Sài Gòn, những con hẻm nhỏ. |
Tác Giả: Khuyết Danh |
Thứ Bảy, 27 Tháng 12 Năm 2008 16:24 |
Ði đâu xa tôi vẫn nhớ những con hẻm nhỏ của Sài-gòn. Tôi đã may mắn được đi hết năm châu bốn biển, nhưng chưa thấy quốc gia nào có những con hẻm nhỏ như ở Sài Gòn. Ở Hồng Kông chỉ có những tòa nhà chọc trời, những đường xe điện ngầm "xuyên bang", với hàng quán shopping tấp nập như một thành phố bên dưới một thành phố, không cách chi tìm được một con hẻm nhỏ. Ở Thái Lan có những đêm tôi tò mò thả bộ suốt đêm để tìm hiểu dân tình và... đường xá. Những con hẻm ở Băng-Cốc so với Sài Gòn là những con hẻm lớn. Ở Cam-pu-chia có thể là có những con hẻm gần giống với Sài Gòn, nhưng vẫn khó tìm ra được những con hẻm nhỏ. Nói "có thể" vì tôi chưa sống qua một thời gian lâu dài ở nước này, nơi mà ngay cả nhiều người Cam-bốt kiều (?) cũng không dám về, do tình hình bất an với me xanh me đỏ - Khờ Me xanh, Khờ Me đỏ - cộng thêm sự tranh chấp dữ dội giữa chánh quyền Hunsen và Shihanouk. Tôi cũng tò mò tìm vào những xóm nhỏ, nhưng tựu trung chúng vẫn là những con hẻm lớn hơn so với những con hẻm Sài-gòn, dù là rất dơ bẩn, nước sình bùn chảy dài trong khi dân cư họp chợ ngồi chồm hổm lổng nhổng trên mặt nước. Ở Băng Cốc cũng có những khu chợ sình ngập đến gần mắt cá, mang dép bước vào là hai bàn chân ngập sình đen ngòm. Nhưng vẫn không tìm được những con hẻm nhỏ. Khi trước nhà tôi ở quận Ba, trong hẻm Niệm Phật Ðường Huệ Quang ngó ra đường Phan Ðình Phùng, sau này đổi tên thành đường Nguyễn Ðình Chiểu. Hẻm này thông ra một cái chợ gần trường tiểu học Bàn Cờ. Cái chợ này sáng sớm đã ồn ào, với những hàng xôi, chè, bánh mì, chè, cháo, bánh xèo, bánh cuốn, bánh mì hấp, bánh bèo v.v... Mỗi sáng tôi thường ra đây làm gói xôi hoặc khúc bánh mì. Gọi là khúc chứ không phải ổ, vì ổ bánh mì rất dài và ốm, được cắt thành từng khúc bán cho người ăn sáng. Hôm nào có tiền thì ăn bánh mì ba-tê, thiếu tiền thì chỉ mua khúc bánh mì chan nước cá cũng xong bữa điểm tâm. Gần chợ là trường tiểu học Bàn Cờ. Từ đây đi bọc ra sau là khu Cư xá Ðô Thành dẫn ra đường Phan thanh Giản, gần đó là bệnh viện Bình Dân, bên kia đường xích về phía Lê văn Duyệt là trường Văn Học của nhà thơ Nguyên Sa. Hầu hết những con hẻm này là những đường hẻm cỡ trung bình, đủ cho xe ba gác đi lọt . Nhưng nối liền những con hẻm trong khu Niệm Phật Ðường Huệ Quang là những đường hẻm rất nhỏ, có khi chỉ một xe Honda đi vừa, hoặc chỉ vừa đủ cho hai xe đạp đi ngược chiều nhau . Lại có những đường hẻm rất nhỏ chỉ đủ cho một xe đạp hay một người đi .
