Bệnh tật và Tín ngưỡng |
Tác Giả: Trần Mộng Tú |
Thứ Bảy, 14 Tháng 8 Năm 2010 15:33 |
Thành phố Sequim của tiểu bang Washington, nơi có những cánh đồng oải hương (lavender) tím ngát tận chân trời vào mùa hè, nơi sự sống chan hòa cùng với nắng gió thiên nhiên, nơi hấp dẫn du khách đến thở dưới bầu trời thơm ngát, cũng là nơi người đầu tiên của bang Washington, một phụ nữ Mỹ, 66 tuổi chọn cái chết bằng cách “trợ tử”. Toa thuốc viết cho bà có ghi “Death with Dignity” (tạm dịch: Chết có Phẩm cách). Theo kết quả chẩn bệnh vào tháng 4 năm 2009, bà Linda Fleming đã bị ung thư tuyến tụy tạng (Pancreatic Cancer) vào thời kỳ thứ tư ,tức là khó lòng qua khỏi. Bà có thể sẽ phải chịu đựng rất nhiều chữa trị, thử nghiệm, đau đớn và cũng sẽ dẫn đến cái chết. Bà đã chọn lựa sự “trợ tử” của bác sĩ để đi đến cái chết nhanh chóng, êm ả, một cái chết có tên là: Chết có Phẩm Cách. Cánh đồng oải hương sẽ thiếu mất một nhánh hoa trong mùa hạ này. Đạo luật “Death with Dignity” giúp người vô hy vọng sống, và không muốn chờ đợi cái chết đến trong đau đớn, có quyền nhờ chuyên viên y tế giúp mình qua đời trong êm ả. Đạo luật này mới có hai (2) trong 50 tiểu bang của nước Mỹ được áp dụng. Tiểu bang Oregon đã được thi hành từ 1997, và đến nay đã có 401 bệnh nhân được trợ tử. Tiểu bang Washington, đạo luật thông qua tháng 11/2008 với hơn 60% phiếu thuận và bắt đầu áp dụng tháng từ 3/2009. Bà Fleming là người đầu tiên sử dụng đạo luật này. Tự chọn cái chết là đúng hay sai? Câu trả “Sai” hay “Đúng” đều ĐÚNG. Có rất nhiều ý kiến: Có người nói: Tôi hoàn toàn tin là ai cũng có quyền chọn cách chết và thời điểm chết cho mình. Chắc trong chúng ta ai cũng phải đợi đến cá nhân mình mắc phải những căn bệnh hiểm nghèo, hành hạ thân xác chúng ta nửa sống nửa chết và mỗi ngày, mỗi tuần phải đem thân thể ra cho dao, kéo, kim tiêm, cắt, đâm; rồi sáng rút máu, chiều truyền máu, hoặc hốt hoảng, thất thanh lên bàn mổ, vào phòng cấp cứu (ICU). Lúc đó chúng ta mới hiểu tại sao có người cho việc “trợ tử” là cứu cánh. Tín ngưỡng cũng là một trăn trở cho những người muốn nghĩ đến “trợ tử”. Thiên Chúa giáo không tán đồng việc phá thai, càng không chấp nhận việc “trợ tử” Người Công Giáo tin sanh và tử ở trong tay Thượng Đế, con người không phải đấng tạo hóa nên không có quyền hủy diệt. Phá thai và trợ tử cũng giống như “giết người.” Hơn thế, người công giáo cho sự khổ sở thân xác là một hy sinh để đền phạt những tội mình đã làm trong đời sống; cao cả hơn, để hiểu Chúa đã đau đớn thể xác vì loài người như thế nào. Người theo Phật Giáo tin những khổ sở thân xác mình đang phải gánh chịu là do kiếp trước mình vụng tu, nên kiếp này mình phải trả báo, và họ cố chịu cho kiếp sau được nhẹ nhàng hơn. Có người khác góp ý: Thượng Đế nhân từ, chắc không muốn nhìn thấy một sinh vật quằn quại trong đau đớn thể xác mà không được chết, cũng không được sống. Tôi tin Thượng Đế sẽ tha thứ cho những người này, nếu họ muốn được chết nhanh chóng. Có những tôn giáo còn từ chối cả việc chữa trị khi bị bệnh vì tín ngưỡng của họ không cho phép nhận những hóa trị hay xạ trị vào thân thể, nhất là việc tiếp máu của người khác vào thân thể mình còn cấm kỵ hơn nữa. Họ chỉ tin vào cách chữa homeopathic methods của họ. Trong tháng 5 năm 2009 tại một phòng xử án ở