Máy bay tiêm kích tàng hình, hỏa tiễn chống hàng không mẫu hạm, vệ tinh điều khiển tên lửa tầm xa. Đó là những loại vũ khí mà Bắc Kinh đang ráo riết thử nghiệm song song với việc hiện đại hóa lực lượng quân sự. Nhật báo Le Figaro hôm nay dành nguyên một trang để nói về sự kiện này.
Một cuộc diễu binh trước Tử Cấm Thành tại Bắc Kinh (Reuters)
Về phần mình, báo Le Monde đánh dấu hỏi : không hiểu vì sao Trung Quốc lại cho bay thử chiến đấu cơ tàng hình J20 ngay vào lúc chủ tịch Hồ Cẩm Đào tiếp đón bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates tại Bắc Kinh. Cho dù Bắc Kinh khẳng định đây chỉ là một sự trùng hợp về mặt thời điểm, cho dù Trung Quốc tuyên bố là việc hiện đại hóa quân đội không nhắm vào một quốc gia nào cả, nhưng giới quan sát không tin là như vậy.
Chuyến đi của ông Robert Gates là nhằm thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước. Đó cũng là dịp để cho hai bên hàn gắn quan hệ, một năm sau khi Bắc Kinh cắt đứt các cuộc tiếp xúc quân sự với Washington, để phản đối việc Hoa Kỳ bán vũ khí cho Đài Loan. Nhưng theo Le Monde, hình ảnh của chiếc máy bay tàng hình phản ánh cuộc chạy đua vũ trang giữa hai cường quốc. Trong lãnh vực này, đôi bên cạnh tranh nhiều hơn là xích lại gần nhau.
Báo Le Figaro chỉ chia sẻ một phần nhận định của Le Monde. Trong bài viết mang tựa đề Hoa Kỳ đo lường thế lớn mạnh quân sự của Trung Quốc, Le Figaro đánh giá : việc cho bay thử chiến đấu cơ tàng hình có thể được hiểu theo hai cách.
Thứ nhất, Bắc Kinh muốn cho Washington thấy tiềm lực quân sự của mình. Nếu Hoa Kỳ muốn củng cố quan hệ đối tác chiến lược, thì trước hết Mỹ phải xem Trung Quốc như một nước ngang hàng, chứ không có chuyện kẻ dưới người trên.
Hiểu theo cách thứ nhì, theo Le Figaro thì từ trước tới nay, Hoa Kỳ vẫn đòi hỏi Trung Quốc phải rõ ràng minh bạch trong việc hiện đại hóa quốc phòng. Chính cũng vì thế mà Bắc Kinh không che giấu thông tin liên quan đến máy bay tàng hình J20 nhân chuyến viếng thăm của ông Robert Gates.
Tiềm năng thực thụ của quân đội Trung Quốc
Nói như vậy thì Bắc Kinh đã hiện đại hóa lực lượng quân sự đến mức nào ?
Theo Le Figaro, ngoài máy bay tiêm kích tàng hình, Trung Quốc còn dự tính chế tạo 4 chiếc hàng không mẫu hạm với trọng lượng 60 ngàn tấn từ đây cho đến 10 năm tới. Nhưng theo ông Robert Willard, đô đốc hạm đội Thái Bình Dương, Trung Quốc có thể cho ra lò chiếc hàng không mẫu hạm đầu tiên kể từ năm 2012.
Vào năm 1998, Bắc Kinh đã mua lại một chiếc hàng không mẫu hạm của Ukraina, đem về sửa chữa tại cảng Đại Liên và dùng tàu này để cho phi công tập dượt.
Đáng quan tâm hơn nữa, theo Le Figaro, là Trung Quốc sắp hoàn chỉnh loại tên lửa có khả năng bắn chìm hàng không mẫu hạm. Điều đó có thể răn đe trực tiếp các hạm đội triển khai trong vùng biển Thái Bình Dương. Đây là một tên lửa đạn đạo có tầm bắn hơn 1500 cây số, cải tiến từ loại tên lửa Đông Phương 21-D đời mới.
Cuối năm qua, Bắc Kinh đã phóng lên không gian rồi đưa vào quỹ đạo 5 chiếc vệ tinh nhân tạo (Yaogan). Theo các chuyên gia, các vệ tinh này là nhằm để điểu khiển tên lửa bắn trúng mục tiêu, và như vậy để nâng cao độ chính xác của loại vũ khí này một khi được phóng ra.
Trong năm qua, ngân sách quốc phòng do Trung Quốc công bố lên đến 80 tỷ đôla và cứ mỗi năm tăng khoảng 15%. Đó là số liệu chính thức, nhưng theo chuyên gia Ralph Cossa, thuộc Viện nghiên cứu chiến lược và quan hệ quốc tế, ngân sách mà Bắc Kinh dành để hiện đại hóa quân sự có thể cao hơn nhiều : từ gấp 3 đến gấp 4 lần.
Theo các nhà quan sát, sự minh bạch của Trung Quốc chỉ mang tính tương đối. Trong lãnh vực thông tin quốc phòng, chính quyền Bắc Kinh không bao giờ muốn lộ tẩy.
|