Cơ Hội của Chúa |
Tác Giả: Nguyễn Văn Lục | |||
Chúa Nhật, 23 Tháng 5 Năm 2010 22:17 | |||
Khi hai môn đệ của Chúa trên đường về Emmaus, họ đã thở dài và họ nghĩ rằng cơ may của thầy mình chắc là hết rồi? Họ thở dài vì biết chắc cơ hội của Chúa không còn nữa. Chúa đã chịu đóng đinh, đã chết thật rồi. Hết hy vọng. Họ tìm về Emmaus như thể trốn tránh vùng trung tâm chấn động đã làm tan biến đi niềm hy vọng của họ. Trong bọn họ trong cơn biến động sinh tử liên quan đến thầy của mình mấy ngày vừa qua, họ đã là nhân chứng nhận ra những kẻ phản đồ. Điều ấy phải chăng là nỗi đau cùng cực của đấng Cứu thế trong giờ phút tử sinh? Nhưng sự phản bội lại nằm trong căn tính người, ở ngay nơi những kẻ khả tín nhất, đôi khi vượt ra ngoài sự suy đoán của mọi người, Và họ mới chính là kẻ đã chối thầy. Ai đây? Đó là câu hỏi duy nhất và quan trọng nhất cho mọi thời đại, cho mọi tình huống, cho mọi người. Hỏi ai đây đôi khi là hỏi chính mình? Nay họ là những nhân vật đã đi vào lịch sử ghi dấu của những ngày đen tối nhất của đạo Thiên Chúa. Ngày mà ngay cả những kẻ có niềm tin sắt đá đá nhất thì cái niềm tin ấy cũng bị dập tắt. Nhưng lịch sử là một tái diễn liên tục những điều mà người ta tưởng rằng nó chỉ xảy ra một lần. Không ai tắm trên cùng một dòng sông. Đúng lắm. Nhưng dòng sông ấy sẽ lập lại nguyên trạng điều 100 năm trước, ngàn năm trước đã xảy ra theo cái tinh thần bình thì cũ mà rượu thì mới. Vần những tuồng tích ấy, vẫn những tham vọng và phản bội ấy, Chỉ có những vật là mới. Con người vẫn là con người. Phần họ, hai môn đồ. Tên họ là gì cũng chẳng cần biết. Họ là những môn đồ bình thường và được coi như “thấp kém” nhất trong những môn đồ của Chúa. Họ cũng chao đảo, họ cũng mất niềm tin. Nhưng họ không cách nào bỏ được Chúa. Đấy là môt phiên bản, một khuôn mặt khác của giáo hội Thiên Chúa giáo. Họ những hai người và nay họ được kể là số đông. Họ cũng biết sợ hãi, họ cũng cảm thấy đơn độc mà bỏ đi. Cảm thức của hai môn đồ là một cảm thức sống thực mà đôi khi trong đời sống mỗi người giữa những cơn bão táp cuộc đời đều có lúc cảm nghiệm được, đều có thể “hiểu“ được theo cái tinh thần hễ cái gì xảy ra cho con người thì đối với tôi không có gì là xa lạ. Bữa ăn tại Emmaus Nguồn: c. 1620; Oil on canvas, 123.2 x 132.7 cm (48 1/2 x 52 1/4 in); The Metropolitan Museum of Art, New York Không phải nơi những tên phản đồ mà uy tín và nhân cách trong đời sống cộng đoàn 12 người lúc trước khi Chúa thọ hình, họ là những khuôn mẫu được chú ý tới nhiều nhất. Cho nên, 2000 năm sau có lẻ, đọc lại đoạn văn này trong Thánh kinh, tôi cảm thấy như rất gần gũi với hai môn đồ này và hiểu được họ. Bằng vài câu vắn vỏi, tôi hiểu được tâm trạng của họ. Đó là tâm trạng ‘rất người’ của hai môn đồ của Chúa. Cách đây khoảng 