Mẹ và tôi |
Tác Giả: Saigon Echo sưu tầm | ||||
Thứ Sáu, 14 Tháng 10 Năm 2011 05:48 | ||||
Mẹ tôi không muốn di cư sang Mỹ ở tuổi sáu mươi. “Già rồi, sang bên ấy chỉ ăn bám vợ chồng chúng mày!”. Bà nói khăng khăng như thế nhưng con gái xuống nước năn nỉ ỉ ôi, bà lại xiêu lòng. Ờ, nó nói cũng phải, mình qua bên ấy giữ cháu ngoại cũng vui, lại đỡ nhớ, khỏi phải chờ mong. Mình ở đây nó phải gửi tiền về cấp dưỡng, tốn kém lắm chớ chẳng không!” Dì tôi cười, nói như lẩy: “Nợ đòi rồi đấy, cứ sang mà trả cho xong!” Nghe mẹ kể lại lời dì, tôi cảm thấy hơi áy náy. Quả thật tôi cần mẹ không chỉ thuần túy vì tình cảm. Tôi cầu cứu bà sang để chăn bầy cháu bốn đứa. Dạo này buôn bán ế ẩm, tôi không kham nỗi tiền giữ trẻ, cũng không thể tiếp tế đều đặn cho mẹ nên rước bà qua là nhứt cử lưỡng tiện… Căn nhà ba phòng của vợ chồng tôi, bề ngoài trông cũng khang trang với cây cảnh chung quanh và cửa garage tự động nhưng thật ra chỉ rộng 1100 sf. Trừ phòng ngủ chánh tương đối rộng rãi, hai phòng còn lại vuông vức, nhỏ xíu xiu. Đất ở San Francisco là đất vàng. Căn nhà cũ kỷ năm mươi tuổi này trị giá chừng sáu chục ngàn nhưng lô đất 4000 sf của nó giá hơn bốn trăm, dù là nằm ở vùng ngoại ô xa tít. Thành ra cứ rán giữ, rán nắm dù mệt muốn hụt hơi. Cửa tiệm fast food bán cho nhân viên các hãng xưởng gần đây cũng theo đà lay-off mà đi xuống. Đến đầu tháng là chúng tôi điên đầu với đủ thứ tiền phải thanh toán. Tư trang sắm từ những năm phồn thịnh buôn may bán đắt lặng lẽ nuối đuôi nhau đi hết, vào nằm im nơi các tiệm cầm đồ. Chúng tôi không hề nghĩ đến giải pháp bán nhà vì đó là gia tài duy nhất, cũng là mối kinh doanh không sợ lỗ vốn; vả lại bây giờ đi mướn một apartment tồi tàn đủ chỗ chứa sáu người, giá thuê hàng tháng còn mắc hơn số tiền trả góp nhà. Trong tình thế kiệt quệ này, nếu có mẹ tôi lo cho tụi nhỏ, đưa đón đi học, quán xuyến việc nhà, tôi sẽ rảnh rang hơn để đi làm thêm lặt vặt buổi sáng, trưa về phụ tiệm ăn với chồng tôi. Buổi tối chúng tôi sẽ đi clean các tiệm ăn, chợ búa. Chịu khó một thời gian hi vọng kinh tế sẽ phục hồi trở lại. Mọi người đã hăm hở đón chào thiên niên kỷ mới, ai ngờ nó bắt đầu bằng sự xuống dốc! Mẹ sang Mỹ vào mùa Thu. Trời khá lạnh đối với mẹ vì chưa quen nhưng màu xanh của biển trời đã thu hút mẹ. Lũ cháu xúm xít lấy bà vì ngày thường không ai gần gũi chúng cả. Chúng xổ tiếng Anh líu lo, thậm chí cô bé út mới bốn tuổi cũng không rành tiếng Việt. Bà cười dễ dãi: “Sẽ có cuộc trao đổi nhé! Bà dạy các cháu nói tiếng Việt, các cháu dạy cho bà nói tiếng Anh.” Thấy mẹ vui, tôi an lòng. Thế là bên cạnh cái giường hai tầng của hai cô bé gái là tấm nệm của bà ngoại. Ban đêm, ba bà cháu nói chuyện rì rầm; có khi hai cậu trai cũng gõ cửa xin vào để được hưởng không khí đầm ầm bên bà ngoại rất hiền và rất vui. Mẹ như bà tiên có chiếc đũa thần đã biến căn nhà bừa bãi đầy phiền muộn của chúng tôi thành một tổ ấm ngăn nấp, sạch sẽ và đầy tiếng cười. Trước kia, chúng tôi chỉ dùng những thức ăn ế ẩm từ cửa hàng, lắm khi nuốt chẳng trôi. Mẹ bảo cứ bỏ thịt bỏ rau vào tủ lạnh cho bà. Thế là mỗi chiều về gia đình tôi được quây quần chung quanh bàn ăn có cơm canh nóng hổi, hương vị ngọt ngào. Chỉ sau và tháng, các con tôi khỏe mạnh ra, lễ phép ra và biết phụ giúp công việc lặt vặt trong nhà. Hai cậu con trai lớn, bà phân công lo vườn tược cây kiểng: “Thằng Hùng mười hai tuổi, lớn rồi, lo chăm sóc các cây lớn, tỉa lá, bón phận, Hậu cũng mười tuổi rồi, thay vì ôm máy chơi game, có thể phụ anh quét sân, tưới nước.” Bà hiền lành nhưng nói gì các cháu cũng nghe. Chúng không còn là những đứa bé “vô tích sự” như thuở trước. Thật ra chúng không đến nỗi tệ nhưng vợ chồng tôi quần quật với công ăn việc làm, không có thì giờ dạy dỗ, chỉ vẽ. Bảo làm chuyện gì, chúng thực hiện qua loa lấy có, rầy mãi phát mệt thành ra không thèm sai biểu nữa, tự mình làm chóng xong mà vừa ý hơn. Con Hoa hãnh diện khoe với mẹ: “Bà dạy con nấu cơm. Con biết lặt rau, rửa chén, lại biết tráng trứng nữa cơ!” Tôi hôn con, thầm cám ơn mẹ đã cho gia đình tôi cơ hội để sống có hạnh phúc thay vì cứ mãi rầy rà, cãi vả, gây ó nhau trong một căn nhà bề bộn, dơ bẩn. Mẹ vốn là một Phật tử thuần thành. Thỉnh thoảng bà giảng dạy cho tôi về đạo lý: “Hạnh phúc không phải là món quà từ đâu đến, không phải tự nhiên mà có, cũng chẳng thể do phúc đức mà được. Mình phải biết cách sống, biết cách hợp tác xây dựng thì mới có hạnh phúc.” Thuở ấy, đầu óc tôi quá dầy đặc với những con số để có thể hiểu lời mẹ khuyên, vả lại cũng không có thì giờ… Thôi thì để mẹ lo giùm. Mỗi chiều về nhìn các con ngoan, được ăn bữa cơm tối ngon, đối với tôi đã là đủ rồi. Tôi bận rộn với nợ nần đến nỗi không mấy khi chú ý đến tâm tình của mẹ. Bây giờ kiểm điểm lại mới nhớ rằng tôi ít hỏi thăm về sự buồn vui của bà. Thay đổi môi trường sống, bà bỏ lại sau lưng biết bao nhiêu thứ: chị em, họ hàng, lối xóm, sư ông, bằng hữu… Đôi khi, mắt mẹ thoáng buồn. Tôi chỉ hỏi qua loa: “Mẹ có mệt không?” Chao ôi, rõ tệ, miệng hỏi mà lòng vái thầm: “Mẹ đừng ngã bệnh, khổ con!” Là con một nên cách suy nghĩ của tôi thường ích kỷ như thế. Cái gì cũng qui về mình, cho mình thôi! Thắm thoát, mẹ ở với chúng tôi đã được một năm rồi. Gia đình thì ổn thỏa nhưng tình trạng tài chánh càng ngày càng bết bát mặc dù vợ chồng tôi bỏ sức lao động gấp đôi. Giao kèo mướn cửa tiệm sắp hết hạn mà chẳng tìm được người sang lại. Không ký thêm thì mất tiệm, mất luôn năm mươi ngàn bỏ ra sang tiệm trước kia, nhưng tiếp tục thì ngày càng thua lỗ, chẳng kham được nữa. Chuyện gì đến, phải đến. Tháng sau đó, vợ chồng tôi lủi thủi dọn đồ về trả lại