Home Văn Học Tùy Bút Ðời H.O. buồn nhiều hơn vui

Ðời H.O. buồn nhiều hơn vui PDF Print E-mail
Tác Giả: Hoàng V. Ðiều (H.O. 16)   
Thứ Tư, 21 Tháng 4 Năm 2010 05:04

Với tuổi đời trên “sáu bó,” chắc chắn có nhiều điều cần nhớ thì lại không nhớ, nhiều điều cần quên thì lại cứ nhớ,

 cho nên những điều viết ra đây có thể không được chính xác lắm, nhất là những biến cố xảy ra trong trại tù mà nhiều người đã biết, xin các bạn đã cùng sống, chết

 
trong các trại có thể bổ sung giùm. Chẳng hạn, tháng đầu tập trung tại trường Ðoàn Thị Ðiểm (Cần Thơ,) sau đó lần lượt các trại Chi Lăng (Châu Ðốc), Tô Ma (Chương Thiện), Lò Gạch (Tri Tôn, Châu Ðốc), Vườn Ðào (Cai Lậy), Xuyên Mộc (Long Khánh)...

Năm 1978, chúng tôi tập trung về trại Vườn Ðào, Cai Lậy, gồm hai liên trại 4 và 5. Anh em chúng tôi ở liên trại Năm, là thành phần đi lao động gom về và tại đây chúng tôi được nghe một tin tức quan trọng, liên quan đến vấn đề di tản đi Mỹ. Tin thật? Tin giả? Tin bịp? Tin bẫy? Cũng có thể là... tin đùa, do chính chúng tôi nghĩ ra, để giết thời giờ, để trôi qua những ngày tháng dài vô nghĩa, vô vọng.

Có rất nhiều nguồn tin, chẳng hạn: sẽ phải đi khai phá một nơi nào đó để lập làng “Việt gian,” rồi đem gia đình vào đó sống, hoặc thanh lọc rồi đưa ra ngoài Bắc v.v...

Nhưng tin đi Mỹ cùng với cả gia đình là điều khiến chúng tôi dao động.

Tin nói, giới Hoa kiều “đăng ký” đi hợp pháp; con lai Mỹ được chính phủ Mỹ đưa về Mỹ; và tù cải tạo cùng gia đình, cũng được ra đi.

Tin thì như vậy, nhưng sau đó thì lại có chuyện một anh nào đó nghe lén cán bộ họp, ra chỉ thị là, “không được để mất một người tù nào, vì chúng ta sẽ phải bàn giao cho Mỹ!”

Trong lòng nảy ra một cảm giác mơ hồ, một niềm hy vọng mong manh. Mặc dầu trong lòng không tin đây là sự thật, nhưng cũng cảm thấy vui vui.

Tôi chờ đợi, rồi một thời gian ngắn sau, niềm hy vọng cũng tắt ngấm, sau khi hai biến cố lớn xảy ra.

Biến cố thứ nhất là vụ Trung Tá Nguyễn Ðức Xích, thuộc liên trại Bốn (ông là cựu tỉnh trưởng Gia Ðịnh thời Tổng Thống Ngô Ðình Diệm), bị nhốt vào connex (thùng sắt). Một buổi chiều, ông được cho ra ngoài tắm rửa, rồi bỗng quản giáo hô lên là trốn trại. Ông bị bắn chết, cùng một bộ đội bị lạc đạn.

Ngày hôm sau, chúng tôi phải tập họp trên hội trường để nghe cán bộ giải thích: trường hợp anh Xích có người em là một linh mục ở bên Úc tổ chức huấn luyện binh sĩ phản động!

Biến cố thứ hai là trường hợp Ðại Úy Quách Dược Thanh, cũng thuộc liên trại Bốn (báo Người Việt có đăng tin trường hợp này), bị nhốt vào connex và bị siết cổ chết trước khi được lệnh di tản đi trại khác.

Sau đó, chúng tôi lại phải chuyển trại, lên trại Xuyên Mộc thuộc tỉnh Long Khánh. Trên đường đi, chúng tôi phải mặc quần áo công nhân màu xanh da trời, đi dép râu và đội nón cối xanh. Tới nơi thì trời đã tối. Cán bộ trại phân nhóm cho chúng tôi ra các lán quanh đó, và chỉ trong một đêm các nón cối đều bị đập nát, anh nào còn ngoan cố lúc đi lao động thì bị anh em, đa số là anh em bên đội Suối Máu, chọi đá cảnh cáo.

