kỳ quá à.”
Phiên cười: “Anh thích kỳ như thế.”
Ngâu dí ngón tay vào trán Phiên: “Cái mặt không biết mắc cở.”

Phiên cầm tay Ngâu. Lần này, cô không rụt tay về. Cả hai im lặng, nhìn về những hàng cao su thẳng tắp. Ngâu vẫn còn nguyên cái cảm giác trong giây phút Phiên ôm ghì lấy thân thể nóng bỏng của cô. Cái cảm giác đầu đời chạm với tình yêu.

Lúc lâu sau, Phiên nói: “Anh sẽ nhờ mai mối đến nhà em.”
“Chỉ ngại ba em…” Ngâu phân vân.
“Chê anh không xứng hả?”
“Không. Có điều khó nói.”
“Điều gì?”
Ngâu cúi đầu: “Ba em không ưa lính.”
“Ngâu ơi, thanh niên thời buổi này, ai mà chả phải đi lính?”
“Biết thế. Nhưng ba em thì khác.”
“Phải làm sao cho ba em thương anh?”
“Em không biết.”
“Điều gì, em cũng không biết.” Rồi Phiên cười, nhái theo câu thơ. “Em còn bé lắm, chỉ biết yêu thôi. Chả biết gì.”
Ngâu cũng cười: “Em còn bé lắm, chả biết yêu. Cũng chả biết gì.”
“Thế thì anh dạy cho em biết gì.” Phiên ôm Ngâu, vùi mặt vào ngực cô.
Ngâu đẩy ra: “Khiếp quá.”
Phiên nói: “Thương nhau là phải thế.”
“Không thế, không phải là thương sao?”
“Không. Chỉ là thương mây khóc gió của mấy ông thi sĩ thất tình. Em mười chín tuổi, phải thực tập bài học yêu thương để chuẩn bị làm vợ.”
“Chuyện ấy tính sau. Bây giờ, cho em về. Ba em biết hẹn hò với anh, thì chết.”
“Mới gặp đã đòi về?”
“Em sợ.”
Phiên nài nĩ: “Không ai thấy đâu. Nán lại chút nữa, em?
“Thôi mà, cho em về.”
Phiên tiếc: “Ừ, thì về. Mai gặp lại chỗ này, nhớ nhé?”
“Nhớ rồi. Anh đứng đây, chờ em đi khuất. Em sợ có người trông thấy mình đi chung.”
“Trước khi về, anh hôn em lần nữa.”

Ngâu chưa kịp trả lời. Phiên đã nâng mặt cô, và đặt lên đôi mắt những nụ hôn nồng nàn thắm thiết.
Ngâu trách yêu: “Râu cà gần rách mặt người ta. Mai cạo râu đi nhé.”

Ngâu đi dưới bóng mát những hàng cao su. Phiên đứng nhìn theo cái lưng nhỏ bé của người yêu đến khi khuất sau một khúc quanh trên con đường đất đỏ.

Buổi sáng. Như thường lệ, Ngâu mang gùi vào vào đồn điền cao su cạo mủ. Cổ cô choàng chiếc khăn rằn của Phiên. Chiếc khăn của cô, Phiên xin, và thay thế bằng chiếc khăn này. Phiên nói, để giữ lấy hơi hướm người tình. Ngâu cảm động. Không ngờ trong tình yêu có những chi tiết vụn vặt, lại làm cho người ta xúc động đến chảy nước mắt. Cô ngó ra con đường đất đỏ về phía bìa rừng, nơi Phiên vẫn thường từ đó đi tới. Cô hình dung ra cái dáng đi lừng lững, đầu đội chiếc mũ lưỡi trai màu xanh cứt ngựa, vành mũ sụp xuống che ngang vầng trán. Đôi mắt xếch dưới cặp chân mày rậm, hiện rõ cái nét dữ dội của kẻ gan lì. Biết nhau lâu, nhìn hoài đôi mắt ấy, cô lại thấy dễ thương chi lạ. Và những câu ân tình của Phiên, còn đọng lại trong cô thành nỗi nhớ nhung.

Quá ngọ, vẫn chưa thấy Phiên. Ngâu bứt rứt mong chờ. Tiếng con chim gáy từ rừng xa khắc khoải vọng về, cô nghe tiếng như tiếng gọi buồn khi xa vắng. Trước kia, có bao giờ cô để ý tiếng chim, và cảnh sắc chung quanh mình đâu. Tất cả những thứ đó, cô đã nghe thấy từ ngày còn bé, quen thuộc như một phần đời dính liền với cô, chìm trong ký ức. Từ khi có Phiên, cô cảm thấy mọi thứ đều hiện diện và đổi khác, mới lạ và đáng yêu. Mọi thứ đều biết vui buồn theo tâm cảm của cô, chứa chan đầy ắp kỷ niệm. Cô đang mong nhớ đợi chờ. Bỗng có vài ba tiếng súng nổ tắc cù bên ngoài đồn điền, phía giáp ranh với bìa rừng. Cái âm thanh khô khốc lẻ loi, làm cô khó chịu. Thời chiến tranh, thỉnh thoảng vẫn nghe tiếng súng như thế. Cô tự hỏi, cuộc đời tươi đẹp biết bao, sao người ta gây chi những đau buồn chết chóc?

