Ðèn khuya hiu hắt |
Tác Giả: Huy Phương |
Thứ Hai, 07 Tháng 6 Năm 2010 17:58 |
Tôi thật tình không muốn chọn những đề tài kiểu “năm Dần nói chuyện Cọp” nhưng hình như mỗi mốc thời gian thường để lại trong lòng chúng ta những cảm xúc, có khi thoáng qua, nhưng cũng có khi dai dẳng. Ngày Memorial giờ đây thực đã qua rồi, những nén nhang trên những nấm mồ đã tắt, còn lại những chân hương lạnh lẽo, những bó hoa thắm sắc trong nghĩa trang đã héo tàn dưới cơn nắng và gió của Santa Ana. Mọi người đã trở lại với đời sống hằng ngày, chạy theo những bánh xe quay, và hình ảnh những người chết không còn để lại gì trong ý nghĩ của chúng ta, lẽ cố nhiên chúng ta không thể đắm mình trong tưởng nhớ mà bỏ quên đời sống thực tại hiện hữu mỗi ngày. Bản tin mới nhất, loan báo trong tuần qua, người lính Mỹ thứ 1,000 đã nằm xuống trong trận chiến tại Afghanistan. Ôi, con số 1,000! Một nghìn đồng bạc, không nhỏ tuy nhiên không là một số tiền lớn. Một nghìn đóa hoa, đã nhiều, nhưng chưa đủ để kết một cái xe hoa trong ngày Rose Parade. Một nghìn người trong một cuộc biểu tình, di chuyển, đi lại, đã là đông. Chúng ta chưa tưởng tượng ra được một nghìn người chết vì bom đạn, “chết thật tình cờ, thịt da nát tan”. Họ nằm xuống ở xa, trước khi lìa đời không nắm được bàn tay người thân. Một nghìn cái quan tài bọc kẽm được đưa về quê hương trên những chuyến bay dài qua những đại dương. Một nghìn ngôi mộ “đều như nấm” có cắm cây Thánh Giá trong nghĩa trang quốc gia Arlington. Một nghìn gia đình buồn khổ vấn khăn tang. Thế mà trong cuộc chiến Việt Nam, nước Mỹ đã mất 58,000 người. Trong số người tử trận có đến 61% là những thanh niên dưới 21 tuổi, người trẻ nhất chỉ mới 17. Cũng trong ngày 6 tháng 6 cách đây 66 năm, trong cuộc đổ bộ tại bờ biển Normadie, nước Mỹ đã mất 2,499 quân nhân mà xương cốt của họ đã nằm lại trong lòng đất nước Pháp, nhiều người không còn tên tuổi, họ chết như những người lính vô danh, không có đến một cái tên khắc trên bia mộ. Tuổi của họ cũng còn rất trẻ. Người ta ghi nhận ngay phút đầu tiên đổ bộ lên bờ biển Omaha Beach, 19 thanh niên của một thành phố nhỏ của tiểu bang Virginia là Bedford đã ngã xuống vì hỏa lực và mìn bẫy của địch. Những người này còn quá trẻ để người ta gọi họ là “boys” trong tác phẩm “The Bedford Boys” của Alex Kershaw. Những người lính này là những chàng trai trẻ, vừa rời khỏi ghế nhà trường, chưa hề hưởng được chút thú vui của cuộc đời đã hiến tuổi xuân xanh theo tiếng gọi của tổ quốc. Ðể bảo vệ miền Nam, 220,357 người lính VNCH đã tử trận mà không phải ai cũng được trở về “trên chiếc băng ca” hay “trên chiếc trực thăng sơn màu tang trắng”. Máu họ đã thấm vào lòng đất trên những địa danh vẫn nghe trong những bài hát chinh chiến xót xa của một thời. Cũng có những người lính lấy con tàu và đại dương ôm ấp hình hài như 58 chiến sĩ hải quân đã chết cho vùng biển máu thịt của quê hương. Ðể quyết xâm chiếm miền Nam 1,176,000 người lính Bắc quân Cộng Sản “sinh Bắc tử Nam” đã không còn cơ hội sống còn. Một vài trăm cái nghĩa