Menneapolis, cậu Daniel Hauser ngồi im lặng nghe những người lớn định đoạt số phận mình, cậu bị Hodgkin’s lymphoma (một bướu độc mọc giữa ngực.) Mẹ cậu từ chối chữa chạy cho cậu bằng hóa chất và quang tuyến. Tôn giáo của bà chỉ nhận chữa trị bệnh tật theo thiên nhiên và gia truyền (Homeopathic methods). Cậu bé 13 tuổi này kháng cự lại khi các chuyên viên y tế lo chữa trị cho cậu, vì mẹ cậu dậy cậu tin rằng cách chữa trị khoa học sẽ ảnh hưởng xấu đến sự cứu rỗi tâm linh của bệnh nhân. Tòa đòi hỏi mẹ cậu phải chọn bác sĩ chuyên môn, để nhận sự điều trị ngăn chặn sự phát triển của ung thư. Thứ Ba vừa qua, hai mẹ con cậu không có mặt ở cuộc hẹn, họ đã trốn chạy, một trát tòa đã được gửi đi, tìm bắt giữ người mẹ. Chắc chắn đây là một trường hợp bi thảm. Nhưng không phải là lần đầu tiên ước vọng của cha mẹ và luật của tiểu bang đối nghịch với nhau. Cha mẹ và các bác sĩ nhi đồng gần đây phải đối diện với một số vấn đề, từ quyền chích ngừa cho trẻ em đến vấn đề y tế riêng tư. Ngay cả khi mọi người cùng đồng ý với nhau thì việc chạy chữa một đứa trẻ bệnh hoạn cũng đã đủ khó khăn rồi. Bây giờ cha mẹ và các bác sĩ không đồng ý với nhau về cách chữa trị, ai là người có quyền quyết định? Lúc này là lúc tín ngưỡng chen vào đứng giữa. Các chuyên viên y tế khẳng định ở trường hợp của Daniel, nếu được chữa trị bằng hóa xạ (chemo) và quang xạ (radiation) có hy vọng 90% ngăn chặn sự phát triển của ung thư. Mẹ của Daniel không đồng ý, bà đã đem cậu bé chạy đi…..đâu? Cảnh sát quốc tế (Interpol) đã được vận động để tìm hai mẹ con. Họ nghĩ bà có thể mang con qua biên giới Mexico, nơi đó có khoảng 30-50 bệnh xá (clinic) chữa trị ung thư của người da đỏ (American Indian) theo thiên nhiên và gia truyền mà một số người tin là có thể thay thế cho cách chữa y học cổ điển của Hoa Kỳ. Bác sĩ Arthur Caplan cho rằng cha mẹ không có quyền ngăn cản chuyên viên y tế chạy chữa cho con mình, nhất là đứa trẻ đó quá nhỏ để biết tự quyết định số phận mình. Các chuyên viên y tế tin là với tình trạng ung thư của Daniel, việc chữ trị bằng thiên nhiên và gia truyền coi như sẽ đưa đến kết quả bên cạnh “con số không.” Vậy thì, gia đình có quyền nhân danh niềm tin và tôn giáo của mình để muốn làm gì với một đứa trẻ thì làm hay không? Vẫn theo bác sĩ Caplan, câu trả lời đúng tiêu chuẩn luân lý: “Không” Vì nếu câu trả lời là: “Có” thì cha mẹ có quyền nhân danh tôn giáo mà hành hạ, xâm phạm đến trẻ em hay sao. Những đứa trẻ mới 10, 11 tuổi, đã từng bị người lớn nhân danh tôn giáo bắt kết hôn với những người chủ chăn già nua và được cắt nghĩa: “Đó là ước muốn của Thượng Đế” rồi hứa hẹn một thiên đàng cho chúng. Có những trẻ em cũng từng bị cha mẹ đối xử với con cái như một hung thần, giam dưới hầm, hiếp đáp, đánh đập năm này sang tháng khác cho đến chết cũng nhân danh một tín điều nào đó. Người ta có quyền đòi trợ tử (như ở Oregon và Washington) trong những trường hợp không còn hy vọng và tránh cho bệnh nhân phải chết trong đau đớn, nhưng người ta không có quyền nhân danh tôn giáo hay bất cứ điều gì để đe dọa đến mạng sống của người khác bằng cách ngăn cản việc chữa trị. Sinh ra, trưởng thành, bệnh tật, đối diện và ứng xử với cái chết trong một đời sống có trật tự luân lý, quả thật là cả một vấn đề tế nhị. Hỡi Thượng Đế xin cúi đầu trả lại
|