15 năm, tôi đã viết bài: Đường về Emmaus có tiếng thở dài. Cơ hội của Chúa nằm ở nơi họ. Ở hai môn đồ trên đường Emmaus. Việc ra đi không hy vọng ngày trở về của Tổng giám mục Ngô Quang Kiệt, phải chăng cũng mang tâm tư của hai mồn đồ của Chúa ngày nào? Ông có quyền hỏi một câu hỏi căn cốt nhất là, Những kẻ khác đâu rồi? Phần tôi, tôi lần dở lại nhừng tờ báo cũ, tìm ra được tấm hình chụp giám mục Ngô Quang Kiệt và giám mục Mai Thanh Lương nhân dịp giám mục Ngô Quang Kiệt được phong chức Giám quản Tông Tòa, Tổng giáo phận Hà Nội và giám mục Mai Thanh Lương làm giám mục phụ tá giáo phận Oange, California, Hoa Kỳ trên trang bìa Nguyệt san Diễn Đàn Giáo Dân, số 20 tháng 6 năm 2003. Mới có 7 năm, gương mặt Tổng giám mục Kiệt, một trung niên mới ngày nào đầy nghị lực và ánh mắt cương quyết lúc đó, mái tóc con đen, chưa hói. Vậy mà ngày hôm nay, ông hói cả đầu, trông già xọm hẳn đi. Một độc giả của Đàn Chim Việt (DCVOnline.net), cũng tinh ý và cũng nhận ra điều ấy: tóc ông rụng nhiều. Chắc vì lo sợ, buồn phiền và thất vọng. Thương cho người thanh niên này, hăng say vì lý tưởng, vì giáo hội mà nay sống đời phiêu bạt không có đường về. Cho dù ra đi biệt tích, ông vẫn được coi là tù nhân của chế độ và phải tiuân thủ tuyệt đối im lặng. Đó là thông lệ cho bất cứ ai rời khỏi Việt Nam đều phải tuân thủ, như Doãn Quốc Sỹ nhà văn, ngay cả trường hợp Hồng y Nguyễn Văn Thuận trước đây. Cho ra đi, nhưng phải giữ mồm, giữ miệng không được đụng đến chế độ. Cho nên, Ngô Quang Kiệt còn sống mà kể như đã chết. Không một ai trong chúng ta có thể biết rõ ông đã chịu đựng những áp lực gì, những thúc ép phá quấy ngày đêm, ngay cả có những đe dọa đến sự sống của ông như thế nào. Tất cả những biện pháp bá đạo, bạo tàn đều được thi triển miễn sao làm suy sụp tình thần đối phương là được. Ông đứng mũi chịu sào và phải chăng rơi vào tình trạng khủng hoảng tinh thần đến mất ăn mất ngủ. Bài học Stalin đối xử với hơn 20 ngàn tù nhân Ba Lan mới được tiết lộ. Vậy mà Stalin là thần tượng sống chết mang đi của Hồ Chí Minh. Ta học được gì ở Hồ Chí Minh? Đó cũng là câu hỏi lớn mà những bọn người ngày nay cứ ra rả bắt học sinh học, mà không biết học được cái gì? Gớm thay cho cái chế độ phi nhân tính và bất nhân và xử với nhau như loài cầm thú. Nó dày kinh nghiệm hành hạ con người đúng mực. Nỗi hận của tôi chỉ có lớn lên mà không có teo lại. Phần Ngô Quang Kiệt, ông không còn là ông sau 7 năm giữ chức tổng giáo phận Hà Nội. Sức người có hạn. Có thể việc ông xin từ chức vì lý do sức khỏe là có thực. Ông không nói dối. Nhưng ông không thể chịu đựng thêm được nữa những áp lực đủ loại, đủ kiểu như đòn thù của chính quyền Hà Nội vô đạo. Tôi đã liên lạc khắp nơi, nhất là ở trong nước, ngay cả những người gần gũi với ông cũng