Ngày hôm sau, tất cả áo đều được cởi ra, để in chữ bằng hắc ín “C.T X.M”(có người bảo là viết tắt của chữ “Chết Tại Xuyên Mộc”). Ðến đây, thực sự chúng tôi không còn một chút hy vọng nào về ngày đoàn tụ. Lòng thấy nhẹ nhõm hơn bao giờ hết, tâm hồn luôn sẵn sàng đợi Chúa gọi về. Lúc này, tôi đã rất yếu, chỉ còn chờ chết.

Trong trại B của anh em chúng tôi có rất nhiều thành phần: anh em từ trại Suối Máu về, ở Phước Long về, lán của tôi có các công chức, như thẩm phán, chánh án tối cao pháp viện, giám đốc ngân hàng v.v... các lán khác thì có đội hình sự, “phản động hiện hành,” có cả các nhà văn như Hồ Hữu Tường, Duyên Anh v.v...

Sau hơn hai năm ở đây, sức khỏe của tôi ngày càng tồi tệ, tưởng rằng có ngày sẽ ra nằm ngoài rừng để nghe chim hót, vượn hú, ngắm hoa bằng lăng, trắng, đỏ đẹp tuyệt trần vào mùa Xuân và nhìn mưa đổ như trút nước vào mùa mưa. Rồi bỗng một hôm, một buổi sáng mùa Thu, khi tập họp chuẩn bị lao động thường ngày, tôi và một số anh em được gọi tên về.

Về thành phố, lại phải đi... tìm nhà. Số là, sau khi đi “học tập,” gia đình tôi “bị” khuyến khích rời thành phố, nên đã về quê tìm chỗ làm ruộng. Việc đầu tiên, bố tôi dẫn lên xã trình giấy tờ ra trại. Họ tịch thu tờ giấy và viết cho một tờ giấy khác, là đã tịch thu giấy ra trại của tôi và đóng dấu (tôi vẫn còn giữ tờ giấy này, sau này khi xin lại để nộp hồ sơ thì họ nói là đã đánh mất và họ bảo tôi làm đơn để họ chứng đi xin giấy ra trại khác. Tôi lại phải lặn lội lên tận Xuyên Mộc xin lại).

Sau khi được giấy “tương đương” với giấy ra trại, tôi được lệnh “quản chế” một năm. Mới đầu không đi khỏi nhà 100 mét, chỉ được đi nhà thờ và đi làm thủy lợi. Sau đó được nới dần ra, được đi thăm bà con và được đi làm ruộng. Từ nay không còn bạn bè, không còn đồng đội, không còn ai để tâm sự, giống như con thú lạc đàn. Hơn bao giờ hết, tôi cảm thấy hoang mang, sợ hãi và sợ nhất là khi nghe tiếng “a lô,” gọi đi làm thủy lợi.

Cuối năm 1989, nghe lén đài BBC, có tin một ông đặc sứ của Mỹ qua Hà Nội bàn về vấn đề tù nhân cải tạo. Lúc này, chương trình con lai đang thực hiện, niềm hy vọng tưởng đã chết lại nhem nhúm bùng lên.

Cuối năm, một người em họ từ Cần Thơ về, ghé tai thì thầm: em thấy trên đường Lý Tự Trọng, phòng ngoại vụ có phát đơn cho các anh đi Mỹ, anh thử lên xem.

Quả thực là có! Tôi bèn nhờ người hàng xóm trẻ chen lấn vào lấy đơn, mặc dù ưu tiên cho cấp tá, tôi cũng lấy được đơn xin đi Mỹ.

Có bộ hồ sơ, tôi lại không biết phải làm gì với bộ hồ sơ ấy. Trước tiên là phải đi xin lại giấy cải tạo. Sau khi xin giấy chứng từ xã, rồi qua huyện, tôi lên trại Xuyên Mộc.

Cùng đứa cháu con bà chị, với chiếc xe đạp ọp ẹp, hai cậu cháu vừa đi vừa dắt vì trời mưa, vùng đất đỏ dính dẻo quẹo. Thời gian ấy, xe đò ngày chỉ có một chuyến, hai cậu cháu đành đèo nhau đi được khúc nào hay khúc nấy, riết rồi cũng tới, khi trời đã xế chiều.