Từ hẻm Niệm Phật Ðường Huệ Quang, có một hẻm nằm ngang, thông ra đến ngoài đường Phan Ðình Phùng gần trường "Ô-Ro", cái tên chúng tôi vẫn dùng để gọi một trường tiểu học khá nổi tiếng gần ngã tư Phan Ðình Phùng - Cao Thắng. Hẻm này khá nhỏ và lắt léo, cong cong quẹo quẹo . Ðầu hẻm chỗ đâm ra đường Phan Ðình Phùng có một nhà thuốc Tây, nơi tôi vẫn thường đến mua thuốc trụ sinh để trị bệnh mũi kinh niên của mình, mua riết đến nỗi bà dược sĩ quen nhẵn mặt. Khúc đầu hẻm bề ngang chỉ đủ cho 2 xe Honda đi ngược chiều nhau. Nhìn xéo qua bên kia đường là nhà sách Thanh Bình. Ði xích xuống về phía đường Cao Thắng là nhà bảo sanh Hồng Ðức. Cạnh nhà bảo sanh lại có một con hẻm nhỏ, bề ngang chỉ vừa đủ cho 2 chiếc Honda đi song song, hoặc đi ngược chiều một cách chật vật. Ở đầu hẻm, một bên là nhà bảo sanh Hồng Ðức, một bên là Nhà vẽ Văn Phong, cũng là nhà của Quy, một thằng bạn từ tiểu học. Con hẻm này đi suốt vào đến tận cùng là nhà của Mai, một thằng bạn tiểu học khác. Thời tiểu học, tôi vẫn thường đi suốt con hẻm này vào nhà Mai, trước nhà có một cái sân xi măng vừa đủ chơi, phía trên là một cái cây lớn có tàn che mát những hôm trời nắng. Từ con hẻm này, lại có con hẻm nhỏ đâm ngang, thông ra một con đường không tên. Trên giấy tờ đường này cũng là một con hẻm, nhưng lại khá lớn, đủ rộng cho xe chạy hai chiều, kể cả xe hơi và xe ba gác, nên chúng tôi vẫn kêu nó là con đường. Ðầu đường mé Phan đình Phùng có tiệm giò chả Thanh Hương. Giữa đường là nhà mướn của nhà văn Nguyễn Ðình Thiều, đầu đường mé Trần Quí Cáp là một đồn lính Ðại Hàn. Con đường này nối liền hai đường Phan Ðình Phùng và Trần Quí Cáp. Mé đầu đường gần đồn lính Ðại Hàn lại có một con hẻm nằm ngang, đầu hẻm trông như cái hầm, trong hầm có xe bán thức ăn. Hẻm này thông ra một con đường khác cũng nối liền Phan Ðình Phùng và Trần Quí Cáp. Ðầu đường chỗ Trần quí Cáp là tiệm cá hấp Tám Lọ, đối diện là trường tiểu học Minh Chánh. Cái hẻm ngang này khá "lớn", bề ngang đủ cho ba xe Honda đi song song, hoặc hai xe đi ngược chiều thoải mái, nhưng khúc giữa tóp lại, chỉ đủ cho một xe đi lọt. Tôi và Mai thường hay đi xuyên con hẻm này, vì gần chỗ Tám Lọ là một tiệm đá banh bàn, bề ngang tiệm chỉ vừa đủ đặt một bàn banh và đủ chỗ cho một thằng học trò ốm yếu như tụi tôi đi lách qua, lưng ép sát vào tường. Chiều dọc tiệm banh đủ đặt bốn cái bàn. Ở cuối tiệm lúc nào cũng có bà chủ người Trung mặc bộ đồ bà ba ngồi đổi tiền giấy ra tiền cắc cho chúng tôi đá banh. Tôi và Mai đã từng say mê đóng đô tại đây trong suốt những năm tiểu học. Về sau, khi Mai sắp qua đời, tôi và nó còn đến đây đá thêm một trận nữa . Năm đó chúng tôi học lớp 10. Sau cơn bạo bệnh, Mai bỗng nhiên tỉnh dậy mạnh khỏe như thường, đến tìm tôi và chúng tôi lại rủ nhau đến đây đá banh, có lẽ để hồi tưởng lại những ngày tiểu học, vì khi đó chúng tôi tự coi mình như đã "lớn", không thèm chơi banh bàn nữa, mà chỉ thích ngồi quán cà phê nghe nhạc tiền chiến, nhạc phản chiến hoặc nhạc kích động của Mỹ, nhạc nào cũng mở lớn đến điếc con ráy, nói chuyện phải hét