không một ai biết xác thực hiện nay ông đang ở đâu? Cho dù có gửi điện thư đến ông, thư đi mà không có hồi âm. Và nay tôi mới càng nhận thức được một cách sâu xa khi Lm Phạm Hân Quynh trước đây thố lộ rằng, đối với ông, những ngày bị quản chế là những ngày khốn khổ còn hơn ngồi trong tù. Tôi may mắn được gặp hai giáo dân của ông, một gia đình thuyền chài gốc Hải Phòng cho hay, Lm Quynh phải ăn một mình, ở một mình, không được giao tiếp với giáo dân, rồi trồng trọt rau lấy mà ăn, sống đời sống như một sinh vật. Tôi thương cảm cho linh mục Phạm Hân Quynh, một linh mục tuấn tú, nguyên tốt nghiệp đại học Sorbonne, bạn đồng học với hồng y giáo chủ Paris thủa xưa mà nay ra nông nỗi đó. Và tôi mới hiểu rằng tại sao Hồng Y Trịnh Như Khuê, khi bị quản thúc tại tòa tổng giám mục, Hà Nội đã đi bộ trên sân thượng nhà Chung Hà Nội đến tạo thành một đường vòng cung in hằn trân sân thượng. Xin trích dẫn một đoạn chứng từ của lm Phạm Hữu Lễ, ở trại tù ra ghé Nhà Chung Hà Nội : “Cha có để ý thấy cái gì khác lạ trên sân thượng này không? Tôi ngạc nhiên trước câu hỏi đó, và nhìn quanh chẳng thấy gì nên nói : Nghe xong câu chuyện này, tôi quá thương cho hoàn cảnh Đức Hồng y tiên khởi của Việt Nam và cho giáo hội miền Bắc lúc bấy giờ". (Trích Bút ký Tôi phải sống, linh mục Nguyễn Hữu Lễ, trang19.) Nhiều khi thấy cơ hội của Chúa như xa xôi quá, như ở chốn mù khơi. Phần tôi ngoài nỗi lo cho số phận tổng giám mục Ngô Quang Kiệt. Nỗi lo là trong tương lai những vấn đề nhân quyền, tự do tín ngưỡng, những vấn đề quyền tư hữu, trong đó có vấn đề đất đai sẽ kéo tụt hậu xã hội Việt Nam lui lại 50 năm về trước. Theo như ông Dương Danh Dy vừa tuyên bố mới đây, Đất đai nó hiến cho Tầu thì nó hứa hẹn, nó dâng, nó hiến. Còn đối với người dân thì nó mang luật pháp ra trấn áp, mang công an ra trù dập, đánh đập và giam cầm. Chúng đâu có phải con người. Con người đâu có đối xử với nhau như vậy. Người dân nay lại đi lại từ đầu, khởi điểm cho những tranh đấu đòi hỏi nhân quyền, tự do tôn giáo. Phần chính quyền sau khi triệt hạ được tổng giám mục Ngô Quang Kiệt, họ tin chắc rằng bạo lực đã thắng thế và họ không có lý do gì lùi bước trước bất cứ người dân nào muốn chống đối họ. Họ nắm phần thắng, họ vững tin vào bạo lục trấn áp. Hằng ngàn vụ đình công, hằng trăm vụ đòi đất, chính quyền đều hóa giải được cả. Chỉ có một điều phải xác tín rằng, cứ mỗi một bất công xảy ra. Oán hận đòi có ngày phải trả. Bao giờ trả là câu hỏi đặt ra cho mọi người tìm câu trả lời. Phần những kẻ ngả theo họ để có chút lợi lộc sẽ biết họ phải hành xử như thế nào. Sẽ có thêm nhiều giám mục Bùi Văn Độc, giám mục Mỹ Tho. Sẽ có thêm những kẻ sẵn sàng thế chố kiểu Nguyễn Văn Nhơn và Nguyễn Thái Hợp. Số phận tổng giám mục Kiệt đã đành là như thế, nhưng