Nhân trị và Pháp Trị |
Tác Giả: Nguyễn Hoài Vân | ||||
Thứ Bảy, 02 Tháng 4 Năm 2011 08:32 | ||||
Có hai khuynh hướng tổng quát ảnh hưởng trên mọi thể chế chính trị từ xưa tới nay : đó là các khuynh hướng “nhân” và “ pháp” thường được đề cập đến trong tư tưởng chính trị của người mình. Chúng ta đi vào đề tài “Nhân trị và Pháp Trị”: - Trước hết, với sự trình bày văn tắt thế nào là Nhân trị và thế nào là Pháp trị theo cách hiểu của người xưa. - sau đó, bước sang sự phân định các yếu tố có tính cách tương đối “Nhân” và tương đối “Pháp” trong các trào lưu tư tưởng hiện đại. - Rồi, để cho vấn đề được thêm rõ nét, chúng ta sẽ phân tích hai mô hình tổ chức xã hội tiêu biểu là tư bản và xã hội chủ nghĩa dưới cách nhìn “Nhân” và “Pháp”. - Sau nữa, chúng ta mới rút tỉa vài ưu và kuyết điểm chính yếu của nhân cũng như Pháp trị. - Trước khi kết luận với ba vấn đề căn bản cần được đặt ra khi nghiên cứu về Nhân và Pháp trị. Ngoài ra, chúng tôi cũng xin thêm vào bản văn vẫn thường được dùng để thuyết trình tại Pháp Quốc vài hàng “viết thêm” để tránh những lẫn lộn giữa khuynh hướng “Pháp trị” của ta với từ “Pháp Trị” trong quan niệm “dân chủ Pháp trị” của người Tây Phương. Khuynh hướng Nhân trị Phát nguồn từ Đạo Nhân, tức từ một tổng hợp bổn phận để con người có thể sống đúng với địa vị của mình đối với mọi người trong xã hội và đối với vạn vật vũ trụ (“Nhân dã giả, nhân dã" - Mạnh Tử). Tập hợp bổn phận này được xây dựng trên quan niệm mọi người đều cùng một bản thể với nhau và cùng bản thể với vũ trụ vạn vật, ví như anh em một nhà, nên có bổn phận phải nâng đỡ nhau để cùng triển nở tốt đẹp (Tử Hạ: “Tứ Hải Chi nội giai huynh đệ”- Trình Minh Đạo: “Vạn vật dữ ngã nhất thể dã”). Bản thể ấy cũng là bản thể của Trời, khiến con người cũng như thiên nhiên đều có phần linh thiêng tôn quý. Áp dụng vào việc điều hành xã hội, Đạo Nhân cho ra những quan niệm căn bản của lý thuyết Nhân trị: Quan niệm con người: Con người được quan niệm một cách toàn diện, với phần vật chất, phần tinh thần và nhất là phần linh thiêng như vừa nói. Chính vì có phần linh thiêng còn gọi là Thiên tính này mà mọi người đều phi được kính trọng. Quan niệm giáo dục trong thuyết Nhân trị là tìm lại và dưỡng nuôi cái tính trời tiềm tàng, nơi mỗi con người làm cho tính ấy không bị tư dục che lấp, để thể hiện mạnh mẽ trong cuộc sống. Giáo dục ở đây chủ trương hướng nội và tin tưởng vào cái Tính thiện nơi mỗi con người. Quan niệm lịch sử: Thuyết Nhân trị cho chân lý hay “đạo” hiển lộ ở quá khứ, rồi dần dần lu mờ đi với thời gian. Vì thế, cần lấy người xưa làm gương mẫu và đi tìm chân lý trong truyên thống. Đó là quan niêm lịch sử tiến hóa theo chu kỳ. Quan niệm xã hội ở đây coi xã hội như một gia đình lớn như ý nghĩa câu “dân ngô đồng bào” của Trưng Tái. Xã hội cũng có thể được ví như một cơ thể lớn. Quan niệm chính quyền trong thuyết Nhân trị coi nhà cầm quyền như Cha, Mẹ, Chú, Bác người dân, có bổn phận phải “thương dân như con đỏ”. Quan niệm chính quyền này trọng bổn phận hơn là quyền hành. Quan niệm