Home Văn Học TRUYỆN NGẮN Các Tác Giả Lá thư đến từ Bangkok

Lá thư đến từ Bangkok PDF Print E-mail
Tác Giả: Nguyễn Thị Thanh Dương   
Thứ Ba, 07 Tháng 2 Năm 2012 07:53

Dù đã định cư ở Mỹ 16 năm, nhưng hình ảnh trại tị nạn Thái Lan vẫn còn rõ ràng trong tôi, một khỏang đời đáng nhớ...

Tiếng nói bên kia đầu dây điện thoại xa lạ, làm cho tôi ngỡ ngàng:

- Xin lỗi, chị là ai nhỉ?

- Chị Nhuận đây, Nhuận Ngã Ba Ông Tạ đây, xưa ở cùng trại tị nạn Thái Lan với em, nhớ ra chưa?
Tôi thảng thốt reo lên:

- Trời ơi, bây giờ thì em nhận ra giọng nói Bắc Kỳ di cư 54 của chị rồi, bao nhiêu năm xa cách chứ ít gì!

- Chính xác là 16 năm. Thật khủng khiếp, bước chân thời gian quá dài.

Hai người ríu rít kể và hỏi thăm cuộc đời nhau cũng như của những bạn bè cùng ở trại tị nạn trước kia. Tôi rời khỏi trại tị nạn Thái Lan sang Mỹ định cư ngày 8 tháng 12 năm 1993, chị Nhuận đậu thanh lọc và qua Mỹ sau tôi một năm. Người phỏng vấn chị là một anh luật sư trẻ đã kín đáo thiết tha nhờ chị một chuyện là sang Mỹ tìm hỏi tin tức, địa chỉ của tôi để cho anh liên lạc. Anh tên Piyawat.

Thuở đó, tôi là một cô gái xinh xắn, làm việc ở bưu điện trong trại tị nạn, và sau này tôi làm cho văn phòng cao ủy định cư, nên có thể nói vào thời điểm đó không người tị nạn nào mà không biết mặt, biết tên tôi. Anh Piyawat nói về tôi là chị Nhuận nhận ra ngay, chị đồng ý và hứa sẽ giúp anh với tất cả nhiệt tình, để trả ơn anh đã giúp chị đậu thanh lọc dễ dàng, là một giấc mơ vĩ đại cho những con người vượt biên cuối mùa, đang đối diện với bức tường thanh lọc khó khăn, đang sống khắc khoải từng ngày chờ đợi tin vui mong được đi định cư ở nước thứ ba.

Qua Mỹ, chị Nhuận có ý tìm tin tức của tôi nhưng không ai hay biết. Tình cờ mới đây, chị Nhuận nghe từ một người bạn và biết địa chỉ của tôi, chị liền báo tin cho Piyawat, anh rất vui mừng và sẽ gởi một lá thư cho tôi, chẳng biết để nói chuyện gì mà anh đã theo đuổi bao nhiêu năm qua.

Tôi vượt biên bằng đường bộ, cuối năm 1989, từ Việt Nam sang Campuchia và từ biên giới Campuchia đi một đoạn biển mất một ngày là sang tới biên giới Thái Lan, chỉ một đoạn biển tưởng chừng ngắn ngủi và đơn giản thế mà cũng suýt chết thảm thương.

