Những cái "quan tài treo" và tâm trạng người dân Sài Gòn |
Tác Giả: Văn Quang | |||
Thứ Bảy, 03 Tháng 1 Năm 2009 09:48 | |||
Chỉ còn vài ngày nữa là lễ Giáng Sinh đến và một năm mới cũng sắp bắt đầu. Cũng trong những ngày này, tôi đi cùng một số anh em ở hai tòa soạn nhật báo và tuần báo bên Úc về Việt Nam làm từ thiện. Đồng thời tôi cùng với anh Trưởng làng và đại diện anh em Thương Phế Binh đang lo 200 phần quà Tết Kỷ Sửu cho các anh em TPB ở Huế, Quảng Trị, Ninh Thuận và mấy tỉnh thuộc Đồng bằng sông Cửu Long. Những phần quà này chúng tôi sẽ cử người đưa đến tận tay từng anh em TPB mà chúng tôi đã biết, cũng như của một số vị độc giả gửi đến, đã được xác minh rõ ràng. Trong số cuối năm tôi sẽ tổng kết để tường trình cùng độc giả. Mặc cho những hành động phá hoại hiểm độc, bằng đủ mọi cách, chúng tôi vẫn cố gắng bằng hết tâm sức của mình mang lại cho những người nghèo khổ nói chung, ít nhất một sự giúp đỡ cần thiết, đó là chút an ủi cho những thân phận không biết nhờ cậy vào đâu. Từ ngày 15 đến 17 tháng 12, chúng tôi đã đi đến những vùng sâu vùng xa ở tỉnh Rạch Giá hay còn gọi là Kiên Giang tặng quà cho nhiều gia đình và các em học sinh nghèo. Ngày 20-12 đến ngày 23-12 này, chúng tôi sẽ đi Campuchia, đến vùng Biển Hồ, nơi có nhiều người Việt Nam mình sinh sống trong hoàn cảnh rất nghèo nàn. Chuyến đi làm từ thiện cuối năm chưa kết thúc nên chưa thể có bài tường thuật. Chắc chắn tôi sẽ có bài tường trình cùng bạn đọc về chuyến đi này trong kỳ tới. Sài Gòn trong mùa lễ hội năm nay Trở lại chuyện Sài Gòn trong những ngày này, chộn rộn Lễ Giáng Sinh cũng như mọi năm. Nhưng không khí "mùa lễ hội" năm nay không bằng năm trước. Ngay từ công việc chuẩn bị trên đường phố cũng thấy rõ vẻ thờ ơ. Những con đường phố chính, nơi trình diễn "bộ mặt của thành phố" cũng giản dị hơn, không lòe loẹt "phấn son tô điểm sơn hà" như năm ngoái. Cái nào cũ còn xài được là xài, bất kể hàng hiệu hay hàng nhái. Lượn một vòng qua những con đường Nguyễn Huệ, Lê Lợi, Thống Nhất, Đồng Khởi... vào buổi tối vẫn là những hàng đèn chạy dài, những băng biển "chào mừng Năm Mới". Trên đường Nguyễn Huệ, khoảng thời gian này năm ngoái đã thấy rộn rịp những chiếc xe ngựa, những gánh hàng hoa, đặc trưng của thành phố cũ, những cái lưới của dân chài được mang ra làm đại diện miền Tây Nam Bộ. Năm nay, chưa thấy những phố đi bộ và những gánh hàng hoa. Xuôi theo đường Lê Lợi, về Chợ Bến Thành, có vẻ tấp nập hơn, nhưng vẫn chỉ là "người đi xem người". Ở một góc công viên 22-9, một khung cảnh nhà tuyết và cây thông có vẻ bắt mắt, nhưng lại hơi... lai Tây. Ở Việt Nam kiếm đâu ra tuyết? Các cửa hiệu chuyên bán đồ Noel năm nay nghèo nàn thấy rõ, họ ngán ngại tâm lý chung khách hàng "thắt lưng buộc bụng" trong thời kinh tế toàn cầu suy thoái và trong cơn bão giá, xăng xuống, giá thực phẩm cứ leo thang. Nhất là các công ty, xí nghiệp lớn năm nay cũng không đặt hàng hoặc có nhưng cũng chỉ bằng phân nửa năm ngoái. Có công ty còn "tiết kiệm" không trang trí, không mua sắm trong dịp này, để dành tiền làm việc khác. Nhiều công ty còn khuyến khích và sẵn sàng ký giấy cho nhân viên nghỉ phép không lương vào dịp này. Các cửa hàng bán quà Giáng Sinh loại "xịn" thưa