Oan Ơi Ông Địa? |
Tác Giả: Thiên Hạ Sự | |||
Chúa Nhật, 23 Tháng 5 Năm 2010 20:29 | |||
Đọc bài phỏng vấn Giám Mục Nguyễn Chí Linh, Phó Chủ Tịch HĐGMVN hiện nay, của phóng viên Mặc Lâm, đài RFA, về sự “im lặng” của HĐGMVN đối với việc “từ chức” của Tổng Giám Mục Hà Nội Ngô Quang Kiệt trên các mạng, không một tín hữu Việt Nam nào thật sự có lòng với Giáo Hội, đất nước mà không đau lòng.
Các giám mục không biết phải đối phó như thế nào… Giữ im lặng thì bị dư luận công kích; lên tiếng cũng sẽ bị ném đá. Ra thư chung thì không biết phải viết gì, có viết cũng không chắc thuyết phục được ai, và có thể trở thành bia cho ngưới ta bắn phá nhiều hơn… Nói tóm, HĐGMVN hoàn toàn bị tê liệt trước “sự kiện Ngô Quang Kiệt!” Suốt chiều dài 50 năm từ ngày được chánh thức thành lập, 1960-2010, chưa bao giờ uy tín của HĐGMVN đối với giáo dân, đối với các tôn giáo bạn ở mức thấp kém như hiện nay. Điều nghịch lý và đáng xấu hổ là cái Hội Đồng này đang trách nhiệm tổ chức Năm Thánh 2010 của Giáo Hội Việt Nam để kỷ niệm 350 năm thành lập hai giáo phận Đàng Trong và Đàng Ngoài, và 50 năm HĐGMVN được chánh thức thành lập! Đây là một trong những nghịch lý to lớn của thực trạng đất nước thời CHXHCNVN! THỰC TRẠNG HĐGMVN từ lâu là một tổ chức gần như tê liệt, phân hóa, thiếu viễn tượng lãnh đạo, không có một tiếng nói duy nhất, bị lũng đoạn bởi một số chức sắc do CSVG gài vào. Đa số Giám Mục, thành viên của Hội Đồng, có đạo đức nhưng thụ động, cầu an, chỉ biết quyền lợi giáo phận địa phương, quên quyền lợi to lớn của Giáo Hội, của đất nước, dân tộc. Chính vì hiểu rõ cái “tâm lý” này mà CSVG luôn thành công trong việc mua chuộc, hủ hóa và dần dần biến tổ chức lãnh đạo cao cấp nhất của GHVN thành một bộ phận trong guồng máy tuyên truyền qua sự hỗ trợ của một số giám mục tại chức và nghỉ hưu (*). HĐGMVN hiện nay rơi vào tình trạng không phải “một tiếng nói” mà nhiều tiếng nói đủ màu sắc đỏ, tím, vàng, trắng. Đỏ , tím ít mà năng nổ, tích cực hoạt động trong hậu trường để chi phối, chỉ đạo đường lối của HĐGMVN. Vàng còn bao nhiêu, an phận chỉ chờ nghỉ hưu. Đa số thụ động chấp nhận màu trắng : Im lặng đầu hàng để được chút lợi lộc cho cá nhân và địa phương. “Nước Ta không thuộc về thế gian!” Chuyện đời gác bỏ ngoài tai; chỉ chăm lo mục vụ. Nếu được làm “mục vụ hải ngoại” hay “mục vụ di dân” càng tốt… Có người khen HĐGMVN có đức tính thủy chung, trước sau như một. Trước im lặng, bây giờ lặng im. 35 năm im lặng! Một thành tích kỷ lục! Im lặng lúc đầu được xem là thái độ khôn ngoan. Nhưng sau 10, 15, 20… và 35 năm, im lặng trở thành bản tính cổ hữu. Khi có vấn đề, giáo dân ngóng cổ mong chờ HĐGMVN lãnh đạo, lên tiếng, hướng dẫn đường lối. Nhưng họ ngóng cổ mãi mà HĐGMVN vẫn chưa ra khỏi não trạng “Lên Tiếng hay Không Lên Tiếng” và đến khi dám lên tiếng thì… chung chung, ba phải, sao cũng được… nên nhiều người nói “Lên tiếng như không lên tiếng!” Từ kinh nghiệm đó, khi HĐGMVN lên tiếng, giáo dân không nghe. Vì biết giáo dân, dư luận không lắng nghe, HĐGMVN tiếp tục con đường riêng là “không lên tiếng” cho “tốt đời” – làm đẹp lòng và được CSVG tâm đắc, khuyến khích – và “đẹp đạo” … để được tiếp tục cử hành lễ và ban phát ít quyền lợi