không ai hỏi xem tổng giám mục thay thế Nguyễn Văn Nhơn làm gì trong những ngày qua tại tổng giáo phận Hà Nội? Cứ theo suy luận thì ông sẽ án binh bất động, đóng cửa phòng im ỉm một mình bên cạnh có hai linh mục phụ tá đem theo từ giáo phận Đà Lạt. Ngày ba bữa sang nhà ăn ở kế bên, cách chỗ ở của giám mục khoảng 50 mét, mà theo nếp sống của Nhà Chung Hà Nôi từ giám mục, linh mục đến các thầy đều ăn chung. Các cha các thày sẽ vào phòng ăn trước đứng tản mạn nói chuyện. Khoảng gần 6 giờ thì ai nấy đứng chờ trước chỗ của mình và chờ Tổng giám mục tới sau cùng vào lúc bữa chiều. Tổng giám mục Nguyễn Văn Nhơn sẽ khởi đầu đọc kinh nguyện, sau đó mọi người sẽ dùng bữa ăn. Ăn xong, theo như thông lệ, giám mục sẽ đi dạo trên sân thượng kèm theo những người mà ông muốn nói chuyện. Điều đặc biệt là nay Tổng giám mục Nguyễn Văn Nhơn tự cô lập mình. Buổi sáng sớm thì tổng giám mục đi làm lễ ở nhà nguyện riêng, cách phòng ở khoảng 70 mét. Đó là công việc của ông trong lúc này, ít tiếp xúc hay không tiếp xúc với ai. Ngay cả dự liệu tiếp xúc với đại diện chính quyền cũng tạm đình hoãn lại. Mới đây nhất, vào ngày 19 tháng 5, tổng giám mục Nguyễn Văn Nhơn đã chủ sự thánh lễ cùng với các giám mục Đặng Đức Ngân và Nguyễn Văn Yến. Giáo dân đến dự lèo tèo. Và điện toàn khu vực Nhà Chung tắt hết. Có một vài tín hiệu đáng mừng. Đã có một một số linh mục đại diện các giáo xứ đến chúc mừng. Điều đó chứng tỏ tinh thần kỷ luật và tuân phục của giáo hội Thiên Chúa giáo là cao. Nhưng vẫn chưa đủ. Cần nỗ lực cá nhân của ông Tổng giám mục. Chờ. Có lẽ cái hay nhất trong lúc này theo vị tổng giám mục là không nên làm gì cả. Giám mục Nguyễn Thái Hợp Phần linh mục Nguyễn Thái Hợp sẽ ra thay thế giám mục Cao Đình Thuyên cũng không dễ dàng gì? Giáo hữu địa phận Vinh, vốn tinh thần đạo cao, nổi tiếng từ trước 1954. Gương can đảm có thừa. Lòng đạo và sự quyết tâm không thiếu. Tinh thần đạo cao ngút. Ông tân giám mục Nguyễn Thái Hợp sẽ mang gì đến cho họ? Chẳng lẽ mang ba cái lý thuyết thần học giải phóng của các nước thế giới thứ ba ngoại lai làm quà ra mắt giáo dân? Chẳng nhẽ mang lá bài hòa giải hòa hợp với chính quyền? Giáo dân địa phận Vinh là những người đã có vốn sống hơn 60 chục năm chăn gối với đảng cộng sản. Ông chỉ dẫn được gì cho họ? Họ sẽ biết ai là giám mục của họ? Ai không là của họ? Nguyên tắc vẫn là mục tử thì ở với đàn chiên. Như Cao Đình Thuyên đã làm. Như Ngô Quang Kiệt đã làm. Trong bài viết trước của tôi, chưa có dịp đi vào chi tiết về trường hợp tân giám mục này. Tôi nhận được thư bạn bè và ngay cả các linh mục trong nước khuyến khích tôi viết về ông tân giám mục này. Tôi sẽ căn cứ vào các bài viết của ông để xem ông là loại giám mục gì trong một bài viết riêng? Một nguồn tin mà người viết bài mới nhận