Thân phận |
Tác Giả: Hạo Nhiên Nguyễn Tấn Ích | ||||
Thứ Sáu, 14 Tháng 10 Năm 2011 05:06 | ||||
Mười năm khổ nhục trong tù, nay Chương được thả về nhưng bị cưỡng bức cư trú tại khu kinh tế mới Ðạm-Ri. Những tháng năm bị kiềm tỏa giữa núi rừng cheo leo, giờ được sải đôi chân tự do trên con đường dẫn về phố thị lòng Chương nghe phơi phới lạ thường! Những bạn tù cùng trên đường về, người nào cũng nôn nao mong được gặp mặt người thân. Riêng Chương thì vô tư, chẳng bận tâm vì không còn ai để đoàn tụ. Chàng bây giờ sống một cuộc sống đơn độc của một kẻ không nhà. Cha mẹ Chương đã mãn phần từ lâu. Vân, vợ chàng và đứa con gái lên hai đã biệt tích từ năm 1976 khi ông Trương Thanh cha nàng ở Hà Nội về buộc Vân phải làm đơn ly dị chồng để lấy tên cán bộ thân cận của ông từ Bắc vào. Nàng chống cự quyết liệt rồi ôm con bỏ nhà ra đi. Ông Trương Thanh gởi đơn lên chính quyền tố cáo Hoàng Thuý Vân đã mang con vượt biên, vợ chồng ông không chịu trách nhiệm trước hành động phản quốc đó. Sau khi làm thủ tục trình diện chính quyền sở tại, Chương may mắn xin được một chân công nhân gạch ngói tại vùng Madagui. Chàng có nơi ăn chốn ở tạm thời. Ngay buổi đầu, anh em công nhân trong đội gạch ngói đã mở rộng vòng tay đón nhận Chương. Họ tận tình hướng dẫn, tập luyện cho chàng học nghề theo từng khâu một. Dù phải làm việc nặng nhọc liên tục dưới ánh nắng thiêu người, Chương vẫn cảm thấy hạnh phúc. Một niềm hạnh phúc đơn thuần của đời sống tự do ngoài vòng kềm kẹp. Giá trị mồ hôi đổ ra được trả công và nhân cách của chàng dù sao cũng không bị xúc phạm từng giờ từng phút như trong lao tù. Sáng nay, một đoàn xe tải lần lượt nối đuôi nhau đậu trước sân lò ngói. Loa phóng thanh từ Ban Quản Trị yêu cầu công nhân tập họp chuyển ngói lên xe. Chương theo chân mọi người sắp thành hai hàng dọc. Mỗi hàng là một dây chuyền. Mỗi chồng ngói năm viên được chuyền tay nhau đưa vào tận lòng xe. Mọi người đang chăm chú làm việc, bỗng có tiếng gọi: “Ðại bàng, Ðại bàng!” Anh em công nhân đưa mắt hỏi nhau ai là đại bàng, rồi tất cả nhìn vào Chương khiến cho dây chuyền ngói khựng lại. Một người đàn ông đầy đặn, tầm thước từ trong phòng lái bước xuống xe rồi tiến thẳng tới nơi Chương đứng. Anh ta kéo Chương ra khỏi hàng, ôm chặt lấy tấm thân gầy gò của chàng reo lên: - “Ðại bàng ơi! Em không ngờ thầy trò mình lại được gặp nhau đây. Cám ơn Trời Phật! Em đã hai lần ghé vào nhà cũ để hỏi thăm đại bàng về chưa nhưng căn nhà thì đổi chủ, chị Vân và cháu Vân Chuyên, nghe nói đã vượt rồi.” “Ðường đạn may mắn” đã cắt đứt hàng lông mày bên trái để lại vết sẹo trên khuôn mặt Ðông đã giúp cho Chương nhận ra người tài xế năm nào. Chuyến đi công tác qua vùng Mỏ Cày thuộc tỉnh Quảng Ngãi cuối năm 1973, một viên đạn bắn sẻ của địch lướt qua trước mặt Chương rồi chạm sát vào da trán của Ðông lấy luôn hàng lông mày của anh ta. Nếu tốc độ xe lúc ấy nhanh hơn một tích tắc là chàng nhận đủ viên đạn vào đầu. Chương từ chối sự trợ giúp tài chánh của Ðông, viện