pháp luật: pháp luật ở đây bị coi như chỉ là sự bổ túc cho một tập hợp quy ước gọi là Lễ. Lễ là một thứ “luật” tự nhiên mà mọi người đều chấp nhận trong thâm tâm mình. Lễ được hình thành từ những yếu tố bẩm sinh, tức phần nào từ cái Tính thiện nơi mỗi người và từ một quá trình giáo dục, đào luyện lâu dài. khi Lễ không còn đủ để điều hành việc nhân sinh, người ta cực chẳng đã mới phi dùng đến pháp luật. Khuynh hướng Pháp trị Phát nguồn từ học phái Lão Trang và học thuyết của Tuân Tử. Học phái Lão Trang trú trọng ở sự tuân theo định luật tự nhiên của vũ trụ, kông làm gì cưỡng lại định luật ấy mà dẹp bỏ mọi tư dục để cho định luật ấy tự nhiên “làm” mọi việc qua mình. Đó là lý thuyết “ Vô vi nhi vô bất vi” (không làm nhưng không gì không làm). Tuân Tử chủ trương không thể chờ đợi giác ngộ định luật của Trời Đất, mà phải đặt ngay ra những quy luật làm tiêu chuẩn giải quyết việc nhân sinh xã hội. Ông cho Đạo không phải là Đạo Trời, mà là Đạo người. Ông cũng đề ra quan niệm con người mang tính ác, cần có những tiêu chuẩn từ bên ngoài để theo đó sửa đổi, điều tiết. Từ khái niệm “định luật của vũ trụ” nơi Lão Trang đến sự phân biệt Đạo trời, Đạo người, của Tuân Tử, người ta đi tới quan niệm “Pháp” tức một hệ thống quy luật điều khiển toàn bộ nhân sinh hành vi có tính cách tuyệt đối, không được bàn cãi ( Pháp bất nghị). Trên nền tảng ấy, lý thuyết Pháp trị được hình thành với những quan niệm cơ bản sau : Quan niệm chính quyền: Pháp gia chủ trương nhà cầm quyền không nên làm gì cả, mà chỉ dựa vào “Pháp” để thưởng phạt người dưới. Vì ai cũng ham được thưởng, sợ bị phạt nên sẽ đều tự động làm đúng “Pháp”. Đó là thái độ “Vô vi nhi vô bất nhi” của Pháp gia, ảnh hưởng Lão học. Quan niệm này trọng quyền hành hơn trọng bổn phận. Việc cai trị hoàn toàn dựa trên “Pháp” nên có căn bản là Vô Tư, Vô Tình, khác với kuynh hướng Nhân trị coi việc công như việc tư, coi người dưng như thuộc gia đình mình, trị nước như cha anh lo cho con em trong nhà vậy. Pháp gia có thể từ bỏ chính gia đình mình, trong khi người Nhân coi mọi người như người nhà, để cho dù thưởng hay phạt cũng không quyên cái tình ấy. Quan niệm xã hội: xã hội ở đây là một cái máy lớn, hành động của mỗi người đều phải phù hợp một cách chính xác với danh phận của mình như đã được quy định bởi “Pháp”. Làm sai, làm thiếu hay làm quá lố, làm dư ra đều bị trừng phạt. Công nhỏ quá hay công lớn quá đều mang tội (Hàn Phi Tử, Thiên 7). Thật vậy, một cơ phận trong bộ máy chắc chắn là không thể chạy nhanh hay chậm hơn tốc độ đã được quy định. Quan niệm lịch sử của Pháp gia là quan niệm tân tiến, tức tin vào sự tiến bộ, vào sự giải quyết các vấn đề nhân sinh trong tương lai, nhờ vào việc đặt ra và thi hành “Pháp”. Khác với khuynh hướng Nhân trị, lịch sử ở đây tiến theo đường thẳng. Pháp Gia Hàn Phi cũng khẳng định điều kiện kinh tế quy định hướng tiến của lịch sử, trong khi Pháp Gia Thương Ưởng đề ra một tiến trình của lịch sử dựa trên một loại biện chứng pháp sơ khai với từng giai đoạn mang mầm mống của sự tự hủy diệt