trang sơn xanh quét đỏ trên khắp đất nước, từ tỉnh lỵ đến xã ấp xa xôi không đủ chỗ cho con số hơn triệu xương cốt, hầu hết đã tan nát theo cỏ cây trên núi rừng, lạch suối trên cả hai miền Nam Bắc cho tham vọng của chủ nghĩa của một số người. Người chết thường bị chóng lãng quên. Người chết là lá vàng ủ mục cho những hạt nẩy mầm nhú lên mặt đất, làm phân bón cho những cây con chóng lớn lên. Ðã nhiều người lính chết cho chiến công của một người. Ðã nhiều người lính chết cho những người sau lưng họ được sống. Ðã nhiều người lính chết chỉ là phương tiện cho cứu cánh của một thiểu số cầm quyền. Chỉ với một cái gật đầu trên bàn hội nghị, một nét bút chì mỡ trên bản đồ hành quân, bao nhiêu xương máu phải đổ ra ngoài trận địa. Thế giới đã trải qua nhiều thế kỷ dài và triệu triệu người lính đã chết, họ chết trong hy vọng tạo nên một tương lai tốt đẹp hơn, hòa bình, hạnh phúc hơn nhưng cuối cùng thế giới lại đắm mình trong những cơn xâu xé tàn nhẫn, với bom đạn tối tân hơn, kỹ thuật giết người tinh vi hơn và với những lý do nghe qua có nhiều sức thuyết phục hơn. Chiến tranh máu lửa chưa hề có một ngày ngơi nghỉ, lụi tàn trên trái đất này và cái chết của những người lính chỉ là những con số vô hồn, ở nơi này hay ở nơi khác, trên một góc nhỏ khiêm nhường của một tờ nhật báo hay trên môi người xướng ngôn viên xinh đẹp của màn ảnh nhỏ vào tối hôm nay, trong lúc gia đình đang quây quần với nhau trong bữa cơm chiều. Chúng ta có thể nào hiểu nỗi tâm trạng của những gia đình có chồng, có cha, có con đang đi “vào nơi gió cát”. Những bản tin làm nhói nỗi đau, gây muộn phiền và lo sợ cho những người thân của mình, đêm nay không biết ở đâu trên những vùng đất xa lạ, ngút lửa tranh chấp, hận thù. Trong thời đại với kỹ thuật thông tin ngày nay, tin xấu về còn nhanh hơn những tia chớp ngoài kia, nhưng đã có một thời, người mẹ Việt Nam, nuôi đứa con lớn lên trong nghèo khó, nhọc nhằn, đã gởi đứa con đi theo tiếng gọi, nhân danh cho những điều cao đẹp trên đời, để cuối cùng thay vì nhận lại đứa con rắn rỏi, tự tin, trưởng thành, tươi cười rạng rỡ bên mẹ sau những ngày xa cách, là những tờ “biên lai” ghi công vô hồn. Trên mặt địa cầu này đã có bao nhiêu tượng đài ghi công, bao nhiêu vòng hoa tưởng niệm, bao nhiêu bài diễn văn vinh danh, ca ngợi nhưng không có gì bền bỉ, trung kiên bằng tấm lòng người mẹ nghĩ đến đứa con mất. Tôi biết chuyện một người mẹ, từ ngày đứa con ra đi chiến trường và không bao giờ trở lại, mỗi đêm đi ngủ bà vẫn để lại ngọn đèn chong. Trong ý nghĩ của người mẹ, đứa con về trong đêm sẽ biết hướng trở lại nhà. Sẽ không bao giờ có tiếng đập cửa và tiếng kêu: “Mẹ ơi, con về đây!” nhưng ngọn đèn khuya mỗi đêm vẫn còn đó. Trên những xóm làng mà bạn đã đi qua, bạn đã có dịp nhìn thấy những ngọn đèn khuya hiu hắt trong đêm, bạn đã thấy những đốm lửa thấp thoáng bên kia sông như những nỗi buồn xa. Hãy hình dung đó là những ngọn đèn của những người mẹ thắp lên mỗi đêm để chờ đứa con về, những đứa con chết ngoài chiến trường trong lúc còn rất trẻ. |