Người tổ chức vượt biên thuê thuyền chở chúng tôi gồm 41 người từ bờ biển Campuchia sang phía Thái Lan, nhưng họ không dám đến gần đất Thái, sợ bị bắt, chỉ đổ bộ trên một hòn đảo san hô nhỏ bé, vừa đủ cho cả đám đứng chen chúc bên nhau, cách rất xa bờ đất Thái, lúc ấy khỏang 7 giờ chiều. Họ thúc đẩy chúng tôi rời thuyền thật nhanh và vội vàng quay trở về Campuchia. Thế là họ phủi tay, xong trách nhiệm, chúng tôi phải lo liệu mà vào bờ, bằng cách nào tùy ý. Thật là hoang mang và hãi hùng, người thì khóc, người thì nguyền rủa bọn tổ chức vượt biên vô lương tâm. Trời càng tối thuỷ triều càng lên cao, nước phủ ngập đảo, rồi lên dần tới đầu gối chúng tôi, cứ cái đà thủy triều lên này chúng tôi sẽ bị chết chìm tập thể ở đây mà không ai hay biết. Hai thanh niên tình nguyện lội thử xuống nước để về phía bờ biển Thái mờ xa đằng kia, nhưng đi được vài bước thì hụt hẫng vì biển sâu, không thể đi được. Đúng lúc ấy, tôi mới nhớ ra mình có mang theo một cái phao, thế là mấy thanh niên to, khỏe, hì hục thổi phao cho căng phồng lên và một anh tình nguyện ôm phao bơi vào bờ cầu cứu.

Một giờ sau đã có hai chiếc thuyền tam bản của người Thái ra đảo san hô, nhưng họ đòi ai có tiền, vàng thì mới được lên thuyền. Thế là ai có vàng bạc dấu kỹ cũng mau chóng mang ra để đổi lấy sự sống. Thuyền của họ đưa chúng tôi cặp sát vào bờ, chúng tôi bước qua bãi biển sình lầy thật khó khăn, vất vả, có người lên tới bờ rồi là nằm vật xuống ngất xỉu, nhưng cuối cùng mọi người đều an toàn .

Hôm sau cảnh sát Thái Lan đưa về tạm cư trong khu gia binh của họ trước khi giao nộp chúng tôi cho cao ủy tị nạn.

Trại gia binh cảnh sát nằm trên đầu con đường dốc, làng Tha Luông, thị trấn Chad thuộc vùng biển nên khí hậu mát mẻ, ấm áp. Sau những ngày ngủ bờ bụi tại Campuchia, sau chuyến vượt biển đối diện với tử thần, những ngày sống ở đây đã cho tôi một cảm gíac an lành dù tôi biết còn bao nhiêu chông gai, khó khăn phía trước vì đã nghe tin thời gian này Thái Lan sẽ thanh lọc những thuyền nhân trước khi cho phép gặp các nước thứ ba đi định cư.

Chúng tôi không ai còn một đồng xu dính túi. Hàng ngày tôi và một hai người bạn thường lân la làm quen với một vợ lính cảnh sát, nơi ngôi nhà chúng tôi ngủ nhờ mái hiên sau, tôi sẵn sàng làm giúp việc nhà cho chị ta như giặt giũ quần áo, để được chị thương tình cho mấy gói mì ăn tạm những lúc đói lòng. Giữa cảnh đời bấp bênh, tôi thèm thuồng nhìn cảnh sống đời thường êm đềm của chị, có một mái nhà, có đứa con nhỏ để chăm lo và có người chồng trở về nhà sau một ngày làm việc.

Mỗi sáng sớm thức dậy, tôi hay đứng trong hàng rào bên hông trại và nhìn xuống cuối con đường dốc phía dưới, thấy xa xa căn nhà bán hàng tạp hóa mà có lần tôi đã xin phép trưởng trại ra đó mua đồ bằng những đồng tiền ít ỏi của vợ anh cảnh sát trả công cho tôi, ngôi nhà chìm trong làn sương mờ, êm đềm như trong cổ tích. Tôi thấy vài phụ nữ Thái đi ngược lên đồi, chờ xe lam lên thị trấn, và những em học sinh, nữ mặc đầm xanh, nam mặc quần xanh, áo trắng, lên đầu dốc, gần trại, đợi xe bus chở đến trường. Những hình ảnh bình thường ấy đã xâm chiếm tâm hồn tôi, nỗi nhớ quê hương, nhớ nhà và cuộc sống đã qua.

