Home Văn Học Tùy Bút Vác ngà voi

Vác ngà voi PDF Print E-mail
Tác Giả: Lê Bình, San Jose   
Chúa Nhật, 21 Tháng 6 Năm 2009 22:50

Thật là khó nói, khó giải thích khi tranh luận với nhau một vấn đề. Ví dụ như câu thành ngữ Việt Nam “Ăn cơm nhà vác ngà voi.” Nếu hỏi về ý nghĩa, sự ứng dụng, (Nếu không muốn nói là hầu như tất cả mọi người Việt Nam) đều đồng ý với nhau và hiểu như nhau về câu nầy. Ðó là câu thành ngữ chỉ cho một công việc của một người làm thiện nguyện, tự nguyện làm và không đòi hỏi trả công. Tuy nhiên, xuất xứ của câu thành ngữ thì nhiều người có nhiều ý kiến khác nhau, càng khác nhau đi đến chỗ cãi nhau về 2 chữ Thiện Nguyện-tức vác ngà voi. Vì có những người làm thiện nguyện có trả lương. Hãy bỏ qua xuất xứ hay ứng dụng của câu nói đi, chúng ta đồng ý với nhau rằng “Ăn cơm nhà vác ngà voi” là công việc của một người làm công tác thiện nguyện (không có lương cũng chẳng có danh.) Cũng xin được thu hẹp phạm vi ở chỗ phân biệt một chút về 2 chữ Thiện Nguyện nó khác với Từ Thiện.
 
Nói đến công việc vác ngà voi người ta có thể thấy được rất rõ ở trong các đoàn thể thanh thiếu niên. Nơi các đoàn thể nầy, những người vác ngà voi chính là các đoàn trưởng. Trong dịp kỷ niệm 26 năm sinh hoạt cộng đồng trong nhiệm vụ một cơ quan xã hội, tổ chức IRCC-Hội quán Việt Nam đã đề nghị lên quốc hội tiểu bang và được chấp thuận. Quốc hội tiểu bang California đã gửi một bằng tuyên dương ghi nhận sự hoạt động vô vị lợi phục vụ cộng đồng của Hội Ðồng Hướng Ðạo Việt Nam Châu Santa Clara.
 
Hướng Ðạo Việt Nam không xa lạ gì với người Việt Nam. Họ là những thanh thiếu niên, những người lớn cùng họp nhau lại mỗi cuối tuần và tổ chức những cuộc cắm trại ngoài trời, tham gia các công tác xã hội, hoặc tổ chức các buổi văn nghệ lạc quyên...v.v. Họ rất được sự tin tưởng của nhiều người. Họ là ai? Nhũng người trưởng HÐ là ai? Xin được trích dẫn lời của Huân Tước Baden Powell: “Họ là những người tự nguyện dùng thì giờ , tài năng và trong nhiều trường hợp, cả tiền của họ nữa để tổ chức việc giáo dục cho các thanh thiếu niên. Họ làm như vậy mà mà chẳng hề có một ý nghĩ mảy may nào về phần thưởng hay lời ngợi khen. Họ làm như vậy vì lòng ái quốc và kính yêu đồng bào mà thôi” (Trích trong cuốn Vào nghề trưởng Hướng Ðạo-BP) Chân dung người Trưởng Hướng Ðạo là như vậy.

Ðể trở thành một trưởng HÐ cụ Baden Powell nói “Các đoàn trưởng phải nhớ rõ, ngoài nhiệm vụ đối với đoàn sinh, anh chị còn có bổn phận đối với phong trào coi như một khối toàn nhất. Ðoàn trưởng phải tự đặt mình trên những cảm nghĩ nhỏ nhen của cá nhân và phải có một tinh thần rộng rãi để sẵn sàng đạt tư kiến dưới những cử chỉ cao cả của toàn thể.” Vì những suy nghĩ như thế cho nên phong trào HÐ là một phong trào có tính cách quốc gia, quốc tế và hoàn vũ. Nó có tính quốc gia vì do các người thuộc chính quốc gia đó gây dựng và điều hành. Nhằm xây dựng cho quốc gia đó một tầng lớp công dân biết yêu tổ quốc, hữu ích và lành mạnh. Có tính cách quốc tế vì không có một hàng rào nào ngăn cản nổi tình thân hữu HÐ. Có tính hoàn vũ vì nó nhấn mạnh trên tình huynh đệ tỷ muội thế giới giữa các HÐS thuộc mọi quốc gia, mọi tầng lớp và mọi tín ngưỡng.