cửa hàng cho người ta sau mười năm làm chủ. Bây giờ hóa ra là kẻ làm công, lại làm những nghề linh tinh quét dọn. Tủi thân mà tức số phận mình. Mẹ an ủi: “Thôi, như thế đỡ lo con ạ. Tinh thần căng thẳng quá có khi phát dại, hóa cuồng! Trong cái dở có cái hay là thế!” Chúng tôi lợi dụng thời gian tương đối rảnh rang này để sửa chữa căn nhà hư dột. Anh Thắng chịu khó và khéo tay nên cái gì cũng tự làm được, đỡ tốn tiền mướn thợ. Một hôm anh leo lên mái nhà để lợp lại mấy miếng ngói bể. Sơ ý thế nào chẳng rõ, anh trợt chân té xuống bất tỉnh. Chỉ có mình mẹ ở nhà! Bà bình tĩnh gọi 911, vắn tắt vài câu tiếng Anh: “He falls down from the roof. He stops breathing!” Và rành rọt đọc địa chỉ, số phone nhà cho họ. Ai ngờ bà âm thầm học chữ Anh mau đến thế! Bà đã cứu mạng chồng tôi! Thắng bị gãy chân và dập ống quyển. Phải nằm tại chỗ từ năm đến sáu tháng. Tình cảnh này đưa mẹ tôi vào môi trường mới. Bà tự nguyện thế chỗ cho chồng tôi để quét dọn, lau chùi các cửa tiệm hầu phụ giúp tôi về tài chánh. Mẹ hăng hái trong công việc. Tôi đoán rằng ở nhà mãi mẹ cũng buồn, nay được ra ngoài bà cảm thấy vui hơn. Bà có những người bạn mới: cô thâu ngân vui tính, bà lão phụ trách hàng rau cải, chú “Thoòng” chuyên khuân vác. Mẹ hòa mình với họ, với cuộc sống của những người lao động tay chân. Đâu ai biết rằng trước 1975, mẹ là giáo sự dạy Pháp văn tại một trường công lập lớn ở Sài Gòn. Các con tôi biết hoàn cảnh bi đát của gia đình nên mỗi đứa một tay, cùng nhau lo chuyện nhà. Mẹ tôi hài lòng thấy các cháu tự ý thức được trách nhiệm, biết thương mẹ thương cha. Ngày anh Thắng trở lại công việc, tôi xin mẹ ở nhà nghỉ ngơi. Mẹ nói: “Con ơi, ra ngoài cũng vui, lại kiếm được đồng tiền. Từ ngày đi Mỹ đến nay đã gần hai năm, mẹ chưa gửi tiền về giúp các em, các cháu bên ấy. Tụi nó nghèo lắm mà chẳng có cách kiếm ra tiền cho kịp đà leo thang của vật giá. Bên này kiếm tiền dễ hơn. Có tiền, mẹ lại có phương tiện cúng dường, bố thí…” Tôi im lặng nghẹn ngào, chợt nhớ rằng mẹ chưa hề hỏi tôi một đồng xu nào và tôi quên bẵng rằng mẹ cũng có nhu cầu tiêu xài. Trên thế gian này, không có nhân viên nào làm việc cật lực mà không đòi hỏi thù lao như thế! Vô tình, tôi đã “đòi nợ” mẹ tôi một cách tận tình. Dì tôi cũng có lý khi bà mỉa mai tôi. Trong lúc tôi đăm chiêu, mẹ nhẹ nhàng tiếp: “Mẹ đã xin được chân rửa chén trong nhà hàng. Rửa bằng máy chả cực nhọc gì!” “Trời đất ơi, rửa chén, cần sức lực của người đàn ông Mễ mới kham nỗi. Nồi niêu soon chảo to như cột đình, nặng như búa tạ, làm sao mẹ nhấc cho nổi!” Tôi xuống giọng tiếp: “Mẹ nhìn lại mẹ xem. Tay mẹ gầy yếu, lưng mẹ đã cong, bước đi không còn nhanh nhẹn. Dù họ cần người, mướn tạm, vài hôm cũng cho nghỉ việc thôi!” Bây giờ tôi mới có dịp nhìn kỹ mẹ. Bà già thật rồi, cái già đến nhanh quá. So với