vào tai nhau mới nghe rõ. Chỉ sau hai tuần đi thăm hết bạn bè, Mai bỗng nhiên bị cảm trở lại rồi qua đời . Năm lớp mười tôi đi chôn nó. Theo người ta nói, có lẽ nó "hồi dương", tỉnh dậy đi thăm bạn bè lần chót. Tôi và Hoàng, thằng bạn chung xóm thi vô Ðệ Thất ba năm không đậu, cuối cùng phải đi học trường tư, cùng với chị Lèo chung xóm đi đưa đám Mai . Gọi Lèo là chị vì cô ta hơn tôi một tuổi, hình như cũng hơn một lớp, học lớp 11 hay gì đó. Còn thằng Hoàng, dù hơn tôi hai tuổi mà vẫn xưng hô mày tao, vì nó với tôi chơi chung như bạn, hai đứa cùng thi vào Ðệ Thất chung một năm với em gái nó, vì nó thi rớt hai năm nên em nó bắt kịp. Cuối cùng nó xui xẻo vẫn rớt, còn tôi thì đậu gần cuối sổ, nhưng cũng may mắn vào được trường công. Lèo hồi đó vừa sang vừa đẹp, lại hơn một tuổi, nên tôi không dám tán. Sau ra nước ngoài, nghe tin thằng cháu kém tôi hơn mười tuổi đang cặp với.... "con Lèo", thật là hậu sinh khả ố! Tuy đã đi qua nhiều hẻm nhỏ, nhưng có lẽ chưa con hẻm nào nhỏ cho bằng con hẻm cạnh chùa Tam Tông Miếu đường Cao Thắng. Ðây là một con hẻm dài, khá dài so với những con hẻm khác. Hẻm này ăn thông từ đường Cao Thắng ra đến khu Cư xá Ðô Thành, khúc đi ra bệnh viện Bình Dân. Con hẻm này nhỏ đến nỗi chỉ có một xe đi lọt. Xe đạp thì đỡ hơn, còn Honda thì đi khá chật vật. Ðặc biệt là có một khúc cua, xe nào cũng phải lách tới lách lui mới qua được . Trước khi vào, người đi xe phải nhìn suốt con hẻm xem có xe đi ngược chiều không, nếu có thì phải chờ xe kia ra khỏi, rồi mới vào hẻm . Nếu không cả hai xe sẽ kẹt trong hẻm, một xe phải lùi lại cho xe kia tiến lên. Tôi rất thích đi xe đạp, và còn thích đi bộ hơn nữa trong con hẻm này, không hiểu tại sao, có lẽ tính tôi hay tìm những ngõ ngách lắt léo của cuộc đời. Vì vậy nên đã có lần tôi đứng chờ em suốt ba ngày dưới mưa cạnh con hẻm này . Em không thèm đến, nên tôi bỏ cuộc. Về sau em trở lại theo, tôi giận không thèm, đi tìm em khác! Lúc trở về thăm xóm cũ thì cả hai đã tròm trèm bốn mươi, em vẫn còn nói với tôi, em luôn luôn là người đi sau một bước. A! Phải chi em chịu gặp tôi dưới mưa!... Ðúng vậy, có lẽ tôi là người đi sớm, quá sớm, nên phải đứng dầm mưa tầm tã suốt ba ngày ướt nhẹp! Nhưng tôi biết, tôi đứng dưới mưa vì thích thế, chứ chưa chắc là tôi cần em đến!?? Nói về hẻm thì kể mãi tới chiều cũng không hết. Có những con hẻm trong chợ Bàn Cờ gần cuối đường Phan Ðình Phùng thông ra hông chợ ở đường Nguyễn Thiện Thuật. Lại còn khu Vườn Bà Lớn trước Tết Mậu Thân, trong Tết bị chiến tranh cháy rụi, về sau xây lại thành khu chung cư Nguyễn thiện Thuật, tiếp giáp với đường Phan thanh Giản, đầu đường có trạm xăng và Viện Bài Lao, gần đó là nhà của nữ tài tử cải lương Lệ Thủy. Trước Tết Mậu Thân năm 68, tôi có lần vào Vườn Bà Lớn mướn xe đạp đi chơi, bị mưa phải dắt xe đi bộ nước ngập đến đầu gối, vừa đi vừa khóc vì lạc trong ma trận đầy dẫy những con hẻm nhỏ ngoắt ngoéo không tìm được lối ra. Sau phải nhờ con nhỏ thua mình đến mấy tuổi dẫn đường mới biết ngõ ra . Cũng lạ, nghĩ lại sao hồi đó người cho mướn xe