Như thế phong trào nầy phải có một lý tưởng cao cả lắm? Trong cuốn phương pháp HÐ viết “Là sự kiện toàn trình độ của thế hệ công dân tương lai, đặc biệt về tính khí và thể lực là thay đổi vị ngã bằng vị nghĩa, làm cho trẻ trở nên hữu hiệu về tinh thần cũng như thể xác với mục tiêu xử dụng hiệu lực ấy để giúp ích đồng loại.” Các trưởng HÐ dù ở bất cứ quốc gia nào, chủng tộc nào đều có chung một lý tưởng và một nguyên tắc cho nên HÐVN đến Hoa Kỳ sinh hoạt với HÐ Hoa Kỳ nhưng bản chất vẫn là HÐVN. Các trưởng và đoàn sinh HÐVN đã và đang làm những công việc thật âm thầm như ng đầy ý nghĩa.
 
Tại sao họ gia nhập phong trào HÐ? Một trưởng mới đến Mỹ đã trở lại sinh hoạt với phong trào cho dù chị có rất nhiều khó khăn trong đời sống. Chị nói “HÐ là lý tưởng của đời tôi. Phục vụ và sinh hoạt với trẻ là niềm vui thích của tôi, cho nên tôi là HÐ.” Một trưởng khác, Liên Ðoàn Hướng Việt “Phong trào HÐ có phương pháp giáo dục rất tốt, tôi là một người ở trong ngành giáo dục tôi không đóng góp được gì nhiều cho xã hội, tôi chọn HÐ để sinh hoạt vì muốn đóng góp phần nhỏ bé của mình.” Một trưởng của LÐ Ra Khơi “Tôi thì thích sinh hoạt xã hội. HÐ là một đoàn thể sinh hoạt xã hội và có lý tưởng nên tôi chọn. Vừa đáp ứng sở thích của mình và có lý tưởng cho nên HÐ là nơi tốt nhất để tôi tham dự vào công việc xã hội.”

Như thế thì các trưởng HÐ đều có cùng lý tưởng là đóng góp phần nhỏ của mình vào sinh hoạt chung của xã hội mà họ đang sống. Họ chẳng có lợi lộc gì mà đôi khi họ còn tốn thì giờ và tiền bạc. Một trưởng trong LÐ Hướng Việt cho biết anh đã bỏ mỗi năm 1 tuần nghĩ hè của anh để đưa các đoàn sinh đi dự trại hè giúp các em HÐS Việt Nam sinh hoạt và thăng tiến cùng với các HÐS Hoa Kỳ. Mỗi một đoàn có một sắc thái riêng nhưng nhìn chung các trưởng đều tốn tiền riêng cho các sinh hoạt nầy. Thanh Ðoàn Trần Quốc Tuấn (Crew 179) mới thành lập chưa có quỹ đoàn nhưng đoàn trưởng đã đưa các em đi tham dự các cuộc thám du, một sinh hoạt tốn tiền, họ vẫn vui vẻ làm. Những sinh hoạt, mà theo một số người cho rằng, “Vác ngà voi” và có nhiều người còn châm biếm “Thật là vô lý không biết lo cho gia đình mà đi làm chuyện bao đồng.” Có một ý kiến cho rằng “Có một em vào đoàn thể là đỡ một em lang thang ngoài hè phố.” Paden Powel đã viết như sau:”Một lần có người dám nói với tôi rằng y là người sung sướng nhất. Và tôi đã nói với y rằng còn có một người sung sướng hơn y nữa. Người ấy chính là tôi.” Paden Powell là người khai sinh ra phong trào Hướng Ðạo. Cụ BP sung sướng vì cụ là người trưởng HÐ, các trưởng HÐVN chắc chắn cũng sẽ có niềm sung sướng như vị khai sáng ra phong trào mà họ đang sinh hoạt.
 
Xin dâng tặng các anh chị-những người vác ngà voi- một bông hồng tươi thắm nhất là lời cảm ơn của một số phụ huynh đang có con sinh hoạt với các đoàn HÐVN tại San Jose.