Ba tuần sau chúng tôi rời thị trấn Chad, chính thức về sống ở trại tị nạn Panat Nikhom. Sống ở đây thì tôi đã hiểu sự thật phũ phàng, tất cả thuyền nhân phải qua cuộc phỏng vấn thanh lọc đầy khó khăn. Thế là mỗi người phải tìm những chứng cớ để chứng minh đã bị chính quyền cộng sản trả thù hay vì lý do đoàn tụ gia đình, để mong đậu thanh lọc.

Tôi xuất thân là nữ sinh trung học, học giỏi nhưng không đậu đại học chỉ vì tôi chưa được kết nạp vào đoàn viên. Lý do cha tôi làm việc trong chính quyền chế độ cũ, và có hai người anh “phản động” đi vượt biên. Buồn, chán và khóc rất nhiều vì thi rớt đại học một cách bất công trong khi tôi biết chắc bài làm của tôi đều khá, nên tôi muốn đi vượt biên để tìm cuộc sống tự do dân chủ và phát huy khả năng thật sự của mình. Nhưng lý do ấy không đủ mạnh để tôi có thể vượt qua cuộc phỏng vấn, những bạn bè quanh tôi, những người anh, người chú lớn tuổi và kinh nghiệm hơn tôi, đều khuyên tôi nên khai cho mình một “hoàn cảnh” đáng thương là đi vượt biên để “đoàn tụ” với chồng, vì những lý do tình cảm vợ chồng là nhân đạo được ưu tiên hàng đầu, dễ đậu thanh lọc nhất.

Tôi liên lạc với các anh tôi bên Mỹ, họ đã gấp rút tìm cho tôi một người hùng tình nguyện giúp đỡ, đứng ra nhận là chồng tôi, và không đòi lại một điều kiện nào cả. Thế là hồi mới đến trại, tôi khai độc thân, bây giờ tôi lên gặp người có thẩm quyền để xin mẫu đơn về …khai lại đã có chồng. Những chuyện vô lý, vô duyên như thế xảy ra khá nhiều ở trại, ai không có lý do chính trị vững vàng thì cứ sáng tác ra chuyện tình dang dở để hi vọng được người phỏng vấn “xót thương”.

Ngày tôi mới về Panat Nikhom, có anh Thái đen to con đẹp trai tên Tha Nu, là nhân viên thuộc bộ nội vụ Thái trong trại, theo tôi sát nút, khi tôi được làm ở bưu điện, ngày nào anh cũng lái xe Honda qua đó tìm tôi, hôm nào không trốn kịp thì tôi đành phải mỉm cười và chào hỏi anh vài câu, hôm nào được các bạn cùng làm “báo động” khi thấy bóng dáng Tha Nu hay nghe tiếng xe gắn máy của anh từ xa, là tôi đã chui xuống gầm bàn để trốn, và ai đó đã trả lời anh là tôi không có mặt ở đây. Nhưng chính anh, chính là anh Tha Nu đã giúp tôi điền lại cái form khai đã có chồng và còn góp ý thêm điều này bớt điều kia. Làm việc trong chính quyền Thái và gần gũi với đám tị nạn hàng ngày nên Tha Nu thừa hiểu những gì cần thiết phải khai để đạt hiệu quả cao nhất khi đi phỏng vấn .

Năm 1991 những người tị nạn ở Thái Lan đã biểu tình phản đối phái đoàn phỏng vấn khó khăn, bất công, đánh rớt nhiều người, nên chúng tôi được chuyển lên Sekiew và những người phỏng vấn cũ được thay bằng những sinh viên luật trẻ trung hơn đến từ Bangkok.