lý do là lương công nhân đủ sống và cám ơn Ðông vẫn còn quí mến chàng. Bảy ngày sau, Chương nhận được lá thư của Ðông: “Anh Chương kính mến, Trước hết, em xin anh tha lỗi vì hôm gặp anh, em quá đường đột đã làm mất đi phép tắc của người thuộc cấp và đã khiến cho anh khá ngại ngùng với tiếng gọi ‘Ðại Bàng’. Nỗi vui mừng được gặp lại anh đã làm cho em quên giữ gìn ý tứ. Ôi, sung sướng biết chừng nào khi thấy anh còn lành lặn cho dù lao tù đã vùi dập anh suốt mười năm. Từ khi còn trong quân ngũ, cái nhóm từ huynh-đệ-chi-binh đối với em chưa đủ nói lên tình mặn nồng ruột thịt, chết sống có nhau như anh với đồng đội. Em rất kính trọng và thương quý anh, bởi anh là vị chỉ huy đã thể hiện tấm lòng nhân ái đối với binh sĩ dưới quyền. Chắc anh còn nhớ nhóm lưu linh của bọn em: Ðoàn, Hồng, Hiệp, Hàn và Ðông. Bọn em đã ‘tái kết nghĩa đào viên’ trong năm vừa rồi. Chúng em hứa với nhau: ‘Ðứa nào gặp đại bàng Lê Hồng Chương trước là phải cấp báo ngay cho anh em. Ðồng thời, cùng nhau chăm sóc giúp đỡ ông Thầy’. Như vậy, em là người được diễm phúc gặp huynh, người anh cả đã một thời tận tụy với đàn em. Ngày Mười Lăm tháng tới đây, nhóm lưu linh hẹn gặp nhau tại nhà em để được chúc sức khỏe ông thầy. Em sẽ đích thân xuống Madagui chở anh. Chúng em cũng có bàn thảo tìm một việc làm mới thích hợp với sức khỏe và năng lực của anh hiện giờ. Rất mong ông Thầy chấp thuận cho cuộc họp mặt tình nghĩa này. Ðại diện nhóm lưu linh.” Em Ðông. Ðọc xong bức thư, Chương bồi hồi xúc động. Thì ra trong cuộc biển dâu vẫn còn đọng lại một chút tình. Cuộc gặp gỡ với những chiến hữu cũ đầy thân tình và cảm động. Họ xem Chương như một người anh và thật sự quan tâm tới chàng. Cái nhóm lưu linh ấy chẳng có người nào khá giả cả, hầu hết là công nhân và xã viên hợp tác xã. Riêng Ðông, đời sống có phần thoải mái hơn nhờ những gói cà phê quốc cấm giấu trong xe hàng hợp pháp. Họ tích cực vận động và qua trung gian của người đồng hương với Ðông, hiện là thủ trưởng một cơ quan ở huyện xin cho Chương một chân trong Tập Đoàn Sản Xuất Cà Phê ở khu đất mới Tân Hội. Chàng có hộ khẩu thường trú và được phục hồi quyền công dân sớm sủa. Trên thực tế, Chương có trách nhiệm cai quản ba mẫu cà phê của những người giấu mặt trong bóng tối đầy quyền lực. Nhờ vào lực lượng cơ khí của đội xe ủi đất thuộc Công Ty Thủy Lợi, mấy tay chóp bu địa phương đã tạo được những mẫu cà phê hạng nhất tại vùng này. Mùa cà phê đã đến thời kỳ thu hoạch. Ðồng bào dân tộc đến tấp nập ghi tên hái cà phê lấy công. Trẻ em cũng tham gia khá đông đảo. Chúng rất rành rẽ trong kỹ thuật hái cà phê, vừa làm vừa nói chuyện, cười đùa ríu rít. Trong số này có một em bé gái đồng lứa với các em khác nhưng làm việc còn rụt rè chậm chạp. Bạn bè gọi tên bé là Ca-len và em nói tiếng dân tộc Ra đê. Bé đeo những chuỗi cườm đủ màu sắc trên tay, trên cổ và một chiếc gùi quá lớn sau lưng. Thoạt nhìn, bé giống như một nghệ sĩ tí hon đóng vai dân miền Thượng. Con bé cũng có màu da bánh mật, đầu tóc