được là ngày chủ nhật, 22-05-2010, tại San Jose sẽ có buổi hội thảo của giáo dân gốc Vinh về việc bổ nhiệm tân giám mục Nguyễn Thái Hợp về làm giám mục địa phận Vinh. Một buổi hội thảo ngược đời lần đầu tiên xảy ra. Thay vì tổ chức một buổi ăn mừng tân giám mục, người ta đặt vấn đề về việc bổ nhiệm này! Tin tức ra sao về buổi hội thảo này, người viết sẽ thông báo sau. Giám mục Nguyễn Chí Linh Riêng các bài trả lời của giám mục Nguyễn Chí Linh trên đài RFA thêm nỗi thất vọng cho mọi người với lối nói quanh co, lập luận nước đối, lúng ta lúng túng, ba phải, rào trước đón sau đối với chính quyền. "Tôi không đủ thẩm quyền và có lẽ không đủ chuyên môn để tiên đoán những mối quan hệ giữa nhà nước Việt Nam với giáo hội sẽ như thế nào. Chỉ muốn một điều là xã hội Việt Nam mỗi ngày một đi tới đồng thuận. Về tương lai về mối quan hệ giữa nhà nước Việt Nam với giáo hội Việt Nam đối với tôi vẫn nằm trong viễn ảnh mình ước mơ thôi. Thực tế nó tiến triển như thế nào thì tôi cũng không dám phát biểu." Chỉ cần là một giáo dân thường, học lực bậc trung cũng thừa hiểu cái mối quan hệ ấy như thế nào và những phản ứng của giáo dân hằng trăm ngàn người xuống đường phản đối ở khắp nơi đủ biết lòng dân muốn gì? Nhưng riêng ngài phó Hội đồng giám mục thì không đủ chuyên môn để tiên đoán. Rồi chỉ dám ngồi đó mà ước mơ thôi. Cơ hội của Chúa mất đì thêm một cơ hội. Ngồi chờ sung rụng, đôi khi sung rơi trúng đầu té sỉu và chết lúc nào không biết. Nhưng khi giáo dân lên tiếng thì ông lại mạnh miệng lắm, lại đánh giá công luận hải ngoại khá là thấp và sẵn sàng đổ trách nhiệm cho một số giáo dân, hoặc không thông hiểu vấn đề hoặc thuộc thành phần cực đoan, quá khích. Và tỏ ra cái dụng ý xấu của Ông là gom tất cả mọi người vào một rọ: "Bản thân là giám mục, tôi nhận được rất nhiều bài vở và chúng tôi không biết nguồn xuất phát từ đâu. Chỉ biết có những bài chửi bới trong những email. Lời lẽ là thằng nọ, thằng kia". "Tôi nghĩ rằng hầu hết các tác giả viết về vấn đề giáo hội VN ở hải ngoại phần đông chúng tôi đều biết nhau. Họ thường xuyên trao đổi và chia xẻ quan điểm lập trường trong sự kính nể, trong trách nhiệm người cầm bút. Họ cũng là những thành phần trí thức khả tín, viết có tên có tuổI đàng hoàng và viết với mức độ trung thực ... Có lẽ nào bị xếp chung vào thành phần viết bôi nhọ, ném đá dấu tay?" Đừng nên coi thường những ý kiến của họ. Mà hãy tự vấn lương tâm mình, tự vấn thái độ hành xử, phát ngôn của mình. Có bao giờ có giám mục tự vấn mình xem mình có xứng đáng trong vai trò mục tử chưa? Và đây là một trong những câu trả lời ấy: "Đức cha có khỏe không ạ? Xin mời các Hồng Y Phạm Minh Mẫn, Bùi Văn Đọc, Nguyễn Văn Khảm, Nguyễn Chí Linh, Nguyễn Văn Nhơn, tân giám mục Nguyễn Thái Hợp mỗi người chịu khó