Ngày tiễn tôi đi Sekiew, anh Tha Nu cầu chúc cho tôi đậu thanh lọc, vì những người đậu thanh lọc sẽ trở về Panat Nikhom, đợi chờ các nước phương tây phỏng vấn, và như thế anh sẽ được gặp tôi lần nữa. Tôi đã thật sự cảm động, nước mắt rưng rưng trước tấm lòng của anh đối với tôi, dù tôi vẫn không hề yêu anh.
Ở Sekiew, tôi đã gặp Piyawat, người Thái bảo rằng cái tên này vừa đẹp vừa sang như con người anh. Đám phụ nữ tị nạn chúng tôi ai cũng ao ước được lọt vào bàn phỏng vấn của anh, vì người ta đồn rằng anh thương người và tử tế, không như những nhân viên Thái khác, hống hách, lạm dụng chức quyền hà hiếp thô bỉ những người Việt Nam tị nạn như cá nằm trên thớt, họ muốn làm gì thì làm. Tôi may mắn đạt được điều ước ấy.
Anh thật xứng đáng với lời đồn, Piyawat là một người Thái trắng cao, khuôn mặt vuông, đôi mắt dài đẹp vẻ hiền lành và nụ cười dễ mến. Anh lịch sự mời tôi ngồi và rót trà cho tôi uống trong khi anh mở đống giấy tờ hồ sơ dầy cộm của tôi ra đọc, hình như anh hơi mỉm cười có vẻ chế nhạo hơn là hạch họe khi ngẩng lên hỏi tôi:

- Tại sao khi mới nhập trại cô khai độc thân, sau lại khai có chồng, vì yêu chồng nên phải vượt biên, sang Mỹ để đoàn tụ? Cô thật là mâu thuẫn.

Đã học thuộc bài bản từ trước nên tôi không bối rối:

- Vì ban đầu tôi hoang mang, lo sợ nên khai đại, sau khi đã bình tâm tôi quyết khai đúng sự thật..

Anh vẫn giữ nụ cười đầy cảm tình đó và đọc tiếp hồ sơ, sau đó anh hỏi tôi nhiều câu, câu nào tôi cũng trả lời suông xẻ. Nhưng cuối cùng là một câu thật bất ngờ, khi anh gấp đống hồ sơ lại và nhìn đăm đăm vào đôi mắt tôi:

- Nếu bây giờ tôi nói rằng tôi yêu cô, sẽ cưới cô. Vậy cô có muốn về Bangkok sống với tôi không?

Tôi sững sờ nhìn anh, không biết trong ánh mắt hiền lành tình tứ ấy đâu là sự thật? có thể anh đùa vui? có thể anh đang thử lòng tôi? có vì vẻ đẹp trai và nghề nghiệp tương lai tươi sáng của anh mà xiêu lòng chấp nhận? tức là chối bỏ mọi lời khai tha thiết vừa rồi Và anh ta sẽ biết ngay là tôi ngụy tạo hồ sơ và đánh rớt không thương tiếc.

Tôi không phủ nhận đã rung động vì vẻ đẹp trai và phong cách của anh, nhưng cái tình cảm vừa hé nhụy mong manh ấy không biến tôi thành một cô gái đa tình ủy mị ngay được. Tôi nghiêm nét mặt, cứng rắn đáp:

- Tôi xin lỗi, tôi không thể. Tôi luôn mong muốn được đoàn tụ với chồng tôi.

Anh lẳng lặng đẩy tập hồ sơ qua một bên, và hẹn buổi chiều phỏng vấn tiếp.

Buổi chiều tôi đến sớm hơn giờ hẹn một chút, vì chẳng ai muốn đến trễ, làm mất thì giờ của người phỏng vấn, chỉ gây thêm ác cảm, bất lợi cho mình.

Trong văn phòng của anh lúc đó có hai người bạn cũng là sinh viên về đây làm công việc phỏng vấn, khi tôi ngồi xuống ghế đối diện Piyawat, hai người bạn vẫn chưa chịu ra khỏi phòng, một người mở tập hồ sơ của tôi ra và cũng như anh Piyawat buổi sáng, anh này nhìn tôi mỉm cười với vẻ nghi ngờ:

- Cô đã có chồng rồi à? Mà chồng cô lại nhỏ hơn cô những ba tuổi.

- Vâng, nhưng chúng tôi yêu nhau không kể gì tuổi tác.