cho giáo phận địa phương mình. Cứ nhắm mắt, bịt tai, đọc kinh “Nước Ta không thuộc về thế gian,” nhưng… ta đang “sống giữa lòng dân tộc” và cùng “đồng hành với dân tộc!” Tự lừa dối mình, lừa dối tổ chức, tập thể mình lãnh đạo! NGUYÊN NHÂN CỦA TÌNH TRẠNG HIỆN NAY Vậy tình trạng không tốt đẹp của HĐGMVN hiện nay do đâu? CSVG, giáo dân, hay chính HĐGM? CSVG thì trước sau như một, không có gì thay đổi. CSVG luôn luôn tìm cách tiêu diệt tôn giáo, cho tôn giáo là thuốc phiện mê hoặc con người. Cộng sản không chấp nhận bất cứ tổ chức nào có thể tranh giành ảnh hưởng với mình để dễ độc quyền cai trị, áp bức dân lành. Người tín hữu Việt Nam vốn có truyền thống hiếu thảo, vâng phục những người lãnh đạo tinh thần. Thế sao hôm nay họ không còn vâng phục, kính trọng các đấng bậc như trước nữa? Theo thuyết nhân quả, bất cứ điều gì xảy ra cũng có nguyên nhân, không tự nhiên, tình cờ mà đến. Đạo Phật dạy gieo nhân nào, gặt quả ấy. Liên hệ nhân quả cũng đã được khoa học tự nhiên và khoa học xã hội minh chứng. Nhân quả là một hiện tượng tự nhiên, không có gì khó hiểu. Vậy HĐGMVN rơi vào tình trạng như hiện nay cũng là việc tự nhiên, thành quả của 35 năm gieo trồng. CSVG nắm giám mục Thử tưởng tượng thời Việt Nam Cộng Hòa, trước tháng 04-1975, nếu tình trạng bất công xã hội, áp bức, cầm quyền tước đoạt tài sản dân chúng, phụ nữ, trẻ em bị xuất cảng sang các quốc gia lân bang làm mãi dâm, đất-biển-đảo bị dâng hiến cho ngoại bang… chỉ bằng 1/10 như tình trạng hôm nay thì HĐGMVN đã phản ứng như thế nào? Có chịu đồng hành, sống giữa lòng dân tộc như 35 năm qua không? Hay đã có hàng trăm Trần Hữu Thanh, Đinh Bình Định, hàng trăm Nguyễn Ngọc Lan, Chân Tín, Phan Khắc Từ, hàng trăm Thanh Lãng, cả giáo dân Xóm Mới, Gò Vấp, Hố Nai, Gia Kiệm… xuống đường đồng hành với dân tộc “bị áp bức?” Cái khác biệt là chế độ Việt Nam Cộng Hòa có tự do, có nhân tính, biết tôn trọng con người mà chế độ CSVG hiện nay thì không!? Để bịt mắt, bịt tai, bịt miệng những tín hữu có thể chống đối chế độ, CSVG đã khôn ngoan nắm đúng sự vâng phục của giáo dân Việt Nam bằng cách… nắm các giám mục. Nhà cầm quyền Cộng sản đã thành công nhờ thái độ “im lặng là vàng” và những “thơ… chung chung” của hàng giáo phẩm cốt làm “tốt đời, đẹp đạo.” (Xem bài “Khôn ngoan hay Hèn Nhát:” CSVG dùng các đòn phép ma giáo để bắt ép giám mục và linh mục làm việc cho mình.) Lãnh đạo lạc hướng Là mục tử, chủ chiên, trách nhiệm của giám mục là chăm sóc đàn chiên, tức giáo dân, chống lại mọi đe dọa từ bên ngoài, nói chung là sự dữ, làm mất sự bình an của chiên. Khi lang sói rình bắt chiên ăn thịt, người chủ chiên thật sự, khác với người làm thuê, phải hành động ngay để bảo vệ chiên bằng cách này hay cách khác, ngay cả hò hét, la to để sói hoảng sợ mà bỏ chạy. Nếu đứng đó mà suy nghĩ “lên tiếng hay không lên tiếng” và khi quyết định lên tiếng rồi, thì “lên tiếng như không lên tiếng” và quay nhìn lại, chiên đã bị… sói ăn hết. Những con chiên khôn ngoan đã bỏ đàn mà chạy tìm sinh lộ khác. Những con trừu Panurque ở nán lại bởi tiếng hát êm dịu “đem yêu thương vào nơi oán thù, đem thứ vào nơi lăng nhục…” để rồi lần lượt chui vào bụng sói. Sau đó, ngay cả sinh mạng của người