đọc đi đọc lại mỗi người ba lần cho. Đọc để từ rầy sắp tới về sau, các ngài có giỏi thì lên tiếng với chính quyền và đừng nên “lên lớp”, “dạy” giáo dân nữa. Kẻ có tư cách cảnh báo là chúng tôi chứ không phải các ngài. Bao lâu các ngài không hành xử đúng cương vị một mục tử thì mọi danh xưng và lời nói của các ngài đều vô nghĩa. Công bằng mà nói, Hồng Y Phạm Minh Mẫn khi còn là tổng giám mục Sài Gòn đâu đến nỗi nào! Trong một tựa đề: Giám mục Phạm Minh Mẫn phản đối cộng sản Việt Nam chiếm tài sản giáo hội, tờ Làng Văn, Toronto, Canada viết: "Từ năm 1975 đến nay, tài sản của giáo hội, của tất cả các giáo xứ công giáo trên toàn lãnh thổ Việt Nam đều bị tước đoạt một phần hay toàn diện, dưới hình thức chính quyền mượn sử dụng tạm. Tuy giáo hội đã làm đơn đòi nhiều lần, nhưng không được trả lại. Tuy nhiên những biến cố gần đây từ tu việnThiên An ở Huế bị chiếm từ hai năm nay, nhà cầm quyền biến đất tu viện thành công viên giải trí, cho tới vụ trường học của giáo xứ Bình Phước đang được xây cất lại hầu biến thành mục tiêu khác (…) Vì sự sống còn của giáo hội cho nên các linh mục đang đồng loạt phản đối chính quyền và chính đức tổng giám mục Sài gòn đã phải lên tiếng một cách công khai và quyết liệt đòi hỏi chính phủ phải trả đất và tài sản lại cho giáo hội. (…) Đây là lần đầu tiên Đức TGM Phạm Minh Mẫn công khai đòi lại tài sản cho giáo hội. (Trích Làng Văn, số 218, tháng 10,-2001, trang 8-9.) Ngày 22-3-2003, lại một lá thư nữa của tổng giám mục Phạm Minh Mẫn gửi một cái tát xiết cho Chủ tịch ỦY Ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, thành phố Hồ Chí Minh về việc vận động giúp người nghèo với những lời lẽ cương quyết, thẳng thừng, đanh thép, truy nguyên tận gốc cái nghèo như sau: "Tôi nghĩ rằng tổ chức Ủy Ban Mặt trận các cấp, các nơi, cần vận động và tạo điều kiện cho nhà nước cùng nhân dân giải quyết căn gốc của cái nghèo trên đất nước VN ngày nay. Tôi muốn nói đến cái nghèo toàn diện, nghèo vật chất, nghèo phương tiện phát triển, nghèo nhân cách, nghèo nhân phẩn phẩm, nghèo niềm tin, nghèo quyền làm người sống «độc lập, tự do, hạnh phúc» (Trích Diễn Đàn Giáo Dân, số 18, tháng tư, 2003 , trang 17) Phải chăng có một hố sâu nhân cách giữa một Tổng giám mục và một Hồng y giáo chủ ? Điều gì đã thay đổi nhân cách một con người? Phải chăng chúng ta đã phải è cổ trả một giá quá đắt tước vị Hồng Y ảnh hưởng sâu đậm tới số phận giáo phận Sai Gòn và toàn thể giáo hội Việt Nam? Vụ đòi đất tòa khâm sứ cũng như Thái Hà, giáo phận Sài gòn bất động, hội đồng giám mục im tiếng? Ai trách nhiệm về điều này, phải chăng sự hèn nhát và ham danh lợi là lý do sâu xa nhất? Vấn đề là Hội đồng giám mục phải tự duyệt xét lại vai trò của mình cũng như trách nhiệm của vai trò ấy. Thử xem đã có bao