May quá anh này không hỏi gì thêm nữa, như câu hỏi rất có lý vừa rồi của anh, có thể làm tôi bối rối, trở tay không kịp, vì đã đến giờ làm việc, phải trở về phòng của họ. Anh Piyawat tiếp tục phỏng vấn tôi, và một lần nữa câu cuối cùng của anh cũng bất ngờ như buổi sáng:

- Cô đã suy nghĩ chưa? Nếu quả thật có một tình yêu của người chồng dành cho cô, thì tôi cũng có một tình yêu bằng hay hơn thế, chứ không thể nào thua kém anh ta. Cô hãy về Bangkok với tôi đi !

Trong đầu tôi nghĩ đến ngày đoàn tụ với các anh tôi ở Mỹ, tôi không thể đánh một ván bài liều với một người xa lạ, mới gặp tôi lần đầu đã nói yêu tôi đến thế. Cái hồ sơ gia cảnh dở dang mong đoàn tụ với chồng, tôi đã tốn bao nhiêu công lao soạn ra cho hợp lý, ăn khớp với mọi tình huống và học thuộc lòng, không thể chỉ vài phút giây yếu lòng mà buông rơi tất cả.

Trong cuộc phỏng vấn sống còn này, trong trại tị nạn buồn chán mà tư cách của con người dễ bị chà đạp này, tôi cũng như bao nhiêu người khác mong thoát ra càng sớm càng tốt. Đây không phải là nơi chốn cho tôi mơ mộng , tôi đã nghĩ thầm “ Anh Piyawat ơi, nếu anh yêu tôi thật, nếu anh đang nói những lời thật của con tim, thì tôi vô cùng xin lỗi anh, chúng ta đã gặp nhau không đúng chỗ, không đúng lúc rồi”.

- Cô trả lời tôi đi, tôi xin cô !

Bây giờ người cầu xin van nài không phải là tôi, là cô gái tị nạn mà cuộc đời tôi vui hay buồn, chờ trông vào tấm lòng của người phỏng vấn này, mà lại là anh. Tôi cắn môi dưới của tôi gần rướm máu để thốt lên được mấy chữ:

- Không, tôi chỉ muốn đoàn tụ với chồng tôi.

Anh thẫn thờ kết thúc cuộc phỏng vấn buổi chiều và khi tôi chào anh ra về, anh bắt tay tôi thay cho lời nói, bàn tay anh đã bóp chặt tay tôi như muốn níu giữ tôi mãi mãi…

Cuối tuần ấy, cũng là ngày lễ gì đó của người Thái, nên trong trại có tổ chức một trận bóng đá, toàn là nhân viên trong trại, Piyawat là một thành viên trong đội bóng đá, người ta mở hàng rào ngăn trại, nơi đám tị nạn chúng tôi đang ở, để thông thương sang bên khu sân bóng.

Đời tị nạn buồn, rảnh rang, nên trò chơi gì cũng khiến chúng tôi tò mò và vui lây, nhất là nghe tin có Piyawat tham dự đá bóng, những cô gái đã từng được anh phỏng vấn, đang đợi chờ kết qủa, đua nhau ăn diện để sang bên đó, họ lượn quanh sân, tìm cách tiếp cận Piyawat, để mỉm cười với anh và nhắc nhở anh, hỏi anh về trường hợp của mình, anh nắm hồ sơ chúng tôi trong tay như nắm quyền sinh sát, nếu muốn, anh chỉ việc mở hồ sơ ra xét lại, viết cho lời nhận xét hay ho trước khi những hồ sơ được gởi đi Bangkok cho cấp trên . Hầu như mọi quyết định ở đấy đều tùy thuộc vào lời nhận xét của người phỏng vấn.

Tôi không có mặt trong đám con gái ấy, dù anh đã để lại trong tôi một ấn tượng đẹp. Những người bạn rủ tôi sang coi đá bóng, và tôi chỉ đứng xa, không hề đi kiếm tìm anh, nhưng tôi đã thấy anh đi vòng quanh sân dáo dác ngó khắp nơi trong đám đông người tị nạn đang vây quanh sân, anh đã nhìn thấy tôi, anh đứng sững tuyệt vọng vì khoảng cách quá xa, mà anh với tư cách nhân viên trong ban phỏng vấn không thể đến bên tôi được, người ta sẽ nghi ngờ và dị nghị, gây bất lợi cho tôi hơn là cho anh.