chăn cũng không chắc được bảo tồn. Cầu an làm “chó câm” Giám mục phải NÓI lên những bất công NGHE, THẤY, những sự thật bị che dấu, phải dám bênh vực người công chính. Nhưng HĐGMVN hiện nay gồm nhiều mục tử thích làm “chó câm” để tránh phiền toái, né tránh xung đột, quên lời nhắn nhủ của Đức Giáo Hoàng đương kiêm ngay sau khi được phong chức: “Giám mục phải nói lên cái xấu, cái nguy của thời đại, phải nhắc nhở lương tâm những kẻ cầm quyền, những kẻ thờ ơ, hẹp hòi trước nỗi thống khổ của thời đại. Là giám mục tôi thấy có nghĩa vụ phải làm chuyện đó. Tôi nghe vang vọng bên tai những lời của Thánh Kinh và của các giáo phụ kết án rất nghiêm khắc những mục tử làm chó câm để tránh bị phiền toái và vì thế để cho nọc độc lan tràn. Tìm yên ổn không phải là bổn phận hàng đầu của công dân; tôi ghê sợ hình ảnh một giám mục chỉ lo an phận và tìm hết cách che đậy và né tránh mọi thứ xung đột. Chính cái can đảm nói lên sự thật là sức mạnh lớn của Giáo Hội, mặc dù lúc đầu nó có vẻ tác hại, làm mất vẻ dễ mến của Giáo Hội, đẩy Giáo Hội vào chỗ cô lập." ( "Muối Cho Đời, " Giáo Hoàng Biển Đức XVI, Bản dịch Việt ngữ của Phạm Hồng Lam và Trần Hoành). Hội Đồng Giám Mục Khoa bảng HĐGMVN hiện nay gồm rất nhiều khoa bảng. Các giám mục tựu chức 15 năm qua hầu hết có bằng tiến sĩ, không du học ở Pháp thì cũng du học ở Roma. Những người này có thể là thầy giảng lưu loát, nhưng chứng nhân của Tin Mừng, cái mà Giáo Hội Việt Nam đang cần, thì không thấy có nhiều. Tình trạng này cũng là tình trạng chung cho cả nước dưới chế độ XHCHCNVN. Cả nước có gần 20.000 thạc sĩ và tiến sĩ (?), giả và thật, nhưng có bao nhiêu người dám suy nghĩ, dám làm đúng chức năng của người trí thức? Số trí thức dám hy sinh cho quyền lợi dân tộc, cho tự do dân chủ, nhân quyền, dân quyền có thể đếm được trên đầu ngón tay. Phần còn lại chỉ là chuyên viên… đảng nô, thạc nô, tiến nô… vì miếng cơm manh áo bị CSVG bịt mắt dắt đi, rồi tự an ủi bằng não trạng “gặp thời thế, thế thời phải thế!” Đây là nhược điểm của người có học ở các quốc gia độc tài toàn trị. Đầu tư học vấn nhiều quá nên sợ bị “trắng tay, cháy túi,” nhất là khi con đường tiến thân phải nhờ đến phe cánh, đỡ đầu hay chạy chọt, mua bán mới thành, thay vì khả năng. Lãnh đạo nhát sợ (hay bị lũng đoạn?) Nếu phải chờ có đủ điều kiện thuận lợi 100 phần trăm rồi mới hành động thì không bao giờ lãnh đạo thành công, và không bao giờ chứng tỏ được khả năng lãnh đạo. Người lãnh đạo phải biết mạo hiểm (risk taking). Cái mạo hiểm ở đây không phải là không suy nghĩ, liều mạng mà là số phần trăm chưa nắm chắc, chưa có sau khi đã suy nghĩ cẩn thận. Chăn chiên, tức lãnh đạo tinh thần, không phải là công việc đơn giản và nhẹ nhàng như chỉ cử hành thánh lễ mà là công tác khó khăn và phức tạp, nhất là trong thế giới ngày nay. Chính vì hiểu lẽ này mà Đức Kitô đã cặn kẽ hỏi Phêrô ba lần trước khi giao trách nhiệm: “Simon, con có yêu mến Thầy không?” Và chỉ sau khi Phêrô cuơng quyết trả lời và trả lời ngay, lần thứ ba, Đức Kitô mới nói, “Vậy con hãy chăn chiên của Thầy.” Sự việc xảy ra thế nào nếu chỉ một lần, dù chỉ một lần thôi, Phêrô trả lời do dự: “Thưa Thầy con sợ,” hay “Thưa Thầy, con không dám,” hoặc “Thưa