Hỏi đường vào trại, chúng tôi vào văn phòng và người đầu tiên chúng tôi gặp là một nữ cán bộ. Sau khi trình giấy tờ, cô bảo, “Ðã bao năm rồi chẳng thấy ai xin lại giấy cải tạo, bây giờ mới lại xin, chắc là để nộp hồ sơ đi Mỹ phải không?”

Tôi vội trả lời, “Dạ, việc này là do theo chính sách và chủ trương của nhà nước, cô làm ơn giúp đỡ, tôi ở mãi Sóc Trăng lên đây. Vả lại giấy ra trại của tôi khi về xã thu lại và giờ đã làm mất.”

Cô cán bộ cầm giấy chứng đi vào phòng thủ trưởng và ra ngay, trả lời tôi, “Thủ trưởng nói là đã qua năm đời thủ trưởng rồi nên không chịu ký.”

Tôi thất vọng, năn nỉ tiếp, “Cô có cách nào có thể giúp tôi, xin cô giúp giùm vì tôi ở xa quá, đi lại rất khó khăn. Cô thử vào năn nỉ giùm tôi lần nữa coi.”

Cô trả lời, “Anh hãy ra nhà Trung Úy H., nhờ anh ấy giúp vì anh ấy vẫn giữ hồ sơ của anh từ ngày đó tới giờ.”

Nói xong, cô chỉ đường cho cậu cháu tôi tới nhà Trung Úy H.

Tới nơi, có mấy anh đang ở đó, tôi hỏi, “Xin lỗi, ai là Trung Úy H.?”

Một người bước ra và nói, “Tôi đây, anh có việc gì?”

“Dạ, tôi đi xin lại giấy cải tạo, nhưng cô cán bộ trong đó nói thủ trưởng không ký vì đã qua năm đời thủ trưởng rồi. Cô ấy chỉ tôi ra anh và nhờ anh giúp đỡ.”

Anh ta mau mắn trả lời, “À thì ra cô Thiếu Úy Ng. Không sao, thủ trưởng không ký thì thủ phó ký chứ lo gì. Nhưng giờ tối rồi anh ở lại đây đi, sáng mai tôi sẽ giúp cho anh rồi hãy về.”

Chúng tôi ở nhà anh H. tối đó.

Sáng hôm sau, trời vừa mờ sáng, cậu cháu tôi vừa thức dậy, rửa mặt sơ qua, chị vợ anh H. lại đưa cho cậu cháu tôi mỗi người một trái bắp nướng to và nói, “Ăn ngô đi, anh H. vào trại sớm lắm, chắc sắp về.”

Chưa ăn hết nửa trái bắp thì H. về, đưa cho tôi tờ giấy ra trại đã ký và cả mực lăn tay. Anh bảo tôi, xong rồi chỉ còn lăn tay nữa mà thôi và anh cầm ngón tay cái của tôi lăn vào mực và ấn vào tờ giấy. Anh nói, “Xong rồi, anh cầm về.”

Tôi cám ơn anh chị H. rối rít, rồi cậu cháu ra về.

Về nhà, điền hồ sơ xong và giai đoạn đưa địa phương ký, sau đó đi dịch vụ. Vì ở Cần Thơ, dịch vụ trục trặc, tôi lại lên Sài Gòn.

Lên Sài Gòn, người ta lại chỉ chỉ về Cần Thơ. Ði lên, đi xuống, cuối cùng việc cũng xong. Tháng sau, tôi nhận được giấy xếp hạng H.O.16.

Giờ thì chỉ còn chờ đợi phỏng vấn!

Từ H.O.1 tới H.O.6 rất mau, sau đó thì bắt đầu chậm lại. Tôi quyết định bán nhà ở Sóc Trăng, lên ở nhờ nhà chị ở Biên Hòa, chờ ngày phỏng vấn. Sau hơn hai năm chờ đợi mỏi mòn, rốt cuộc rồi cũng đến ngày gọi đi phỏng vấn. Chỉ 15 phút rất mau, sau đó là thủ tục đi khám sức khỏe.

Niềm vui tưởng xuôi chèo mát mái, ai ngờ đến bữa khám sức khỏe cuối cùng trước khi lên máy bay, đứa con trai thứ ba của tôi lên trái rạ, mặc dầu đã lặn chỉ còn vết sẹo, gia đình tôi vẫn phải ngưng chuyến bay, đi ra phi trường lấy đồ đạc trở về mà nước mắt như muốn trào ra.