mình để hình thành giai đoạn sau (nhưng thiếu “thống nhất biên chứng”). Quan niệm giáo dục ở đây thiên về hướng ngoại , dựa trên việc không theo một tiêu chuẩn bên ngoài. Pháp Gia nghĩ con người mang Tính ác, cần phải biến hóa cái tính ấy đi cho phù hợp với “Pháp”. Từ đó, họ coi con người như gỗ đá, có thể dư thì cắt bớt, thiếu thì chắp thêm (Hàn Phi – Hiển Học) họ cũng quan niệm “Chính giáo hợp nhất” (Lý Tư) đặt giáo dục dưới sự kiểm soát của nhà chính trị (Dĩ lại vi sư), và triệt để bài bác văn học, coi đó như nguồn gốc của sự chống lại “Pháp”. Quan niệm con người: Pháp gia coi con người như gỗ đá có thể đẽo gọt, hay như cơ phận của một bộ máy, phải chạy đúng như đã được quy định, với quan niệm ấy, họ có thể tiêu diệt một phần xã hội theo chủ trương “lấy số nhiều bỏ số ít” (dụng chúng nhi sả quả - Hàn Phi), khác với người Nhân, tôn trọng mỗi người như một biểu hiệu của Thượng Đế. “Nhân” và “Pháp” trong trào lưu tư tưởng hiện đại : Ngày nay người ta có thể coi như thiên về “Nhân” những tư tưởng quan niệm con người một cách toàn diện và từ đó tôn trọng con người với ý nghĩa “con người nói chung”, đề cao sự ôn hòa rộng rãi, chấp nhận những khác biệt, hướng về lý tưởng tự do, đặt nặng quyền lợi cá nhân. Trên trường chính trị, đó là những thể chế dân chủ, đặc biệt là dân chủ đa nguyên, là cách cầm quyền khách quan thực tế, là chủ trương bảo vệ thiên nhiên. Ngược lại các tư tưởng thiên về “Pháp” thu hẹp định nghĩa con người, như coi con người chỉ là con người kinh tế, con người giai cấp (Marx), con người sinh lý (Freud), ý tưởng loại bỏ Thượng Đế trong đời sống con người (Nietsche), hay những tư tưởng gián cách con người với Thượng đế, phủ nhận tính linh thiêng tự nhiên của con người và vạn vật của một vài tôn giáo mặc khải. Các tư tưởng thiên về “Pháp” thường quá khích, giáo điều chủ nghĩa, đề cao “Đồng” hơn là “Hòa”, trọng bình đẳng hơn tự do, bảo vệ quyền lợi cộng đồng (cộng đồng đân tộc, Quốc gia, giai cấp, tôn giáo...) hơn là quyền lợi cá nhân. Trên trường chính trị, đó là những thể chế độc tài, là cách cầm quyền chủ quan duy ý chí, là kinh tế chỉ huy, là những mô hình phát triển tàn phá thiên nhiên, phung phí tài nguyên thiên nhiên. Nói rộng hơn, sự hệ thống hóa việc nhân sinh hành vi, tức mọi chủ thuyết, ý thức hệ ... đều dễ thiên về “Pháp”. Thật vậy nếu chấp nhận rằng con người có những phần vượt ngoài mọi sự lý luận thì người ta buộc phi suy ra cái tác dung căn bản của các hệ thống lý luận là thu hẹp định nghĩa con người. Hai mô hình tổ chức xã hội tiêu biểu dưới cái nhìn “ Nhân” và “Pháp” : Tư Bản Chủ Nghĩa : Có thể định nghĩa như một mô hình của tổ chức xã hội trong đó phưng tiện sản xuất và phưng tiện thay đổi nằm trong tay tư nhân. Tư nhân đương nhiên là có khuynh hướng đặt Tư lợi lên trên hết. Vì thế, một trong những động cơ chính yếu của xã hội tư bản là Hiếu Lợi. Để được lợi nhà tư bản luôn cố gắng đẩy mạnh Sản Xuất và Tiêu Thụ. Vì cần có người Tiêu Thụ nên Xã hội tư bản thường ôn hòa rộng rãi, tôn trọng cá nhân và khuyến khích con