Thầy, con không biết ăn nói,” “Thưa Thầy, con chưa phân biệt được chiên lành hay sói dữ,” “Thưa Thầy, cho con thời giờ suy nghĩ thật cẩn thận?” Liệu Đức Kitô có dám giao cho Phêrô làm đầu Hội Thánh không? Quần chúng, giáo dân đi theo người lãnh đạo biết dẫn đầu, đi trước, không theo người lãnh đạo đi sau. Đi sau là đi theo (following/follower), sao gọi là lãnh đạo (leading/leader) được? Lãnh đạo cần để quyết định và hành động, không phải để suy nghĩ “lên tiếng hay không lên tiếng.” Lãnh đạo phải biết mạo hiểm không phải để rụt rè, hèn nhát. Lãnh đạo là người của chúng ta, không phải là người của chúng nó; là người bảo vệ, chăm sóc chúng ta, không phải bảo vệ, chăm sóc chúng nó. Lãnh đạo khó cho nên phải lượng sức mình. Đức Kitô không bắt ép ai phải theo Người. Bằng cách này hay cách khác, Đức Kitô đã hỏi từng người trước khi chọn làm giám mục như đã hỏi Thánh Phêrô xưa kia. Khi đã chấp nhận trách nhiệm chăm sóc đàn chiên rồi thì phải can đảm lên. Chủ chiên thật sự theo Đức Kitô, sống đời tu hành rất dễ dàng, đâu phải quan tâm, bị ràng buộc bởi của cải thế gian. Chúa đâu đòi hỏi, bắt buộc phải có, phải xây những nhà thờ hoành tráng, trung tâm mục vụ, Tòa Giám Mục tiện nghi, hiện đại! Chúa muốn mỗi người xây đền thờ nơi tâm lòng. Chúa muốn giáo hội Chúa xây nhà thờ trong tâm hồn mỗi tín hữu. Những cơ sở vật chất đồ sộ, lộng lẫy chỉ dành cho người đời, người thế gian, không phải cho Chúa, thật sự cho chủ chiên nhiều hơn đàn chiên (!). Giáo dân dễ cảm thông, quên mình hy sinh với những chủ chiên sống đời giản dị, nghèo khó, đồng hành với họ, vì lẽ đại đa số giáo dân cũng như quần chúng Việt Nam nghèo đói, ăn bữa nay lo bữa mai! Trong suốt thời gian ròng rã 35 năm, 1955 – 1990, Giáo Hội miền Bắc bị áp bức về vật chất lẫn tinh thần: linh mục thiếu, nhà thờ bị tịch thu, trưng dụng làm cơ sở hợp tác xã phân bón hay hư sập mà lòng sùng đạo có giảm đi chút nào đâu! Những lời của ngôn sứ Amos dưới đây cần được các giám mục Việt Nam quan tâm suy nghĩ: “Lễ lạc của các ngươi, Ta chán ghét khinh thường; hội hè của các ngươi, Ta chẳng hề thích thú. Các ngươi có dâng lên Ta của lễ toàn thiêu… những lễ vật của các ngươi, Ta không vui nhận, chiên bò béo tốt các ngươi đem hiến tế, Ta chẳng đoái hoài. Hãy dẹp bỏ tiếng hát om sòm của các ngươi, Ta không muốn nghe tiếng đàn của các ngươi nữa. Ta chỉ muốn cho lẽ phải như nước tuôn trào, cho công lý như dòng suối không bao giờ cạn.” (Am 5:21-28) “Khốn cho những kẻ sống yên ổn tại Xi-on, và sống an nhiên tự tại trên núi Sa-ma-ri, họ là những nhà lãnh đạo của dân đứng đầu các dân khiến nhà Ít-ra-en phải đến cầu cạnh. Chúng nằm dài trên giường ngà, ngả ngớn trên trường kỷ mà ăn những chiên non nhất bầy, những bê béo nhất chuồng. Chúng đàn hát nghêu ngao; như Đa-vít, chúng dùng nhạc cụ mà sáng tác. Chúng uống rượu cả bầu, xức dầu thơm hảo hạng, nhưng chẳng biết đau lòng trước cảnh nhà Giuse sụp đổ.” (Am 6:1-6) Uy tín HĐGMVN suy giảm đối với người trong đạo và ngoài đạo. Giáo dân không còn tin tưởng nơi sự lãnh đạo của Hội Đồng Giám Mục, nghi ngờ sự “im lặng” kỳ bí… như thỏa hiệp với bạo quyền, hy sinh quyền lợi chánh đáng của giáo hội, đất nước… Oan hay ưng? Không oan chút