không sợ, mà người mướn là tôi cứ sợ không tìm được nhà người cho mướn để trả xe! Lại còn những con hẻm trong khu trường tiểu học Phan Ðình Phùng, gần chùa Kỳ Viên Tự ở góc đường Phan Ðình Phùng và Bàn cờ. Sát bên là trường tiểu học tư thục Bình Dân Học Hội và chùa Phước Hòa . Trong khu này có những con hẻm thông ra Hồng Thập Tự, có những "hẻm hầm", đi như đi trong hầm bên dưới núi, thông ra nhà thờ Ðức Bà hay gì đó (không phải là Nhà thờ Ðức Bà hay Vương Cung Thánh Ðường gần Bưu Ðiện). Những đường hẻm này dẫn ra đến công viên đường Hồng Thập Tự và công viên "Ðại Hàn" đối diện trường Petrus Ký, gần bùng binh góc đường Lý Thái Tổ và Hồng thập Tự. Nằm gần đó trên con đường nhỏ ăn thông từ Nguyễn thiện Thuật ra Lý thái Tổ là tiệm cà phê Nam Dưỡng, đối diện tiệm cà phê trong một con hẻm nhỏ là nhà của nghệ sĩ Hùng Cường. Có lần đi ngang cà phê Nam Dưỡng, tôi được thấy Hùng Cường tướng thật đẹp trai từ trong nhà đi ra, cả khu phố nhìn theo với ánh mắt trìu mến và ngưỡng mộ. Những con hẻm này cũng là khu tôi từng mài đũng quần những năm tiểu học, buổi sáng học trường Phan Ðình Phùng, buổi trưa học thêm trường Cô Hạnh. Nhiều buổi tối rủ nhau ra công viên bắt dế cơm, dế trống, gặp mấy đứa lạ đến làm quen rủ chơi năm mười tôi tự xưng tên Vũ, tới khi nó gọi tên cũng không nhớ là nó gọi mình. Không hiểu sao nó lại nhớ tên, trong khi chính mình cũng không nhớ. Nhưng mãi đến giờ mấy chục năm sau tôi vẫn còn dùng tên này làm bút hiệu . Những con hẻm nhỏ thân thương của Sài Gòn, tôi nghĩ một ngày nào đó có lẽ cũng không còn, theo đà tiến bộ của hệ thống giao thông và phát triển đô thị . Nhưng tôi mong rằng chúng sẽ không thay đổi. Thật ra, đối với tôi, chúng không bao giờ thay đổi . Ở Mỹ hơn hai mươi năm, nhiều khi tôi vẫn cảm thấy mình như người khách lạ. Nhưng sau hai mươi năm trở về khu xóm cũ, những người quen vẫn tay bắt mặt mừng, những con hẻm thân thương vẫn hân hoan chào đón. Tôi chợt hiểu ra! Ðường xá dù thay tên đổi họ, những con hẻm và lối đi quen thuộc vẫn mãi mãi thuộc về tôi. Thành phố vẫn thuộc về Lệ Thủy, Hùng Cường. Nó mãi mãi vẫn là nắng Sài Gòn anh đi chợt mát của Nguyên Sa, vẫn là khu phố quen thuộc với các vũ trường ăn chơi nhảy nhót của Nguyễn Ðình Thiều. Vẫn là thành phố vang vọng tiếng hát cải lương của Thanh Nga, Bạch Tuyết và gánh Dạ Lý Hương. Những con hẻm nhỏ vẫn mãi mãi là của Mai, của Lèo, của Hoàng và của tôi. Nhà cửa dù xây lên, đập xuống, khu phố dù kẻ đi người ở, vẫn mang một linh hồn thủy chung không thay đổi. Cô gái Sài Gòn vẫn là người chinh phụ đi sau một bước, suốt hơn hai mươi năm vẫn ngày ngày tựa cửa đợi chồng . Những người mới dù vào Sài gòn hơn hai mươi năm vẫn là khách lạ, sống cô đơn trong những khu phố đầy người tôi quen, những khu xóm quen thuộc mà tôi rành từng cành cây, khúc quẹo. Những con hẻm nhỏ ôm ấp nhiều kỷ niệm vẫn vui mừng chào đón tôi về. Những con hẻm thân thương đã cho tôi sự giao thông cực kỳ tiện lợi và ấm cúng, những đường đi lắt léo trong những ngõ ngách tế nhị của cuộc đời. Chúng vẫn mãi mãi thuộc về tôi! |