thớt khách vào ra. Ngược lại, "khách vỉa hè" mấy ngày này coi bộ làm ăn khấm khá. Người tiêu dùng bằng lòng với những món hàng rẻ tiền. Tuy vậy, cũng có một số những cậu ấm cô chiêu, con nhà "gia thế" kiểu mới, vẫn khuân hàng đống đồ về trang trí cửa nhà, hàng thùng quà tặng bạn bè, chi vài chục triệu cho một vài món đồ trang sức cho riêng mình. Đó là những "nghịch cảnh" ở bất cứ thành phố lớn nào của Việt Nam hiện nay. Cái khoảng cách giàu nghèo ngày một xa. Nếu họ nhìn thấy cảnh ở những vùng quê, hầu như chưa biết đến Lễ Giáng Sinh, học trò đi học phải băng qua những cây cầu khỉ cheo leo trơn trượt, mùa mưa không dám đi học, và trường học là một ngôi nhà vách ván, mái tôn cũ nát, không cửa ra vào, sân chơi ngập bùn đất, họ sẽ nghĩ gì, nhà nước nghĩ gì? Chuyện Việt Nam vẫn là như thế! Lại nói chuyện chúng cư Sở dĩ hôm nay tôi mang câu chuyện chúng cư cũ rích ra nói với bạn là có lý do riêng của ngày hôm nay. Bởi TP. Sài Gòn vừa có lệnh dời hơn 2.000 gia đình dân ra khỏi chúng cư cũ, quyết định đó có hiệu lực từ ngày 21-12-2008. Ủy Ban Nhân dân TP. Sài Gòn vừa có quyết định ban hành kế hoạch cải tạo, xây dựng lại các chúng cư cũ bị hư hỏng, xuống cấp trên địa bàn thành phố. Mục đích của kế hoạch này nhằm di dời khẩn cấp các gia đình dân đang sinh sống tại các chúng cư cũ bị hư hỏng nặng, lún nứt ở mức độ nguy hiểm, để phá dỡ, xây dựng lại. Từ nay đến 2010, thành phố sẽ tháo dỡ, xây dựng mới hơn 20 lô chúng cư xuống cấp, tương đương hơn 417.000m2 diện tích sàn xây dựng; quy mô 3.700 căn nhà. Có gần 2.000 gia đình dân phải di dời, với tổng chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng lên tới 1.780 tỉ đồng. Các cơ quan chức năng phải gấp rút hoàn tất thủ tục chuẩn bị đầu tư, di dời để tháo dỡ 3 chúng cư cũ và 1 nhà tập thể hư hỏng xuống cấp, có nguy cơ sụp đổ, khởi công xây mới trong năm 2009, gồm: Chúng cư 289 Trần Hưng Đạo - 74 Hồ Hảo Hớn (Q.1); Chúng cư 192 Nam Kỳ Khởi Nghĩa (Q.3); Chúng cư 727 Trần Hưng Đạo (Q.5) và nhà tập thể 505/12 Bình Đông (Q.8). Tiếp đó, giai đoạn sau năm 2010, thành phố sẽ tiếp tục cải tạo xây dựng 156 chúng cư, nhà tập thể và khu nhà ở cũ hư hỏng xuống cấp, với tổng số di dời lên đến hơn 14.300 gia đình dân. Như thế không chỉ ảnh hưởng tới 4 địa điểm với 2.000 gia đình phải bỏ chỗ ở cũ mà còn ảnh hưởng tới hầu hết các gia đình sống trong các chúng cư cũ của TP. Sài Gòn. Hơn 14.000 dân phải di dời và con số chúng cư cũ phải "cải tạo", xây dựng lại là 156 chúng cư, không hề là chuyện nhỏ. Đó là một khối công việc đồ sộ. Chỉ có điều người dân chưa hiểu là, thời hạn di dời thì có năm bắt đầu nhưng năm nào hoàn thành thì chưa thấy UBND thành phố nhắc đến. Có lẽ là buổi họp của UBND thành phố quên. Cho nên người dân cứ nghĩ rằng "nhắc đến 156 chúng cư" cho... ra vẻ đầy đủ, chứ còn chuyện làm thì để đến đời UBND sau hoặc sau nữa. Thôi thì hôm nay hãy bàn đến chuyện bây giờ. Người dân Sài Gòn đang thầm thì đặt ra khá nhiều câu hỏi quanh chuyện di dời đó. Những chiếc "quan tài treo" Không phải đến bây giờ mà từ nhiều năm nay, các cơ quan chức năng đã nhiều lần báo động về sự nguy hiểm khi sống trong các chúng cư cũ nát. Việc giải tỏa, di dời các chúng cư này cũng đã được