Đi đâu cũng thấy “chất lượng cao” |
Tác Giả: Lê Minh Hà/ Người Việt |
Thứ Bảy, 19 Tháng 9 Năm 2009 14:37 |
Lê Minh Hà, hiện đang sinh sống tại Ðức, sẽ ghi lại những điều “mắt thấy tai nghe” tại Việt Nam, và sẽ gởi đến quý độc giả những ghi nhận ấy trong suốt chuyến hành trình kéo dài một tháng cùng gia đình. Chợ cá Cửa Lò, Nghệ An. (Hình: Lê Minh Hà) Thằng con chết khiếp vì chuyến đi ra biển. Ðường quốc lộ chỗ nào cũng nghẹt cứng người xe. Hai làn đường, nhưng không ít lần xe tôi đấu đầu với những hai xe hơi và rất nhiều xe gắn máy và xe đạp. May mà chạy tốc độ rất thấp. Và cũng nhờ thế mà tha hồ ngắm cảnh. Phố Cà. Gia Viễn. Sông Trà Lý. Cầu Gián Khẩu. Tam Ðiệp. La Vân. Ðền Sòng. Sông Hạc. Ðò Lèn. La Man. Cầu Bố. Sông Mã... Những cái tên thân quá. Nhưng quá nửa đời người, về đâu cũng thấy mình lạ hoắc lạ huơ. Ðâu cũng như quê. Ðâu cũng như thành phố. Biệt thự xây giữa hai thửa ruộng nước là nét mới của rất nhiều thị xã. Những mái ngói chờ đảo lại nhô lên tủn hoẳn sau bức tường vây bằng gạch vỡ một thời vốn rất quen mắt khi xe ra khỏi Hà Nội, nay đã là của hiếm không quý. Nhà làm trước đường mở sau. Quán sửa xe máy, xe đạp khép nép bên tiệm ăn tiệm chơi, đây Dê Núi, kia Cơm Cháy, Gà Cắp Nách. Có chỗ chủ còn tự phong cho cái quán nhỏ của mình là Nhà Hàng Năm Sao. Vùng nào cũng có chỗ mời nhau ăn thân mật. Còn tắm thân mật thì sẵn những nhà tắm thuốc bắc, tiệm mát gần mát xa. Nhìn qua kính xe, thấy lố nhố người đang hì hục đẩy nhau qua những cung đường khó vượt. Chàng trai với chiếc xe gắn máy chất ngất vỏ xe hơi cũ. Cô gái kềnh càng hai sọt hàng không biết hàng gì. Bầy trẻ áo trắng quần xanh đồng phục đua xe đạp trên đường, tay còn khua cái chổi. Không biết bây giờ chúng nó có phải lo sơn bảng trước ngày khai giảng không nhỉ? Và có biết sơn bảng bằng lá khoai nước như thời chúng tôi đi sơ tán hay không? Có biết những trò ma mãnh của học trò thời chúng tôi không? Tức thầy cô nào thì mùa này đây, khi thị đã vàng, thơm ngọt, rứt dăm ba túm lá thị sát dưới ghế thầy cô ngồi, đảm bảo thầy nào cô nào cũng phải đứng lên ra khỏi chỗ và giờ đó học trò tha hồ phá. Thằng con thấy mẹ tủm tỉm cứ ra sức kéo tay đòi công bố ý nghĩ trong đầu. Giá nó biết mẹ nó thời đi học sức thì yếu nhưng đến lớp là nghịch khỏe, bọn con trai phải nể, e tôi không còn hi vọng làm tấm gương sáng để con soi và e thằng ranh thêm đồng cảm với ông bố trót dại dột thời tuổi trẻ mà cưới mẹ. Lại quán xá, lại nhà đang xây đường đang mở, quảng cáo chềnh ềnh giữa trời, và khẩu hiệu. Việt Nam vốn nhiều khẩu hiệu, biểu ngữ. Cái bình thường này ở đất nước mình đến bao giờ thành được cái bất bình thường trong mắt dân mình nhỉ? May mà còn có thiên nhiên. Ngoài kia, Bích Ðộng, Hoa Lư, núi chồm dậy giữa cánh đồng, giữa lòng phố huyện, núi chen với nhà, tưởng giơ tay ra là sờ được chân núi. Anh hùng xưa nhớ hồi là hồi niên thiếu, dấy binh lấy lau làm cờ... Có vẻ như không có vùng đất phát tích của ông vua Việt nào hữu tình như đất phát của nhà Ðinh. Bái Tử Long trên cạn của Việt Nam đây. Là mơ ước được tới được thấy của học sinh Hà Nội mấy mươi năm trước, cũng là nỗi kinh hoàng của tôi thời đi dạy. Bởi vì ngày ấy đi lại nhọc nhằn, bởi vì tôi ốm và tôi nhát. Ốm phải nằm nhà nhưng học trò lên cơn mê đi cũng đành khuân mình theo, không dám nhờ ai quản. Chỉ sợ nhỡ ra... Thà mình cùng chết. Thành ra, phải tới bây giờ, thành nhà giáo “mất dạy” rồi tôi mới cảm được hết cái hữu tình này. Ngoài kia, Cầu Ghép, Ðò Lèn, Cầu Bố... Núi thấp, trập trùng xanh, thân gần. Hoa phượng nơi này vẫn đỏ, dẫu sang thu rồi. Con chó vàng nhà ai lừ đừ ra khỏi giọt hiên, nằm xuống sát đường tàu hỉnh mũi ngửi nắng. Cầu Hàm Rồng xa xa, cũ kĩ theo năm tháng, nhưng nguyên vẹn vẻ hào hùng và cả u uất nữa trong trí những người đã đi qua bão giông một thời nửa nước nơi này. Rải rác biên cương mồ viễn xứ - Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh - Áo bào thay chiếu anh về đất - Sông Mã gầm lên khúc độc hành của Quang Dũng thì người nơi ấy nơi này biết cả. Nhưng Hò hố lên... Cho thuyền về... Ơi, câu hò sông Mã... qua giọng hát cao và căng của Trung Kiên thời cuộc chiến Việt Nam, tôi tin mãi mãi chỉ đi về được trong tâm cảm thế hệ chúng tôi ở miền Bắc mà thôi. Ðất nước mình nó vậy. Có chung nhau chăng chỉ mãi mãi là những nỗi đau không dễ hiểu cho nhau. |