người phát triển toàn diện. Thật vậy, nếu hẹp hòi, quá khích, thì sẽ phải loại bỏ một phần xã hội, giảm bớt số người tiêu thụ. Sự tôn trọng quyền lợi cá nhân cũng là hậu quả của tính hiếu lợi, vì mỗi cá nhân là một người tiêu thụ, cần làm cho cá nhân ấy có một mức sống nào đó đủ để anh ta hăng hái tiêu thụ mỗi ngày một thêm lên. Mặt khác, tính hiếu lợi cũng khiến nhà tư bản không ngần ngại cổ động sự phát triển con người một cách toàn diện, vì điều này giúp gia tăng nhu cầu tiêu thụ. Mỗi bước phát triển của các khía cạnh vật chất, tâm trí, tâm linh, tín ngưỡng...của con người đều tạo thêm những nhu cầu mới, mở ra những thị trường mới để nhà tư bản có thể bán những sản phẩm liên hệ, từ cái lò micro- ondes tới các thần thánh, guru … đủ loại. Về chính Trị, xã hội tư bản thường thiên về thể chế dân chủ đa nguyên, tuy điều này còn tùy thuộc một số điều kiện khác. Lý do vì phưng tiện sản xuất và trao đổi là thực chất của quyền hành trong xã hội. Quyền hành ấy vì nằm trong tay tư nhân nên dễ bị phân tán, đưa đến nhiều “đầu mối nắm quyền” và nhiều “đầu mối phản quyền” (contre-pouvoir) tưng ứng, tất cả đều ảnh hưởng một cách tương đối trực tiếp vào đời sống chính trị. Tình trạng này dễ đưa đến thể chế đa nguyên. Xin đặc biệt lưu ý: đa nguyên dùng ở đây được hiểu là nhiều đầu mối can thiệp một cách trực tiếp vào việc chính trị, chứ không phải mỗi người dân là một “Nguyên” như đã từng được phát biểu ở nhiều nơi. Vì ôn hòa rộng rãi, trọng quyền lợi cá nhân, đề cao sự phát triển con người toàn diện và khuynh hướng dân chủ Đa Nguyên, nên xã hội tư bản có nhưng nét thiên về nhân trị. Thật ra, người ta đã nghĩ nhu cầu đẩy mạnh Sản Xuất có thể đưa dến những phương pháp quản trị nhân công khắt khe, với sự bóc lột ngày càng gia tăng. Tuy nhiên, trong thực tế, điều này đã không xảy ra. Nhiều xã hội tư bản đã đạt được phần nào đến sự quân bình giữa quyền lợi của người làm công, cũng phải được coi như người tiêu thụ, và quyền lợi của chủ nhân, tùy thuộc vào sự tiêu thụ này. Điều cần nhận rõ là sự quân bình ấy chỉ có được ở các nước tư bản tiên tiến. Tại các nước kém phát triển, người dân vì quá nghèo nên gần như chỉ đơn thuần là “con người sản xuất” chứ chưa được coi như “con người tiêu thụ” một cách đúng mức. Thế quân bình như vừa nói trở nên lệch lạc, sự bóc lột có phần trội hơn việc đem lại cho người dân một mức sống vừa đủ để họ có thể tham dự vào xã hội tư bản với tính cách “người tiêu thụ”. Nhiều yếu tố khác trong xã hội tư bản cũng có khuynh hướng phản lại lý tưởng Nhân trị. Thí dụ: nhu cầu thúc đẩy tiêu thụ thường đưa đến đánh giá con người theo mức độ tiêu thụ của mình: anh “Hơn” tôi, vì anh có xe tốt hơn, nhà lớn hơn....Điều này đưng nhiên, là thu hẹp định nghĩa con người, giam hãm con người trong khuôn khổ những quy luật và hệ thống giá trị của sự tiêu thụ. Thêm vào đó, nhu cầu sản xuất hàng loạt để giảm giá thành của hàng hóa cũng khiến nhà tư bản tận dụng mọi phương tiện truyền thông, quảng cáo...