Chiều sắp tàn. Phiên không đến. Ngâu buồn bã trở về, thầm trách người yêu lỗi hẹn. Từ đó trở đi, ngày nào mang gùi vào đồn điền cao su, cô cũng đợi. Chờ đợi lâu ngày thành tuyệt vọng. Phiên không bao giờ đến nữa. Nỗi buồn cô giấu trong tim, mà nước mắt cứ ứa ra từng đêm trên gối. Chẳng ai nói cho Ngâu biết, tại sao mình bị bỏ rơi?

Sau ngày Miền Nam sụp đổ. Ngâu lập gia đình với viên huyện đội trưởng, tên Dư, sinh được hai con. Chồng cô rất mực chìu vợ, thương con. Ai cũng cho rằng, Ngâu may mắn được người chồng tốt, một gia đình ấm êm hạnh phúc. Biết bao cô gái đến tuổi trưởng thành, cũng chỉ mơ ước có một mái ấm như thế mà thôi. Bốn năm lấy chồng, Ngâu giữ tròn bổn phận làm vợ, làm mẹ. Dù thế, cô vẫn thường xa vắng mông lung, nhớ người tình cũ. Nhớ cái dáng đi lừng lững, và đôi mắt xếch. Nhớ những lần Phiên siết lấy cô, hôn tới tấp. Những nụ hôn cháy bỏng làm cô bừng bừng nóng ran da thịt. Từ ngày lấy chồng, chưa bao giờ cô có được cảm giác ấy. Không phải chồng cô thiếu nhiệt tình. Chính cô thờ ơ với những ái ân trong tình chồng vợ. Nhiều khi đầu ấp tay gối với Dư, cô tự đánh lừa mình bằng cách tưởng tượng đang nằm trong vòng tay âu yếm của Phiên, để tìm lại những rung động mãnh liệt ngày nào. Nhưng cô thất vọng. Tự đánh lừa mình là điều không dễ. Trên đường đời, một lần cô bước hụt chân. Tình yêu vuột mất, để lại trong cô một khoảng trời trống lốc. Khoảng trống ấy cứ lớn dần lên mãi. Cái khoảng trống mênh mông không thể lấp đầy bởi người người đàn ông cô gọi là chồng.

Những buổi trưa, nhìn về phía đồn điền cao su, nghe tiếng con chim gáy từ rừng xa, cô buồn như chết lặng. Dù bây giờ, đồn điền không còn nữa. Cao su già cỗi bị đốn bỏ lâu rồi. Người ta thay vào đấy là là nông trường trồng mía. Con đường đất đỏ cũng biến mất, để nới rộng thêm cho diện tích trồng trọt. Nhưng với cô, tất cả vẫn bềnh bồng trong trí nhớ. Và tiếng chim gáy cũng gợi lại cho cô một mùa hè năm cũ, với vài ba tiếng súng nổ. Trong thời điểm ấy, cô vĩnh viễn mất người yêu. Từ đó trở đi, cây lá vẫn trổ màu xanh, nhưng cô buồn rầu héo hắt. Nhất là khi vô tình cô biết được một sự thực phũ phàng, thì khoảng trống trong lòng cô nhuộm trắng một màu tang.

Khi cách mạng giành được quyền kiểm soát Miền Nam. Ông Huỳnh Hừng tự bộc lộ thân phận là một cán bộ nằm vùng. Với quá trình hai mươi tuổi đảng, đương nhiên ông là nhân vật có thế lực của chế độ mới. Chồng của Ngâu, trước kia là du kích, hoạt động dưới sự bí mật điều khiển của ông Huỳnh Hừng. Sau này, Dư được ông nâng đỡ, đưa lên làm huyện đội trưởng, và gả con gái. Trong một lần chè chén, các đồng chí của chồng vui say nhắc lại những thành tích chống Mỹ cứu nước. Thành tích của Dư là đã phục kích bắn chết một trung sĩ ngụy tên Phiên. Công lao đó, có ông Huỳnh Hừng dự phần. Ông theo dõi nhiều ngày để biết chắc thời gian, và lối đi về của Phiên thường hẹn đến với tình nhân, rồi đề ra kế hoạch cho Dư thi hành. Bây giờ, Ngâu mới hiểu rõ câu nói mập mờ của mẹ: Ba mày đang thoe dõi. Coi chừng ba mày cắt gân đấy.

Ngâu biết được điều đó, thì mọi chuyện không còn có thể thay đổi. Cô đã có con với Dư rồi. Cô mặc cảm như mình là nguyên nhân gây ra cái chết của Phiên. Trách ai? Thời thế đã du cha cô và Dư về phía đối lập với Phiên. Không từng quen biết, mà thù hằn rình rập sát hại lẫn nhau. Phiên sa vào cái bẫy của cha cô. Trong đó, cô được dùng như một miếng mồi nhử. Dư chỉ là tên thừa hành, nhưng lại là người trực tiếp nhúng tay vào máu. Làm sao cô tìm được hạnh phúc với kẻ đã giết chết đối tượng tình yêu của mình? Cô không đủ cái liều dứt khoát ra đi. Còn con của cô nữa, nó cũng là nguyên nhân buộc cô ở lại. Cô thấy mình bất lực, và buông xuôi theo ngày tháng trắng mênh mông.

Cái khoảng trống trong lòng cô, chỉ mình cô biết. Con chim rừng thay đổi mấy đời chim rồi, nhưng tiếng gáy nghe không khác năm nào. Còn cô thì đã đi quá xa. Ngoái nhìn về dĩ vãng, tất cả đều trôi ngược chiều thời gian làm thành kỷ niệm. Kỷ niệm nào, khi nhớ lại cũng làm cô rơi nước mắt.