nhiêu thư từ chính thức kêu gọi Hội Đồng giám mục lên tiếng về điều nọ, đều kia. Có bao giờ Hội đồng dù không lên tiếng đã trả lời thư riêng cho những lá thư thỉnh nguyện ấy? Chẳng hạn tâm thư của linh mục Nguyễn Văn Lý, đề ngày 11 tháng 01, năm 2001 gửi Hội đồng giám mục, Thư của hai linh mục Phan Văn Lợi và Nguyễn Hữu Giải nhân lễ Phục sinh năm 2002 gửi các anh em linh mục, chắc hẳn cũng gửi cho quý vỉ . Tâm thư của Nguyễn Chính Kết gửi Hội Đồng giám mục Việt Nam gửi đức cha Phao lồ Nguyễn Văn Hòa, chủ tịch Hội Đồng giám mục Việt Nam về vụ Cha Lý, trong đó có; câu: « Sự im lặng của HĐGMVN từ trước đến nay là một điều mà cộng đồng dân Chúa trong và ngoài nước chưa cắt nghĩa được một cách ổn thỏa. Con thiết nghĩ sự im lặng ấy có hại cho uy tín của HĐGMVN Sài Gòn nhgày 1-11-2001. Thư của luật sư Nguyễn Văn Minh đề ngày 20-10, năm 2001 viết một vài ngày sau khi Lm Lý bị tù: Một giọt lệ cho cha Lý, gửi cho một giám mục như sau : "Con buồn lắm, thưa đức cha. Các linh mục, các chủng sinh, sinh viên công giáo, giáo dân nhiệt tình sẽ nghĩ như thế nào khi chúng ta cứ im lặng mãi". Nhưng dường như ông luật sư Nguyễn Văn Minh không chỉ khóc thương cho cha Lý. Ông khóc thương cho chính nỗi cô đơn của ông, cho thân phận đất nước, giống nòi ông, trong đó có giáo hội công giáo của ông … (Trích Diễn Đàn giáo dân, số 4 ,tháng 11-2001) Thật ra cần hiểu rằng Hội đồng giám mục thật ngoan ngoãn, dễ bảo, vâng lời nhà nước hơn vâng lời tòa thánh. Khôn ngoan ngậm miệng ăn tiền và sau mỗi khóa họp Hội Đồng thì tất cả kéo nhau sang chào “ông nhà nước” như bá cáo kết quả . Hiện nay, tôi có một tập: Hồ sơ về Hội đồng giám mục Việt Nam. Cho nên, tôi chỉ xin các ngài đừng giải thích, đừng biện luận, đừng ngụy biện nữa. Như cái kiểu ngụy luận của giám mục Giuse Châu Ngọc Tri gửi cho giáo dân địa phận Đà Nẵng: "Trong cuộc đấu tranh cho công lý và công bằng xã hội. Anh chị em giáo dân đừng nghĩ rằng các mục tử không đứng về phía mình. Các ngài có cách thế riêng do vị trí, ơn gọi, sứ vụ và đặc sủng của các ngài. Người mục tử có lúc đi trước, có khi đi sau, thậm chí có những hoàn cảnh phải đi giữa đoàn chiên, tùy sự an nguy của đoàn chiên đến từ đâu. Hãy kính trọng và lắng nghe tiếng nói của các mục tử! Hãy biết “tôn sư trọng đạo” đúng mức như bài học vỡ lòng của mọi người dân Việt." (Trích thư mục tử của giám mục Đà Nẵng, số 4/2010, Đà Nẵng ngày 06 tháng 5 Năm Thánh 2010, Giuse Châu Ngọc Tri, Giám mục giáo phận Đà Nẵng) Cứ nhìn một số lãnh đạo tôn giáo hàng đầu tại ba tổng giáo phận, Sài Gòn, Huế, Hà Nôi hiện nay thì Cơ hội của Chúa xem ra mỗi ngày mỗi mong manh !! Chúng tôi không muốn nhìn thấy một thử nghiệm lần thứ hai, một cơ may chung chăn gối với cộng sản và về sự nhảy múa đồng điệu thời Tổng giám mục Nguyễn