Khoảng cách chúng tôi nào chỉ một sân bóng mà cả hai khung trời cách biệt. Tôi không biết số phận mình sẽ đậu hay rớt thanh lọc? Ngày mai sẽ ra sao? Đời tôi sẽ trôi nổi đến đâu? Còn anh, một ngày nào đó xong nhiệm vụ, sẽ trở về Bangkok tiếp tục học hành, ra trường, có vợ đẹp, con xinh là điều trong tầm tay của anh.

Sau ngày lễ, tôi ngạc nhiên khi nghe loa gọi tên tôi và hẹn giờ lên văn phòng gặp Piyawat để bổ túc thêm một vài giấy tờ, nhiều người cũng ngạc nhiên như tôi vì chưa có trường hợp nào như thế bao giờ. Nhưng có một chú dày dạn kinh nghiệm đời, quen rất thân đã nói với tôi:

- Chẳng có gì cần bổ túc hết, cô đã có một đống hồ sơ nộp cho họ rồi. Anh ta chỉ muốn gặp cô thôi.

Nhưng tôi vẫn không khỏi lo âu, khi đến ngày hẹn tôi lên văn phòng thấy Piyawat đang phỏng vấn một người. Đã chờ đợi sẵn, vừa thấy tôi, anh đứng dậy đi ra ngoài và nói rất nhỏ với tôi, vì sợ người bên trong nghe thấy:

- Cô sẽ đậu phỏng vấn, hãy học Anh Ngữ và chờ ngày đi khỏi nơi đây.

Tôi ngỡ ngàng sung sướng tưởng như mơ:

- Cám ơn anh Piyawat.

Lần đầu tiên tôi gọi tên anh, cũng rưng rưng nước mắt vì cảm động như đã từng rơi nước mắt vì Tha Nu, nhưng lần này với sự rung động của con tim.

Một năm sau những người đậu thanh lọc mới có kết quả từ Bangkok gởi về, ngôi nhà thờ trong trại là nơi chúng tôi đến nhận giấy báo kết quả, mà những người rớt hay chưa được phỏng vấn cũng kéo nhau ra bu quanh nhà thờ để chứng kiến cảnh người khác may mắn. Cầm tờ giấy đậu thanh lọc trong tay như cầm một vé lên thiên đàng, tôi bước ra ngoài, không nỡ nhìn đám đông, rồi đây trong số đó ai sẽ được may mắn như tôi? Ai sẽ phải hồi hương Việt Nam trong đắng cay thất vọng ?

Khi tôi trở về Panat Nikhom, tôi không gặp Tha Nu, họ nói anh đã được cấp trên điều động đi nơi khác.
Anh có còn nhớ đến tôi không và có nuối tiếc vì không bao giờ gặp lại nhau lần nữa?

oOo

Sau cuộc điện thoại với chị Nhuận, đúng như chị đã nói, mấy tuần sau tôi nhận được một lá thư đến từ Bangkok.

“ Ngày..tháng..năm 2009,

Tôi là Piyawat, tôi đã chờ đợi cô mỏi mòn bao năm, kể từ khi cô rời khỏi trại tị nạn Thái Lan đi định cư ở Mỹ.

Tôi không bao giờ quên ngày tôi phỏng vấn cô, là một ngày tháng Năm, năm 1991, đẹp trời nhất trong đời tôi, cái ngày định mệnh đã cho tôi một tình yêu chớp nhoáng và vô vọng.

Đọc hồ sơ và nghe những lời khai của cô tôi thừa biết là giả tạo như nhiều người đã làm khi đó, rất dễ cho tôi quyết định ghi những nhận xét đủ cho cô bị rớt thanh lọc.