nào! Đây là một sự kiện. Chính HĐGMVN đã tự tạo cho mình tình trạng khó khăn nầy: mất uy tín đối với tín hữu giáo dân bằng thái độ im lặng hèn nhát; thụ động không dám lên tiếng binh vực cho lẽ phải, công bằng, hòa bình và sự thật; không dám binh vực người công chính; cá nhân thập thụt đi cửa sau, thỏa hiệp để được lợi lộc riêng tư thay vì hiệp thông, đoàn kết; không dám binh vực con chiên bị áp bức, đày đọa, bị cướp mất sự sống. Thành viên HĐGMVN sinh hoạt và sống như người từ hành tinh khác xuống trái đất. Những ông thầy giảng truyền giáo bằng lời nói, không bằng hành động nhân chứng, chẳng chút chạnh lòng thương, sống xa cách giáo dân, thích được phục vụ… Đây chính là cái giá mà Giáo Hội Hoàn Vũ và Giáo Hội Việt Nam phải trả cho chủ trương “thực dụng,” thà có còn hơn không , khi chấp nhận cho kẻ vô thần có quyền quyết định trong việc bổ nhiệm giám mục, tuyển lựa chủng sinh, phong chức linh mục… Sự nhượng bộ trái giáo luật đã tạo nên một Hội Đồng Giám Mục Việt Nam nửa nạc nửa mỡ, “không phải quốc doanh mà như quốc doanh” hiện nay, nguyên nhân chánh khiến uy tín của HĐGMVN xuống dốc! Nếu chỉ “đồng cảm mà không đồng hành” thì làm sao dám đồng sanh, đồng tử? Nếu không đồng sanh, đồng tử thì làm sao có cái hiệp nhất để tạo ra sức mạnh lướt thắng sự dữ để đem lại phúc lộc cho mọi người trong đạo và ngoài đạo? Hơn ai hết, HĐGMVN phải tự đấm ngực mình trước, “lỗi tại tôi, lỗi tại tôi mọi đàng,” ăn năn sám hối nhận lỗi, nhận tội và bắt đầu một nếp sinh hoạt mới, canh tân tổ chức, thay đổi não trạng ngay từ bây giờ để lấy lại lòng tin yêu của hơn bảy triệu giáo dân Việt Nam. Giáo Hội Việt Nam, giáo dân Việt Nam đang cần, rất cần, không phải thầy giảng và thầy cúng/làm lễ, mà là chứng nhân sống thật Tin Mừng! Do đó, giám mục phải thật sự “đồng cảm, đồng hành, đồng sinh, đồng tử” với giáo dân và dân tộc, không thể an phận làm “chó câm” để tránh né phiền toái. Nếu không, HĐGMVN sẽ phải trả lời trước Đấng Tối Cao về nhiệm vụ không làm tròn của mình, cũng như trách nhiệm đối với lịch sử dân tộc.
(*) Chú Thích: Hầu hết các giám mục nghỉ hưu trước nay sống đời yên lặng, rút lui hẳn khỏi sinh hoạt giáo phận, trừ hai người, một ở Đàng Trong và một ở Đàng Ngoài. Người Đàng Ngoài đóng vai “người quan sát,” năng nổ mặt ngoài, thích lên tiếng góp ý những khi giáo hội “có vấn đề” với CSVG. Người Đàng Trong giữ im lặng mà bí hiểm, tích cực hơn, cố vấn cho CSVG để “giải quyết” các vấn đề liên quan đến Giáo Hội Công Giáo, thích khơi dậy vấn đề “Công Giáo và Dân Tộc,” tự hào khoe mình là chỗ thân tình với thái thú Nguyễn Tấn Dũng. Người Đàng Trong thích dùng Lời Chúa để “chơi sỏ” (chưởi sỏ?!) người em mình vì thấy người em không tiếp thu “con đường phục vụ như mình,” nhưng được giáo dân mến phục hơn mình, lại được cái chức mình… ham muốn mà không đạt! Năm 1988, người Đàng Trong sang tận Vatican để yêu cầu Tòa Thánh hủy bỏ việc phong thánh 117 vị tử đạo Việt Nam. Dư luận nói người Đàng Trong bị “vuớng bẫy,” bị cấy “sinh tử phù?” Cả hai giám mục nghỉ hưu này đã được CSVG vinh danh, ban huân chương cao quý “Đại Đoàn Kết Dân Tộc” ngày 18-11-2006 nhờ lòng hào hiệp, bác ái, “yêu người Cộng Sản hơn yêu đàn chiên của mình!”
|