Văn Bình mà bên trong là một bọn trí thức cấp tiến, giật dây, chi phối, áp lục "mềm dẻo dưới hình thức cố vấn" của một Nguyễn Đình Đầu, Lý Chánh Trung và linh mục Nguyễn Huy Lịch. Họ vẽ bùa cho những lời tuyên bố của TGM Bình. Chẳng hạn TGM đã lên án gay gắt và nặng nề vụ Vinh Sơn. Nhưng khi một số cha đến tòa giám mục phản đối thì TGM Bình nói rằng, Khổ quá, tôi có muốn nói thế đâu, nhưng họ cứ ép tôi nói. Vậy là được lòng cả hai phía. Họ đây có thể hiểu là mấy ông cấp tiến mà cũng có thể hiểu là mấy ông ở trong mặt trận Theo linh mục thư ký tòa giám mục, Lm Đặng thì các thư chung thời 1975 của Tổng giám mục Nguyễn Văn Bình đều do các Lm dòng Tên người ngoại quốc viết rồi một linh mục Việt Nam dịch ra tiếng Việt. Những lá thư chung ấy thường tỏ ra mềm dẻo, uốn nắn theo đường lối của chính quyền thời bấy giờ. Theo ông Trần Bạch Đằng nhận xét thì TGM là người đóng vai trò gíám mục trung gian giữa nhà nước và giáo hội thích hợp nhất lúc bấy giờ. Ông cho rằng chúng tôi không thể nào chấp nhận một ông giám muc chống đối lại chính quyền. Nhưng mặt khác, chúng tôi cũng không thể nào bắt TGM Bình phải theo chúng tôi được. Cũng theo một nguồn tin riêng của người viết bài này việc liên lạc giữa chính quyền qua Trần Bặch Đằng và tòa giám mục sau này đều xảy ra ở nhà Ngô Công Đức vào những bữa ăn tối. Họ đếu là những người miền Nam nên mọi chuyện xem ra được giàn xếp ổn thỏa qua những bữa ăn này. Theo linh mục thư ký thì trước khi qua đời, TGM Bình đã cẩn thận cho đốt tất cả thư tư, tài liệu kể từ sau 1975, trong đó có những lá thư chống đối tòa Tổng giám mục. Làm như thế để tránh tất cả những di họa có thể xảy ra trong trường hợp những tài liệu đó lọt vào tay Công an của chính quyền. Ngườii cộng sản đã “nhớ ơn” một ông Tổng giám mục hiền lành, đôn hậu nên đã lấy công trường nhà thờ Đức Bà đặt tên Nguyễn Văn Bình. Tuy nhiên, ngày nay, nếu ngồi đọc lại những lá thư chung đó không khỏi thấy nó ấu trĩ, tuyên truyền và không tưởng như thế nào. Xin trích dẫn một đoạn sau: "Trong xã hội cũ mà chúng ta đã có kinh nghiệm, tiền bạc, lòng tham vô liêm sĩ, não trạng hưởng thụ, đã là những tà thần của thời đại. Xã hội cũ đã được thay thế và những tà thần ấy đã bị hạ bệ. Một xã hội mới đang thành hình. Dân tộc chúng ta đang phục hồi quyền làm chủ của nhân dân, phục hồi ý nghĩa và giá trị lao động để cùng nhau tiến tới một xã hội công bình nhân ái." Ôi cái bùa vẽ đó nay hết thiêng rồi. Đọc lại mà thấy buồn cười cho những tên thày dùi. Đây là một tuyên ngôn bánh vẽ, một thứ Thư chung đầy tính chất mỵ Đảng về một thứ thần học giải phóng chỉ có tính cách tuyên truyền. Có nên một lần nữa Cơ Hội của Chúa để rơi vào tay những kẻ tham danh vọng đang lãnh đạo 7 triệu người Thiên Chúa giáo hiện nay hay không?
|