hồi mới qua, bà như tăng thêm năm, bảy tuổi. Mẹ tôi cúi đầu xuống thấp. Hình như bà cố giấu giọt lệ vừa ứa ra. Tôi nhẹ nâng cầm mẹ lên và nhìn sâu vào đôi cửa sổ tâm hồn ấy. Trời ơi, mắt mẹ đã kéo mây! Đôi mắt bồ câu đen láy ngày nào từng làm điên đảo các chàng trai cùng trang lứa, cột chân ba tôi vào tổ ấm gia đình, giờ đã một phần ngả màu đục lờ như nước gạo vo. Tóc mẹ trắng bơ phờ, đuôi mắt nhăn như rẻ quạt, vầng trán sạm đen vết đồi mồi… Tôi mủi lòng xót xa. Hai mẹ con ôm nhau, nước mắt người này thấm ướt vai áo người kia. Tôi nhỏ nhẹ: “Con không dám trái ý mẹ, nhưng mẹ rán chờ. Con hứa sẽ tìm công việc nhẹ nhàng hợp với mẹ hơn, mẹ nhé! Vong hồn ba mà biết mẹ cực khổ thế này chắc khó siêu.” Trời cũng thương tình. Đâu chừng một tháng sau thì bà lão làm rau cải xin nghỉ việc về hưu. Mẹ tôi trở thành “bà cụ hàng rau”. Danh xưng và chức vụ gắn liền với mẹ tôi từ đấy. Vậy mà bà vui. Mỗi tháng bà lãnh được hơn ngàn bạc. Phân nửa số tiền, bà gửi về Việt Nam: phần cúng dường, phần bố thí, phần giúp đỡ các em, các cháu. Số còn lại, bà dành dụm mấy kỳ lương, đưa tôi hơn ngàn bạc. “Mẹ thấy người ta dựng phòng trong garage cũng tiện lắm. Nếu chồng con không phiền, con lấy tiền này nhờ nó mua vật liệu, che tạm cho mẹ một căn phòng nhỏ. Con Hoa, con út bắt đầu lớn, tụi nó cần sự riêng tư. Mẹ cũng vậy, có phòng riêng mẹ sẽ dựng kệ thờ Phật, mỗi ngày mẹ có thể lễ bái, tụng kinh, niệm Phật…” Chồng tôi nghe kể lại, vui vẻ đáp: “Chuyện nhỏ! Mẹ muốn gì anh cũng xin vâng, nói chi việc ấy!” Từ đấy, mẹ lộ vẻ hoan hỉ lắm. Sáng tối hai thời, ít khi nào bà bỏ lỡ công phu. Bà như một người đạt được mục tiêu cho đời mình, không có gì để ưu tư, khắc khoải. Mùa Đông năm ấy, thời tiết hơi khác thường. Ban ngày ấm áp xen kẽ với những đêm buốt giá mà nhiệt độ đôi khi hạ thấp đến không ngờ. Vợ chồng tôi mời mẹ tạm trở về phòng cũ vài ba tháng, ngoài garage lạnh quá dễ sinh bịnh. Mẹ nói: “Ở chỗ này quen rồi, dời đi khó ngủ.” “Mẹ nhớ vặn sưởi cho đủ ấm nhé!” “Ờ, tao biết mà!” Ngờ đâu mẹ đã không qua khỏi mùa Đông! Buổi sáng chẳng thấy mẹ dậy sửa soạn để đi làm, tôi bảo “đứa nào ra đánh thức bà dậy, nhanh lên kẻo trễ!” Con Hoa quấn mền đẩy cửa bước ra garage miệng kêu léo nhéo. “Ngoại ơi, ngoại à…” Không có tiếng trả lời… Nó bật đèn, tiến đến cạnh giường: ngoại quấn hai cái mền kín mít, nằm im ỉm. Nó lắc chân ngoại, bà chẳng đáp. Nó lôi cái mền xuống: mặt bà xám xịt, lạnh ngắt, đôi mắt khép hờ… “Mẹ ơi, mẹ! sao kỳ vầy nè!” Cả nhà đổ xô ra. Chồng tôi đạo Chúa, vội làm dấu thánh giá… Tôi xỉu ngay tại chỗ khi loáng thoáng nghe thằng Hùng la lên: “Sao bà không mở sưởi?” Cuộc điều tra của cảnh sát quấy rầy chúng tôi một thời gian, cuối cùng họ kết luận: “Bà cụ không thường mở sưởi; cái máy mua hai tháng về trước còn mới tinh chưa hề được sử