đặt ra từ nửa thập kỷ nay. Thế nhưng tiến độ di dời giải tỏa thì vẫn cứ giậm chân tại chỗ. Cứ sau mỗi cơn động đất, hỏa hoạn lớn, các cơ quan chức năng lại hăng hái làm một đợt khảo sát, kiểm định các chúng cư cũ, đánh giá mức độ an toàn. Đồng thời vấn đề an toàn cho các cư dân sống trong các chúng cư này được đặt ra. Thế nhưng, những đề nghị của các đoàn khảo sát, kiểm định các chúng cư cũ nát sau một thời gian lại tiếp tục chìm vào quên lãng, chìm vào trong bài toán "tiền đâu?". Theo số liệu của Sở Xây Dựng, trong số 152 chúng cư cũ (với 12.600 gia đình dân sinh sống) trên địa bàn thành phố thì có đến 67 chúng cư đã xuống cấp trầm trọng, không còn đủ tiêu chuẩn để làm nơi sinh sống. Hay nói cách khác, việc sinh sống trong các chúng cư này chẳng khác nào đang sống trong các "quan tài treo" giữa trời, có thể sập đổ bất cứ lúc nào. Vậy mà người dân vẫn cứ hồn nhiên sống vì phải sống, và nhà nước vẫn cứ hồn nhiên cai trị vì... được cai trị. Cứ tính đến con số 67 chúng cư xuống cấp trầm trọng, trong đó hàng chục ngàn dân, già trẻ lớn bé đang cư ngụ, chưa nói đến con số chính xác là 156 chúng cư, hầu như chẳng còn cái nào đạt chất lượng xây dựng cho người dân trú ngụ. Quận 10 là địa phương có nhiều chúng cư cũ nhất, với 35 chúng cư là nơi sinh sống của gần 4.800 gia đình dân. Theo kết quả kiểm định của Bộ Xây Dựng cũng như của Sở Xây Dựng, 35 chúng cư này chất lượng còn lại chưa tới 60%. Tốt nhất là 57% và tệ nhất là 39%. Theo lẽ thường, đối với những chúng cư, nếu chất lượng còn dưới 50% thì đã phải tháo dỡ, xây dựng mới. Thế nhưng những chúng cư trên địa bàn quận 10 hầu hết vẫn còn tiếp tục được sử dụng để làm nơi ở. Hầu hết các chúng cư "tử thần" đều có tuổi thọ trung bình là 40 năm. Thậm chí một số có tuổi thọ đúng nửa thế kỷ (xây dựng từ những năm 60 thế kỷ 20). Nằm đầu bảng những chúng cư tử thần này có thể kể đến các chúng cư Nguyễn Kim, Ngô Gia Tự, Lý Thường Kiệt... Kết quả kiểm định chúng cư Nguyễn Kim cho thấy, hầu hết chất lượng còn dưới 50%, lẽ ra phải được tháo dỡ từ lâu. Nhất là vào tối 20-11, vụ ban công ở chúng cư Eden số 104-106 Nguyễn Huệ, quận 1, đã bất ngờ đổ sập xuống đường làm bị thương 3 người, người dân sống trong chúng cư này đã hốt hoảng tháo chạy. Và vụ sụt lún tại chúng cư Cosaco vào ngày 31-10, năm chiếc xe máy dựng trên lề đường Nguyễn Siêu, ngay dưới chân chúng cư Cosaco bất ngờ ngã sụp xuống hố, mà trước đó là lề đường để giữ xe. Mọi người hốt hoảng tưởng động đất, vội vàng kéo xe lên, hố sâu chưa đầy 0,7 mét. Năm phút sau, miệng hố toác rộng hơn và chiều sâu tăng dần, lên hơn 2 mét. Tất cả bắt đầu hoảng loạn hơn và la thất thanh, rồi cùng nhau bỏ chạy. Vậy mà từ đó tới nay thành phố vẫn bình chân như vại. Di dời đi đâu, sống thế nào? Đến nay mới có quyết định tháo dỡ 4 chúng cư (gọi chung cả 1 nhà tập thể cho gọn), thì đến bao giờ những chúng cư khác mới được nhắc đến? Và chuyện di dời một lúc 4 chúng cư lại càng phức tạp. Hãy nhìn vào kinh nghiệm của những nơi "giải phóng mặt bằng" di dời dân. Nơi nào cũng gặp những trở ngại, trước hết là việc đền bù thiệt hại cho từng nơi ở, từng gia đình. Rời bỏ nơi họ đã và đang sinh sống, đang làm ăn với những tiện nghi và lợi ích của