cháy nắng vàng hoe. Ðặc biệt là mái tóc của nó được chải rẽ đường ngôi giữa đỉnh đầu và lúc nào cũng có kẹp vắt tóc hai bên thái dương. Với chiếc mũi dọc dừa nhỏ nhắn cùng cái miệng mủm mỉm xinh xinh khiến nó nổi bật trong đám trẻ dân tộc kia. Bé làm việc cặm cụi, ít khi cười đùa. Nó chỉ trả lời mỗi khi bạn hỏi. Gặp lúc những câu chuyện kể vui vui, con bé nở nụ cười trông thật rạng rỡ, phô ra đôi hàm răng trắng ngần. Chương nhìn con bé mà nghe lòng xốn xang. Chàng nhớ đến Vân Chuyên đứa con gái của mình và người vợ đã vượt biên. Nhiều đêm Chương suy nghĩ nếu Vân đã đến được bến bờ tự do thì ít nhất nàng cũng biên thư gởi về nhờ bạn bè chuyển cho chàng. Ðã gần mười năm rồi còn gì! Từ ý nghĩ đó nên Chương hoàn toàn thất vọng. Biết đâu hai mẹ con nàng đã bỏ xác ngoài biển khơi! Ngày mới quen nhau, Chương chỉ hiểu lờ mờ Vân mồ côi cha. Mẹ Vân, bà Hương quê Thừa Thiên đến lập nghiệp tại thị trấn Sông Vàng. Một khu thị tứ sầm uất nên nghề buôn bán vải của bà mỗi ngày mỗi phát đạt. Trong vòng có mấy năm mà mẹ Vân đã tạo dựng được một sự nghiệp thuộc loại nhất nhì tại thị trấn. Tình của Chương và Vân ngày càng đậm đà khắn khít. Lễ thành hôn của hai người tuy đơn sơ nhưng thật thơ mộng: chồng lính chiến, vợ nữ sinh. Họ hàng tham dự là đám áo màu tray-di cùng với đám nữ sinh, bạn học của Vân. Lễ cưới tựa như buổi tiệc khao quân có các em gái hậu phương chiêu đãi. Ngày vào tù, Chương được Vân báo cho biết cha nàng từ Hà Nội đã trở về gặp lại mẹ. Thì ra bà Hương đã dấu kín lý lịch có chồng tập kết ra Bắc. Lòng Chương cũng cảm thấy vui vui bởi từ nay bé Vân Chuyên có đầy đủ ông bà ngoại. Ðến mùa thu hoạch cà phê, vùng đất mới Tân Hội nhộn nhịp hẳn lên. Xe tải, xe con của cán bộ thương nghiệp từ các nơi đổ về tấp nập. Tất cả thành phẩm cà phê trong vùng này khi xuất đi đều phải có giấy phép của chính quyền huyện. Nhiều trạm kiểm soát hỗn hợp được bố trí trên các tuyến đường vào ra khu vực. Cà phê của cá thể do ngành thương nghiệp thu mua theo giá ấn định, không được mang ra ngoài bán. Tuy vậy, vẫn có một số con buôn lén lút mua giá cao gấp bội. Họ thu góp rồi gởi trong nhà dân. Chính quyền biết rõ điều đó nên thường xuyên đột nhập vào nhà dân khám xét. Nếu bị phát hiện, cà phê lậu bị tịch thu và chủ nhà bị phạt tù. Cà phê là sản phẩm do nhà nước độc quyền quản lý cũng như tiêu hạt trầm hương và quế ống. Ai chứa trong nhà là mang mối họa vào thân. Nỗi oái ăm của một dân tộc là mọi sản phẩm của mình làm ra đều dồn vào tay nhà nước. Những con tôm hùm, mực nang, sò huyết... là hải sản dồi dào trên vùng biển nước ta, thế mà chúng biến mất trong đời sống dân chúng. Ðồng bằng Cửu Long là vựa lúa của miền Nam giờ đây đã trở thành vựa lúa xuất khẩu của Ðảng cầm quyền để người dân không đủ gạo ăn giáp hạt. Hai ngày qua bé Ca-len không đến nông trường. Sáng nay, bé lại xuất hiện trong đám trẻ con dân tộc. Khuôn mặt u buồn của bé hôm nay lại càng buồn hơn. Cuối ngày, bé là người giao sản phẩm trễ nhất. (còn tiếp)
|