Tôi tin cô còn độc thân và khi tôi ngỏ lời yêu cô, tôi đã thấy đôi mắt cô đầy bối rối, phân vân. Nhưng tôi biết là cô không dám liều lĩnh làm một quyết định táo bạo nhận lời tôi mà ở lại Thái Lan, lấy gì bảo đảm tôi sẽ mang cô ra khỏi trại tị nạn và cưới cô?

Sau lần phỏng vấn cô, tôi đã phỏng vấn nhiều trường hợp tương tự, những cô gái Việt Nam trẻ như cô, tôi không rung động vì họ, nhưng tôi viết nhận xét tốt cho họ có thể đậu thanh lọc, chỉ vì một lẽ đơn giản, tôi nhớ cô qua những người đồng hương của cô.

Trở về Bangkok, tôi học xong đi làm và chờ đợi tin cô từ chị Nhuận, từng ngày, từng tháng, từng năm… Nước Mỹ mênh mông, cô như cánh chim bay, biết đâu mà tìm?

Mấy năm sau tôi lập gia đình, nay đã có hai đứa con, và tôi cũng tin chắc cô đang hạnh phúc ấm êm nơi vùng đất mà cô đã khao khát mong chờ định cư.

Giờ đây, tình yêu mãnh liệt thuở ban đầu trong tôi không còn nữa, nhưng tôi vẫn không thể nào quên được cô, một cô gái Việt Nam trong trắng và đầy tự trọng, tôi đã đánh giá cô như thế dù chỉ vài lần gặp, khi đối diện tôi trong phòng phỏng vấn, chỉ có hai người, cô không hề cho tôi một nụ cười dễ dãi, không liếc mắt đong đưa, không hứa hẹn trao tình cho tôi như vài cô gái khác đã làm để đánh đổi lấy cơ may đậu thanh lọc.

Đây là lá thư đầu tiên và cũng là cuối cùng tôi viết cho cô, giờ đây tôi không có quyền mong đợi gì nơi cô nữa, vì cả hai chúng ta đều đã có gia đình, hai cuộc đời riêng biệt, tôi chỉ muốn xác định với cô một điều mà ngày ấy tôi biết đã làm cô hoang mang, lo âu tự hỏi tôi yêu cô thật tình hay gỉa tạo để thử lòng cô?

Tình yêu tôi dành cho cô là tất cả tấm lòng tôi, là mối tình đầu của tôi.

Mến chào cô, chúc cô luôn hạnh phúc bên chồng con.”

Đọc xong lá thư tôi bàng hoàng cảm xúc.

Dù đã định cư ở Mỹ 16 năm, nhưng hình ảnh trại tị nạn Thái Lan vẫn còn rõ ràng trong tôi, một khỏang đời đáng nhớ, nơi ấy tôi đã hoang phí mất 4 năm trời, 4 năm tuổi thanh xuân tươi đẹp của một thời thiếu nữ, chập chờn những âu lo, buồn bã, những hi vọng, thất vọng và cả tuyệt vọng. Nhưng cũng chính nơi ấy, có Piyawat đã để lại trong tôi một hình ảnh lãng mạn, xứng đáng đánh đổi cho những sự mất mát kia. Anh là người đàn ông đầu tiên đi vào tâm hồn tôi.

Tôi ấp lá thư lên ngực như để gần anh hơn. Giá như chị Nhuận tìm thấy tôi sớm, vài năm sau khi tôi đến Mỹ, lúc ấy tôi vẫn còn nghĩ đến anh nồng nàn. Biết đâu tôi đã bay đến Bangkok gặp anh trước khi anh sang Mỹ gặp tôi?

Nay thì quá muộn, khoảng cách giữa chúng tôi càng ngày càng xa, không bao giờ nối gần lại được. Nhưng tên anh Piyawat, và thủ đô Bangkok nơi anh trú ngụ sẽ là một điệp khúc yêu thương vang vọng mãi trong trái tim tôi.