mỗi gia đình, không nhà nào giống nhà nào. Sẽ có hàng chục, hàng trăm loại khiếu nại khác nhau. Có khi cán bộ được bồi thường nhiều hơn nhà dân vì lẽ này hay lẽ khác, có khi là chính đáng và cũng có khi là không chính đáng, sẽ gây ra những vụ tranh chấp thưa kiện lung tung. Sau đó đến việc tái định cư. Họ sẽ được bố trí tạm thời định cư ở đâu? Rất nhiều người lo ngại vì cái viễn ảnh gia đình mìn sẽ phải dọn đến một nơi không thích hợp, hoặc một nơi nào thuộc vùng ngoại ô, sống chung với rác và ô nhiễm môi trường... làm sao chịu nổi. Mọi tính toán của người dân, mỗi tính toán là một lần tốn kém, như xin cho con đi học ở trường nào, bố mẹ đang đi làm ở những cơ sở thuận tiện cho việc đi lại hằng ngày... Tất cả những thứ đó đè nặng lên tâm trạng của hơn 2.000 gia đình lúc này. Họ chưa thể tin tưởng gì vào sự chuẩn bị của các cơ quan chức năng được giao nhiệm vụ thực hiện chương trình di dời đó. Ngay cả khi cơ quan chức năng có thừa thiện chí nhưng thiếu ngân sách thiếu quyền hạn, thì cũng bằng không. Ở đâu, sống như thế nào đang là một vấn đề lớn đối với những người dân đang sống ở các chúng cư. Di dời một chúng cư đã là khó, trong năm 2009 di dời chúng cư CC, liệu các cơ quan được giao nhiệm vụ có hoàn thành nổi không? Đi đâu cũng khó Di dời dân đến một nơi xa mà người dân gọi là nơi "khỉ ho cò gáy" là một điều rất khó, nhưng đến một chúng cư "cao cấp hơn một tí" thì sự đóng góp mọi thứ tiền hằng tháng người bình dân không thể kham nổi. Một thí dụ trước mắt là chúng cư Lý Thường Kiệt (phường 7 quận 11) người dân bán nhà ra đi nhiều quá. Hai lô chúng cư cho người tái định cư, xây dựng cao tầng hiện đại với tổng số 256 căn nhà, thế nhưng, mới đưa vào sử dụng vài tháng đã có người lục đục rủ nhau sang nhượng. Tại chúng cư Phạm Viết Chánh (Bình Thạnh), ở lô A có 70 căn nhà đều thuộc diện tái định cư. Năm đầu tiên có 15 gia đình sang nhượng và hiện nay đã có 50 gia đình ra đi, chỉ còn 20 gia đình thuộc diện tái định cư "bám trụ" ở lại. Những người sang nhượng nhà hầu hết chuyển về các quận vùng ven như quận 12, Hóc Môn, Thủ Đức, Gò Vấp. Ở lô B, đến nay chỉ còn 4 gia đình ở lại. Tình trạng sang nhượng căn nhà ở chúng cư này diễn ra khá rầm rộ. Lý do thật dễ hiểu, vì theo một chủ gia đình cho biết: "Khi vào ở chúng cư mới thấy không dễ vì thu nhập của gia đình tôi không đủ tiền để trả các khoản chi phí từ tiền góp nhà, tiền gửi xe, điện nước... Không phải ai cũng ở được trong chúng cư cao cấp, phải có thu nhập khá mới "trụ" lại đó được. Tiền nào thì dùng của nấy thôi anh ơi". Chuyện dân bỏ chúng cư tái định cư là một thực trạng. Nhiều người lại bươn ra các vùng ven để tiếp tục tự... tái định cư, tự hình thành những khu nhà cấp 4, nhà ổ chuột mới, sẽ là một thách thức đối với những nỗ lực của chính quyền trong việc chỉnh trang đô thị. Nếu không có những giải pháp thích hợp thì hệ lụy sẽ là vòng luẩn quẩn chưa có hồi kết... Với bằng ấy trở ngại cho việc di dời một khu chúng cư thôi, đang là một nỗi lo của hơn 2.000 gia đình dân với khoảng ít nhất hơn bốn ngàn người cũng bắt đầu từ hôm nay 21-12-2008. Họ còn tâm hồn đâu mà Vui Giáng Sinh và chào đón Năm mới. Sau đó đến lượt 67 chúng cư cũ được sở Xây Dựng Thành