để làm cho con người phải lọt vào những khuôn mẫu thụ, quanh một số mặt hàng được coi như “biểu tượng của đời sống văn minh”. Ngoài ra xã hội tư bản dễ khuyến khích sự phát triển lệch lạc, ích kỉ, với cách nhìn hiếu lợi ngắn hạn khó giải quyết được những vấn đề căn bản trường kỳ của nhân loại. Điều này đưa đến sự chênh lệch giàu nghèo khủng khiếp và sự tàn phá thiên nhiên, phung phí tài nguyên thiên nhiên một cách vô cùng tệ hại. Đó là những sắc thái Phi Nhân của xã hội tư bản. Xã Hội Chủ Nghĩa Được bàn đến ở đây là mô hình tổ chức xã hội thoát thai từ Chủ Thuyết Marx. Chúng ta có thể định nghĩa Chủ Thuyết Marx như một quan niệm lịch sử dựa trên thuyết Duy vật và biện chứng pháp. Biện chứng duy vật cho rằng con người trong căn bản tùy thuộc vào các điều vật chất. Vì thế, đa số các học giả thuộc học phái Marx đã gặp nhiều trở ngại trong việc thừa nhận ý niệm “con người nói chung”. Thật vậy, điều kiện vật chất luôn thay đổi, nên con người bị quy định bởi vật chất cũng buộc phi thay đổi theo, và như thế làm sao có được một thực tế gọi là “con người nói chung”, trường tồn, biệt lập với các đổi thay ấy? Các học giả này coi ý niệm “con người nói chung” là một thần thoại không có thật. Mặt khác, sử quan duy vật cho lịch sử là “lịch sử đấu tranh giai cấp”(tuyên ngôn Đảng Cộng Sản) nên khi được đặt trong giòng lịch sử, những điều kiện chính yếu quy định bản chất con người buộc phải là những điều kiện đấu tranh và những điều kiện giai cấp (“Bản chất con người là sự tổng hợp của những tương quan xã hội Marx – Luận cương 6 về Feuerbach.). Như vậy, theo các học giả này, con người là con người giai cấp (và con người đấu tranh). Cần nhắc lại là sử quan cũng như biện chứng duy vật đều là những đặc điểm của Pháp gia thời Chu Tần, dù rằng lúc ấy mới ở trạng thái sơ khai. Hậu quả của ý tưởng không có “con người nói chung” mà chỉ có “con người giai cấp” là : giữa con người ở giai cấp này với con người ở giai cấp khác không có gì chung cả, không cùng nhau chia sẻ giá trị căn bản nào cả. Và người ta có thể coi người của giai cấp khác như thuộc về một loài vật khác, để nếu cần thỉ thản nhiên giết bỏ, như trừ sâu, trừ kiến, đập ruồi đập muỗi. Đó chính là căn bản của “thuyết Phi Nhân” đã ngự trị trên học phái Marx và cái gọi là “thế giới Cộng Sản” suốt nhiều thập niên, cho đến gần đây mới bắt đầu bị một số tư tưởng gia thuộc chính học phái này lên án hầu tìm cách xây dựng một “xã hội chủ nghĩa nhân bản”. Ngoài khả năng giết người như sâu kiến ấy, các mô hình Xã Hội Chủ Nghĩa được áp dụng trong “thế giới Cộng Sản” còn mang nhiều đặc tính Pháp Trị khác như: trọng bình đẳng hơn tự do, tập thể hơn cá nhân, đấu tranh hơn hòa giải, kinh tế chỉ huy hơn kinh tế thị trường, thêm vào với lề lối cầm quyền độc tài, duy ý chí, giáo điều chủ nghĩa. Tuy nhiên, lý tưởng của học thuyết Mars là đi đến một “thiên đường ” gọi là “Xã Hội Cộng Sản Văn Minh ” trong đó không còn giai cấp, không còn đấu tranh, không có chính phủ và cũng không cần đến quyền tư hữu. Xã hội lý tưởng này có một mức sản xuất cực cao, dư dùng cho mọi người dân, và người