dụng!” Tôi như người mất hồn trong đám tang của mẹ. Sự hối hận như lưỡi dao có răng, nó cưa xé lòng tôi. Trái tim tôi cơ hồ rỏ máu thành những giọt lệ hồng. Bạn bè khuyên tôi nên đến chùa xin cúng thất, thiết lễ cầu siêu cho bà. Tôi chẳng thể nói năng chi cùng vị sư ở chùa, chỉ biết dập đầu lạy cầu cứu với đôi mắt sưng húp. Chồng tôi bình tĩnh hơn, anh buồn bã kể đầu đuôi tự sự. Câu chuyện khiến thầy thương tâm, thầy thường an ủi, khuyên giải sau những thời lễ cúng. Khi thấy tôi bắt đầu trở lại bình thường, thầy dành cho gia đình chúng tôi một thời pháp thoại. Thầy giảng về lý vô thường, khổ, không. Các con tôi tỏ ra thích thú với sự thật giản dị và sâu sắc này, chúng đòi được học giáo lý đạo Phật thay vì đi nhà thờ với ba. Riêng tôi, tôi nhớ mãi câu kết luận của thầy trong buổi nói chuyện ấy: “Con người ta sở dĩ đau khổ triền miên là tại mình muốn nắm giữ! Cái gì cũng khư khư ôm chặt. Làm sao giữ mãi được vì bản chất của chúng là vô thường, là không. Hãy buông bỏ hết đi, chừng nào bỏ được, chừng ấy mới có chân hạnh phúc!” Phải rồi, nếu chúng tôi không bám chặt vào căn nhà thì mẹ tôi đã không phải vất vả đến thế, không đến nỗi chết cóng ngoài garage. Và gia đình tôi không lụy đến mức này. Tôi thỏ thẻ bàn với chồng: “Anh à, căn nhà này mình không giữ nỗi thì bán nó đi. Em tính rồi, sau khi thanh toán hết nợ nần mình cũng còn vài trăm ngàn. Dọn sang Texas, nhà cửa rẻ hơn, mình có thể tậu căn khác hoặc là giữ làm vốn, tính chuyện làm ăn…”Ờ nhỉ, hồi đó sao mình ngu quá, cứ ôm lấy nó mà cắm cổ đi cày trả nợ. Liệu giữ không được thì sớm buông đi… Nhờ ông thầy giảng dạy, mình mới sáng mắt ra!” Sau khi dọn sang Texas, trước khi bắt tay vào công ăn việc làm, tôi đến quì dưới chân sư ông kể lể hết sự tình, xin sám hối thì lòng tôi mới có thể yên. Sư ông trầm ngâm và yên lặng nghe tôi vừa khóc rấm rức vừa kể về mẹ tôi, đệ tử mà người rất quí mến. Sư ông không hề cắt ngang bằng những câu hỏi. Người không phê phán gì, chỉ để yên cho tôi khóc, khóc oà vỡ như cái đập nước bị ngăn chận, nay có người tháo ra… Mãi một lúc lâu lắm sau đó, sư ông mới dạy: “Người mẹ nào cũng có trái tim Bồ Tát. Mẹ con hành Bồ Tát đạo ngay trong gia đình trước khi mở rộng ra trong cuộc sống với mọi người. Con hãy hảnh diện có bà mẹ như thế! Con sẽ không cảm thấy hối hận ray rứt nữa nếu con biết đi theo hướng đi của mẹ con, biết xả bỏ cái tôi vị kỷ để lo cho người chung quanh.” Tôi sụp xuống đảnh lễ người đã chỉ cho tôi tháo mở cái gút dây kết mối ân hận trong tôi. Tôi trở về Texas với sự bình yên và tâm nguyện cao cả… Nhưng khi mùa Vu Lan về, cầm hoa trắng trên tay, tôi không thể ngăn được những giọt lệ hồng phát xuất từ trái tim tôi… Than ôi! Khi tôi biết nghĩ tới mẹ, biết giá trị của trái tim bồ tát, biết thương mẹ thì bà đã không còn nữa trên đời…
|