Hết tiền bạc, ai còn tin cho mình mượn tiền để sống và chờ đợi? Tôi đờ đẫn như một xác chết biết đi, tôi lang thang trên con đường trước Sở Ngoại Vụ. Tới trước cửa Nhà thờ Ðức Bà, tôi lầm bầm than vãn với tượng Mẹ Hòa Bình, Con phải làm gì đây hả Mẹ? Và như một phép lạ, tôi quay ra lầm lũi đi thì có một thanh niên đi sau tôi và hỏi, “Trông anh sao buồn thảm thế?”

Tôi trả lời, “Buồn chứ sao không buồn. Anh nghĩ coi, trưa mai đáng lẽ tôi ngồi trên máy bay đi Mỹ, bây giờ gặp trở ngại, dừng chuyến bay thì biết lấy gì sống để chờ đợi.”

Anh thanh niên đó nói, “Tôi cho anh số điện thoại này, anh hãy ra bưu điện gọi đi, sẽ có người giúp đỡ.”

Như người chết đuối vớ được phao, chẳng cần suy nghĩ, bởi vì tôi chẳng còn gì để mất, tôi đi lại bưu điện và nói với cô trực điện thoại, “Cô làm ơn gọi hộ số này.”

Cô ta la lên, “Ông làm gì mà phải gọi số này?”

“Có người bảo tôi phải gọi số này.”

Cô ta đẩy cái điện thoại cho và nói, “Ông quay số đi.”

“Tôi không biết quay. Cô quay giùm đi.”

Cô ta quay số và đưa ống nghe cho tôi.

Tôi cầm ống và nghe một giọng nữ sắc như dao bén, “Ðây là văn phòng cố vấn chính phủ, ông cần giúp đỡ gì?”

“Tôi H.O.16 vừa bị đình chuyến bay, có người chỉ tôi gọi số này nhờ giúp đỡ.”

“Ông đang ngụ ở đâu?”

“Hiện tôi ngụ ở nhà ông cậu vợ đường X.V.N.T.”

“Sáng mai ông sẽ có giấy gọi đăng ký chuyến bay lại.”

Mới sáu giờ sáng, cậu cháu tôi vừa mở cửa thì một chiếc xe môtô chạy lại và hỏi, “Ai là ông H.V.Ð.”

“Tôi đây, có chuyện gì?”

“Ông nhận giấy đăng ký chuyến bay.”

Cậu vợ tôi vội lấy xe đưa tôi đi lên Sở Ngoại Vụ để đăng ký. Anh cán bộ tên Trí hỏi tôi, “Anh đi về Santa Anna phải không?”

“Phải.” Nói phải, nhưng thật sự tôi có biết gì đâu, giấy bảo trợ của cơ quan U.S.C.C. đã hết hạn. Thâm tâm tôi cứ nghĩ, miễn ra khỏi Việt Nam là mừng.

“Tôi rà kỹ rồi, phải đợi hơn tháng nữa mới có chỗ cho gia đình anh sáu người.”

“Cũng được. Cám ơn anh.”

Tới đầu Tháng Tư, ra sân bay, trên đường ra máy bay thêm một lần nữa, tôi hú hồn. Con gái lớn tôi nó sửa mắt, nên khi ra máy bay, một chị công an nhìn mặt nó, nói: “Mày sửa mắt phải không?”

Tôi nói, “Phải, nhưng đã hai năm rồi, tôi không biết nên không điều chỉnh.”

“Ði đi!”

Ngồi trên máy bay, lòng vẫn còn hồi hộp. Ðến khi máy bay tới phi trường của Nhật Bản rồi, tôi mới hết lo.

Nhân viên của I.O.M. đưa gia đình tôi tới phi trường John Wayn, rồi “bàn giao” chúng tôi cho người của cộng đoàn Hungtinton Beach.

Ðến nay thì gia đình tôi đã thực sự sống tại Mỹ tròn 17 năm, tính đúng đến ngày Thứ Năm là lễ Rửa Chân.

Cám ơn cộng đoàn nhà thờ Hungtington Beach. Cảm tạ ơn Chúa, người đã cứu gia đình con và giải thoát chúng con, phần hồn, phần xác.