dân cũng đạt đến một trình độ tự giác cực cao, khiến không còn vấn đề chiếm hữu, không còn phải dùng đường lối đấu tranh để giải quyết các mâu thuẫn. Sự hiện diện của chính phủ cũng không còn cần thiết. Xã hội lý tưởng này phù hợp với khuynh hướng Nhân Trị. Phê bình Nhân trị và Pháp trị: Nhân Trị là một lý tưởng cao đẹp, phù hợp với ước vọng của con người, dễ được con người chấp nhận và trong sự áp dụng, dễ ứng phó với thực tại, dễ sửa sai hơn khuynh hướng Pháp Trị. Tuy nhiên, Nhân Trị không phải lúc nào cũng áp dụng được, mà tùy thuộc vào ba điều kiện chính yếu, đó là : - mức sống vật chất của người dân - trình độ ý thức của họ - và tình trạng an ninh của quốc gia, bên ngoài cũng như bên trong. Vì thế, Nho Gia đã đặt ra ba mục tiêu cốt yếu cho việc chính trị, là: bảo vệ dân, lo cho dân no đủ và giáo dục dân. Có lẽ cổ nhân đã muốn truyền lại một bài học thực tế, rằng: Nhân trị không phi chỉ là “làm” Đạo Nhân, mà cũng là tạo điều kiện để Đạo Nhân có thể “làm” được . Nếu không thì sẽ lại rơi trở vào lề lối chủ quan duy ý chí như trong khuynh hướng Pháp Trị. Pháp Trị vì duy ý chí nên ít lệ thuộc hoàn cảnh, dễ thống nhất mục tiêu và phương tiện, thuận lợi cho việc đấu tranh ngắn hạn. Ở thời xưa, nó làm cho quốc gia hùng cường mau lẹ (trường hợp nước Tần). Thời nay, người ta thường dùng nó một cách hiệu quả trong việc cướp chính quyền và giữ chính quyền một cách chắc chắn. Ngoài ra việc sử dụng Pháp Trị để xây dựng những đế quốc chuyên chế dường như đang trên đà giảm bớt, tuy người ta vẫn không từ bỏ một hình thức đế quốc mới , có khi được gọi là “đế quốc kinh tế”. Cầm quyền theo khuynh hướng Pháp Trị có thể mang đến nhiều nguy hại vì ba lý do : 1) Pháp Trị rất dễ sai lầm, vì quan niệm con người và sự vật một cách chủ quan, giáo điều, đưa đến tổ chức xã hội xa rời thực tại, khó đáp ứng được với những đòi hỏi thực tế của người dân nên dần dần cách biệt với dân, đi đến chỗ bị dân oán ghét . 2) Khi đã xa rời dân, đi ngược lại với nguyện vọng của họ, thì muốn cho họ tiếp tục phục tùng mình, nhà cầm quyền cần phải hà khắc, đàn áp, trừng phạt gắt gao, thậm trí giết bỏ thẳng tay. Điều này đưa đến không khí căm hờn nặng nề trong xã hội , ít thuận lợi cho sự hợp tác, “hòa hợp hòa giải” và thường kết thúc trong những cuộc nổi dậy đẫm máu . Pháp Trị dễ thống nhất mục tiêu và phưng tiện của quốc gia trong ngắn hạn, nhưng với thời gian nó lại hay đưa đến bất hợp tác, đối kháng, thậm chí đụng độ đẫm máu, tiêu hao lực lượng. 3) Khi đã sai lầm, một xã hội Pháp Trị rất khó sửa sai, do ở nguyên tắc “Pháp bất nghị” đã nói ở trên. Vì thế, khi cần thay đổi một chính sách, người ta thường buộc phi lật đổ cả một chế độ, vừa tốn thì giờ, vừa tốn hao tài nguyên xương máu. Tóm lại, Tuy lý tưởng Nhân trị phản ảnh những ước vọng thâm sâu nhất của con người trong đời sống xã hội, người ta vẫn buộc phải công nhận rằng không phải lúc nào điều kiện thực tế cũng cho phép xây dựng xã hội lý tưởng này. Vì thế, khi suy nghĩ về Nhân và Pháp, người ta cần đặt ra ba vấn đề: Thứ nhất, trong