phố đánh giá là xuống cấp trầm trọng, có thể gọi là những "quan tài treo" thì bao giờ mới đến lượt di dời đây? Chúng cư "của tôi" Từ năm 1990, là cư dân của khu chúng cư Nguyễn Thiện Thuật hiện nay tôi đang trú ngụ, rất may là đã có một đợt "cải tạo quy mô" nên chưa được hay chưa bị coi là xuống cấp trầm trọng. Cho nên tôi vẫn... yên chí lớn ở nơi này cho đến... đời sau, (nếu tôi có một đời sau). Cứ tính ra năm 2009 có 4 chúng cư di dời, cứ tuần tự như tiến, mỗi năm 4 chúng cư, thì phải 30 năm nữa mời đến lượt chúng cư của tôi. Cái chúng cư này... đã được xây dựng từ hồi Mậu Thân 1968, tròn nửa thế kỷ. Khi mua lại, tôi đã cố gắng vá víu, sửa sang lại cho ra vẻ tươm tất, dán một lớp giấy hoa văn kiểu giả gỗ bên ngoài nên trông còn láng coóng. Nhiều ông bạn tôi từ nước ngoài về chơi cứ yên chí ngồi ăn giả cầy, đấu láo. Không hề biết rằng những bức tường khi tôi đóng đinh treo một bức tranh, rớt ra toàn là bụi vữa đã nát nhũn như cám. Phải có cái "tắc kê" mới đóng đinh được. Ngoài hiên nhà, những cái đà ngang long lở, lòi ra những cây sắt đã han rỉ lâu năm, có cảm tưởng như bóp vào là vỡ. Có những mảng vữa long lay, có thể rớt xuống bất cứ lúc nào, đứng hóng mát vô phúc vỡ đầu như chơi. Nếu nó rớt xuống tầng dưới thì... trúng ai ráng chịu, không ai chịu trách nhiệm cả, lúc đó đi mà kiện củ khoai. Nếu các ông bạn tôi biết tình cảnh này, chắc vừa ăn vừa run hoặc cáo bận không dám đến cho "an toàn xa lộ". Toàn bộ căn nhà chúng cư đều ở trong tình trạng ấy. Rất phù hợp với cái vẻ bề ngoài nhếch nhác của nó. Chúng cư cũng có Ban Quản Lý đàng hoàng, có trưởng phó tổ nghiêm chỉnh, nhưng toàn là những ông có thiện chí "ăn cơm nhà vác ngà voi" nên chỉ làm những việc loanh quanh thu tiền vệ sinh, đóng góp dân phòng, bão lụt. Còn chuyện bảo vệ trị an, lo việc chúng cư thật sự giao cho cảnh sát khu vực, Ủy Ban Nhân Dân phường khóm. Cho nên, cha chung không ai khóc. Các đầu lô chúng cư ai chiếm được thì chiếm, cứ tự do xây lại làm quán cà phê, tiệm sửa xe, sửa giày, bán tạp hóa. Thậm chí che kín cả số lô chúng cư, chẳng ai còn biết đâu là lô A, lô B, lô C nữa. Vào đến chúng cư là đường đi ở mồm. Đúng luật thì dân chúng cư không được nuôi gia súc trong nhà. Nhưng vẫn có những nhà không hiểu vì lẽ gì vẫn cứ nuôi chó, đôi khi cho chó "ị" ngay trước cửa nhà người khác. Đường đi lối vào chúng cư, hai bên cứ thoải mái để đủ loại xe gắn máy của những nhà cho gửi xe tràn ra chật đường. Vậy mà mấy thầy Cảnh sát vẫn tỉnh như ruồi, coi như hợp lệ. Người dân thắc mắc chẳng hiểu hằng tháng những cửa hàng lấn chiếm đó nộp cho Phường Xã hoặc CA bao nhiêu. Quyền lợi của người dân tha hồ bị tước đoạt làm giàu cho người khác. Chuyện chúng cư Sài Gòn là thứ chuyện dài nhiều tập, là những bi hài kịch nói hoài không hết. Chúng cư "của tôi" chỉ là một điển hình bé tí tẹo. Tôi chỉ muốn chứng minh rằng những cái "quan tài treo" đó không thể giải quyết theo cái kiểu cầm chừng được nữa. Năm 2009, chỉ có 4 chúng cư được "cải tạo" xây dựng, cách làm đó không thể làm cho người dân Sài Gòn tin tưởng hơn, mà làm cho tất cả những người sống trong 156 chúng cư lo lắng thêm. Đó mới thật sự là tâm trạng người dân vào dịp những ngày lễ tết đang đến này.
|