một thời điểm nhất định, điều kiện thực tế cho phép thi hành một chính trị với bao nhiêu phần “Nhân” bao nhiêu phần “Pháp” ? Thứ nhì : trong tiến trình quản lý quốc gía, làm sao để một mặt sáng suốt nhận thức những giai đoạn cần phải thi hành Pháp Trị, mặt khác ngăn ngừa những sự lạm dụng việc này ? Sau hết, người ta có thể tự hỏi : thế nào là dung hòa Nhân và Pháp ? Có lẽ câu trả lời là : nhìn về một giá trị căn bản của con người mà lập Pháp, với một tinh thần rộng rãi , không cố chấp giáo điều, chủ thuyết , chấp nhận sửa sai, thích nghi với thực tại (Pháp hữu nghị). Nói cách khác, là lấy tinh thần Đạo Nhân mà lập Pháp. Có thể được chăng ? Các bậc hiền giả sẽ luận bàn vậy. Viết thêm: Có thể có sự lẫn lộn giữa khuynh hướng “Pháp Trị” của ta với từ “Pháp Trị” trong quan niệm “Dân Chủ Pháp Trị” của người Tây Phương. Quan niệm “Pháp Trị” trong tư tưởng Dân Chủ của người Tây Phương chỉ đóng khung trong phạm vi thi hành luật pháp . Theo lý thuyết này , sở dĩ luật pháp phi được thi hành một cách triệt để vì luật pháp chính là sự đảm bảo cho những Quyền của người dân . Người dân , bằng nhiều cách , có thể tham gia vào việc làm ra và sửa đổi luật pháp. Khi được tham gia thi hành, thì mọi người, kể cả những người điều hành quốc gia đều phải tôn trọng luật pháp, vì đó là tiếng nói của dân, là Quyền của dân. Vì thế, khi các nhà dân chủ Tây Phưng dùng chữ “Pháp Trị” để nói : “luật pháp là trên hết”, thì họ cũng mặc nhiên nói : “Dân là trên hết” (thời cổ La Mã đã từng có câu “Vox populi, vox Dei” – tiếng nói của dân là tiếng nói của Trời – và “Vox populi, suprema lex” – tiếng Dân là luật tối thượng). Quan điểm này phù hợp với lý tưởng Nhân Trị. Chỉ cần nhắc lại câu của Mạnh Tử, một nhà tư tưởng chủ trương Nhân Trị : “Dân vi quý, xã tắc thứ chi, Quân vi khinh” (dân là quý nhất, quyền lợi phi được coi trọng nhẩt, thứ đến mới là quyền lợi quốc gia, còn quyền lợi của nhà cai trị phi bị coi là nhẹ nhất). Ngược lại, Pháp Trị trong tư tưởng chính trị Đông Phương không chỉ đóng khung trong “vấn đề luật pháp” mà bao gồm các lãnh vực khác của việc điều hành xã hội. Pháp Trị ở Đông Phương là một khuynh hướng điều hành xã hội nói chung, có tính cách toàn diện, có phạm trù khác với “Pháp Trị” trong tư tưởng “Dân Chủ Pháp Trị” của người Tây Phương. Không thể so sánh, và càng không thể lẫn lộn hai chuyện ấy . Điều này có vẻ đương nhiên, nhưng dường như có vài trường hợp ngộ nhận. Vì thế mới có mấy hàng viết thêm này. Để tránh lẫn lộn, có anh bạn đề nghị dùng chữ “Pháp Quyền” thay vì “Pháp Trị” trong cụm từ “Dân Chủ Pháp Trị”. Có lẽ theo ý anh ta chữ Pháp Quyền diễn tả một cách rõ ràng hơn ý nghĩa Pháp luật do những Quyền của người dân mà có, phải là sự đảm bảo của những Quyền ấy, và trong sự soạn thảo cũng như tu sửa, phải đặt nền tảng trên đó. Việc dịch lại các từ ngữ Tây Phương nhiều khi đã được thực hiện một cách ít khéo léo, khiến vấn đề “chính danh” cần phi được đặt ra. Đây chỉ là một thí dụ (*) (*) Nhớ câu ngạn ngữ : “Traduttore, traditore” (dịch là phản lại)
|